Nâng cao công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm tín dụng đen trên địa bàn

Thứ năm - 29/08/2019 04:11
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, những vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” xảy ra khá phổ biến, nổi lên là hoạt động cho vay lãi nặng. Ngoài việc làm cho người vay tiền lâm vào tình cảnh khánh kiệt về tài chính, hoạt động vay lãi, thu nợ còn trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ về các vụ án như cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc, giết người… gây hoang mang dư luận, mất trật tự, an toàn xã hội.
    Nhận diện “tín dụng đen”

    Tín dụng “đen” được hiểu là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước hay pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính.

    Hiện nay có một số loại vay tín dụng đen phổ biến như: Vay tiền gộp (hay còn gọi là vay “Bát”), nghĩa là vay ngắn hạn, yêu cầu trả gốc và lãi hàng ngày. “Vay nóng”, trả lãi theo ngày, trả nợ gốc vào một thời điểm ấn định, sau đó có thể thỏa thuận gia hạn thêm. Một loại cho vay khác là cho vay mua xổ số (hay "đề đóm"), khi con nợ không có khả năng trả thì ép viết giấy nợ, tính lãi cao, sau đó ép phải chuyển nhượng nhà cửa, tài sản để trừ nợ... Ngoài ra, hiện nay cũng xuất hiện một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến, vay online thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng di động với cách tính lãi và lãi xuất tương tự như các hình thức đã nêu. Lãi xuất trong các trường hợp này được tính trung bình từ 146%/ năm đến 547,5%/năm, cá biệt có vụ lãi xuất được tính tới 1095%/năm, cao gấp nhiều lần mức lãi suất tối đa 20%/ năm do Bộ luật dân sự quy định.

    Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như:  Các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính; Các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, phường…) và thường đưa ra các hình thức để thu hút vốn từ người dân như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu với lãi suất cao.

    Hệ quả tín dụng “đen” về phía người đi vay là sự gia tăng chóng mặt của món nợ phải trả tích cóp theo thời gian do “lãi mẹ đẻ lãi con”, và viễn cảnh bị phá sản, bị xiết nợ luôn treo lơ lửng trên đầu… Ngoài ra, tín dụng đen kéo theo nguy cơ gây mất an ninh trật tự - an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “tan cửa nát nhà”. Nhiều trường hợp do không trả được tiền vay, người vay tiền bị uy hiếp, đe dọa, gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản.

    Từ năm 2017 đến hết quý II/2019, trên toàn tỉnh đã phát hiện khởi tố 08 vụ/27 bị can liên quan đến tín dụng đen, số tiền các đối tượng thu lời bất chính lên tới hàng tỷ đồng. Trong đó, có 01 vụ án giết người, 02 vụ cưỡng đoạt tài sản phát sinh từ hành vi cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm; Trên thực tế, hoạt động tín dụng đen diễn biến phức tạp hơn rất nhiều, do cả người vay và người cho vay đều muốn giấu kín nên việc phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.



Kiểm sát viên tham gia hỏi cung một vụ án cho vay nặng lãi 
 
    Nguyên nhân của thực trạng “tín dụng đen”

    Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng của hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn, tuy nhiên có thể kể đến một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

    Một là: Thực tế, không phải ai cũng có thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ngân hàng, vì nguồn tín dụng hợp pháp này đòi hỏi những điều kiện chặt chẽ. Trong khi đặc trưng cơ bản của “tín dụng đen” là có lãi suất cho vay cao nhưng thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản so với các hoạt động tín dụng chính thức ngân hàng hiện hành. Khách hàng của các hoạt động tín dụng “đen” cũng đa dạng, từ những chủ cửa hàng lớn, đến người “cùng quá hóa quẫn”, sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện, miễn có tiền giải quyết nhu cầu nóng và thường không nhận thức được mối nguy hiểm từ tín dụng đen.

    Hai là: Thủ đoạn phạm tội càng ngày càng tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó với cơ quan chức năng. Ngoài ra một số bị hại trong quá trình vay mượn thường giấu thông tin, thậm chí không hợp tác với CQĐT; hoặc bị các đối tượng đe dọa khống chế nên không dám tố giác, trình báo do sợ bị trả thù, sợ bị làm rõ việc vay tiền dùng vào một số việc bất chính… Khi cơ quan Công an phát hiện thì sự việc xảy ra đã quá lâu, kéo dài nên chứng cứ thu thập được bị hạn chế, khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.

    Ba là: Một số vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật gây khó khăn cho công tác đấu tranh với loại tội phạm này, như: Thời hạn điều tra ngắn, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn cũng gặp nhiều khó khăn vì theo quy định của BLHS thì đây chỉ là tội phạm ít nghiêm trọng; nhận thức chưa thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng tại địa phương về số tiền “Thu lời bất chính”, đây chính là những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến công tác mở rộng điều tra xác minh các tình tiết trong vụ án.

    Bốn là: Trình độ chuyên môn của điều tra viên, kiểm sát viên, cán bộ trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này vẫn còn nhiều hạn chế. Thực tiễn việc xử lý hình sự đối với loại tội này chưa nhiều, do đó quá trình điều tra xử lý cũng còn lúng túng, chưa chủ động. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho việc điều tra vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ.

    Giải pháp đẩy lùi “tín dụng đen”

    Để tăng cường công tác phòng ngừa cũng như đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

     Đầu tiên, cần tuyên truyền, cảnh tỉnh người dân biết chủ động kiểm soát những nhu cầu thiết yếu; tăng cường năng lực nhận thức pháp lý và không dễ dãi vay những khoản vay với các điều kiện mà mình không thể đáp ứng chắc chắn. Ngoài ra, cần đáp ứng nhu cầu chính đáng và có thực của người dân bằng việc mở rộng các nguồn tín dụng ngân hàng cho vay tiêu dùng với lãi suất và thời hạn hợp lý.

    Cần nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền cơ sở và các ngành liên quan trong quản lý cấp phép kinh doanh cho các loại hình dịch vụ mà "tín dụng đen" núp bóng; tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn sử dụng vốn an toàn, thủ đoạn liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

    Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; từ đó lập chuyên án tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức băng nhóm tội phạm, các đường dây lợi dụng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Tiếp tục hoàn thiện theo hướng ngày càng minh bạch và đầy đủ, chặt chẽ hơn trong hệ thống luật pháp, ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến vướng mắc về nhận thức pháp luật để có cơ sở xử lý đảm bảo thống nhất, đúng quy định.

    Chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng của cán bộ, chiến sỹ trực tiếp đấu tranh với tội phạm “Tín dụng đen”. Trang bị cơ sở vật chất (như máy quay phim, máy ghi âm) và đào tạo các kỹ năng sử dụng, vận hành để nâng cao chất lượng của việc điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này./.
 

Tác giả: Nông Thiện Doanh – Phó Viện trưởng

Nguồn tin: Viện KSND huyện Hoà An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 621 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1220 | lượt tải:299

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 703 | lượt tải:98
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay11,774
  • Tháng hiện tại167,967
  • Tổng lượt truy cập2,201,567



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây