Chuyện về người Cựu chiến binh năm xưa.

Thứ tư - 03/12/2014 23:29

Chuyện về người Cựu chiến binh năm xưa.

          Trong buổi tọa đàm kỷ niệm 54 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát do Viện KSND Tỉnh tổ chức (1960-2014), chúng tôi may mắn được gặp lại các đồng chí cán bộ ngành Kiểm sát Cao Bằng đã nghỉ hưu, được nghe các đồng chí kể lại rất nhiều câu chuyện về con người, về lịch sử của ngành…Qua những câu chuyện kể, chúng tôi mới được biết về “Anh” - Một Cựu chiến binh đã từng nhiều năm tham gia quân đội, sau này chuyển ngành và trở thành người đồng nghiệp, người “Anh” rất gần gũi, thân quen của thế hệ trẻ chúng tôi. Người mà chúng tôi muốn nhắc đến trong câu chuyện này chính là đồng chí Hoàng Ích Sương – Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia Tỉnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cao Bằng.
 

 
Đồng chí Hoàng Ích Sương , Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia Tỉnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cao Bằng.
 
          Đồng chí Hoàng Ích Sương sinh năm 1948 tại xã Ngọc Động, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước đang tạm thời hai miền chia cắt, năm 1966 khi đang là học sinh Trường cấp 2 Đống Đa, Ngọc Động (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) anh thanh niên người dân tộc Tày đã tạm gác lại những ước mơ của tuổi trẻ, tình nguyện nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền đất nước và tham gia khóa Huấn luyện tân binh tại Sư 250 thuộc Quân khu Việt Bắc, đóng tại Yên Thế, Hà Bắc (Bắc Giang ngày nay).
Kết thúc 3 tháng huấn luyện, đồng chí đã được tổ chức phân công, cử đi học lớp “Chuyên ngữ - Tiếng Anh” và trở thành Học viên - Chiến sĩ Đoàn 17 Cục tuyên huấn, Tổng cục chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1969 kết thúc khóa học đồng chí đến nhận nhiệm vụ tại “Trại tù hàng binh lính thủy đánh bộ Mỹ”  đóng tại huyện Chương Mỹ, Hà Tây (Hà Nội ngày nay) với nhiệm vụ quản lý và giáo dục các hàng binh là Lính thủy đánh bộ Mỹ trong chiến trường Miền Nam. Công việc thật khó khăn cộng thêm sự bất đồng ngôn ngữ, người  chiến sĩ - phiên dịch viên “bất đắc dĩ” đã rất cố gắng và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu, cảm phục. Đến tháng 2/1971, đồng chí được điều động đến nhận nhiệm vụ tại “Trại giam phi công Mỹ” tại Ngã tư Sở, Hà Nội. Chiến tranh ngày càng ác liệt, “Trại giam phi công Mỹ” được sơ tán đến xã Vân Trình, Thạch An, Cao Bằng. Bao gian nan, vất vả trong quá trình di chuyển cùng với việc phải bảo đảm an toàn, bảo đảm công tác giáo dục đối với tù binh… đồng chí đều đã cố gắng để vượt qua. Tháng 12/1972, sau 12 ngày đêm cho máy bay B52 ném bom rải thảm Hà Nội, Hải Phòng mà không đạt được mục tiêu đã định, chính phủ Hoa Kỳ buộc phải chấm dứt ném bom quay lại đàm phán và ký kết Hiệp định Paris, “Trại giam phi công Mỹ” từ nơi sơ tán được chuyển về Hỏa Lò, Hà Nội và cũng tại đây, ngày 23/2/1973 đồng chí Hoàng Ích Sương đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ những người đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
          Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, các tù binh được trao trả về Mỹ. Đến ngày
29/3/1973, người tù binh cuối cùng trong “Trại giam phi công Mỹ” đã rời Việt Nam. Nhiệm vụ “quản giáo” kết thúc và tháng 9/1973, đồng chí được cử đi học “Chuyên ban” 3 môn Văn học, lịch sử, địa lý trong thời gian 9 tháng tại Trường văn hóa Đoàn 564 Quân khu Tả Ngạn tại Đồi Ngô, Hà Bắc (Bắc Giang ngày nay). Ra trường trở về đơn vị cũ với quân hàm Thượng sĩ, theo tiếng gọi của quê hương, tháng 10/1974 đồng chí chuyển ngành về công tác ở Phòng Khiếu tố,Viện KSND tỉnh Cao Bằng và được cử đi học tại trường Trung cấp Kiểm sát Trung ương đến năm 1977 thì ra trường quay trở về công tác, đến tháng 8/1978 đồng chí được bổ nhiệm là Kiểm sát viên trung cấp, Viện KSND Tỉnh.
Tưởng rằng chiến tranh đã kết thúc, “Anh bộ đội cụ Hồ” chuyên tâm trên mặt trận bảo vệ công lý, nhưng do tình hình Biên giới Việt - Trung có diễn biến phức tạp, tháng 10/1978 đồng chí được Tỉnh ủy Cao Bằng cử đi làm cán bộ tăng cường tại xã Hồng Đại, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Với nhiệm vụ là cố vấn cho Đảng ủy, chính quyền xã, đồng chí đã chủ động tham mưu nắm tình hình, đề xuất với Đảng ủy, chính quyền xã tổ chức xây dựng phát triển lực lượng dân quân ở các xóm vừa sản xuất vừa luyện tập quân sự và xây dựng hậu cứ; có phương án chiến đấu tại chỗ, có kế hoạch sơ tán bảo vệ nhân dân khi có chiến sự xảy ra. Tháng 2/1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra đồng chí đã cùng với Đảng ủy, chính quyền xã lãnh đạo các lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quê hương, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, hướng dẫn nhân dân sơ tán vào hậu cứ an toàn, chỉ đạo trực tiếp lực lượng dân quân kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn chiến đấu bẻ gãy các cuộc tấn công của địch. Sau chiến sự đồng chí lại tiếp tục cùng Đảng ủy xã, chính quyền cơ sở chỉ đạo các lực lượng tuần tra canh gác đảm bảo an toàn trong khu vực, giúp đỡ nhân dân đảm bảo ổn định cuộc sống. Hoàn thành nhiệm vụ tăng cường cơ sở và quay trở lại công tác tại đơn vị cũ, tháng 5/1980 đồng chí được tổ chức được cử đi học lớp Chuyên tu 3 tại Trường Cao Đẳng kiểm sát tại Hà Đông, Hà Nội đến năm 1983 thì ra trường về công tác tại Viện KSND tỉnh Cao Bằng. Năm 1989 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cao Bằng cho đến lúc về hưu theo chế độ vào năm 2008.
           42 năm công tác liên tục, trải qua rất nhiều khó khăn và được giao đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng nhưng đồng chí Hoàng Ích Sương đã luôn phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ và được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Huân chương chiến sĩ vẻ vang; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và rất nhiều Bằng khen, Giấy khen của Viện KSND Tối cao, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng. Hôm nay, dù đã được Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ nhưng với tinh thần của “Anh bộ đội Cụ Hồ” đồng chí vẫn sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới là Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia tỉnh Cao Bằng các nhiệm kỳ 2008-2013, 2013-2018.
           Được biết chuyện về đồng chí Hoàng Ích Sương, được nghe những câu chuyện kể của các thế hệ cha anh đi trước, chúng tôi là những cán bộ đang công tác trong ngành Kiểm sát Cao Bằng, thế hệ đang được hưởng những thành quả mà cha anh để lại thấy thật tự hào và rất khâm phục. Chúng tôi sẽ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hết mình trong công việc để góp phần phục vụ sự nghiệp bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa… để xứng đáng là người cán bộ ngành Kiểm sát, cũng là để xứng đáng với công sức mà tất cả thế hệ cha, anh đã bỏ ra trong nhiều năm phấn đấu để xây dựng nên ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng ngày nay.
 
(Thúy Loan – Ghi theo lời kể của đồng chí Hoàng Ích Sương)

Nguồn tin: VKSND tỉnh Cao Bằng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 212 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 239 | lượt tải:62

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 214 | lượt tải:37
Liên kết website
Lịch năm 2024
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập23
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm16
  • Hôm nay4,283
  • Tháng hiện tại173,225
  • Tổng lượt truy cập713,377



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây