Theo quy định trên, Viện kiểm sát ra quyết định tách vụ án khi đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Điều 247 BLTTHS quy định các trường hợp tạm đình chỉ vụ án có quy định trường hợp: Khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can thì tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can.
Thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy, trong vụ án có nhiều bị can nhưng có bị can bỏ trốn trong giai đoạn truy tố thì để đảm bảo việc truy tố đối với các bị can còn lại thì Viện kiểm sát phải ra yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã đối với bị can đã bỏ trốn, khi hết thời hạn truy tố (kể cả gia hạn truy tố) nếu chưa bắt được bị can thì Viện kiểm sát phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can sau đó ra quyết định tách vụ án theo quy định tại Điều 242 BLTTHS.
Ví dụ: Ngày 01/01/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện B, tỉnh BT nhận được kết luận điều tra cùng hồ sơ vụ án đánh bạc (tội nghiêm trọng) có 06 bị can bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Cùng ngày, Viện kiểm sát ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 06 bị can trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày 01/01/2020 đến ngày 19/01/2020 (bằng với thời hạn truy tố tội nghiêm trọng), đến ngày 02/01/2020, qua xác minh xác định bị can L đã bỏ trốn khỏi địa phương nên Viện kiểm sát đã ra yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can. Sau đó Viện kiểm sát ra quyết định gia hạn truy tố trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày 20/01/2020 đến ngày 29/01/2020, đến ngày 30/01/2020, Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can L (theo Điều 247 BLTTHS ), tức Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án sau khi đã hết thời hạn truy tố, sau đó mới được ra quyết định tách vụ án (Điều 242 BLTTHS), như vậy quyết định tách vụ án của Viện kiểm sát sớm nhất cũng chỉ là ngày 30/01/2020 (khi đã hết thời hạn truy tố và đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can).
Quy định này lại mâu thuẩn với quy định tại Điều 240 BLTTHS về thời hạn quyết định truy tố. Theo đó, trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định: Truy tố bị can trước Tòa án; Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can. Theo quy định này thì Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can phải ra trong thời hạn truy tố (theo ví dụ trên thì Viện kiểm sát phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can tối đa không vượt quá ngày 29/01/2020). Mặc khác, khi tách vụ án đối với bị can L thì trong nội dung Cáo trạng truy tố các bị can còn lại phải có phần nhận định việc tách hành vi phạm tội của bị can L sang vụ án khác do bị can đã bỏ trốn chưa bắt được; tuy nhiên, Cáo trạng phải ra trong thời hạn quyết định truy tố - tức phải ra quyết định tách vụ án xong mới ra Cáo trạng, trong khi quyết định tách vụ án theo phân tích trên thì chỉ được ra khi đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can trong trường hợp bị can bỏ trốn lại được ra sau khi hết thời hạn truy tố.
Điều này gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật đối với Viện kiểm sát trong giai đoạn truy tố. Bên cạnh đó, trong hệ thống biểu mẫu tố tụng hiện hành được VKSND tối cao ban hành kèm theo quyết định số 15 ngày 09/01/2018 lại không có biểu mẫu nào về tách vụ án dẫn đến Viện kiểm sát các địa phương phải tự thiết kế biểu mẫu hoặc sử dụng lại mẫu của Cơ quan điều tra nên mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu mẫu không thống nhất.
Một vấn đề còn gây khó hiểu khi Viện kiểm sát ra quyết định tách vụ án theo quy định tại Điều 242 BLTTHS là Viện kiểm sát ra quyết định tách vụ án khi “đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can”. Theo quy định trên thì chỉ cần Viện kiểm sát ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can L thì sẽ ra quyết định tách vụ án mà không cần ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì thực tế vụ án vẫn được truy tố bằng Cáo trạng đối với các bị can còn lại, trường hợp này chỉ có thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với vụ án đã được tách ra từ bị can L (vụ án đánh bạc đối với bị can L đã được tách ra).
Một vấn đề còn bất cập trong giai đoạn truy tố là biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn gia hạn truy tố. Theo quy định tại Điều 23 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT -VKSNDTC - BCA - BQP ngày 19/10/2018 của VKSND tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về khởi tố, điều tra, truy tố có quy định: Khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố mà thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm của bị can đã hết thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra lệnh, quyết định mới... Thời hạn áp dụng các lệnh, quyết định mới của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đối với các bị can không quá thời hạn gia hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố.
Như vậy, trong vụ án trên thì Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các bị can không được quá thời hạn gia hạn truy tố - tức không quá ngày 29/01/2020. Tuy nhiên, tại Điều 244 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng, Viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày”. Như vậy, nếu trường hợp Viện kiểm sát ra Cáo trạng trùng vào ngày cuối cùng của thời hạn gia hạn truy tố (ngày 29/01/2020) nhưng đến 10 ngày sau mới tống đạt được Cáo trạng cho bị can, giả sử ngày 08/02/2020 Viện kiểm sát mới tống đạt được Cáo trạng cho bị can và chuyển hồ sơ đến Tòa án cùng ngày thì thời hạn trên (từ ngày 29/01/2020 đến ngày 08/02/020) nếu bị can đi khỏi nơi cư trú thì Viện kiểm sát có được thay đổi biện pháp ngăn chặn hay không (ví dụ như bắt bị can để tạm giam) vì bị can hoàn toàn không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú trong khoản thời gian này.
Qua thực tiễn áp dụng pháp luật như trên, mong muốn nhận được những giải đáp nghiệp vụ và đề nghị VKSND tối cao ban hành bổ sung biểu mẫu tách vụ án trong giai đoạn truy tố vào hệ thống biểu mẫu tố tụng ngành KSND để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
Tác giả: Nguyễn Văn Khánh/ VKSND huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
Nguồn tin: (kiemsat.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 570 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1074 | lượt tải:265QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 671 | lượt tải:91