Thu thập chứng cứ bằng biện pháp trưng cầu giám định trong vụ án hành chính

Thứ hai - 06/07/2020 21:57
Kết luận giám định được xem là một trong các nguồn chứng cứ trong vụ án hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế xảy ra trường hợp đương sự trong vụ án hành chính là người đang nắm giữ đối tượng giám định nhưng cố tình không cung cấp cho Tòa án dẫn đến việc Tòa án không thể tiến hành thu thập chứng cứ là kết luận giám định - chứng cứ duy nhất, nên không có căn cứ làm cơ sở giải quyết vụ án, làm cho vụ án bị kéo dài, quyền lợi của đương sự không được đảm bảo.
Theo quy định tại khoản 6 Điều 82 Luật tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015, nội dung của kết luận giám định cũng là chứng cứ để Tòa án làm cơ sở chứng minh những vấn đề liên quan trong vụ án hành chính (VAHC) nếu việc giám định đó được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định. Tùy thuộc vào nội dung cần chứng minh thì chứng cứ là kết luận giám định trong VAHC có thể được thể hiện ở những dạng như: Giám định chữ viết, chữ ký, dấu vân tay, bản chính của tài liệu đọc được, giọng nói, ADN…

Thực trạng của việc thu thập chứng cứ bằng biện pháp trưng cầu giám định ADN trong vụ án hành chính

Chứng cứ là kết luận giám định có giá trị chứng minh rất thuyết phục vì mang tính khách quan cao. Bởi vì bản kết luận giám định là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định. Để có được bản kết luận giám định thì người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến giải quyết VAHC theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.

Kết luận giám định có thể được thu thập bằng cách do đương sự yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định.

Để có thể thực hiện được việc giám định thì người yêu cầu giám định phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong VAHC đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định, như vậy, nếu không có đối tượng giám định thì không thể tiến hành giám định được.

Tuy nhiên, thực tế có trường hợp đương sự trong VAHC là người đang nắm giữ đối tượng giám định nhưng cố tình không cung cấp đối tượng giám định này cho Tòa án, dẫn đến Tòa án không thể tiến hành thu thập căn cứ là kết luận giám định được nên không có chứng cứ làm cơ sở giải quyết vụ án, làm cho vụ án bị kéo dài, quyền lợi của đương sự không được đảm bảo.

Ví dụ: Ông A khởi kiện VAHC liên quan đến việc yêu cầu hỗ trợ, bồi thường tiền khi nhà nước thu hồi đất của ông A. Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, ông A chết. Tòa án đưa những người thừa kế của ông A vào tiếp tục tham gia tố tụng trong vụ án. Ông B cho rằng ông B là con riêng của ông A nên ông B cũng có quyền tham gia tố tụng trong vụ án và được quyền hưởng di sản thừa kế của ông A là số tiền nhà nước hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất của ông A. Bà C là một trong những người con ruột của ông A cho rằng, ông B không phải là con ông A vì trên giấy khai sinh của ông B cung cấp không ghi tên cha của ông B là ông A.

Để chứng minh ông B là con của ông A, ông B yêu cầu Tòa án tiến hành cho giám định ADN của ông B và ông D (ông D là em ruột của ông A). Tòa án yêu cầu ông D cung cấp mẫu xét nghiệm (mẫu tóc, mẫu máu...) của ông D để tiến hành giám định ADN với ông B nhưng ông D từ chối không cung cấp mẫu xét nghiệm ADN cho Tòa án.

Vấn đề đặt ra là kết luận giám định ADN giữa ông B và ông D là chứng cứ quan trọng và duy nhất để chứng minh ông B có phải là con của ông A hay không nhưng ông D không đồng ý tự nguyện cung cấp mẫu xét nghiệm ADN thì Tòa án thu thập chứng cứ này bằng cách nào?

Theo quy định tại Điều 9 Luật TTHC năm 2015 thì đương sự trong VAHC có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ cho Tòa án.

Theo ví dụ trên, ông B không thể có mẫu xét nghiệm ADN của ông D để tiến hành giám định được nên ông B mới yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ giúp ông B. Trên cơ sở yêu cầu của ông B, Tòa án ban hành quyết định yêu cầu ông D cung cấp mẫu xét nghiệm để tiến hành giám định ADN nhưng ông D không hợp tác, không tự nguyện và không đồng ý cung cấp mẫu xét nghiệm cho Tòa án.

Trường hợp có yêu cầu của đương sự hoặc xét thấy cần thiết, Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình tài liệu, chứng cứ. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu người nào có hành vi từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ mà không có lý do chính đáng hoặc cản trở người tiến hành tố tụng xem xét, quyết định trưng cầu giám định hoặc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì hành vi đó được  xem là cản trở hoạt động xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án trong VAHC hiện nay pháp luật chưa quy định rõ ràng, vẫn còn bỏ ngỏ, gây khó khăn cho Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do để miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Như vậy, cho dù Tòa án có xử lý được hay không thì cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ cho Tòa án.

Trong ví dụ trên, hành vi từ chối cung cấp mẫu giám định ADN cho Tòa án của ông D có thể được xem là hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án. Nhưng thực tế, Tòa án muốn xử phạt vi phạm hành chính đối với ông D cũng không biết áp dụng mức phạt như thế nào vì hiện nay luật không quy định rõ. Việc Tòa án có xử phạt được ông D hay không thì ông D cũng phải có nghĩa vụ cung cấp mẫu giám định ADN cho Tòa án tiến hành giám định. Nhưng nếu ông D vẫn cố tình không cung cấp thì có tiến hành cưỡng chế ông D để lấy mẫu xét nghiệm của ông D để tiến hành giám định ADN không? Nếu không cưỡng chế ông D thì không thể tiến hành giám định được dẫn đến không có chứng cứ để Tòa án làm căn cứ giải quyết vụ án, còn tiến hành cưỡng chế ông D thì có thể làm ảnh hưởng đến quyền nhân thân của cá nhân ông D.

Lúc này phát sinh mâu thuẫn, xung đột giữa quyền dân sự của cá nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, đó là cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ được quy định trong Luật TTHC năm 2015, đó là đương sự có nghĩa vụ chủ động giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

Vấn đề đặt ra ở đây là Tòa án phải lựa chọn cách thức giải quyết tôn trọng quyền nhân thân bất khả xâm phạm của công dân với việc chấp thuận cho cá nhân không cung cấp chứng cứ cho Tòa án hay buộc cá nhân đó phải thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để có cơ sở chứng minh làm sáng tỏ vụ án bằng việc cưỡng chế cá nhân đó để lấy mẫu giám định ADN?

Trên thực tiễn từ trước tới nay, Tòa án có thể thực hiện được việc cưỡng chế để thu thập chứng cứ trong việc đo đạc, định giá, xem xét thẩm định tại chỗ (vì có cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện). Còn việc cưỡng chế con người để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ADN trong VAHC thì chưa được thực hiện, mà Tòa án có muốn thực hiện cũng không biết thực hiện cưỡng chế như thế nào vì vấn đề này hiện nay luật chưa quy định.

Đề xuất, kiến nghị

Theo chúng tôi, để khắc phục vấn đề trên, cần phải có văn bản pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể, đầy đủ về những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần có quy định về cách thức xử lý đối với hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án; phân biệt rạch ròi ranh giới giữa hành vi vi phạm nào sẽ bị xử lý hành chính và hành vi vi phạm nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, từ đó để người có thẩm quyền áp dụng được thống nhất. Nếu là xử phạt hành chính thì cũng phải có quy định rõ về hình thức xử lý cụ thể đối với từng loại hành vi vi phạm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt... Nếu là truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cần có quy định rõ ràng mức độ cản trở, mức độ nguy hiểm, hậu quả xảy ra... như thế nào là đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ hai, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đã bị xử lý (hành chính hoặc hình sự) nhưng vẫn cố tình không chịu giao nộp, cung cấp chứng cứ, tài liệu thì  phải có quy định về cách thức, biện pháp thực hiện cưỡng chế để Tòa án có thể có được chứng cứ, tài liệu hợp pháp làm căn cứ cho việc giải quyết vụ án.

Thứ ba, khi có xung đột giữa hưởng quyền dân sự của đương sự theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo Luật TTHC năm 2015 thì luật phải có quy định ưu tiên buộc đương sự phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Luật TTHC năm 2015, vì mục đích là để cho Tòa án có căn cứ làm sáng tỏ sự việc, giải quyết VAHC được chính xác, khách quan.

Nguồn tin: Kiemsat.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 642 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1256 | lượt tải:309

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 717 | lượt tải:101
Liên kết website
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập11
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay5,729
  • Tháng hiện tại51,948
  • Tổng lượt truy cập2,299,786



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây