Kỹ năng kiểm sát giải quyết vụ án “giết người” không quả tang

Thứ năm - 09/08/2018 04:35
(kiemsat.vn) Các vụ án giết người xảy ra trong trường hợp không quả tang luôn là các vụ án khó, phức tạp. Bài viết sau đây đề cập đến một số kỹ năng kiểm sát giải quyết các vụ án giết người không quả tang được rút ra từ một vụ án “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” ở tỉnh B.
Tóm tắt nội dung và quá trình giải quyết vụ án:

Ban ngày, trong khi hai em gái (một em 11 tuổi và một em 12 tuổi) đang mót sắn trên rẫy, một thanh niên đến dụ dỗ em 12 tuổi lên xe máy rồi chở em đến một vườn có nhiều cây cối, sau đó em không trở về.



Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)

Khi mọi người đi tìm tại khu vườn thấy em đã chết. Giám định kết luận em bị hiếp dâm và bị giết. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã bắt giam, khởi tố, điều tra, xét xử L.B. M, người đã chở em vào khu vườn trên về hai tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”.

Vụ án được xét xử nhiều lần nhưng Tòa án đã ra các bản án rất khác nhau. Lần kết án thứ nhất, Tòa án tuyên tử hình bị cáo. Bản án này có đơn kêu oan của cha bị cáo, bị Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm, ra quyết định hủy án để điều tra lại.

Lần kết án thứ hai, Tòa án tuyên bị cáo này không phạm tội. Lý do Bản án bị Quyết định giám đốc thẩm hủy: Có nhiều mâu thuẫn giữa lời khai của bị cáo và lời khai của nhân chứng, có một số vi phạm luật tố tụng hình sự khi khám nghiệm hiện trường, thu giữ, bảo quản vật chứng… Vụ án này còn phải tiếp tục giải quyết qua nhiều “công đoạn” nữa với nhiều ý kiến trái chiều.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, đã đủ chứng cứ kết tội bị cáo. Ý kiến thứ hai cho rằng, bị cáo không phạm tội vì chỉ kết tội bị cáo dựa trên lời nhận tội của bị cáo và lời nhận tội này không khách quan vì có biểu hiện mớm cung, bức cung, có nhiều vi phạm trong quá trình điều tra. Một câu hỏi nữa cũng đặt ra ở đây là tại sao một bị cáo phạm liền một lúc hai tội là “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”, nếu đúng là bị cáo gây án thì sao lại không xử phạt bị cáo mức án tử hình theo luật định mà chỉ xử phạt tù chung thân như bản án sau cùng đã tuyên, phải chăng là để “chữa cháy”, để dừng lại ở “ngưỡng an toàn, dung hòa các bên”?

Một số kinh nghiệm:

Qua việc giải quyết vụ án này, để hạn chế đến mức thấp nhất sai sót, vi phạm trong giải quyết án hình sự về tội “giết người”, chúng tôi xin nêu một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết loại án “giết người” không quả tang như sau:

– Trước hết, phải xác định có vụ án “giết người” xảy ra hay không? Điều này đòi hỏi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải làm rõ những vấn đề quy định trong Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003.

Khi đã xác định rõ có vụ án “giết người” xảy ra thì tập trung làm rõ các căn cứ xác định thủ phạm, người phạm tội, dựa trên các yếu tố: Nghi can có mặt tại hiện trường hoặc có tiếp xúc với nạn nhân vào thời điểm xảy ra vụ án hoặc trước khi nạn nhân bị giết không? Phải thông qua các dữ liệu điện tử và các chứng cứ khác, lời khai của người bị tình nghi, của nhân chứng, các dấu vết, vật chứng còn để lại ở hiện trường, thu được qua khám xét hoặc thu giữ được mà có dấu vết hoặc có liên quan đến thủ phạm. Lời khai của người bị hại (trong trường hợp người bị hại còn sống), các kết luận giám định, các biên bản thu giữ vật chứng, nhận dạng…, các tài liệu xác định tuổi, năng lực hành vi của nghi can…

Khi đã có đủ căn cứ để xác định đối tượng gây án thì tiến hành khởi tố bị can, bắt tạm giam bị can để điều tra. Quá trình kiểm sát việc điều tra, lập hồ sơ để truy tố, xét xử người phạm tội, Kiểm sát viên cần làm rõ các vấn đề “cốt lõi” sau đây:

– Tại các lời khai, bản tự khai, bản cung của mình, bị can có thừa nhận hành vi “giết người” hay không? Lời khai nhận tội này có khách quan và có phù hợp với các chứng cứ khác hay không? phù hợp với hiện trường, dấu vết, vật chứng, kết luận giám định, với các nhân chứng khác… hay không? Điều này là rất quan trọng.

– Hiện trường thể hiện vị trí tấn công ở đâu? Các dấu vết cơ học, sinh học để lại là gì? Tử thi và trên cơ thể bị can có các dấu vết gì? Vụ án có một hiện trường hay nhiều hiện trường, có hiện trường vụ tấn công hay chỉ là hiện trường giả, hiện trường giấu xác? Cho bị can vẽ lại hiện trường, vẽ lại quá trình di chuyển của bị can đến hiện trường, ở lại hiện trường và tẩu thoát, thời gian tiêu thụ cho quá trình này?

– Vật chứng thu được là gì? Thủ phạm “thừa nhận” đã dùng hung khí, vũ khí, loại vật chất nào là để tước đoạt sinh mạng nạn nhân? Bị can có vẽ lại được các hung khí, vũ khí này không? Bản ảnh tại hiện trường có thể hiện được các vật chứng này không? Nguồn gốc các vật chứng đó? Nếu bị mất thì phải làm rõ lý do mất, hủy, nơi bị mất, bị hủy vật chứng, yêu cầu bị can vẽ lại sơ đồ nơi cất giấu, tiêu thụ, hủy vật chứng… Cũng rất cần cho bị can mô tả đặc điểm bản thân và của nạn nhân khi có sự tấn công, tác động.

– Vụ án do một hay nhiều người gây ra? các hành vi thuê, giúp sức, che giấu tội phạm (nếu có) là gì?

– Cho thực nghiệm điều tra, để bị can diễn lại, thể hiện lại tư thế tấn công nạn nhân, ví dụ, nếu nạn nhân bị tấn công bằng 3 nhát dao ở các vị trí khác nhau trên cơ thể, thì các nhát dao này được thực hiện ở các tư thế nào? (tư thế của nạn nhân và bị can), ở các vị trí nào trên hiện trường? Thời gian diễn ra việc tấn công? Thời gian di chuyển của bị can từ điểm xuất phát đến nơi tấn công và tẩu thoát, từ đó xác định có thời gian tiêu thụ vào vụ gây án? Vị trí, hành vi của các bị can đồng phạm? Thời tiết, ánh sáng tại hiện trường lúc xảy ra vụ án?

– Lời khai của nhân chứng, của người bị hại (trong trường hợp người bị hại không chết) có phù hợp với các chứng cứ khác không? Có chi tiết nào cường điệu hoặc không logic?

– Kiểm sát kết luận giám định phải làm rõ nguyên nhân dẫn đến nạn nhân chết, thời gian nạn nhân chết, chết trên cạn hay ở dưới nước…; các vật, hung khí, vũ khí nào, một hay nhiều loại gây ra cái chết này. Việc trưng cầu giám định và thực hiện giám định cần tiến hành khẩn trương, tránh để thời gian hủy hoại các vật phẩm… Vũ khí, chất độc nghi làm nạn nhân chết cũng cần được giám định, cả về đường đạn, cơ chế gây ra cái chết của nạn nhân…

– Độ tuổi, nhân thân, năng lực trách nhiệm hình sự của bị can cũng cần đi sâu làm rõ. Nếu bị can có bệnh ảnh hưởng đến khả năng nhận thức phải kết luận rõ: Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi nguy hiểm bị can có bị bệnh tâm thần hay không? Với loại bệnh đó bị can được miễn hay chỉ được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đánh giá quá trình mắc bệnh, đề phòng tình huống giả bệnh tránh án. Vấn đề này rất quan trọng, nhất là trong các vụ án giết người thân, giết người mà không rõ nguyên nhân, động cơ. Nếu vấn đề nào chưa rõ cần trưng cầu giám định lại hoặc yêu cầu giám định viên có văn bản giải thích.

– Khi giữa lời khai của bị can, nhân chứng, bị hại (trường hợp người bị hại còn sống) có mâu thuẫn, phải thực hiện đối chất. Trong trường hợp xuất hiện các yếu tố khác hỗ trợ thì cần cho nhận dạng hình ảnh, âm thanh. Cũng có thể yêu cầu bị can nhận dạng người, vật chứng và có thể nhận dạng qua ảnh…

– Động cơ gây án, nguyên nhân, điều kiện phạm tội là gì? Mối quan hệ giữa bị can và nạn nhân? Có dự mưu hay chỉ do mâu thuẫn nhất thời.

– Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can; lỗi của nạn nhân hoặc người bị hại, chứng cứ nào xác định bị can vô tội? Tuổi, thiệt hại của người bị hại? Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị can đối với người và gia đình người bị hại, vấn đề này cũng cần dựa vào kết luận giám định, định giá tài sản và lời khai từ phía người bị hại…

– Tính khách quan, đúng đắn của quá trình điều tra như hỏi cung và các hoạt động điều tra khác? Có biểu hiện mớm cung, dụ cung, nhục hình, truy bức… buộc bị can khai sai sự thật hay không? động cơ nhận tội của bị can là gì? Nếu vụ án có đông bị can hoặc đông người tham gia, giữa bị can và các nghi can khác có mối quan hệ gia đình, họ hàng… thì cần làm rõ có việc nhận tội thay hay không? Ai nhận tội thay cho ai, thời gian, địa điểm, nhân chứng… xác định điều này?

– Các văn bản quy phạm pháp luật cần áp dụng để xử lý hành vi phạm tội của bị cáo là gì, các văn bản này quy định về tội danh, điều khoản, khung hình phạt nào là phù hợp? Thời hiệu, hiệu lực của các văn bản đó? Có tình tiết nào để loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cho bị can, bị cáo không?

Kiểm sát viên luôn luôn phải thực hiện “kiểm sát điều tra từ đầu”, nêu yêu cầu điều tra, dự nghe cung để góp ý với Điều tra viên, hỏi cung cùng Điều tra viên, trực tiếp hỏi cung, lấy lời khai để phát hiện vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án và đề xuất áp dụng các biện pháp mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, bảo đảm xử lý chính xác vụ án, không để xảy ra oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Ở các giai đoạn, yêu cầu đặt ra là phải truy tìm, củng cố, đánh giá chứng cứ cả trên chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm đạt được bản chất thật, tính thống nhất, liên quan của các chứng cứ, đề phòng tình huống chối tội, phản cung, kêu oan sau này. Việc nắm chắc hệ thống chứng cứ, cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chuẩn bị kỹ kế hoạch thẩm vấn, tranh luận trước Tòa án là yếu tố bảo đảm cho Kiểm sát viên tranh tụng thành công.

Tội danh “giết người” chỉ đặt ra khi xác định bị can (bị cáo) cố ý tước đoạt sinh mạng của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân bị tấn công mà không chết thì thuộc trường hợp “lỗi cố ý không xác định”, thông thường, hậu quả đến đâu xử lý đến đó. Nếu có hành vi tấn công, có hậu quả nhưng không chết người, không đủ yếu tố để kết luận bị can có lỗi cố ý tước đoạt sinh mạng người bị hại thì chỉ xử lý về tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác”, khi có lỗi cố ý tước đoạt sinh mạng nhưng nạn nhân không chết thì phạm tội “giết người” nhưng chưa đạt.

Chỉ áp dụng án tử hình – mức hình phạt cao nhất khi thuộc trường hợp Luật định, khi hệ thống chứng cứ đủ, rõ để khẳng định 100% rằng bị cáo cố ý tấn công, tác động vật chất làm chết nạn nhân. Nếu vụ án vừa có các chứng cứ kết tội bị cáo, vừa có (một số ít) chứng cứ xác định bị cáo vô tội thì áp dụng mức hình phạt phù hợp, thường là dưới mức án cao nhất. Đó là kết luận của lãnh đạo liên ngành tư pháp Trung ương rút ra khi thẩm định vụ án “giết người”, “hiếp dâm trẻ em” ở tỉnh B nêu trên. Tại bản án cuối cùng, tuy việc điều tra lại không thu được các chứng cứ mới, nhưng bị cáo L.B.M đã bị kết án tù chung thân vì các chứng cứ kết tội bị cáo nhiều hơn chứng cứ xác định bị cáo vô tội, chẳng hạn, lời nhận tội của bị cáo là khách quan, phù hợp với nhiều chứng cứ khác, có nhân chứng trực tiếp nhìn thấy bị cáo chở nạn nhân bằng xe máy vào khu vườn ngay trước khi em bị giết và bị hiếp dâm. Tuy có một số sai sót, vi phạm trong quá trình điều tra (như đã nêu ở phần trên) nhưng những sai sót, vi phạm này không làm ảnh hưởng đến bản chất vụ án.

Tác giả: Đỗ Xuân Tựu VKSND tối cao TCKS số 13/2017

Nguồn tin: Kiemsat.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 158 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 148 | lượt tải:42

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 140 | lượt tải:25
Liên kết website
Lịch năm 2024
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay4,299
  • Tháng hiện tại186,428
  • Tổng lượt truy cập519,831



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây