Bàn về công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân

Thứ ba - 03/07/2018 20:24
(kiemsat.vn) Việc thành lập hệ thống Thanh tra đầy đủ từ VKSND tối cao đến VKSND các địa phương giúp cho Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp thực hiện có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cả về chiều rộng và chiều sâu.

 

Tính đến nay, đã có 48 VKSND tỉnh, thành phố được thành lập Thanh tra với tư cách là một đơn vị nghiệp vụ độc lập do Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo. Trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành Kiểm sát thì Thanh tra là cánh tay nối dài của Viện trưởng trong tổng thể hoạt động quản lý. Ở VKSND tối cao, Thanh tra giúp cho Viện trưởng nắm chắc được đầy đủ các thông tin về tình hình hoạt động của toàn ngành, kết hợp với các kênh thông tin khác từ các đầu mối nghiệp vụ của VKSND tối cao, VKSND các địa phương để Viện trưởng thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành từ việc hoạch định chính sách vĩ mô đến chỉ đạo xử lý các tình huống, các vụ việc cụ thể phát sinh trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, kiểm sát hoạt động tư pháp… 

Tuy nhiên, từ hoạt động thanh tra có thấy, có những vấn đề cần được bổ sung, hoàn thiện để phân định rạch ròi cơ chế hoạt động giữa Thanh tra với chức năng kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của các đơn vị nghiệp vụ trong hệ thống VKSND.

Mặc dù khi tiến hành thanh tra đều ra Quyết định thanh tra, còn các đơn vị nghiệp vụ thì chỉ cần có công văn hoặc thậm chí điện thoại thông báo, yêu cầu… vì hoạt động kiểm tra, hướng dẫn của Kiểm sát viên được phân công phụ trách địa bàn, địa phương hoặc của các Vụ nghiệp vụ là công việc thường xuyên. Đối với Thanh tra thì chỉ khi có sự việc cụ thể hoặc theo chỉ đạo của Viện trưởng thì Thanh tra mới ban hành các quyết định hành chính để tiến hành thanh tra. Xong, xét về bản chất thì cơ bản là giống nhau, đều tiến hành các hoạt động yêu cầu cán bộ, Kiểm sát viên, đơn vị bị thanh tra (kiểm tra) chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, giải trình, báo cáo, tiến hành xác minh, thu thập các tài liệu, thông tin để làm rõ vấn đề cần chứng minh, xử lý.

Thực tế cho thấy, có những nội dung của thanh tra giống như nội dung kiểm tra, xác minh của Vụ tổ chức cán bộ. Khi đi vào kiểm tra, giải quyết lại phải kiểm tra cả hồ sơ vụ việc, thậm chí làm việc cả với các cơ quan liên quan trong, ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng và tư pháp, thậm chí có nhiều nội dung lại thuộc Vụ giải quyết khiếu tố hoặc Cơ quan điều tra hoặc Vụ tổ chức cán bộ VKSND tối cao… Tất cả những vấn đề đó cần phải được khẩn trương làm rõ.

Nói thì dễ, nếu không làm rõ được “lằn ranh” giữa Thanh tra với các hoạt động kiểm tra thông thường của các đơn vị nghiệp vụ thì sẽ rất khó khăn trong việc giải quyết và xử lý. Nó giống như mô hình quản lý đa ngành. Cùng một vấn đề, một vụ việc cụ thể nhưng khi đi vào giải quyết, xử lý thì thấy cơ quan nào cũng thấy mình có trách nhiệm, thẩm quyền phán xét ở trong đó. Hoạt động của VKSND là hoạt động đặc thù, hoạt động tư pháp. Để kết luận vụ việc cụ thể nào đó đúng, sai, nếu đơn giản, rõ ràng thì thanh tra có thể kết luận ngay được. Song, đối với một số trường hợp phức tạp như áp dụng pháp luật tố tụng để xử lý các vụ án cụ thể để kết luận đúng, sai thì không hề đơn giản, thậm chí có vụ việc phải đưa ra cả tập thể Ủy ban kiểm sát để bàn bạc và tranh luận. Các vấn đề để đưa ra kết luận đúng, sai đều phải có giải trình, phản biện, kiến giải có căn cứ pháp lý công tâm, khách quan và thuyết phục. Trong khi đó, mỗi chủ thể (kể cả chủ thể là những người làm công tác thanh tra, lãnh đạo, chỉ đạo ở các đơn vị nghiệp vụ; kể cả các thành viên Ủy ban kiểm sát, chủ thể là đối tượng bị thanh tra là cá nhân hay tập thể) lại có cái nhìn, cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Đây là vấn đề khó khăn khi triển khai hoạt động thanh tra và xử lý vi phạm sau thanh tra.



Ảnh minh họa: Hội nghị tập huấn công tác thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018

Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra 

Nhiều khi chúng ta bị chi phối bởi áp lực tin đồn, dư luận, đặc biệt là tâm lý đám đông mà quên đi một nguyên tắc: Đánh giá sự vật, hiện tượng phải đặt nó trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Cùng một vấn đề đúng, sai phải xem xét động cơ, mục đích, hoàn cảnh xuất hiện, cơ chế chính sách. Do vậy, cán bộ làm công tác thanh tra phải có trình độ, năng lực nghiệp vụ vững vàng. Nghề kiểm sát là nghề chuyên môn và lại là chuyên môn sâu, đối tượng của thanh tra là các chủ thể có chức danh tư pháp, được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm dày dặn trong hoạt động tư pháp. Vì vậy, trong hoạt động thanh tra, phải xác định những vấn đề không còn phù hợp với thực tiễn của cuộc sống; đặt sự việc trong điều kiện kinh tế, xã hội, yếu tố con người, đội ngũ cán bộ tư pháp, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, trình độ văn hóa, dân trí vùng, miền, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng… Nếu cứ quy chiếu theo các quy định, quy tắc về tư pháp hình sự, tư pháp về dân sự… pháp luật về chức trách, công vụ hiện hành thì khó mà tránh khỏi sự “trừng phạt” nghiêm khắc như quy định hiện nay.  

Hiện nay, chúng ta đã có 48 tỉnh, thành phố thành lập Thanh tra chuyên trách, độc lập; vẫn còn 15 tỉnh và hơn 10 đầu mối chưa thành lập Thanh tra độc lập. Các đơn vị này chỉ có Tổ thanh tra nằm trong Phòng tổ chức cán bộ và hoạt động kiêm nhiệm cả công việc của Phòng tổ chức cán bộ, văn phòng Đảng ủy, văn phòng Ban cán sự đảng, mà công việc gì làm kiêm nhiệm thì không bao giờ đạt hiệu quả cao; bởi lẽ, sẽ không chuyên sâu cả về trách nhiệm và năng lực chuyên môn được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, theo chúng tôi là chất lượng đội ngũ cán bộ làm thanh tra chuyên trách. Đây là một khâu còn gặp khó khăn trong lựa chọn cán bộ làm công tác thanh tra. Chúng ta đều thống nhất chỉ đạo là: Đã là Kiểm sát viên thì người đó phải thành thạo tất cả các khâu công tác kiểm sát, trong đó, phải thật sự chuyên sâu lĩnh vực công tác mà mình đang làm. Đối với người làm công tác thanh tra thì phải đòi hỏi hơn thế, không những phải nắm chắc tất cả các lĩnh vực công tác của ngành, đồng thời, còn phải có năng lực thanh tra, năng lực phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm, năng lực hướng dẫn áp dụng pháp luật. Tóm lại là cán bộ thanh tra phải hội tụ đủ các phẩm chất: Năng lực điều tra; năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử; năng lực kiểm sát hoạt động tư pháp, và cuối cùng là phải có tầm nhìn, tư duy linh hoạt, năng động, không sơ cứng, máy móc và rất nhân văn. Bên cạnh đó, cán bộ Thanh tra phải có kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội sâu rộng để có đủ khả năng: Chấn chỉnh được đối tượng Thanh tra; phát hiện được sai phạm, phát hiện được sự lệch chuẩn trong hoạt động nghiệp vụ, chỉ ra được biện pháp khắc phục vi phạm và xử lý vi phạm một cách thỏa đáng, thấu tình, đạt lý; hướng dẫn, giải đáp được những vướng mắc, bất cập của cấp dưới, của đối tượng thanh tra; có năng lực thực tiễn trong hoạt động kiểm tra, điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định vi phạm; có năng lực phân tích, đánh giá chứng cứ, tổng hợp kết quả thanh tra, xây dựng dự thảo kết luận thanh tra, khả năng phản biện khi công bố kết luận thanh tra, năng lực tham mưu trong xử lý vi phạm. 

Do định biên về số lượng Kiểm sát viên trung cấp của VKSND tối cao giao về cho VKSND các địa phương là có hạn. Số Kiểm sát viên này trước đây đều bố trí ở các đơn vị nghiệp vụ và làm Viện trưởng, Phó Viện trưởng ở các đơn vị VKS cấp huyện; nên việc bố trí Kiểm sát viên trung cấp làm công tác thanh tra chuyên trách là rất khó khăn, đó là chưa kể rất ít người không muốn làm công tác thanh tra.

Về nguyên nhân chủ quan: Số Kiểm sát viên này đã làm nghiệp vụ kiểm sát ở các khâu công tác đã nhiều năm, ngại thay đổi. Thanh tra là một hoạt động mới lại hay va chạm anh em nội bộ trong ngành. Nếu điều động cán bộ trẻ quá thì chưa có bề dày kinh nghiệm. Đây là cái khó cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện khi bố trí phân công và điều động cán bộ. Trong khi, ở các đơn vị nghiệp vụ cũng đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực chuyên môn sâu.

Nguyên nhân khách quan: Do yêu cầu ở các đơn vị nghiệp vụ đòi hỏi phải bố trí một đội ngũ Kiểm sát viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ để phòng, chống oan, sai, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát tư pháp…  Nếu “Phòng tuyến” này yếu thì sớm hay muộn cũng sẽ lại trở thành đối tượng của thanh tra. Đây là một bài toán khó giải quyết về bố trí và sắp xếp cán bộ thanh tra cũng như bố trí đội ngũ Kiểm sát viên cho các đơn vị nghiệp vụ mũi nhọn của ngành. Hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát hoạt động tư pháp là một nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát. Hoạt động thanh tra là một trong thực hiện chức năng quản lý của Ban lãnh đạo cao nhất của ngành Kiểm sát. Cả hai lĩnh vực hoạt động (thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thanh tra) có quan hệ mật thiết với nhau.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm là chúng ta chưa có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra chuyên trách. Chính vì vậy mà khó thu hút và sắp xếp được một đội ngũ thanh tra chuyên nghiệp, chuyên tâm vào việc thực hiện chức năng.

Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cần có quy định rõ ràng về độ tuổi và chức danh pháp lý (Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm tra viên… cán bộ giúp việc) làm công tác thanh tra, nhất là các đồng chí làm Chánh Thanh tra và Phó Chánh thanh tra ở VKSND cấp tỉnh. Cụ thể là: Cần có hướng dẫn rõ ràng bằng văn bản là Chánh Thanh tra ngoài quy định phải là Kiểm sát viên trung cấp từ bao nhiêu năm trở lên, phải là người đã trải qua các khâu công tác cơ bản của ngành và có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn sâu, nhất là các đồng chí đã từng giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện trở lên. Phó Chánh Thanh tra cũng phải như vậy. Ở mỗi đơn vị thanh tra, cần quy định rõ có từ 3 đến 4 người. Trong đó có ít nhất là 2 đến 3 Kiểm sát viên trung cấp còn lại 1 Kiểm sát viên sơ cấp và 1 Kiểm tra viên, không bố trí cán bộ mới vào ngành làm công tác thanh tra.

Thứ hai, cần thành lập đơn vị Thanh tra ở tất cả các đơn vị VKSND cấp tỉnh, thành phố và các đơn vị đầu mối trực thuộc VKSND tối cao để tạo sự đồng bộ của hệ thống.

Thứ ba, cần phân định rõ thẩm quyền của thanh tra, phạm vi thanh tra, Thanh tra VKSND tối cao, Thanh tra ở các đơn vị cấp dưới để tránh chồng chéo (một vụ án bị đình chỉ do không phạm tội - Vụ Tổ chức cán bộ cũng xem xét, yêu cầu báo cáo, các vụ nghiệp vụ khác thuộc VKSND tối cao cũng yêu cầu báo cáo và kiểm tra hồ sơ, xem xét…Thanh tra cũng kiểm tra, xem xét…).

Thứ tư, có cơ chế, chính sách đãi ngộ cụ thể cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Việc đề xuất như trên hợp lý cả về khoa học quản lý cũng như thực tiễn đòi hỏi, đó là:

Một là, Luật tổ chức VKSND năm 2014 có quy định ngành Kiểm sát nhân dân có Thanh tra ngành. Nếu chúng ta thành lập đồng bộ các đơn vị Thanh tra ở tất cả các đơn vị đầu mối thì có cơ sở đề nghị với Đảng, Nhà nước cho giữ nguyên biên chế với lý do có các đơn vị chức năng thành lập mới.

Hai là, đề nghị cho tăng số lượng Kiểm sát viên ở cả 4 cấp Kiểm sát, từ đó không những có nguồn Kiểm sát viên bổ sung cho các đơn vị nghiệp vụ mà còn bổ sung cho Thanh tra VKSND các cấp.

Ba là,  Cục kế hoạch - Tài chính,  VKSND tối cao có mục khoản, mục chi cho hoạt động thanh tra trong tổng kinh phí chi thường xuyên hàng năm cấp cho các đơn vị (giống như kinh phí cấp cho công tác kiểm sát trại giam mà hiện nay đang làm) thì hiệu quả công tác thanh tra sẽ có sự thay đổi căn bản cả về lượng và chất.

Bên cạnh đó, thanh tra thì chỉ tập trung vào kiểm tra những vi phạm mang tính cố ý làm trái chức trách công vụ, động cơ cá nhân, thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý gây hậu quả xấu trong xã hội, trong ngành để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn để phòng ngừa vi phạm. Mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng thanh tra cho cán bộ làm công tác thanh tra.

Việc thanh tra toàn diện chỉ nên áp dụng ở Thanh tra VKSND tối cao đối với các đơn vị và địa phương. Còn ở các địa phương cần tổ chức thanh tra theo chuyên đề, theo vụ việc phát sinh ở địa phương và căn cứ yêu cầu thực tế do Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quyết định. Thanh tra xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra, thanh tra từng lĩnh vực theo tháng, quý. Kế hoạch thanh tra này do Viện trưởng VKSND tỉnh phê duyệt bằng quyết định thì đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn ở địa phương, không nhất thiết cứ mỗi lần thanh tra đơn vị nào thì phải ra quyết định, trừ trường hợp cá biệt, đột xuất khi có vụ việc phát sinh mà Viện trưởng xét thấy cần thiết. Hoạt động thanh tra ở địa phương cần được thực hiện thường xuyên, liên tục đối với tất cả các đơn vị nghiệp vụ để kịp thời phát hiện sai sót, hướng dẫn các đơn vị tháo gỡ vướng mắc phát sinh hàng ngày trong hoạt động kiểm sát ở từng đơn vị, từng địa phương. Ví dụ như kiểm tra, thanh tra án tạm đình chỉ, án đình chỉ, án sai nhưng không kháng nghị, cho hưởng án treo không đúng, cho hoãn thi hành án không đúng. Thanh tra việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, thanh tra việc xây dựng hồ sơ kiểm sát… kỹ năng, quy trình lập hồ sơ kiểm sát. Đó là những việc cần phải được thanh tra, kiểm tra thường xuyên vì các hoạt động này ở các Viện kiểm sát địa phương đều có thời hạn, thời hiệu, nếu không làm thường xuyên sẽ gặp khó khăn sau này./.

(Trích bài viết: "Một số ý kiến về công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát nhân dân của tác giả Đoàn Minh Hương, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ; Tạp chí kiểm sát số 11/2018).


Tác giả: TCKS số 11/2018

Nguồn tin: Kiemsat.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 618 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1200 | lượt tải:296

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 700 | lượt tải:96
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay3,380
  • Tháng hiện tại141,960
  • Tổng lượt truy cập2,175,560



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây