Ngày 22/12/2014, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Viện kiểm sát nhân dân tối cao để nghe Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2014, nhiệm vụ công tác năm 2015. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Giang Sơn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sự Việt Nam; đại diện một số bộ, ngành Trung ương. Về phía ngành Kiểm sát nhân dân tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Lê Hữu Thể, Nguyễn Hải Phong, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Khánh; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự buổi làm việc.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng,
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2014 do đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày tại buổi làm việc đánh giá: Năm 2014, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; số loại án khởi tố tăng1,4% so với năm 2013, trong đó tăng chủ yếu là nhóm tội xâm phạm sở hữu và tội phạm về tham nhũng; các nhóm còn lại, bao gồm: Tội phạm về an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về trật tự an toàn xã hội, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp đều giảm. Một số đối tượng lợi dụng việc người dân biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, đã có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội, gây thiệt hại nghiệm trọng về tài sản cho các doanh nghiệp nước ngoài, tác động xấu đến môi trường đầu tư, phát triển kinh tế nước ta. Về tội phạm tham nhũng, đã phát hiện nhiều vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn tại các ngân hàng, trong thực hiện các dự án lớn của Nhà nước,... nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng, tác động xấu đến môi trường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tội phạm có tính chất “xã hội đen” vẫn diễn ra với thủ đoạn tinh vi hơn, như thông qua hoạt động của các doanh nghiệp để phạm tội. Số vụ án về ma túy tuy bị phát hiện giảm nhưng có quy mô lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng; cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được phát hiện khởi tố tuy có giảm nhưng một số vụ gây bức xúc dư luận xã hội.Các tranh chấp về dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp; một số vụ việc tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Thị Thủy Khiêm
trình bày báo cáo tại buổi làm việc
Năm qua, các cơ quan tư pháp đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về tư pháp và đạt nhiều kết quả tích cực;công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm được tăng cường, nhiều nhóm tội phạm đã được kiềm chế; hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến tốt, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nổi bật là: Công tác điều tra khám phá tội phạm được đẩy nhanh; chất lượng điều tra được nâng lên; việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn ngày càng chặt chẽ, chính xác hơn. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tập trungthực hiện nhiệm vụ hạn chế oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp. Công tác xét xử có nhiều đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đề cao tranh tụng tại các phiên tòa. Việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật chuyển biến tốt hơn. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý nghiêm minh các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ.Hoàn thành tốt nhiệm vụ rà soát, lựa chọn, giới thiệu nhân sự lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia cấp ủy địa phương nhiệm kỳ 2015-2020. Tổ chức thi tuyển tạo nguồn bổ nhiệm chức vụ quản lý, chức danh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm nâng cao chất lượng cán bộ được bổ nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác đàm phán, xây dựng các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự đạt kết quả tích cực; tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác xây dựng pháp luật, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của Ngành. Tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế hối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chức ký Quy chế phối hợp (sửa đổi) và triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Chủ tịch nước và các đại biểu phát biểu tham gia ý kiến về công tác của ngành về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2014. Các ý kiến nhất trí cao với những đánh giá của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng thời tập trung phân tích sâu về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân quá đó nêu các biện pháp khắc phục, tháo gỡ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Viện kiểm sát các cấp trong thời gian tới.
Đại biểu tham dự buổi làm việc
Phát biểu tại biểu làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân đạt được trong năm 2014. Đồng chí Chủ tịch nước nhấn mạnh, qua báo cáo kết quả công tác năm 2014 của ngành Kiểm sát nhân dân, năm qua, ngành Kiểm sát đã bám sát các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết số 37/2012/QH13 và Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốtnhiệm vụ chính trị được giao. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và xây dựng Ngành đạt nhiều kết quả nổi bật, qua đó tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung lựa chọn và thực hiện nhiều nội dung đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Vai trò công tố được đề cao, trách nhiệm công tố được tăng cường, tiến độ và chất lượng giải quyết án được nâng lên, tập trung hạn chế oan sai và chống bỏ lọt tội phạm; tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, thời gian qua, ngành Kiểm sát đã có nhiều biện pháp quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng lớn, phức tạp được Đảng, Quốc hội và dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ; phân loại xử lý, khởi tố, điều tra và xét xử kịp thời các đối tượng lợi dụng việc người dân biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta, để có hành vi gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại về tài sản cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần tích cực ổn định tình hình tại nhiều địa phương; số vụ án trọng điểm, phiên tòa xét xử lưu động đều tăng so với những năm trước, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Tích cực phát hiện, khởi tố điều tra một số vụ án liên quan đến những vi phạm, thiếu sót trong tố tụng hình sự dẫn đến oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2015, Chủ tịch nước chỉ đạo toàn Ngành triển khai có hiệu quả phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra đồng thời thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về tư pháp, đặc biệt là những chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm theo Nghị quyết 37/2012/QH13 và Nghị quyết 63/2013/QH13 của Quốc hội.khẩn trương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) và Nghị quyết số 82/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội đến từng cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành, nhằm tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong nhận thức và hành động, coi đây là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ về tổ chức bộ máy, cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện khác, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong thời kỳ mới. Toàn Ngành tập trung tham mưu cho cấp ủy thực hiện tốt Chỉ thị số 36/CT-TW ngày 26/5/2014 về Đại hội Đảng các cấp, Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 18/8/2014 về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay, Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo và Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị ngày 07/7/2007 về sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đảm bảo mọi tội phạm được phát hiện đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về tư pháp và xây dựng Ngành; tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát nhân dân các cấp theo yêu cầu cải cách tư pháp; thành lập Viện kiểm sát nhân dâncấp cao theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); kiện toàn bộ máy, cán bộ cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương để chuẩn bị thực hiện quy định mới về thẩm quyền điều tra; rà soát, đánh giá, bổ nhiệm, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ có chức danh tư pháp, bảo đảm phù hợp năng lực, sở trường và yêu cầu nhiệm vụ, kết hợp với chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển đào tạo cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý của Ngành, đồng thời lựa chọn, giới thiệu nhân sự lãnh đạo tham gia cấp ủy địa phương nhiệm kỳ tiếp theo. Tiếp tục thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.Tích cực, chủ động hơn trong tham mưu cho các cấp ủy Đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống của nhân dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng toàn ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp năm 2015 và những năm tiếp theogóp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ pháp chế XHCN, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới đất nước và công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Quốc hội và nhân dân.
Trường Giang - Quốc Hưng