Ảnh minh họa |
1. Cần hiểu đúng, đủ nội dung của các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS
Yêu cầu này tưởng đơn giản nhưng thực tiễn có nhiều trường hợp người tiến hành tố tụng hoặc người bào chữa đã hiểu không đúng nội dung của các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ TNHS, nên khi bào chữa cho người phạm tội không được Hội đồng xét xử chấp nhận hoặc khi quyết định hình phạt không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm mà người phạm tội thực hiện, không có tác dụng đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Mỗi tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 và Điều 52 BLHS năm 2015 có tính chất, mức độ tăng nặng, giảm nhẹ khác nhau. Ngay đối với cùng một tình tiết cũng có tính chất, mức độ tăng nặng, giảm nhẹ khác nhau.
Hiểu đúng là xác định đúng nội dung mà nhà làm luật quy định tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ đó như thế nào. Ví dụ: Tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” thì phải hiểu thế nào là phạm tội lần đầu và thế nào là thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Hiểu tính chất, mức độ tăng nặng, giảm nhẹ khác nhau là phải xác định trong mỗi tình tiết đó thì trường hợp nào nghiêm trọng hơn trường hợp nào. Ví dụ: “Người phạm tội tự nguyện bồi thường thiệt hại” thì phải xác định tỷ lệ tiền bồi thường so với tổng số tiền thiệt hại mà người phạm tội gây ra, để xem mức độ giảm nhẹ nhiều hay ít.
Hiểu đủ là xác định đủ số lượng các tình tiết được quy định tại mỗi điểm của Điều 51, 52 BLHS năm 2015 mà nhà làm luật đã quy định bao nhiêu tình tiết? Ví dụ: Điểm r nhà làm luật quy định một tình tiết giảm nhẹ nhưng điểm a khoản 1 Điều 51 nhà làm luật quy định hai tình tiết giảm nhẹ chứ không phải một hoặc điểm a khoản 1 Điều 52 nhà làm luật quy định một tình tiết tăng nặng nhưng điểm i khoản 1 Điều 52 nhà làm luật quy định đến 5 tình tiết tăng nặng chứ không phải chỉ có một tình tiết...
2. Cần phân biệt các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự với các tình tiết là dấu hiệu định tội
Các tình tiết là dấu hiệu định tội là những tình tiết mà nếu không có nó thì hành vi không cấu thành tội phạm hoặc nếu có, thì nó cấu thành tội phạm khác nghiêm trọng hơn (nếu là tình tiết tăng nặng) hoặc ít nghiêm trọng hơn (nếu là tình tiết giảm nhẹ). Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ nói tới các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, còn tình tiết là dấu hiệu định tội có thể không phải là tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Lén lút là dấu hiệu định tội trộm cắp tài sản, nhưng nó không phải là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 hoặc Điều 52 BLHS năm 2015.
Yêu cầu của việc phân biệt trong trường hợp này không phải là phân biệt hai tình tiết với nhau, tình tiết nào là dấu hiệu định tội, còn tình tiết nào là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, mà sự phân biệt ở đây là khi một tình tiết nào đó được quy định tại Điều 51 hoặc Điều 52 BLHS năm 2015, mà tình tiết đó đã là dấu hiệu định tội rồi thì khi quyết định hình phạt không được coi tình tiết đó là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ nữa. Ví dụ tình tiết “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” là dấu hiệu định tội được quy định tại Điều 126 BLHS, nên khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội này, Tòa án không được coi tình tiết “phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” là tình tiết giảm nhẹ nữa. Ý nghĩa của việc phân biệt là ở chỗ đó.
Ảnh minh họa |
3. Cần phân biệt các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS với các tình tiết là dấu hiệu định khung hình phạt
Các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là những tình tiết mà nhà làm luật dự định nếu có thì Tòa án phải áp dụng ở khung hình phạt mà điều luật quy định có tình tiết đó đối với người phạm tội. Ví dụ: Một người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là thuộc trường hợp phạm tội quy định tại điểm d khoản 2 Điều 189 BLHS năm 2015. Tình tiết “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” trong trường hợp phạm tội cụ thể này đã là dấu hiệu định khung hình phạt, nên khi quyết định hình phạt, Tòa án không được áp dụng tình tiết này là tình tiết tăng nặng đối với bị cáo nữa.
Các tình tiết là dấu hiệu định khung hình phạt thực chất là dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng nó là dấu hiệu của cấu thành khác loại (cấu thành tăng nặng hoặc cấu thành giảm nhẹ). Về cấu thành tội phạm, khoa học luật hình sự chia ra làm ba loại: Cấu thành cơ bản, cấu thành tăng nặng và cấu thành giảm nhẹ.
Cấu thành cơ bản là cấu thành không có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS. Ví dụ: Khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 (Tội trộm cắp tài sản). Loại cấu thành này, về cơ bản đã bao hàm đầy đủ những yếu tố cấu thành Tội trộm cắp tài sản (chủ thể, khách thể, mặt khách quan và mặt chủ quan), tức là một người có đủ năng lực TNHS, có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Cấu thành tăng nặng là cấu thành nếu có một hoặc một số tình tiết khác ngoài những tình tiết đã được quy định trong cấu thành cơ bản và những tình tiết này làm cho tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội nguy hiểm hơn so với trường hợp không có tình tiết này, cấu thành tăng nặng bao giờ cũng có khung hình phạt nặng hơn so với cấu thành cơ bản. Ví dụ, khoản 1 Điều 173 BLHS (Tội trộm cắp tài sản) là cấu thành cơ bản có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và là tội phạm ít nghiêm trọng. Nhưng nếu người phạm tội lại có hành vi hành hung để tẩu thoát thì thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 173 BLHS là cấu thành tăng nặng, có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm và là tội nghiêm trọng.
Cấu thành giảm nhẹ là cấu thành nếu có một hoặc một số tình tiết khác ngoài những tình tiết đã được quy định trong cấu thành cơ bản và những tình tiết này làm cho tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội ít nguy hiểm hơn so với trường hợp không có tình tiết này, cấu thành giảm nhẹ bao giờ cũng có khung hình phạt nhẹ hơn so với cấu thành cơ bản. Ví dụ, khoản 1 Điều 119 (Tội chống phá cơ sở giam giữ) là cấu thành cơ bản có khung hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Nhưng nếu người phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 là cấu thành giảm nhẹ, có khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù.
Tuy nhiên, không phải điều luật nào cũng bao gồm cả cấu thành tăng nặng hoặc cấu thành giảm nhẹ, mà tùy thuộc vào mỗi tội phạm và chính sách hình sự của nhà nước trong việc xử lý từng loại tội phạm. Đa số các tội quy định trong BLHS có cấu thành tăng nặng, chỉ có một số tội có cấu thành giảm nhẹ (chủ yếu là các tội xâm phạm an ninh quốc gia).
Các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ đã là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ khi quyết định hình phạt nữa.
4. Chỉ được phép tăng, giảm mức hình phạt trong một khung hình phạt
Điều luật quy định khung hình phạt có mức tối thiểu và tối đa tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của từng tội phạm. Khi đã xác định bị cáo phạm tội ở khung hình phạt nào, dù có nhiều tình tiết tăng nặng thì họ cũng không bị xử phạt quá mức cao nhất của khung hình phạt đó. Ví dụ: Bị cáo phạm tội sản xuất hàng giả thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 192 BLHS có khung hình phạt từ 05 năm đến 10 năm. Tòa án không được xử phạt bị cáo trên 10 năm tù, dù họ có nhiều tình tiết tăng nặng ở Điều 52. Trường hợp xử phạt dưới 05 năm tù, Tòa án phải nêu được lý do và phải tuân theo những quy định tại Điều 54 có nội dung như sau:
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
- Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Đây là quy định mới mà BLHS năm 1999 chưa quy định. Nếu trước đây Điều 47 BLHS năm 1999 quy định: “Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật”, thì nay, Điều 54 BLHS năm 2015 quy định thành 2 khoản, khoản 1 như Điều 47 BLHS năm 1999, còn khoản 2 thì không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật với điều kiện người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Quy định này đã tháo gỡ được yêu cầu của thực tiễn xét xử mà nhiều trường hợp Tòa án phải “xé rào” do quy định ngặt nghèo tại Điều 47 BLHS năm 1999.
- Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Ví dụ: Nguyễn Văn D phạm tội trộm cắp tài sản quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 đến 03 năm, nhưng D có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51, không có tình tiết tăng nặng thì Tòa án có thể áp dụng hình phạt dưới 06 tháng (theo Điều 36 BLHS thì hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm) hoặc chuyển sang hình phạt tiền là hình phạt nhẹ hơn hình phạt cải tạo không giam giữ. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án./.
(Trích bài : "Một số vấn đề cần chú ý khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt" của tác giả Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân tối cao. Tạp chí Kiểm sát số 14/2018).
Tác giả: TCKS số 14/2018
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 621 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1221 | lượt tải:299QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 704 | lượt tải:98