VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 16/HD-VKSTC-TKTP Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2014
HƯỚNG DẪN
Công tác thống kê và công nghệ thông tin năm 2014
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2014 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2014, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin - Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số nội dung cần tập trung năm 2014 như sau:
I. Công tác thống kê
1. Năm 2014 các đơn vị nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát các địa phương (gọi tắt là các đơn vị) thực hiện các loại báo cáo thống kê sau:
- Từ kỳ thống kê tháng 12 năm 2013 áp dụng biểu mẫu thống kê mới ban hành theo Quyết định số 452/QĐ-VKSTC ngày 04/10/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ( áp dụng cho kỳ thống kê tháng; 6 tháng từ ngày 1/12 kỳ thống kê năm trước đến ngày 31/5 của năm thống kê; 12 tháng từ ngày 1/12 kỳ thống kê năm trước đến ngày 31/12 của năm thống kê)
- Từ kỳ thống kê liên ngành tháng 12 năm 2013 sẽ áp dụng biểu mẫu thống kê mới theo Quyết định số 673/QĐ-TKLN ngày 20/12/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Trưởng Ban chỉ đạo về thống kê liên ngành. Thống kê liên ngành sẽ được trích ra từ phần mềm thống kê của Ngành như trước đây. Các đơn vị chỉ làm báo cáo liên ngành hàng tháng, kỳ 12 tháng Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin sẽ tổng hợp trên cơ sở dữ liệu các đơn vị truyền về hàng tháng.
- Thống kê án ma tuý thực hiện theo Quyết định số 436/QĐ-VKSTC-VP ngày 29/9/2011; Thống kê những người mới truy tố thực hiện theo Quyết định số Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-CTKTP ngày 14/02/2012; Thống kê người chưa thành niên phạm tội thực hiện theo Quyết định số 203/QĐ-VKSTC ngày 17/05/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các loại báo cáo này áp dụng cho kỳ 6 tháng (từ 01/01 đến 30/6 của năm thống kê); 12 tháng (từ 01/01 đến 31/12 của năm thống kê).
- VKS các cấp tập trung làm tốt thống kê tội phạm trong giai đoạn xét xử sơ thẩm theo Quyết định số 114/2004/VKSTC-TKTP ngày 19/8/2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện kiểm sát cấp tỉnh có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc lập phiếu nhằm đảm bảo phiếu được lập và truyền về VKSND tối cao kịp thời, chính xác
2. Các đơn vị tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quy chế về thông tin, báo cáo, quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân và các Quy chế của Ngành; gửi đầy đủ, kịp thời các loại báo cáo đúng thời gian lấy số liệu, nội dung và thời hạn gửi báo cáo thống kê. Tổng hợp đầy đủ, quản lý chặt chẽ các số liệu phát sinh trong kỳ, tránh bỏ sót và kiểm tra kỹ số liệu trong báo cáo thống kê trước khi truyền gửi lên cấp trên, nhất là các khâu công tác đang có sự chênh lệch số liệu thống kê như: Kiểm sát tạm giữ, tạm giam; Kiểm sát thi hành án dân sự; Kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự - hôn nhân gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Hành chính... Số liệu giữa báo cáo thống kê gửi về Cục thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin phải có sự thống nhất với số liệu gửi về Văn phòng tổng hợp và các Vụ Nghiệp vụ VKSND tối cao.
3. Tăng cường việc kiểm tra, hướng dẫn đối với công tác thống kê tại các phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát cấp dưới (ít nhất mỗi năm kiểm tra 02 lần đối các phòng nghiệp vụ và Viện kiểm sát cấp huyện). Định kỳ hàng tháng phải tổ chức so sánh, đối chiếu số liệu gửi qua đường truyền dữ liệu với báo cáo bằng văn bản (báo cáo có chữ ký, đóng dấu của Lãnh đạo). Tổng hợp các lỗi và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác thống kê để hướng dẫn, rút kinh nghiệm kịp thời đối với các đơn vị nghiệp vụ và Viện kiểm sát cấp huyện.
4. Tiếp tục quán triệt và thống nhất sử dụng số liệu thống kê là số liệu chính thức để xây dựng các loại báo cáo tổng hợp, báo cáo thi đua, sơ kết, tổng kết, chuyên đề nghiệp vụ…, đồng thời, căn cứ vào số liệu thống kê làm cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện công tác và bình xét các danh hiệu thi đua cho các đơn vị.
5. Các đơn vị gửi báo cáo cáo theo đường công văn về Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin đầy đủ và xếp từng tập riêng gồm : Báo cáo thống kê nghiệp vụ của 2 cấp (không phải gửi riêng từng cấp); Báo cáo thống kê liên ngành của 2 cấp có tiếp ký 3 ngành (không phải gửi riêng từng cấp), phụ lục thống kê liên ngành (không phải tiếp ký); Phụ lục án tử hình; Báo cáo Thống kê án ma tuý; Thống kê những người mới truy tố; Thống kê người chưa thành niên phạm tội để thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý từng loại báo cáo, tránh thất lạc.
II. Ứng dụng công nghệ thông tin
1. Nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin trong đơn vị, chú trọng vào một số hoạt động sau đây:
- Sử dụng trao đổi thông tin giữa các cấp và trong đơn vị như: truyền file, sử dụng thư điện tử, khai thác internet, ứng dụng điện thoại trên internet, quản lý từ xa…
- Sử dụng hiệu quả các ứng dụng: phần mềm quản lý án hình sự, phần mềm thống kê, phần mềm nhân sự, văn bản chỉ đạo điều hành, sổ nghiệp vụ điện tử, khả năng số hóa hồ sơ nghiệp vụ…
- Sử dụng các phần mềm văn phòng trong trao đổi, sửa, phê duyệt…công văn tài liệu.
- Tận dụng hạ tầng và đầu tư hạ tầng hiệu quả để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
- Vận hành và làm chủ các thiết bị công nghệ thông tin: Máy chủ, mạng máy tính, thiết bị họp trực tuyến.
2. Khảo sát, đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp phòng, cấp huyện và tổng hợp báo cáo lên VKSND tối cao làm cơ sở để dánh giá thực trạng công nghệ thông tin trong toàn ngành
3. Quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin hiện có, nhất là hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến; tiếp nhận và triển khai kịp thời các phần mềm mới trong ngành (phần mềm quản lý án hình sự, hệ thống phần mềm thống kê…). Tham gia đóng góp ý kiến đối với các phần mềm trên nhằm hoàn thiện phần mềm.
4. Đối với các Viện kiểm sát địa phương có Viện kiểm sát cấp huyện chưa thực hiện việc truyền số liệu lên cấp trên hoặc có khó khăn trong việc việc truyền số liệu thống kê… cần chủ động hướng dẫn kịp thời để Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện tốt công tác này; trong trường hợp vượt quá khả năng xử lý của Viện kiểm sát cấp tỉnh thì báo cáo về Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để được hỗ trợ để đảm bảo đường truyền dữ liệu được kịp thời, thông suốt từ Viện kiểm sát cấp huyện về Viện kiểm sát cấp tỉnh và lên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
III. Tổ chức - cán bộ
1. Chủ động, kịp thời tuyển dụng và điều động đủ cán bộ theo định biên đã được duyệt; kiện toàn bộ máy thực hiện công tác thống kê và công nghệ thông tin của Viện kiểm sát các cấp theo theo Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 05/11/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bố trí, sắp xếp ổn định các cán bộ làm công tác thống kê và công nghệ thông tin. Đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích động viên đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác thống kê và công nghệ thông tin.
2. Quan tâm và tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương trong việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các trang thiết bị công nghệ thông tin, nhất là hệ thống máy chủ, đường truyền mạng, máy tính phục vụ cho công tác thống kê để bảo đảm hoạt động thường xuyên, thông suốt, phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Trên đây là những nội dung cơ bản về công tác thống kê và công nghệ thông tin năm 2014. Đề nghị các đơn vị nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc cần kịp thời, trao đổi, phản ánh về Cục thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để được giải đáp./.
Nơi nhận: - Lãnh đạo VKSNDTC (để b/c); - VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc TW; - Các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSNDTC; - VKSQS TW; - Văn phòng VKSNDTC; - Các phòng thuộc Cục TKTP;` - Lưu VT, Cục TKTP. | TL. VIỆN TRƯỞNG CỤC TRƯỞNG CỤC THỐNG KÊ TỘI PHẠM VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Trần Văn Trung |