Khoản 1 Điều 284 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định: “Trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 280 của Bộ luật này thì Viện kiểm sát (VKS) đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu”.
Quy định này nhằm “tôn trọng quan điểm của VKS và của người ký kháng nghị trong trường hợp họ muốn thay đổi, bổ sung kháng nghị”(1), đồng thời, tạo điều kiện để các đương sự chuẩn bị tổ chức việc bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp sau khi đã biết rõ thực trạng những nội dung kháng nghị một cách có hiệu quả nhất. Đây là quy định bổ sung và làm rõ hơn so với khoản 1 Điều 256 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), thể hiện ở chỗ trong trường hợp chưa hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại Điều 280 BLTTDS năm 2015 (2) thì việc thay đổi, bổ sung kháng nghị không bị giới hạn bởi phạm vi kháng nghị ban đầu, nghĩa là VKS sẽ được quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không phải chịu bất kỳ một giới hạn, hạn chế nào. Có thể thay đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ kháng nghị so với kháng nghị ban đầu, và có thể thay đổi cả số lượng và tăng giá trị yêu cầu…
Khoản 2 Điều 284 BLTTDS năm 2015 có sửa đổi về bản chất so với khoản 1 Điều 256 BLTTDS năm 2004: “Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, VKS đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng nghị đã hết”. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định VKS ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nghĩa là có thể VKS đã kháng nghị hoặc VKS cấp trên trực tiếp sẽ được quyền thay đổi, bổ sung. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bó hẹp hơn nữa, chỉ còn trao cho VKS đã kháng nghị mới có quyền này, như vậy, nếu VKS cùng cấp kháng nghị đối với Tòa án cấp sơ thẩm thì VKS đã kháng nghị mới có quyền thay đổi, bổ sung, còn VKS cấp trên, trực tiếp tham gia phiên tòa phúc thẩm và bảo vệ kháng nghị lại không có quyền này. Điều này, vô hình trung dẫn tới việc thiếu chủ động và tính tự quyết của VKS cấp trên trực tiếp, bởi lẽ, tại phiên tòa phúc thẩm có thể sẽ có những diễn biến khác so với chiều hướng kháng nghị ban đầu mà VKS cùng cấp sơ thẩm đã không thể dự liệu hết được trong kháng nghị của mình.
Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 còn bổ sung quy định về hình thức và thủ tục thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị. Theo đó, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải được lập thành văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho các đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị. Đồng thời, Tòa án cấp phúc thẩm còn phải tiến hành các công việc theo quy định của BLTTDS để mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với kháng nghị, phần kháng nghị còn lại theo thủ tục chung. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị tại phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa và Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án theo thủ tục chung đối với kháng nghị đã được thay đổi, bổ sung và phần kháng nghị còn lại.
Việc thay đổi, bổ sung kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự có điểm khác so với thay đổi, bổ sung kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự. Theo quy định tại Điều 284 BLTTDS năm 2015 thì việc thay đổi, bổ sung kháng nghị phúc thẩm phải được thông báo trước cho các đương sự có liên quan đến kháng nghị và không được vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng nghị đã hết (bởi phúc thẩm chỉ là việc xét tính hợp pháp và tính có căn cứ của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nên đương sự phải được chuẩn bị để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án). Mọi thay đổi, bổ sung kháng nghị dẫn đến đương sự bị động, không có điều kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đều không được chấp nhận. Còn giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ xem xét lại việc áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án thông qua việc xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Trong giai đoạn này, các đương sự không bắt buộc phải tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm chủ yếu dựa vào chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xét, nên những người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị mà không có bất kỳ một sự hạn chế nào.
Quy định việc thay đổi, bổ sung kháng nghị phúc thẩm không được vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng nghị đã hết được hiểu như thế nào, cho đến nay vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 04/8/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS và Điều 11 Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS được phân biệt làm 02 trường hợp như sau:
Trường hợp vẫn còn thời hạn kháng nghị quy định tại Điều 252 (nay là Điều 280) của BLTTDS, thì VKS đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung nội dung kháng nghị đối với phần bản án hoặc toàn bộ bản án, quyết định mà mình có quyền kháng nghị. Điều này, vừa đảm bảo quyền kháng nghị của VKS, đồng thời, cũng không ảnh hưởng đến quyền bảo vệ của các đương sự trước Tòa án, bởi lẽ việc thông báo thay đổi, bổ sung kháng nghị được thực hiện sau khi hết thời hạn kháng nghị nên đương sự vẫn có điều kiện để chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ, căn cứ pháp lý, lý lẽ và lập luận để phản bác lại các nội dung kháng nghị.
Ảnh minh họa
Trường hợp VKS đã rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị nhưng sau đó kháng nghị lại mà vẫn còn trong thời hạn kháng nghị, thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung.
Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị thì trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, việc thay đổi, bổ sung kháng nghị phúc thẩm của VKS đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được vượt quá phạm vi kháng nghị đã gửi cho Tòa án trong thời hạn kháng nghị. Tuy nhiên, quy định không được vượt quá phạm vi kháng nghị còn có nhiều cách hiểu khác nhau.
Cách hiểu thứ nhất, không vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu là không dẫn đến việc Tòa án cấp phúc thẩm phải hoãn phiên tòa. Điều này có nghĩa việc thay đổi, bổ sung kháng nghị không dựa vào giới hạn phạm vi các yêu cầu kháng nghị mà dựa trên cơ sở đảm bảo quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Cách hiểu này có điểm hợp lý, đó là không gây khó khăn cho Tòa án trong việc xác định vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu là không vượt quá phạm vi các quan hệ pháp luật đã được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm hay không vượt quá phạm vi giá trị các yêu cầu cụ thể được nêu trong kháng nghị. Tuy nhiên, cách hiểu này chỉ áp dụng đối với trường hợp thay đổi, bổ sung kháng nghị ở tại phiên tòa phúc thẩm. Trong khi đó, việc thay đổi, bổ sung kháng nghị phúc thẩm còn được thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Và ngay cả cách hiểu này áp dụng ở tại phiên tòa phúc thẩm thì việc thay đổi, bổ sung kháng nghị được thực hiện ở giai đoạn tranh tụng (phần thủ tục hỏi) nên không thể hoãn phiên tòa, vì như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc xét xử liên tục. Còn nếu tạm ngừng phiên tòa thì chưa đủ cơ sở, vì việc tạm ngừng phiên tòa (3) phải căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu và đánh giá chứng cứ của Hội đồng xét xử chứ không chỉ dựa trên việc hỏi KSV có thay đổi, bổ sung kháng nghị hay không?
Cách hiểu thứ hai, không được vượt quá phạm vi kháng nghị ban đầu là không đưa thêm yêu cầu, đồng thời, không làm tăng thêm giá trị yêu cầu.
Ví dụ: A khởi kiện B yêu cầu B bồi thường thiệt hại do B có hành vi xâm hại tài sản và bôi nhọ A trên mạng xã hội facebook, giá trị A kiện đòi B là 50 triệu đồng. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của A buộc B phải bồi thường 15 triệu đồng. Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm và cho rằng quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm buộc B phải bồi thường cho A 15 triệu đồng là quá thấp so với thiệt hại xảy ra. Với các chứng cứ mà A xuất trình ở Tòa án cấp sơ thẩm, VKS kháng nghị yêu cầu mức bồi thường thiệt hại cả về tài sản và danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm phải là 30 triệu đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, VKS yêu cầu tăng mức bồi thường cho A lên 40 triệu đồng (do A xuất trình thêm các chứng cứ để chứng minh tổng giá trị thiệt hại của mình là 40 triệu đồng). Với cách hiểu này, thì yêu cầu của VKS về việc tăng mức bồi thường cho A thêm 10 triệu đồng nữa sẽ không được chấp nhận.
Tuy nhiên, cách hiểu này sẽ mâu thuẫn với quy định tại khoản 3 Điều 302 BLTTDS năm 2015, đó là: “Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên có quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ”. Việc xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ này của KSV có thể làm tăng giá trị yêu cầu hoặc giảm nghĩa vụ phải thực hiện của các đương sự. Và trong trường hợp này, thì yêu cầu của VKS về việc tăng mức bồi thường cho A thêm 10 triệu đồng nữa phải được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận để xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm có sửa án theo hướng tăng mức bồi thường cho A hay không còn phụ thuộc vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như những chứng cứ mà Kiểm sát viên xuất trình.
Bên cạnh đó, về thẩm quyền rút kháng nghị quy định tại khoản 3 Điều 284 BLTTDS năm 2015 cũng có sự sửa đổi, bổ sung so với Điều 256 BLTTDS năm 2004, theo đó, “Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo VKS đã kháng nghị hoặc VKS cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc VKS đã rút kháng nghị. Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định”. Phần này Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 cũng có hướng dẫn như sau: Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà VKS đã rút kháng nghị khi có đủ các điều kiện sau đây:
Một là, VKS rút kháng nghị mà trong vụ án không còn có kháng cáo của người khác, không có kháng nghị của VKS đối với phần của bản án, quyết định sơ thẩm đó.
Hai là, phần bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị mà kháng nghị đó đã được rút độc lập với những phần khác của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng nghị và việc xét kháng nghị này không liên quan đến phần bản án, quyết định sơ thẩm có kháng nghị đã được rút.
Ví dụ: Tại Bản án số 35/2013/HNGĐ-ST ngày 15/02/2013, Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh HT đã quyết định cho anh A được ly hôn chị B; giao chị B trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung là cháu C, anh A phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 200.000đ và chia tài sản chung của vợ chồng cho anh A và chị B. Sau khi xét xử sơ thẩm, anh A không kháng cáo, VKS không kháng nghị bản án sơ thẩm mà chỉ có chị B kháng cáo bản án sơ thẩm về quyết định chia tài sản chung của vợ chồng. Trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm nếu chị B rút kháng cáo, thì Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần của vụ án mà chị B đã rút kháng cáo vì trong vụ án không có kháng cáo của người khác, không có kháng nghị của VKS.
Trường hợp anh A cũng kháng cáo bản án sơ thẩm về quyết định chia tài sản chung của vợ chồng vì lý do Tòa án cấp sơ thẩm quyết định buộc anh A phải thanh toán một số khoản nợ mà chị B vay không sử dụng cho mục đích chung của vợ chồng, mặc dù chị B rút kháng cáo thì phần bản án sơ thẩm mà chị B rút kháng cáo vẫn có liên quan đến phần bản án sơ thẩm bị anh A kháng cáo. Do đó, trường hợp này Tòa án cấp phúc thẩm không ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần của vụ án mà chị B đã rút kháng cáo.
Trường hợp VKS cũng có kháng nghị đối với phần án phí thì tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án chỉ được quyền đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần rút kháng cáo của chị B, còn phần kháng nghị của VKS về án phí, Tòa án vẫn phải tiến hành giải quyết theo thủ tục chung.
Tuy nhiên, hướng dẫn nêu trên của Nghị quyết số 06/2012 mới chỉ dừng lại ở việc xác định các trường hợp rút kháng cáo, kháng nghị và thẩm quyền của Thẩm phán, Hội đồng xét xử đối với từng trường hợp. Còn thẩm quyền rút kháng nghị của VKS thì trong Nghị quyết này chưa hướng dẫn. Cụ thể, đối với trường hợp VKS cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị đối với quyết định kháng nghị của VKS cấp dưới. Vậy, VKS cấp trên trực tiếp ở đây phải được hiểu như thế nào? Là VKS cấp tỉnh đối với quyết định kháng nghị của VKS cấp huyện? VKS cấp cao đối với quyết định kháng nghị của VKS cấp tỉnh? VKS tối cao đối với quyết định kháng nghị VKS cấp cao? hay là bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật thì VKS cấp trên trực tiếp là VKS sẽ tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm?
Ví dụ: Cũng tại ví dụ trên, nếu VKS huyện H, tỉnh HT không kháng nghị phúc thẩm, nhưng VKS tỉnh HT lại kháng nghị đối với bản án 35/2013/HNGĐ-ST ngày 15/02/2013 thì trường hợp này, VKS tỉnh HT sẽ tham gia phiên tòa phúc thẩm, nhưng thẩm quyền rút kháng nghị của VKS tỉnh HT có được trao cho VKS cấp cao hay không?
Tương tự như vậy, một bản án mà VKS cấp cao kháng nghị phúc thẩm đối với bản án của Tòa án cấp cấp tỉnh, VKS cấp cao tham gia phiên tòa phúc thẩm thì VKS nhân dân tối cao có quyền rút kháng nghị?
Ảnh minh họa
Một số kiến nghị
Để giải quyết được những vướng mắc nêu trên, theo chúng tôi, việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị có thể bị giới hạn trong những điều kiện sau đây:
Thứ nhất, VKS chỉ được thay đổi, bổ sung kháng nghị về phần của bản án, quyết định sơ thẩm; không được thay đổi, bổ sung kháng nghị về những vấn đề mà Tòa án cấp sơ thẩm chưa giải quyết.
Xét về logic và bản chất của kháng nghị phúc thẩm thì việc kháng nghị phúc thẩm nhằm chống lại những vấn đề thuộc về sự kiện và pháp lý của vụ án đã được Tòa án cấp sơ thẩm xét xử. Nói cách khác, VKS chỉ được kháng nghị về những nội dung đã được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm và không được kháng nghị về những vấn đề chưa được giải quyết. Nếu cho phép VKS thay đổi, bổ sung cả những vấn đề chưa được giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm thì có nghĩa đã vi phạm đến nguyên tắc hai cấp xét xử.
Thứ hai, việc thay đổi, bổ sung kháng nghị phải bảo đảm đương sự có điều kiện để chuẩn bị việc phản bác lại yêu cầu kháng nghị.
Để đương sự thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì khi VKS thay đổi, bổ sung kháng nghị, các đương sự có liên quan đến kháng nghị phải được biết việc thay đổi, bổ sung kháng nghị về vấn đề gì? Căn cứ kháng nghị để đương sự chuẩn bị các chứng cứ, tài liệu, căn cứ pháp lý, lý lẽ và lập luận để phản bác lại yêu cầu kháng nghị. Mọi trường hợp thay đổi, bổ sung kháng nghị dẫn đến việc đương sự không có thời gian và điều kiện chuẩn bị tổ chức việc bào chữa thì Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận.
Do đó, để đáp ứng những giới hạn trên, việc thay đổi, bổ sung kháng nghị khi thời hạn kháng nghị đã hết chỉ được chấp nhận khi việc thay đổi, bổ sung đó không vượt quá phạm vi các quan hệ pháp luật đã giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm.
Ngoài ra, việc thay đổi, bổ sung kháng nghị có thể dẫn đến việc mở rộng phạm vi những người có liên quan đến kháng nghị bổ sung. Do đó, để các đương sự có thể bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ cần phải được triệu tập và tham gia phiên tòa phúc thẩm. Bổ sung kháng nghị nhưng họ không thể có mặt để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến phần kháng nghị mới được bổ sung (vì trước đó họ không được Tòa án triệu tập và không có liên quan đến kháng nghị). Do đó, việc bổ sung kháng nghị chỉ được chấp nhận nếu không làm phát sinh việc triệu tập thêm những người có liên quan đến kháng nghị bổ sung.
Tóm lại, giới hạn của việc thay đổi, bổ sung kháng nghị của VKS, theo chúng tôi đó là: Không được vượt quá phạm vi các quan hệ pháp luật đã giải quyết ở Tòa án cấp sơ thẩm mà VKS đã kháng nghị trong thời hạn kháng nghị cũng như không phải triệu tập thêm những người có liên quan đến kháng nghị bổ sung.
Về thẩm quyền rút kháng nghị, theo chúng tôi, kháng nghị phúc thẩm là quyền năng pháp lý duy nhất và thể hiện sự trao quyền của nhà nước đối với hoạt động kiểm sát tư pháp của VKSND. Tuy nhiên, việc rút kháng nghị chỉ nên trao cho một số chủ thể nhất định, ở đây phải là VKS sẽ tham gia phiên tòa phúc thẩm. Do đó, đối với bản án, quyết định sơ thẩm mà VKS cấp trên, trực tiếp kháng nghị phúc thẩm đối với Tòa án cấp dưới thì VKS cấp đó có quyền rút. Điều này nhằm hạn chế việc rút kháng nghị tràn lan, nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát trong hoạt động tư pháp cũng như thể hiện sự tôn trọng quyền năng pháp lý, tránh tình trạng can thiệp vào hoạt động tư pháp của nội bộ ngành Kiểm sát./.
1. Vũ Thị Hồng Vân, Một số vấn đề về quyền kháng nghị phúc thẩm của VKS nhân dân trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Tạp chí Kiểm sát số 11/2005.
2. Điều 280 BLTTDS năm 2015 quy định: “1. Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của VKS cùng cấp là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày VKS cùng cấp nhận được bản án; 2. Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày VKS cùng cấp nhận được quyết định”.
3. Điều 304 - Tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, nghĩa là, Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong các căn cứ sau đây: 1. Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng; 2. Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt; 3. Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa; 4. Chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại; Các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải; 5. Cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 của Bộ luật này.
(Trích bài viết: "Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm vụ án dân sự" của tác giả Nguyễn Nam Hưng, Viện 2, VKSND cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh, Tạp chí Kiểm sát số 13/2018).
Tác giả: TCKS số 13/2018
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 592 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1153 | lượt tải:279QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 684 | lượt tải:94