9 nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Chủ nhật - 26/07/2020 23:05
(kiemsat.vn)Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Bộ Luật bổ sung 01 điều, 04 khoản và 04 điểm; sửa đổi, bổ sung 08 điều, 22 khoản và 09 điểm với 09 nội dung mới cơ bản.
Thứ nhất, mở rộng phạm vi của giám định tư pháp

Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng và đáp ứng nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng, phạm vi giám định tư pháp đã được mở rộng theo hướng giám định tư pháp được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành (khoản 1 Điều 2).

Thứ hai, bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp

Để góp phần bảo đảm điều kiện thuận lợi cho giám định viên trong quá trình hoạt động giám định, nhất là tham gia tố tụng, Luật đã bổ sung quy định về cấp, thu hồi thẻ khi bộ nhiệm, miễn nhiệm theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cụ thể (khoản 4 Điều 9).

Thứ ba, thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự

Để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, Luật đã bổ sung quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” ( khoản 1 Điều 12). Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, bên cạnh hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện hành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10/6/2020

Thứ tư, bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và Kiểm toán nhà nước giới thiệu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp.

Để khắc phục bất cập của quy định hiện hành trong việc bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng, ngoài trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận, đăng tải, rà soát, cập nhật danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp.

Đặc biệt, Luật cũng đã bổ sung quy định trong trường hợp đặc biệt, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố (khoản 2 Điều 20). Đây là quy định mới nhằm huy động các chuyên gia có kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cao tham gia hoạt động giám định tư pháp để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung, án tham nhũng, kinh tế nói riêng.

Thứ năm, bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám định và được bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định

Để bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, Luật mới bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của người giám định, trong đó có quyền đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của bản thân hoặc người thân thích của họ và quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa (Điều 23). Đồng thời, để hiện thực hóa quyền này, Luật đã giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định việc bố trí vị trí của người giám định tư pháp khi tham gia phiên tòa.

Thứ sáu, quy định cụ thể hơn cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp.

Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong trưng cầu và thực hiện giám định trong các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan trước khi ban hành Quyết định trưng cầu, đặc biệt trường hợp nội dung giám định của vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn cần xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp (Điều 25).

Thứ bảy, bổ sung quy định về thời hạn giám định: Để khắc phục tình trạng kéo dài thời hạn trong hoạt động giám định của một số vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, ảnh hưởng tới tiến độ xét xử của các vụ ản này, Luật đã quy định thời hạn giám định là 03 tháng, trường hợp có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng trường hợp phải gia hạn thì không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đội Với loại việc đó. Đồng thời, Luật giao trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp quy định thời hạn giám định VIO từng loại việc cụ thể cho phù hợp với tính chất đặc thù và yêu cầu thực tiễn.

Thứ tám, sửa đổi quy định về kết luận giám định theo hướng cụ thể hơn

Để khắc phục một số hạn chế về kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn hiện nay, Điều 32 đã được sửa đổi, bổ sung như theo hướng kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu,  yêu cầu giám định; bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định.

Thứ chín, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp

Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp, Luật đã bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này tại khoản 1 Điều 41; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan thuộc Chính phủ đã được bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý giám định tư pháp ở địa phương (khoản 1 Điều 43).

Vì Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Phòng giám định kỹ thuật hình sự nên cơ quan này có một số nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý tổ chức, người giám định tư pháp (tại khoản 6 Điều 44).

Ngoài vai trò là cơ quan quản lý giám định tư pháp, Bộ Công an còn có nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan điều tra đối với công tác giám định tư pháp và đã được bổ sung tại khoản 2 Điều 42. Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Quốc phòng cũng được sửa đổi, bổ sung tương tự như Bộ Công an (khoản 3 Điều 42).

Để bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được bổ sung, sửa đổi một số trách nhiệm như: (1) ban hành chỉ tiêu thống kê và tổ chức thực hiện thống kê về trưng cầu về giám định tư pháp trong hệ thống của mình và báo cáo Quốc hội trong báo cáo công tác hằng năm, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và Sở Tư pháp, sở, ngành có liên quan ở địa phương; (2) Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp, chi phí tham dự phiên tòa của người giám định trong hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát (Điều 44).

Chủ tịch nước công bố Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Tổ chức thi hành Luật

Để triển khai thi hành Luật kịp thời, hiệu quả, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các hoạt động sau: (1) Xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật và tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật; (2) Xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL; (3) Rà soát các VBQPPL có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới; (4) Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật giám định tư pháp ở các lĩnh vực và có liên quan trong tố tụng; (5) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người giám định tư pháp, người tiến hành tố tụng và cán bộ làm công tác quản lý về giám định tư pháp ở các bộ, ngành và địa phương.

Nguồn tin: Kiemsat.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 556 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1035 | lượt tải:254

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 659 | lượt tải:90
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập532
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm531
  • Hôm nay3,852
  • Tháng hiện tại80,323
  • Tổng lượt truy cập1,922,352



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây