Dự hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Lý Hải Hầu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy; Văn phòng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể: Tư pháp, Thi hành án Dân sự, Thuế, Hải quan, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ, Tỉnh đoàn Thanh niên, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, Hội Nông dân, Liên Đoàn Lao động tỉnh...
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng
Bộ luật Hình sự năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI, thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2000). Từ khi ra đời đến nay, BLHS là công cụ sắc bén của Nhà nước trong việc quản lý xã hội, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức và của công dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết cũng chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành BLHS gồm: trong công tác tổ chức thực hiện BLHS (BLHS được ban hành trong một thời gian khá dài, một số điều luật còn quy định chung chung, các văn bản hướng dẫn thi hành chưa kịp thời, cụ thể). Quy định của BLHS (liên quan đến các quy định tại phần chung của BLHS). Bất cập, hạn chế xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế (một số hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa được quy định tại BLHS; trách nhiệm hình sự của pháp nhân, các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, quy định tội phạm và hình phạt trong các văn bản luật chuyên ngành; hình sự hóa hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức theo yêu cầu của Công ước Liên Hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia...).
Trên tinh thần đó, BLHS sửa đổi cần xây dựng dựa trên 6 định hướng cơ bản: Thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Nghiên cứu nội luật hóa những qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; sửa đổi các quy định của BLHS liên quan đến các tội phạm tham nhũng; Hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự.
Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tại các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, các ý kiến tại Hội nghị đã chỉ ra hiện nay một số hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội, nhưng chưa được quy định trong BLHS. Thực tiễn cũng cho thấy không ít tổ chức kinh tế, doanh nghiệp (pháp nhân) vì chạy theo lợi ích cục bộ, đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng có tính chất tội phạm, nhưng BLHS hiện hành chỉ truy cứu trách nhiệm đối với cá nhân người phạm tội mà không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Đồng thời, chưa hình sự hoá đầy đủ các hành vi tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu 7 định hướng chính sách lớn mà Bộ luật Hình sự sửa đổi cần bám sát, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thứ nhất, cần tập trung nghiên cứu để đưa ra các đề xuất, giải pháp sửa đổi nhằm xây dựng được một bộ luật mới khắc phục ở mức cao nhất các hạn chế, tồn tại đã gây khó khăn cho quá trình thực thi và ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của đất nước ta trong thời gian qua. Phải bảo đảm BLHS sửa đổi lần này phải có tính khả thi cao, là một bộ luật mang tính hiện đại, tính dự báo, tính minh bạch và có chất lượng cao về mặt kỹ thuật lập pháp.
Thứ hai, việc sửa đổi BLHS nằm trong Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi 2013. Do đó, bộ luật sửa đổi phải được xây dựng, hoàn thiện trên tinh thần của Hiến pháp mới, đặc biệt là phải bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; cần có cơ chế khuyến khích, động viên nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tự bảo vệ mình và bảo vệ quyền lợi của người khác.
Thứ ba, BLHS sự phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương: "Giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm. Khắc phục tình trạng hình sự hoá quan hệ dân sự, kinh tế và bỏ lọt tội phạm. Quy định là tội phạm đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế".
Thứ tư, Bộ luật phải tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường vận hành theo đúng các quy luật và đúng định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; xây dựng các quy định bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Liên quan đến vấn đề môi trường, chúng ta cũng cần nghiên cứu kỹ càng vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Thứ năm, nước ta có nhiều vấn đề gây bức xúc như tội phạm tham nhũng, trốn lậu thuế, tội phạm môi trường, vi phạm trật tự xã hội... đang là vấn đề bức xúc xã hội, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước. Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua năm 2005 và đã qua 2 lần sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012. Bộ luật sửa đổi lần này phải đáp ứng được nhiệm vụ chính trị đặt ra cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Thứ sáu, BLHS phải được xây dựng trên cơ sở đổi mới tư duy về quy định tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn. Trong đó, có thể xem xét khả năng quy định tội phạm và hình phạt không chỉ trong BLHS mà cả trong các luật chuyên ngành khác nhằm tạo sự linh hoạt, kịp thời trong đấu tranh với các loại tội phạm mới phát sinh, đồng thời bảo đảm tính ổn định lâu dài, giảm áp lực đối với việc sửa đổi thường xuyên một bộ luật lớn như BLHS.
Thứ bảy, trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng thì BLHS phải luật hóa cho được những quy định mang tính bắt buộc của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hồng Cường đã chỉ ra những việc cần làm trong thời gian tới, định hướng cơ bản trong việc nghiên cứu, xây dựng dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), nhằm tạo ra một Bộ luật Hình sự mới, là công cụ sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nghập quốc tế, góp phần bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển đúng hướng, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, tạo một môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân.
Nguồn tin: www.caobang.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 556 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1035 | lượt tải:254QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 659 | lượt tải:90