Nội dung mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và việc triển khai thực hiện trong ngành Kiểm sát nhân dân

Thứ năm - 06/06/2019 04:50
(kiemsat.vn) Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2018. Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13.

Kiểm sát online xin giới thiệu những nội dung mới cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và những vấn đề cần lưu ý trong việc triển khai thực hiện trong ngành Kiểm sát nhân dân 

Về phạm vi điều chỉnh của Luật

Quy định chung “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng” (Điều 1) để tạo cơ sở pháp lý mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài nhà nước bằng các quy định cụ thể khác của Luật PCTN năm 2018 như: 03 hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước (khoản 2 Điều 2); về trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (khoản 2 Điều 4)… Chuyển quy định về khái niệm tham nhũng sang khoản 1 Điều 3 về giải thích từ ngữ. sửa đổi và chuyển quy định việc liệt kê về người có chức vụ, quyền hạn sang khoản 2 Điều 3 về giải thích từ ngữ.

Về các hành vi tham nhũng

Quy định cụ thể về 12 hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và 03 hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước.Đối với 12 hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước, giữ như quy định của Luật PCTN năm 2005, là những hành vi do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện.

Đối với hành vi tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, để bảo đảm phù hợp với các quy định của BLHS, chỉ quy định các hành vi tham nhũng do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện, bao gồm 03 hành vi: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN

Chuyển quy định về người có chức vụ, quyền hạn trong PCTN sang Chương IV về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong PCTN (Điều 4). Trong đó:

Cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước có trách nhiệm như: Kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng (điểm a và điểm d khoản 1 Điều 4)…;

Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm như: Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức; cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng (điểm a và điểm b khoản 2 Điều 4)…

Về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng

Không có điều luật cụ thể quy định về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN. Chỉ quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN (Điều 85); trách nhiệm của báo chí trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN (Điều 86). 

Có 01 điều luật quy định về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN (Điều 6); trong đó xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan thông tin, truyền thông và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác; của cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN. So với Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 đã bổ sung quy định: “Cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 6).
Phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Loại bỏ các quy định về công khai, minh bạch trong từng lĩnh vực cụ thể về quản lý nhà nước, bởi các đạo luật chuyên ngành đã quy định đầy đủ và chặt chẽ cả về nội dung và trình tự, thủ tục công khai, minh bạch trong từng lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, tiếp thu, kế thừa có sửa đổi, bổ sung các quy định chung của Luật PCTN năm 2005 về nguyên tắc, nội dung, hình thức công khai, minh bạch; quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan, tổ chức; quyền yêu cầu cung cấp thông tin của cá nhân; trách nhiệm giải trình; công khai báo cáo hằng năm về phòng, chống tham nhũng; đồng thời, bổ sung nhiều quy định mới về trách nhiệm thực hiện việc công khai, minh bạch (Điều 12); Họp báo, phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (Điều 13) và về tiêu chí đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng (Điều 17). Trong đó:

Về trách nhiệm giải trình: Quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền làm rõ thông tin, giải thích kịp thời, đầy đủ về quyết định, hành vi của mình trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi đó. Người thực hiện trách nhiệm giải trình là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người được phân công, người được ủy quyền hợp pháp để thực hiện trách nhiệm giải trình. Đồng thời, Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết về trách nhiệm giải trình.

Về Báo cáo công tác PCTN và tiêu chí đánh giá về công tác PCTN: các cơ quan nhà nước có trách nhiệm báo cáo, công khai báo cáo về công tác PCTN theo đúng các yêu cầu về nội dung (khoản 4 Điều 16), tiêu chí đánh giá về công tác PCTN (Điều 17); trong đó, hằng năm, VKSND tối cao có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ trong việc xây dựng báo cáo về công tác PCTN trong phạm vi cả nước, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với UBND cùng cấp trong việc xây dựng báo cáo về công tác PCTN ở địa phương. Đây là quy định mới, xuất phát từ tầm quan trọng của việc đánh giá, đo lường về thực trạng tham nhũng và công tác PCTN, góp phần xác định về trọng tâm và các biện pháp phù hợp để giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu tranh PCTN. 

Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị 

Kế thừa Luật PCTN năm 2005, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước trong việc ban hành và thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ và coi đây là biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong khu vực nhà nước, tránh chồng chéo với các quy định khác của pháp luật hiện hành. Trong đó

Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm xây dựng, ban hành quy định và công khai quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tài chính công, hướng dẫn áp dụng hoặc phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, ban hành, công khai định mức, tiêu chuẩn, chế độ áp dụng trong tổ chức, đơn vị mình, thực hiện và công khai kết quả thực hiện quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đó.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ và xử lý kịp thời người có hành vi vi phạm.

Người có hành vi vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật và hoàn trả phần giá trị mình sử dụng hoặc cho phép sửa dụng trái quy định (Điều 94, khoản 2 Điều 19…).

Thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị 

Loại bỏ các quy định về nghĩa vụ báo cáo và xử lý báo cáo về dấu hiệu tham nhũng; trách nhiệm của người không báo cáo hoặc không xử lý báo cáo về dấu hiệu tham nhũng; quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, kế thừa có sửa đổi, bổ sung quy định của Luật PCTN năm 2005 để tập trung quy định cụ thể về những việc mà người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm; thẩm quyền ban hành quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; tặng quà và nhận quà tặng và bổ sung quy định mới về kiểm soát xung đột lợi ích. Trong đó:

Về quy tắc ứng xử: Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, người có chức vụ, quyền hạn phải thực hiện quy tắc ứng xử, bao gồm các chuẩn mực xử sự là những việc phải làm hoặc không được làm phù hợp với pháp luật như: không được nhũng nhiễu trong giải quyết công việc; không được thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác; tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết; sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị… (Điều 20) nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích và các hành vi tham nhũng có thể xảy ra; đồng thời, có dẫn chiếu đến các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức và các luật có liên quan để tránh chồng chéo, trên cơ sở có chỉnh lý về mặt kỹ thuật để đảm bảo tính hợp lý.

Về tặng quà và nhận quà tặng: Kế thừa Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 đã quy định cụ thể hơn về việc tặng quà và nhận quà (Điều 22). Theo đó:Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật;Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

 Luật cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các nội dung trên.

Về kiểm soát xung đột lợi ích: Khoản 9 Điều 3 Luật PCTN năm 2018 về giải thích từ ngữ đã bổ sung quy định mới, cụ thể về khái niệm xung đột lợi ích: Là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Bên cạnh đó, Điều 23 Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể về trách nhiệm phát hiện, báo cáo và việc xem xét, áp dụng một trong các biện pháp xử lý xung đột lợi ích như: Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích (điểm a khoản 3); đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích (điểm b khoản 3); tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác (điểm c khoản 3). Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về kiểm soát xung đột lợi ích (khoản 4).

Chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị

Kế thừa quy định của Luật PCTN năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định nguyên tắc chuyển đổi vị trí công tác, vị trí công tác (Điều 24); vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác (Điều 25) và quy định cụ thể về Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Trong đó:

Về thời hạn định kỳ chuyển đổi, Luật PCTN năm 2018 giữ quy định của pháp luật hiện hành là 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực và không quy định thời hạn chuyển đổi đối với các trường hợp đặc biệt.

Để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi. Trong đó: Viện trưởng VKSND tối cao quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Định kỳ hằng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo thẩm quyền quản lý cán bộ. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.

Cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt 

Kế thừa có sửa đổi, bổ sung quy định của Luật PCTN năm 2005, tiếp tục quy định mang tính nguyên tắc về một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng như: cải cách hành chính (Điều 27), ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý (Điều 28) và thanh toán không dùng tiền mặt (Điều 29). Trong đó:

Về cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý: đây là các biện pháp rất quan trọng để phòng ngừa tham nhũng nên kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành, Luật PCTN năm 2018 quy định nguyên tắc để Chính phủ, các ngành, các cấp có trách nhiệm tăng cường thực hiện trong thời gian tới: Về thanh toán không dùng tiền mặt: Việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được Chính phủ triển khai thông qua Đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy, Luật PCTN năm 2018 quy định các nội dung cơ bản, mang tính nguyên tắc, giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện bảo đảm phù hợp với từng thời kỳ.

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị 

 Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

Quy định cụ thể về 08 hệ thống cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo từng ngành, lĩnh vực; trong đó, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương. Đối với các cơ quan, tổ chức khác, trong đó VKSND tối cao, thì VKSND tối cao có nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống VKSND (Điều 30).

Điều 31 Luật PCTN năm 2018 cũng quy định cụ thể về nhiệm vụ của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

 Quản lý, cập nhật bản kê khai tài sản, thu nhập; giữ bí mật thông tin thu thập được trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập; áp dụng hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập; cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 42 của Luật PCTN năm 2018; nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Yêu cầu người có nghĩa vụ kê khai cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan, giải trình khi có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó hoặc để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập và kiến nghị xử lý vi phạm quy định của pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đang quản lý tài sản, thu nhập áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập phục vụ việc xác minh. Việc yêu cầu, đề nghị quy định tại các điểm b, d và đ khoản 2 Điều này phải được thực hiện bằng văn bản do Tổ trưởng Tổ xác minh tài sản, thu nhập, người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập ký. Trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều này do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, Điều 32 Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể về trách nhiệm của Kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan công an, quản lý thuế, hải quan, quản lý về đất đai, đăng ký tài sản và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến nội dung xác minh về tài sản, thu nhập khi có yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời của thông tin đã cung cấp; trường hợp không cung cấp được thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do; áp dụng biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để làm rõ thông tin liên quan đến nội dung xác minh tài sản, thu nhập hoặc để ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại, chuyển dịch tài sản, thu nhập hoặc hành vi khác cản trở hoạt động xác minh tài sản, thu nhập; tiến hành định giá, thẩm định giá, giám định tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật.

Kê khai tài sản, thu nhập

 Kế thừa một số quy định của Luật PCTN năm 2005 nhưng có sửa đổi, bổ sung nhiều quy định theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 33); người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập (Điều 34); loại tài sản, thu nhập phải kê khai (Điều 35); Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 39). Đồng thời, bổ sung nhiều quy định mới về phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập (Điều 36); tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37); tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai tài sản, thu nhập (Điều 38); theo dõi biến động tài sản, thu nhập (Điều 40). Trong đó:

Về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập: Kế thừa, có sửa đổi, bổ sung quy định của Luật PCTN năm 2005 theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập và mọi biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên.

Về người có nghĩa vụ kê khai, tài sản: Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai gồm: tất cả cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 34). Đồng thời, thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hằng năm, chỉ gồm: Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên; người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ… (Điều 36).

Về tài sản, thu nhập phải kê khai: Kế thừa Luật PCTN hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Luật PCTN năm 2018 quy định chi tiết hơn về tài sản, thu nhập phải kê khai tại Điều 35 để dễ thực hiện trong thực tế.

Về phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập: Đây là một điểm mới cơ bản của Luật PCTN năm 2018. Để khắc phục hạn chế hiện nay và phù hợp với việc mở rộng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, thu hẹp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Điều 36 Luật PCTN năm 2018 quy định các phương thức kê khai áp dụng cho từng đối tượng kê khai khác nhau, gồm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ. Cụ thể:

Một là, kê khai lần đầu. Được thực hiện đối với tất cả cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (khoản 1, 2 và 3 Điều 34) trong 02 trường hợp:

TH1) Họ đang giữ vị trí công tác tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì thời điểm phải hoàn thành kê khai tài sản, thu nhập trước ngày 31/12/2019.

TH2) Họ lần đầu giữ vị trí công tác, thời điểm kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác.

Hai là, kê khai bổ sung. Được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Thời điểm phải phải hoàn thành việc kê khai trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định về kê khai hằng năm.

Ba là, kê khai hằng năm. Được thực hiện đối với 02 trường hợp:

TH1) Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Thời điểm phải phải hoàn thành việc kê khai trước ngày 31/12 của năm;

TH2) Người không thuộc TH1 nhưng làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Thời điểm phải phải hoàn thành việc kê khai trước ngày 31/12 của năm;

Bốn là, kê khai phục vụ công tác cán bộ. Được thực hiện trong 02 trường hợp:

TH1) Đối với cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (khoản 1, 2 và 3 Điều 34) khi họ được dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Thời điểm phải hoàn thanh việc kê khai chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác;

TH2) Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND thì thời điểm kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Về tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập, Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tổ chức việc lập và gửi danh sách người có nghĩa vụ kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền; hướng dẫn việc kê khai và lập sổ theo dõi kê khai, giao, nhận bản kê khai (Điều 37).

Về tiếp nhận, quản lý, bàn giao bản kê khai tài sản, thu nhập, Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý bản kê khai; yêu cầu kê khai bổ sung hoặc kê khai lại và tiến hành rà soát, kiểm tra bản kê khai và bàn giao 01 bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền theo đúng quy định về thời hạn yêu cầu, bàn giao (Điều 38).

Về theo dõi biến động tài sản, thu nhập, thông qua việc phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác, nếu phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan; trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm (Điều 40).

Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập: Kế thừa Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định bản kê khai được công khai theo từng nhóm đối tượng: 1) Công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc; 2) Công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm đối với người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; 3) Công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND; 4) công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước (Điều 39).

Lý do: Các quy định về kê khai tài sản, thu nhập được sửa đổi, bổ sung để rõ ràng, cụ thể hơn, dễ thực hiện trong thực tế; đồng thời, mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tài sản, thu nhập biến động trong năm từ 300 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, thu hẹp diện đối tượng phải kê khai thường xuyên, kê khai hằng năm nhằm phù hợp với việc thu hẹp đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và bảo đảm tính khả thi. 

Xác minh tài sản, thu nhập

Kế thừa một số quy định của Luật PCTN năm 2005 nhưng có điều chỉnh để rõ ràng, cụ thể hơn về căn cứ xác minh tài sản, thu nhập (Điều 41); thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập (Điều 42); trình tự xác minh tài sản, thu nhập (Điều 43); kết luận xác minh tài sản, thu nhập (Điều 49); công khai Kết luận xác minh tài sản, thu nhập (Điều 50). Đồng thời, bổ sung nhiều quy định mới về nội dung xác minh tài sản, thu nhập (Điều 43); quyết định xác minh tài sản, thu nhập (Điều 45); tổ xác minh tài sản, thu nhập (Điều 46); quyền và nghĩa vụ của người được xác minh tài sản, thu nhập (Điều 47); báo cáo kết quả xác minh tài sản, thu nhập (Điều 48); xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực (Điều 52). Trong đó:

Do Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai, thu hẹp Cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập nên khoản 1 Điều 41 Luật PCTN năm 2018 đã quy định cụ thể thẩm quyền của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc xác minh tài sản, thu nhập khi có một trong 04 căn cứ:

Có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; Có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc: Có tố cáo về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực và đủ điều kiện thụ lý theo quy định của Luật Tố cáo;Thuộc trường hợp xác minh theo kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm đối với người có nghĩa vụ kê khai được lựa chọn ngẫu nhiên; Có yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền theo quy định tại Điều 42 của Luật PCTN năm 2018.

Đồng thời, để tránh lạm dụng quy định này để trù dập cán bộ hoặc vì mục đích vì vụ lợi, khoản 2 Điều 41 Luật PCTN năm 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai được xác minh và việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm.

Quy định cụ thể về thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị xác minh tài sản, thu nhập tại Điều 42; nội dung xác minh tài sản, thu nhập tại Điều 43; trình tự xác minh tài sản, thu nhập tại Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 48, Điều 49, Điều 50.

Về xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực: Điều 51 Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể việc xử lý người có nghĩa vụ kê khai kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực bằng các hình thức: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến;Người đã được bầu, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ thì bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; Người có nghĩa vụ kê khai khác nếu kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xử lý kỷ luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý từ cảnh cáo trở lên.

Người được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch.

Đồng thời, Luật PCTN năm 2018 cũng quy định trường hợp họ chủ động xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể được xem xét không kỷ luật.

 Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập

Đã bổ sung các quy định mới về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Trong đó: Quy định rõ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm thông tin về bản kê khai, Kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật này và được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ (Điều 52).

Quy định cụ thể trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác (trong đó có VKSND tối cao) trong xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 53) như: Xây dựng, hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước; tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai và Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cung cấp; cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo việc quản lý cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền.

Quy định cụ thể về nguyên tắc bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập như: bảo mật, bảo vệ chặt chẽ, an toàn, lưu trữ lâu dài và khai thác có hiệu quả; chỉ có Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình; việc cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 42 của Luật PCTN năm 2018…

Phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị 
Công tác kiểm tra và tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị (Mục 1)

Thừa có sửa đổi, bổ sung quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định về phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước (Điều 55); công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị (Điều 56); hình thức kiểm tra (Điều 58).

Đồng thời, bổ sung quy định mới về kiểm tra hoạt động chống tham nhũng trong Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, CQĐT, VKSND, TAND (Điều 57) phải tăng cường quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng và việc xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn khác của các cơ quan này khi có vi phạm pháp luật trong hoạt động chống tham nhũng.

Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán (Mục 2)

Kế thừa có sửa đổi, bổ sung quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 tiếp tục quy định phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và xử lý đề nghị của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử (Điều 59); phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán (Điều 60). Đồng thời, bổ sung quy định mới về thẩm quyền của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (Điều 61); trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán (Điều 62); công khai Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng (Điều 63) và Xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Điều 64). Trong đó:

Trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho VKSND cùng cấp. Trong trường hợp này, Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước (khoản 1 Điều 62).

Đây là điểm mới của Luật PCTN năm 2018. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước trong phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và thực tiễn thời gian qua cho thấy, các cơ quan này hoàn toàn có đủ điều kiện để xác minh, làm rõ về tính chất, mức độ của hành vi tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, hơn nữa để chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật sang cơ quan có thẩm quyền xử lý, các cơ quan này phải đánh giá được tính chất, mức độ của hành vi vi phạm thì mới có thể xác định được hành vi đó đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay xử phạt hành chính để chuyển vụ việc và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cho phù hợp.

Về xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán: Điều 64 Luật PCTN năm 2018 quy định trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra, Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn thanh tra, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành thanh tra, kiểm toán đối với trường hợp sau khi kết thúc thanh tra, kiểm toán trước đó mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành thanh tra, kiểm toán về cùng một nội dung, thì nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Quy định này nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong phát hiện hành vi tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Về công khai Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng: Điều 63 Luật PCTN năm 2018 quy định người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán có trách nhiệm công khai Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Việc công khai Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về kiểm toán nhà nước. 

Phản ánh, tổ cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng

Mở rộng hơn các hình thức tiếp nhận thông tin về tham nhũng so với quy định của Luật PCTN năm 2005, bao gồm: phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng (Điều 65); báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng (Điều 66) để giúp các cơ quan có thẩm quyền có nhiều kênh thông tin tiếp nhận, thu thập các thông tin về tham nhũng nhằm phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời; đồng thời, khuyến khích cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng. Quy định rõ hơn trách nhiệm tiếp nhận và xử lý phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng tại Điều 65 và Điều 66.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về bảo vệ người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng (Điều 67); khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng (Điều 68) và trách nhiệm của người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng (Điều 69). Luật Tố cáo vừa được Quốc hội thông qua đã quy định chi tiết về việc bảo vệ người tố cáo, trong đó có cả việc bảo vệ những người thân thích của người tố cáo. Đồng thời, việc khen thưởng cho người tham gia tích cực vào công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng cũng đã được pháp luật về khen thưởng quy định. Tuy nhiên, đối với việc bảo vệ người phản ánh, báo cáo thì pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, vì vậy, Điều 67 Luật PCTN năm 2018 quy định người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo. Điều 69 Luật PCTN năm 2018 cũng quy định trách nhiệm của người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình theo quy định của Luật Tố cáo; người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của nội dung phản ánh, báo cáo.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN 

Đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu (Chương IV) gồm: trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác (Điều 71); trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Điều 72); xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Điều 73). Trong đó:

Xác định rõ nội dung trách nhiệm chung của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong chỉ đạo PCTN; gương mẫu, liêm khiết; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác (Điều 71) và trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Điều 72). 

Bổ sung quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách được xem xét miễn hoặc giảm hình thức kỷ luật nếu chủ động xin từ chức trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này nhằm đề cao trách nhiệm chính trị của cá nhân người đứng đầu, giúp hình thành “văn hóa từ chức” khi để xảy ra vi phạm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quy định các trường hợp giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách nhằm hoàn thiện chế định xử lý người đứng đầu theo các giải pháp được nêu tại Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị.

PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước

Đây là vấn đề mới, Luật PCTN năm 2018 quy định đầy đủ về trách nhiệm của tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nói chung trong việc xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Bên cạnh đó, quy định cụ thể việc áp dụng Luật PCTN năm 2018 đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Theo đó, quy định áp dụng bắt buộc một số chế định của Luật PCTN năm 2018 đối với một số loại hình tổ chức xã hội, doanh nghiệp gồm công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Đây là các doanh nghiệp, tổ chức có huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông, hoạt động của loại hình doanh nghiệp này (công ty đại chúng) có ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hoặc có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện nên dễ phát sinh tham nhũng, do đó, cần phải áp dụng một số biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Điều 80 Luật PCTN năm 2018 quy định các doanh nghiệp, tổ chức này áp dụng các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu như trong khu vực nhà nước. Đồng thời, Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết về việc áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. 

Luật PCTN năm 2018 còn quy định về thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước (Điều 81). Theo đó, nhằm đảm bảo tính chặt chẽ, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp, Luật PCTN năm 2018 quy định chỉ khi các doanh nghiệp, tổ chức đó có dấu hiệu rõ ràng về việc vi phạm quy định về công khai, minh bạch, về kiểm soát xung đột lợi ích, về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu thì cơ quan có thẩm quyền mới được tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, để tránh việc một doanh nghiệp, tổ chức xã hội bị thanh tra nhiều lần bởi nhiều cơ quan thanh tra khác nhau về cùng một nội dung, Khoản 3 Điều 81 Luật PCTN năm 2018 đã giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và khoản 4 Điều 81 Luật PCTN năm 2018 đã giao Chính phủ quy định chi tiết về việc thực hiện pháp luật về PCTN đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Cơ quan thanh tra khi tiến hành hoạt động thanh tra nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 82 Luật PCTN năm 2018).

Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong PCTN 

Về đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng

 Kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật PCTN năm 2005, tiếp tục quy định trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSND tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng (Điều 83). Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật PCTN năm 2005 theo hướng quy định cụ thể hơn về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Cụ thể như sau: Viện trưởng VKSND tối cao quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong VKSND tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn;Tổng thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an.

Trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước trong PCTN

Kế thừa có sửa đổi, bổ sung quy định của Luật PCTN năm 2005 theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước trong PCTN để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng hơn. Trong đó:

Để công tác PCTN được thực hiện đồng bộ, thống nhất, Điều 84 Luật PCTN năm 2018 đề cao vai trò của Chính phủ và các cơ quan thuộc Chính phủ: 1) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác PCTN trong phạm vi cả nước. 2) Thanh tra Chính phủ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác PCTN. 3) Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức hoạt động điều tra tội phạm tham nhũng. 4) Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Thanh tra Chính phủ quản lý nhà nước về công tác PCTN.

Bên cạnh đó, Điều 86 Luật PCTN năm 2018 cũng quy định cụ thể, rõ ràng hơn về trách nhiệm của VKSND tối cao và TAND tối cao: 1) VKSND tối cao có trách nhiệm tổ chức thực hiện, chỉ đạo thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với tội phạm tham nhũng; điều tra tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, VKSND, TAND, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp (khoản 1). 2) TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền, giám đốc việc xét xử các vụ án tham nhũng của các tòa án khác, tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các vụ án tham nhũng (khoản 2).

Đồng thời, bổ sung quy định mới về trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác PCTN (Điều 85); sửa đổi quy định về trách nhiệm kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật (Điều 87). 

Sửa đổi quy định về trách nhiệm phối hợp của Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, CQĐT, VKSND, TAND và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng; tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng; kiến nghị chính sách, pháp luật, giải pháp PCTN (Điều 88).

Hợp tác quốc tế về PCTN 

 Kế thừa có sửa đổi, bổ sung quy định của Luật PCTN năm 2005 về nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế (Điều 89); về hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng (Điều 91). Đồng thời, bổ sung 01 quy định mới về trách nhiệm thực hiện hợp tác quốc tế (Điều 90). Trong đó: Về phạm vi hợp tác quốc tế, trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp (khoản 1).

Về cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự: VKSND tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam (khoản 2).

Về trách nhiệm phối hợp trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng: Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với VKSND tối cao trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng (khoản 3).

Xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN 

Kế thừa có sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật PCTN năm 2005 về đối tượng bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự (Điều 68); xử lý đối với người có hành vi tham nhũng (Điều 69); nguyên tắc xử lý tài sản tham nhũng (Điều 70) theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn về xử lý người có hành vi tham nhũng (Điều 92); xử lý tài sản tham nhũng (Điều 93). Bổ sung 02 điều luật mới về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN (Điều 94 và Điều 95).

Đây là chương có nhiều nội dung mới được bổ sung, thể hiện sự nghiêm minh trong xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, tăng cường hiệu quả thực thi Luật PCTN và hiệu quả của công tác PCTN. Trong đó:

Về xử lý người có hành vi tham nhũng, Điều 92 Luật PCTN quy định cụ thể: 1) Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác (khoản 1). 2) Người có hành vi tham nhũng, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (khoản 2). 3) Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật (khoản 3). 4) Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 5) Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (khoản 5).

Về xử lý tài sản tham nhũng, Điều 93 Luật PCTN năm 2018 quy định: Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật (khoản 1). Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật (khoản 2).

Về xử lý hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN: So với Luật PCTN năm 2005, Điều 1 Luật PCTN năm 2018 đã thay cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “xử lý tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN năm 2018 bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN. Do đó, Chương IX Luật PCTN năm 2018 đã quy định về xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về PCTN. Trong đó: Điều 94 liệt kê các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN và quy định mang tính nguyên tắc xử lý đối với các hành vi này. Đối với người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét áp dụng tăng hình thức kỷ luật. Người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật nếu là thành viên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì còn bị xử lý theo điều lệ, quy chế, quy định của tổ chức đó. Luật PCTN năm 2018 giao Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Điều 95 đã quy định xử lý hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Những vấn đề cần lưu ý trong việc triển khai liên quan đến trách nhiệm của VKSND trong Phòng chống tham nhũng

Để công tác PCTN của ngành Kiểm sát nhân dân được thực hiện một cách hiệu quả, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp cần tham mưu giúp Viện trưởng VKSND tối cao tổ chức, triển khai thực hiện các công tác sau đây:

Trong công tác phòng ngừa tham nhũng

Trên cơ sở kết quả Hội nghị này, VKSND các cấp cần chủ động quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình; đồng thời, các đơn vị báo chí, tạp chí, trang tin của VKSND tối cao và của VKSND các cấp cần tăng cường công tác đăng tin, bài tuyên truyền về công tác PCTN của Ngành. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Ngành cần đưa nội dung PCTN vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức của Ngành.

Các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, VKSND các cấp cần khẩn trương tiến hành rà soát, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các Quy chế tổ chức và hoạt động của từng cơ quan, đơn vị; trong đó tập trung vào các vấn đề về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; trách nhiệm giải trình; xây dựng và công khai báo cáo.

Tiến hành rà soát, đề xuất xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, đơn vị một cách công khai, minh bạch.

Xây dựng, hoàn thiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị để bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; trong đó tập trung vào việc kiểm soát xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ; dự báo tình hình và khả năng tác động không đúng đắn đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. 

Tăng cường việc chuyển đổi vị trí công tác, nhất là đối với người có chức vụ, chức danh tư pháp như: Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên các cấp.

Các đơn vị tổ chức cán bộ thuộc VKSND các cấp cần chủ động xác định lại đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ để triển khai đúng theo quy định mới của Luật. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thanh tra cùng cấp trong việc thực hiện các biện pháp kê khai tài sản, thu nhập; kiểm soát và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị. 

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần tăng cường trách nhiệm chỉ đạo trong công tác kiểm tra và tự kiểm tra; áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác đối với công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình khi có vi phạm pháp luật về PCTN; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. 

Tiếp nhận, xử lý phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng; báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng; tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân”.

Trong phạm vi trách nhiệm, phối hợp với Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng báo cáo về công tác PCTN theo quy định của Luật.

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng

Trong công tác THQCT, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, VKSND các cấp cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra để giải quyết kịp thời, hiệu quả các kiến nghị khởi tố, đưa ra khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các tội phạm tham nhũng, tích cực trong thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước.

Giữ ổn định và hoàn thiện tổ chức, biên chế của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong VKSND, chủ động đánh giá thực trạng để tăng cường trách nhiệm trong đấu tranh, giải quyết án tham nhũng của các đơn vị này.

Viện trưởng VKSND các cấp cần nghiêm túc tổ chức thực hiện, chỉ đạo công tác THQCT, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng. Cơ quan điều tra VKSND tối cao tích cực điều tra tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, VKSND, TAND, Cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. 

Trong quá trình giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng cần xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng dù người đó đang giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác; xem xét tăng hình thức kỷ luật đối với người có hành vi tham nhũng nếu họ là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nếu họ chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng; kịp thời xử lý hành vi tham nhũng khi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm; đặc biệt, tập trung đối với những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, các tỉnh, thành ủy.

Tăng cường các biện pháp phối hợp thu hồi tài sản tham nhũng; khắc phục thiệt hại, yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.

Đề xuất các giải pháp về tổ chức bộ máy, cán bộ và các điều kiện bảo đảm để thực hiện nhiệm vụ là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường công tác phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và cơ quan nhà nước có liên quan, trong hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng./.


Nguồn tin: Kiemsat.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 574 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1099 | lượt tải:270

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 674 | lượt tải:93
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập15
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm14
  • Hôm nay5,992
  • Tháng hiện tại155,168
  • Tổng lượt truy cập1,997,197



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây