Đối với ngành Kiểm sát, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tiếp tục thực hiện dân chủ trong hoạt động tố tụng và phục vụ tích cực công cuộc đổi mới của đất nước, đòi hỏi mỗi cán bộ Kiểm sát (Kiểm sát viên, Điều tra viên và các chức danh tư pháp khác của Viện kiểm sát nhân dân) phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập và phấn đấu theo Năm đức tính Bác Hồ đã dạy, đó là “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt chụp ảnh lưu niệm với đoàn đại biểu VKSND Trung Quốc
Để hiểu đúng đắn và vận dụng sáng tạo lời dạy của Bác, trước hết chúng ta cần nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Người về cán bộ nói chung, cán bộ Kiểm sát nói riêng và những bài học rút ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ Kiểm sát.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh rất rộng, tập trung chủ yếu vào những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa; là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, đồng thời là sự kết tinh tinh hoa dân tộc và trí tuệ thời đại nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người”(1) .
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, công tác cán bộ chiếm một phần rất lớn trong các bài viết và lời nói của Người.
Về vị trí, vai trò của cán bộ, Người khẳng định: “Cán bộ quyết định mọi việc, các đồng chí đều là cán bộ cao cấp, đều giữ những trách nhiệm quan trọng. Công việc thành hay bại một phần lớn là do nơi tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”(2). Đặc biệt Người rất coi trọng đến phẩm chất chung của cán bộ: “Phải có lập trường vững vàng, tư tưởng phải thông, không sợ khó, không sợ khổ… phải đi sâu, xét kỹ, phải luôn kiểm tra công tác, chấp hành chính sách, phải coi trọng từ việc to đến việc nhỏ; phải nhớ rằng “sai một ly đi một dặm”(3). Người phê phán những biểu hiện không tốt của cán bộ và đến nay những phê phán đó vẫn còn nguyên giá trị: “Chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thay quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ…” (4)
Bác Hồ với nhân dân
Trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(5). Người đánh giá và chỉ ra những tồn tại trong việc tự rèn luyện, nghiên cứu, học hỏi của cán bộ như sau: “Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu, hay tới đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa chữa những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót. Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi, hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những hành vi tư tưởng của ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo, nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(6).
Về giáo dục, rèn luyện cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong“(7). Người nói rằng: “Mỗi đảng viên, mỗi cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân chứ không phải là quan nhân dân“(8). Tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện Đảng viên phải là người đầy tớ của nhân dân, bởi vì mục tiêu lý tưởng của Đảng ta là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Vì vậy đảng viên phải suốt đời phấn đấu để phục vụ cho lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng viên phải đứng trên lập trường, quan điểm của Đảng để lãnh đạo, giáo dục quần chúng, tổ chức cho quần chúng thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, đó chính là sự tận tuỵ phục vụ nhân dân.
Về đánh giá cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải xem xét con người một cách toàn diện, thông qua công việc, thông qua hoàn cảnh để đánh giá đúng bản chất người cán bộ, không để hình thức bên ngoài che lấp nội dung bên trong của con người. Người viết: “Xem xét cán bộ, không chỉ xem ngoài và còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải xem toàn cảnh lịch sử, toàn cảnh công việc của họ. Có người lúc phong trào cách mạng cao, họ vào Đảng, họ làm việc rất hăng. Nhưng lúc phong trào khó khăn thì đâm ra hoang mang. Lúc gặp sự nguy hiểm thậm chí hoá phản cách mạng, làm mật thám được việc thì nó lại công tác hăng hơn ai hết. Nếu ta không xem xét rõ ràng thì lầm nó là cán bộ tốt. Vì vậy, nhận xét cán bộ không chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ toàn bộ công việc của cán bộ” (9) . Về sử dụng cán bộ, Người viết: “Người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo léo thì gỗ to, gỗ nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ từng chỗ mà dùng được“(10).
Trong mỗi lĩnh vực công tác, chúng ta đều thấy tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn toả sáng và có sức sống trường tồn.Đối với mỗi đối tượng khác nhau, Bác đều có những tư tưởng, tình cảm, lời dạy rất sâu sát, cụ thể, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng đắn. Người rất quan tâm đến nhiệm vụ đặc thù của từng đội ngũ cán bộ, từ đó Người nêu ra những tiêu chuẩn, những yêu cầu và đề cao những phẩm chất, đức tính cụ thể đối với những cán bộ ấy. Chúng ta có thể nhận thấy ở mỗi ngành, mỗi địa phương nơi Bác đến thăm và làm việc đều nhận được những tình cảm thiêng liêng, tư tưởng sâu sắc của Người. Lời dạy của Bác đối với cán bộ ở các ngành, nghề, đơn vị khác nhau trở thành “khuôn thước” để các thế hệ cán bộ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu.
Bác Hồ với chiến sĩ
Đối với cán bộ quân đội người viết: “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(11). Đối với Công an nhân dân, Người viết trong bài Tư cách người Công an cách mệnh, tháng 3/1948, có đoạn: “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc phải tận tuỵ. Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo”(12). Trong thư gửi Hội nghị công tác tư pháp toàn quốc tháng 2/1948 Người viết: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành” và“Các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cái gương “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư” cho nhân dân noi theo…”(13).
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ là hệ thống những quan điểm cơ bản, toàn diện về vị trí, vai trò của cán bộ, về việc bồi dưỡng, đào tạo, đánh giá và sử dụng cán bộ mà trong bất cứ công việc gì, bất cứ ngành nào, bất cứ giai đoạn cách mạng nào chúng ta đều phải thấm nhuần sâu sắc để phấn đấu, rèn luyện và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao cho. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, bất kỳ người cán bộ nào đều phải có những phẩm chất chung của người cán bộ và những phẩm chất riêng do đặc thù của công việc đòi hỏi. Những phẩm chất, đức tính riêng đó do bối cảnh và yêu cầu nhiệm vụ cụ thể đặt ra cho từng đội ngũ cán bộ mà chỉ có Người với tầm nhìn xa, rộng mới đúc kết thành những bài viết, lời nói hết sức ngắn gọn nhưng chứa đựng những tư tưởng rất lớn, rất sâu sắc.
2. Đối với Viện kiểm sát nhân dân, ngay từ những ngày đầu mới thành lập, khi làm việc với các đồng chí Lãnh đạo cao nhất của ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ Kiểm sát phải rèn luyện phấn đấu thực hiện năm đức tính: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”. Hơn nửa thế kỷ phấn đấu và trưởng thành, ngành Kiểm sát nói chung, mỗi cán bộ ngành Kiểm sát nói riêng đều thấm nhuần lời dạy của Bác, không ngừng nghiên cứu, học tập, vận dụng và làm theo lời dạy của Người để đáp ứng với yêu cầu nhiệm trong tình hình mới.
Ngành kiểm sát được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, là một trong những cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm quyền, tự do dân chủ của công dân; đồng thời, còn được giao nhiệm vụ điều tra tội phạm, truy tố người phạm tội ra trước Toà án và bảo đảm cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đây là chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành Kiểm sát, do vậy, cán bộ Kiểm sát cũng phải có những phẩm chất đạo đức đặc thù để thực hiện nhiệm vụ ấy. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành, cán bộ Kiểm sát vừa phải có những phẩm chất đạo đức của cán bộ nói chung như “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”; vừa phải có những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của người cán bộ cách mạng, như “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”… ; đồng thời, phải rèn luyện phấn đấu theo Năm đức tính tốt đẹp mà Bác Hồ đã đúc kết, dạy bảo đối với cán bộ Kiểm sát.
Trong giáo dục, rèn luyện cán bộ, Bác Hồ thường coi trọng cả đức và tài, trong đó Người luôn coi đạo đức là “gốc”. Trong năm đức tính Bác Hồ đã dạy cán bộ Kiểm sát, Người cũng đề cập chủ yếu đến vấn đề đạo đức. Chúng ta thấy, giữa các đức tính trên của người cán bộ Kiểm sát lại có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau. Do đó người cán bộ Kiểm sát phải học tập tu dưỡng, rèn luyện để có trong mình cả năm đức tính, thiếu một trong các đức tính trên thì không trở thành người cán bộ Kiểm sát chân chính được.
Hình ảnh đời thường của Bác Hồ khi đang làm việc
Vấn đề đặt ra là học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát như thế nào ? và vận dụng lời dạy của Người trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành hiện nay như thế nào để đạt kết quả tốt ?
Như chúng ta đã biết, tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành trong quá trình người đi tìm con đường giải phóng dân tộc và lãnh đạo cách mạng, thống nhất đất nước. Do vậy, mỗi lời nói, việc làm của Người đều ở trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, vấn đề quan trọng trong việc học tập làm theo lời dạy của Bác là phải nắm được ý nghĩa sâu xa của Bác để vận dụng sáng tạo, phù hợp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của chúng ta hôm nay. Chính Người cũng đã nhắc nhở chúng ta: Chứng minh tính đúng đắn bằng thực tiễn chứ không phải bằng tranh cãi kinh viện hay tầm chương trích cú theo chủ nghĩa giáo điều.
Có chuyện kể rằng trong một số chuyến đi thăm nước bạn, Bác vẫn mang đôi dép cao su thường dùng hằng ngày. Cán bộ cùng đi cũng muốn làm theo Bác. Bác nói: Bác có thể đi dép cao su được, nhưng các chú thì không thể và không nên làm như Bác, nên cán bộ cùng đi vẫn mang giày tây. Việc Bác đi dép cao su đã được dư luận các nước ca ngợi, coi đó như một biểu hiện đẹp về đức tính giản dị của một lãnh tụ nhân dân. Qua câu chuyện này, chúng ta rút ra bài học là học tập và làm theo lời dạy của Bác có nghĩa là phải nắm vững tinh thần cơ bản của Người, chứ không phải “bắt chước” hoặc làm theo y hệt những gì Bác Hồ đã làm.
3. Thông qua việc học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát, chúng tôi thấy cần rút ra một số vấn đề cốt lõi để nhận thức và vận dụng trong thực tiễn, trong đó, mỗiđức tính tốt đẹp mà Bác Hồ đã dạy cán bộ Kiểm sát là một bài học sâu sắc trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ và đấu tranh phòng, chống tội phạm:
– Bài học về sự công minh: Theo từ điển Tiếng Việt, thì “Công minh” là “Công bằng và sáng suốt“(15) . Công bằng là một trong những chủ trương, chính sách của Đảng ta, là nguyên tắc quan trọng được pháp luật quy định. Trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm, việc thực hiện nguyên tắc công bằng phải được đề cao để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức và mọi công dân không bị xâm phạm. Bên cạnh việc thực hiện công bằng phải luôn bảo đảm tính sáng suốt. Nếu không sáng suốt, sẽ không phân biệt được phải trái, trắng đen, có tội hay không có tội, rất dễ dẫn đến oan, sai. Do vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ Kiểm sát luôn phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để bảo đảm sự công bằng; đồng thời, phải có năng lực, trình độ và lương tâm trong sáng, để giải quyết công việc bảo đảm sự công tâm, minh bạch, rõ ràng.
– Bài học về sự chính trực: Chính trực có nghĩa là “Có tính ngay thẳng”(16). Đối với bất cứ người nào và bất cứ trong công việc gì đều đòi hỏi phải có sự ngay thẳng, thật thà. Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, sự chính trực là biểu hiện, là yêu cầu rất cao của tính ngay thẳng, đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải có “dũng khí” hoặc nói như Bác Hồ là phải “có gan” mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đấu tranh phòng chống tội phạm là đối mặt với mặt trái của xã hội, phải đương đầu trước những áp lực, khó khăn, nhất là khi đấu tranh xử lý đối với các loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, tội phạm có tổ chức, tội phạm về ma tuý, tham nhũng… Do vậy, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ cán bộ Kiểm sát phải phấn đấu, rèn luyện để có phẩm chất, bản lĩnh vững vàng, không chịu lùi bước, không chịu khuất phục trước mọi khó khăn, thử thách.
– Bài học về việc tôn trọng sự thật khách quan: Phạm trù khách quan được hiểu là “Cái tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức, ý chí của con người, trong quan hệ đối lập với chủ quan“(17) . Trong quá trình thu thập chứng cứ, tài liệu để xử lý tội phạm, người tiến hành tố tụng nói chung, cán bộ Kiểm sát nói riêng đều phải bảo đảm tính khách quan. Đây là yêu cầu rất cao do đặc thù nghiệp vụ của ngành Kiểm sát, đòi hỏi cán bộ Kiểm sát trong mỗi hoạt động tố tụng phải thực hiện triệt để nguyên tắc này. Trước các quyết định tố tụng như khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố… trong các vụ án hình sự, Kiểm sát viên đều phải tôn trọng sự thật khách quan, tôn trọng những sự việc, hiện tượng tồn tại ở thực tế đã được thu thập thành chứng cứ, tài liệu hợp pháp có trong hồ sơ vụ án, để đánh giá, kết luận chính xác sự kiện phạm tội và người phạm tội, tránh cảm tính hoặc các suy diễn chủ quan, dẫn đến làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Do đó, cán bộ Kiểm sát phải không ngừng nghiên cứu lý luận, thường xuyên trau dồi kỹ năng, kinh nghiệm thực tế để có đủ năng lực, trình độ bảo đảm khi xem xét, đánh giá và giải quyết các vụ án luôn tôn trọng sự thật khách quan.
– Bài học về sự sâu sát, cụ thể và thận trọng: Thận trọng là “Có đắn đo, suy tính cẩn thận trong hành động, để tránh sai sót”(18). Để có được những quyết định thận trọng, đúng đắn, trong công việc phải luôn sâu sát thực tế và nắm chắc nội dung sự việc, đó chính là phong cách làm việc luôn “đi sâu, xét kỹ” của Bác Hồ. Trước những lần đi xuống địa phương, Người thường sưu tầm, tổng hợp các tài liệu, báo chí phản ánh những vụ, việc về địa phương đó. Khi đến địa phương, Người gặp trực tiếp nhân dân và kiểm tra tận nơi để nắm bắt tình hình.
Thấm nhuần tư tưởng, tác phong của Bác, cán bộ Kiểm sát càng phải đề cao tính thận trọng, nhất là trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bởi lẽ công tác này liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của mỗi con người. Do vậy, trong công tác, cán bộ Kiểm sát phải luôn nắm chắc nội dung vụ án, trực tiếp nghiên cứu hồ sơ và thực hiện đầy đủ, chặt chẽ các trình tự tố tụng, trực tiếp hỏi cung bị can trước khi đề xuất việc phê chuẩn. Cho nên cán bộ Kiểm sát luôn phải nắm chắc sự việc và xem xét đánh giá thận trọng, để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm.
– Bài học về sự khiêm tốn: Khiêm tốn là “Có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người”(19). Khiêm tốn cũng là một trong những đức tính quý của mỗi con người, càng khiêm tốn thì càng học hỏi được nhiều. Sự khiêm tốn thật sự phải được đặt trong mối quan hệ đối với tự mình và đối với mọi người. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngoài việc đối mặt với tội phạm, Viện kiểm sát nhân còn thực hiện việc kiểm sát hoạt động của cơ quan tư pháp, để phát hiện vi phạm, thiếu sót trong hoạt động của các cơ quan này. Với đặc thù công việc như vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ Kiểm sát phải tự mình không ngừng học hỏi hoàn thiện mình và luôn có thái độ đúng mực trong công việc; đồng thời, phải luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng nghiệp và của cơ quan hữu quan. Đặc biệt, để hoàn thành tốt nhiệm vụ cán bộ Kiểm sát phải trọng dân, học dân và tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân./.
(1) Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX.
(2-8) Hồ Chí Minh toàn tập, T6 tr480; T3 tr38; T9 tr290, 291; T5 tra 269; T4 tr 26; T9 tr 293.
(9, 10) Sđd, T5 tr 277, 278; 72.
(11-13) Sđd, T5 tr 319
(15) Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng 2006, tr 208.
(16-18) Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng 2006, tr 164, 489, 926.
(19) Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng 2006, tr 500.
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 556 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1035 | lượt tải:254QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 659 | lượt tải:90