Trên cơ sở thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Phòng kiểm sát án dân sự, hành chính (Phòng 9) - Viện KSND tỉnh Cao Bằng đã chú trọng, tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị khắc phục và phòng ngừa đối với các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp của Tòa án nói riêng và các cơ quan tư pháp nói chung. Vì vậy, mặc dù với số lượng cán bộ có hạn, nhưng đơn vị đã tích cực nghiên cứu, phát hiện vi phạm trong việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Trên cơ sở các vi phạm pháp luật được phát hiện, đơn vị xác định tính chất, mức độ để thực hiện các quyền năng pháp lý cho phù hợp.
Ngay từ đầu năm, trong chương trình công tác, đơn vị đã đề ra chỉ tiêu kiểm sát 100% các bản án, quyết định của Tòa án để phát hiện vi phạm và đưa ra các chỉ tiêu kháng nghị, kiến nghị. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã kiểm sát 520 bản án, quyết định của VKSND cấp huyện; 40 bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp. Ban hành 03 kiến nghị về vi phạm pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại; Tổng hợp những vi phạm trong công tác quản lý là điều kiện làm phát sinh các tranh chấp phức tạp để đề xuất với Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, phòng ngừa vi phạm nhằm bảo đảm sự tuân thủ pháp luật. Thông qua công tác kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án do Viện KSND cấp huyện gửi phát hiện có vi phạm, đơn vị đã yêu cầu rút hồ sơ để trực tiếp nghiên cứu, đề xuất với Lãnh đạo Viện ban hành 04 kháng nghị phúc thẩm. Tính đến thời điểm hiện tại 02 vụ án có kháng nghị đã xét xử và đều được Tòa án tỉnh chấp nhận, đạt tỷ lệ 100%. Với tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận như vậy đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất cao của các cán bộ, Kiểm sát viên Phòng 9 – Viện KSND tỉnh Cao Bằng. Ngoài ra, khi Viện KSND cấp huyện có vướng mắc về đường lối giải quyết hoặc xin ý kiến thỉnh thị, đơn vị đã nghiên cứu hồ sơ và trả lời kịp thời...
Để đạt được những kết quả trên, trước hết là sự quan tâm, chỉ đạo cũng như hướng dẫn công tác của Vụ nghiệp vụ, của Lãnh đạo Viện KSND tỉnh, đặc biệt là đối với công tác kháng nghị, kiến nghị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp. Cùng với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong công tác quản lý điều hành thì với sự nỗ lực nghiên cứu, vận dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật của các cán bộ, Kiểm sát viên Phòng 9 cũng là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện tốt công tác này cũng như nâng cao số lượng, chất lượng các bản kiến nghị, kháng nghị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn có những hạn chế như: Số lượng kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát cấp huyện còn thấp trong khi qua quá trình kiểm sát xét xử các vụ án trong giai đoạn phúc thẩm có nhiều vụ án mà khi tham gia nghiên cứu và kiểm sát xét xử sơ thẩm, có những vi phạm của Tòa án sơ thẩm nhưng Kiểm sát viên không phát hiện được như: Xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp; Không đưa đầy đủ người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; Xác định sai tư cách tham gia tố tụng của các đương sự; Thu thập chứng cứ không đầy đủ; Áp dụng pháp luật nội dung không đúng quy định; tính lãi suất, án phí không chính xác... dẫn đến tình trạng Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải xử huỷ án, sửa án sơ thẩm. Công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đôi lúc chưa chặt chẽ, một số dạng vi phạm điển hình, phổ biến xảy ra ở Tòa án cấp sơ thẩm đã được Viện kiểm sát tỉnh kiến nghị, kháng nghị, tuy nhiên quá trình kiểm sát bản án, quyết định Kiểm sát viên cấp sơ thẩm chưa nhận thức đầy đủ dẫn tới không phát hiện được vi phạm để ban hành kiến nghị, kháng nghị kịp thời.
Nguyên nhân của một số tồn tại nêu trên là do văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan đến công tác này chưa có sự đồng bộ, nhất quán. Bên cạnh đó, trong khi số lượng án nhiều nhưng lực lượng cán bộ Kiểm sát viên làm công tác này số lượng còn ít, chất lượng chưa đồng đều, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, Kiểm sát viên có những lúc còn chưa cao. Đối với cấp huyện đa số các cán bộ, Kiểm sát viên là kiêm nhiệm thêm các khâu công tác khác nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả công tác phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm trong các quyết định, bản án của Tòa án để xem xét kháng nghị hay không kháng nghị. Hơn nữa, chỉ thông qua công tác kiểm sát bản án, quyết định để phát hiện vi phạm là rất khó khăn trong khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật áp dụng trong lĩnh vực dân sự nhiều, phạm vi rộng. Vì vậy, việc sắp xếp, bố trí cán bộ cần có sự ổn định và mang tính kế thừa để cán bộ, Kiểm sát viên có thời gian đúc rút, tích lũy kinh nghiệm..., là hết sức cần thiết.
Để nâng cao hơn nữa công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật cũng như công tác kháng nghị, kiến nghị. Đơn vị Phòng 9 đề ra một số giải pháp sau: Tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và công tác kiểm tra hướng dẫn nghiệp vụ của Lãnh đạo Viện và của Phòng nghiệp vụ trong công tác này; Hàng quý có thông báo rút kinh nghiệm qua thực tiễn xét xử phúc thẩm, qua việc nghiên cứu các bản án mà cấp huyện gửi hoặc qua mỗi vụ án bị sửa, huỷ có liên quan đến trách nhiệm của Kiểm sát viên để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Đối với những vụ, việc cụ thể cán bộ, Kiểm sát viên tham gia nghiên cứu hồ sơ cũng như Kiểm sát viên tham gia xét xử phải xây dựng hồ sơ đúng quy chế, các tài liệu chứng cứ được nghiên cứu kỹ càng, thận trọng. Thông qua kiểm sát trực tiếp tại phiên tòa, qua kiểm sát bản án của Tòa án, qua nguồn đơn, các kênh thông tin khác và việc phối hợp giữa viện kiểm sát hai cấp, xác định vi phạm một cách chính xác, kết hợp với việc nắm vững các qui định của pháp luật để ban hành kháng nghị có căn cứ vững chắc, đảm bảo việc bảo vệ quan điểm kháng nghị và Tòa án chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát. Gắn trách nhiệm của Viện trưởng Viện KSND cấp huyện trong việc thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị phúc thẩm các bản án, quyết định của Tòa án cùng cấp. Thông qua công tác kiểm sát xét xử cũng như kiểm sát bản án của Tòa án, Viện kiểm sát hai cấp cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo mọi bản án sơ thẩm của Tòa án hai cấp đều được kiểm sát, kịp thời phát hiện các vi phạm để ban hành kiến nghị, kháng nghị...
Trong thời gian tới, đơn vị Phòng 9 – Viện KSND tỉnh sẽ tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục tồn tại để thực hiện tốt khâu đột phá và phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu nghiệp vụ theo chương trình, kế hoạch công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền