Phóng viên: Kính thưa đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; xin đồng chí Viện trưởng cho biết những kết quả nổi bật của ngành Kiểm sát nhân dân đã đạt được trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và Nghị quyết số 37/2012/QH13 về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 do Quốc hội ban hành?
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Nghị quyết số 37 của Quốc hội là Nghị quyết quan trọng, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, bảo vệ cuộc sống thanh bình cho nhân dân. Là Nghị quyết của Quốc hội thì được xem là luật đối với cả hệ thống chính trị chứ không chỉ đối với các cơ quan tư pháp. Chủ thể để thực hiện Nghị quyết quan trọng này bao gồm toàn dân, các cấp chính quyền, đặc biệt là các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời phỏng vấn Truyền hình Kiểm sát nhân dân
Quá trình thực hiện, qua tổng kết công tác năm 2013, những kết quả chính đạt được, trước hết là 4 chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết số 37 giao cho ngành Kiểm sát đã được Ngành tổ chức thực hiện đạt và vượt so với yêu cầu. Có những chỉ tiêu đều vượt với tỷ lệ khá cao như 100% các vụ án hình sự đều đã được kiểm sát ngay từ đầu khi khởi tố vụ án; tỷ lệ các vụ án được truy tố đúng tội danh, đảm bảo đúng thời gian, đúng thời hạn đều đạt được yêu cầu của Nghị quyết số 37... Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các ngành khác như Công an, Tòa án để góp phần thực hiện những chỉ tiêu giao cho các ngành này. Ví dụ: Đối với ngành Tòa án thì đã cùng với ngành Tòa án khắc phục tình trạng xử lý án tham nhũng, án kinh tế, án treo tỉ lệ cao; đã phối hợp xây dựng và ký kết các thông tư hướng dẫn về việc áp dụng các tình tiết để xử lý án treo đối với các vụ án, trong đó có các vụ án tham nhũng, án kinh tế. Cho nên tỉ lệ án treo đối với loại án này trong năm 2013 giảm đáng kể. Đối với Cơ quan điều tra, chúng tôi đã phối hợp để thực hiện chỉ tiêu của Quốc hội giao cho Cơ quan điều tra là phải giải quyết tốt các tin báo, tố giác về tội phạm. Có thể nói tỉ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm của Cơ quan điều tra nâng lên rất rõ rệt. Nửa cuối năm 2013, liên ngành Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Quốc phòng đã ký Thông tư số 06 để hướng dẫn thực hiện một số điều trong Bộ luật Tố tụng hình sự về giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để giúp cho các Điều tra viên, giúp các cơ quan Công an, Viện kiểm sát giải quyết tốt hơn các tin báo tội phạm.
Một thành công nữa khi thực hiện Nghị quyết số 37, là chúng tôi đã tập trung khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà Nghị quyết đã chỉ ra trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan tư pháp trong thời gian trước năm 2013, như: Đã giải quyết rất đáng kể tình trạng các vụ án kinh tế, tham nhũng kéo dài; đã tập trung giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt vào cuối năm, nhiều vụ án tham nhũng lớn, kinh tế lớn đã được kết thúc điều tra, hoàn tất hồ sơ và cáo trạng chuyển ra truy tố và việc giải quyết những vụ án này được dư luận đánh giá cao.
Phóng viên: Đồng chí Viện trưởng vừa nêu trong năm qua, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo giải quyết nhiều vụ án hình sự, kinh tế lớn. Vậy xin đồng chí cho biết rõ thêm quan điểm của Lãnh đạo Viện trong việc giải quyết các vụ án đó như thế nào?
Phóng viên Truyền hình Kiểm sát nhân dân
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Đây cũng là nội dung theo yêu cầu của Nghị quyết số 37. Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế, dư luận xã hội quan tâm rất nhiều đến các vụ án tham nhũng lớn, vụ án kinh tế lớn; quan điểm của chúng tôi là phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra, cơ quan xét xử để giải quyết dứt điểm trong thời gian sớm nhất các vụ án tham nhũng. Việc xử lý các vụ án này phải rất chắc chắn, nghiêm minh, không loại trừ một trường hợp nào. Nếu có hành vi phạm tội thì phải đưa ra xét xử.
Thông qua việc giải quyết các vụ án này để khẳng định quyết tâm của Đảng, của Nhà nước trong việc triển khai đấu tranh chống tham nhũng, góp phần làm tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt trong mặt trận phòng chống tham nhũng. Đương nhiên, đối với các vụ án này cũng phải thấy, thường là các vụ án rất khó, có nhiều đối tượng; đối tượng phạm tội cũng là những người có kinh nghiệm, cho nên yêu cầu đặt ra phải nghiêm, phải công tâm, khách quan, phải chắc chắn để chống sai sót có thể có trong các vụ án này.
Phóng viên: Năm 2013 là một năm rất thành công đối với ngành Kiểm sát, xin đồng chí cho biết, đối với công tác xây dựng ngành thì chỉ đạo của Viện trưởng cũng như Lãnh đạo Viện tập trung vào những nội dung then chốt nào?
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Có thể nói, bên cạnh việc thực hiện chức năng nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp thì ngành Kiểm sát nhân dân đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng và xây dựng Ngành. Trước hết, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về các cuộc vận động xây dựng Đảng, chống suy thoái trong tổ chức Đảng. Qua kiểm điểm cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Có những địa chỉ cụ thể cần phải khắc phục thì chúng tôi cũng đã khắc phục được. Một số VKS địa phương yếu về cán bộ thì cũng đã tập trung củng cố bằng công tác cán bộ. Các cuộc vận động xây dựng Ngành như “xây dựng người Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” đã được toàn Ngành tham gia với nhiều hình thức sáng tạo và sôi động. Kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động nghiệp vụ, trong công vụ cũng đã được tăng cường.
Theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã triển khai hệ thống thanh tra, kiểm tra đến tận Viện kiểm sát các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, củng cố lực lượng này tại VKSND tối cao và mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng thanh tra, không chỉ có thanh tra giải quyết đơn thư khiếu nại mà còn có thanh tra về nghiệp vụ, có thanh tra về công vụ, có kiểm tra về lễ tiết, tác phong để giữ gìn hình ảnh của người cán bộ Kiểm sát.
Một trong những thành công của năm 2013 là chúng tôi đã đổi mới công tác đào tạo trong ngành. Điểm nổi bật nhất là chúng tôi được Quốc hội, được Chính phủ cho phép thành lập Trường Đại học Kiểm sát và đã tuyển sinh khóa 1 Cử nhân Luật chuyên ngành Kiểm sát của Đại học Kiểm sát. Chúng tôi cũng đã hợp tác với các cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát và cơ quan công tố của một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Úc... gửi những cán bộ trẻ, có năng lực, có trình độ kỹ năng, ngoại ngữ đi đào tạo để tạo nguồn. Trong công tác đào tạo, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc tự đào tạo thông qua các vụ án cụ thể và đang đặt ra một chỉ tiêu mỗi Kiểm sát viên phải có một phiên tòa rút kinh nghiệm. Kiểm sát viên nào mà không có phiên tòa rút kinh nghiệm này thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều địa phương có những Kiểm sát viên đã có nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm, thậm chí tính chất rất phức tạp; có những phiên tòa được rút kinh nghiệm trong phạm vi toàn quốc. Qua các phiên tòa này, Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa tự rèn luyện khả năng tranh tụng của mình trước phiên tòa. Những người tham gia là đồng nghiệp, những Kiểm sát viên khác qua phiên tòa đó cũng tự rút kinh nghiệm từ những cái được, cái chưa được của phiên tòa để tự nâng cao bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm của mình. Một thành công nữa trong xây dựng ngành là chúng tôi cũng đã tăng cường được nguồn lực, kể cả nhân lực, vật lực cho toàn Ngành, góp phần giảm bớt áp lực do khối lượng công việc tăng đột biến.
Phóng viên Truyền hình Kiểm sát nhân dân
Đối với công tác tuyên truyền trong công tác xây dựng Ngành, với sự hỗ trợ của Bộ Công an, ngành Kiểm sát đã có Chương trình truyền hình riêng trên kênh ANTV. Qua gần một năm phát sóng định kỳ, chất lượng cũng cần được nâng lên và chúng tôi cho đây là một kênh thông tin quan trọng để giới thiệu với công chúng, để cho công chúng hiểu hơn hoạt động của ngành Kiểm sát. Qua đó, giáo dục thêm tình cảm yêu ngành, yêu nghề, trách nhiệm công vụ của các Kiểm sát viên.
Cùng với những thành công trong hoạt động nghiệp vụ thì những thành công trong xây dựng ngành, xây dựng Đảng cũng góp phần làm thay đổi địa vị pháp lý, diện mạo và uy tín của ngành Kiểm sát trong nhân dân.
Phóng viên: Bước sang năm công tác 2014, xin đồng chí cho biết những nội dung quan trọng nhất mà ngành Kiểm sát cần thực hiện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Năm 2014, theo chương trình công tác chúng tôi có 10 nhóm nhiệm vụ cần phải tập trung thực hiện. Có thể nhắc lại một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, chúng tôi phải tập trung triển khai thực hiện Hiến pháp. Theo đó, các thiết chế được ghi trong Hiến pháp cần phải hoàn thiện, bao gồm như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Tòa án và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân... Các bộ luật mà Quốc hội giao cho chúng tôi soạn thảo như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, là hai bộ luật rất quan trọng, là hành lang pháp lý cho hoạt động của Ngành. Thực thi Hiến pháp thì chúng tôi phải hoàn chỉnh hai bộ luật này. Cho đến giờ này, Dự thảo thứ nhất đã xong, đang lấy ý kiến và theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, thì đối với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, tháng 5/2014 sẽ thảo luận lần thứ nhất, nếu không có gì thay đổi thì tháng 10/2014, Quốc hội sẽ thông qua. Bộ luật Tố tụng hình sự thì vào năm 2015 sẽ thông qua. Đây là một việc rất lớn. Triển khai Hiến pháp, trách nhiệm của ngành Kiểm sát phải tổ chức đấu tranh bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ pháp luật, tổ chức đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm. Theo tinh thần mới của Hiến pháp là tinh thần dân chủ, tinh thần tôn trọng và bảo vệ quyền công dân, quyền con người. Có rất nhiều nguyên tắc chi phối hoạt động của ngành Kiểm sát hiện nay đã được hiến định, ví dụ như nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội... đây là những nguyên tắc quan trọng mà Viện kiểm sát cùng với các cơ quan tư pháp khác phải có trách nhiệm thực thi. Đây là một sự đổi mới rất lớn về lĩnh vực tư pháp. Ví dụ như tranh tụng đã được đưa vào Hiến pháp trở thành nguyên tắc hiến định thì Viện kiểm sát với tư cách là một bên tranh tụng thì phải thực hiện; vì vậy đòi hỏi chúng ta, một mặt là phải chuẩn bị về lực lượng, chuẩn bị về mặt kiến thức, chuẩn bị về mặt bản lĩnh, chuẩn bị trước mỗi một vụ án, trước mỗi phiên tòa, đây là đòi hỏi rất lớn.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội như Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 63, đây là những nghị quyết về công tác tư pháp, tập trung cho việc chống oan, chống lọt. Nghị quyết có nhiều nội dung, nhưng đặc biệt là việc chống oan, chống lọt. Đây cũng là đòi hỏi cải cách tư pháp, cũng là đòi hỏi của xã hội, đòi hỏi của nhân dân đối với việc giải quyết các vụ án.
Thứ ba, toàn ngành tập trung cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, trong đó đặc biệt là việc cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách hành chính tư pháp để phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Chúng tôi có những chương trình kể cả hình thức và nội dung để làm sao phục vụ tốt hơn yêu cầu của nhân dân. Ví dụ, bây giờ cần có dự án thay đổi lại toàn bộ hệ thống tiếp dân, giải quyết đơn thư, trang bị lại, bố trí những cán bộ có năng lực, bồi dưỡng thêm về phương pháp và thái độ, đặc biệt là hiệu quả giải quyết đơn thư phải tốt hơn.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí Viện trưởng!
Nhóm phóng viên
Truyền hình Kiểm sát nhân dân
(thực hiện)