Ngỡ ngàng Phia Đén

Thứ hai - 24/03/2014 21:05
Ngược Quốc lộ 34, chúng tôi về với Nguyên Bình, mảnh đất nơi miền Tây của tỉnh. Sau hơn 1 tiếng quanh co, trập trùng, chiếc xe LUXUS đưa chúng tôi vượt Ký Cảnh, rồi đỉnh đèo Phja Đén, xã Thành Công ẩn hiện trong mù sương, mây gió bồng bềnh. Núi núi, mây mây, lớp lớp gối vào nhau đam mê, quấn quyện như cái tình duyên muôn thuở của đất trời. Càng lên cao, núi non càng vời vợi, mây càng ảo huyền, ta như chơi vơi vào vùng tiên cảnh.
 
Mô hình chè chất lượng cao tại Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình) của Công ty TNHH Xây dựng Miền Tây.

Vì đã nhiều năm hòa vào tình đất, tình người Phja Đén, thở cùng hơi thở của Phja Đén với ước mơ biến vùng đất giàu tiềm năng này trở thành một vùng trù phú với cây chè Ô long là chủ đạo và đi liền với đó là phát triển du lịch sinh thái, nên anh Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Miền Tây thông thuộc từng cánh rừng, khe suối nơi đây. Vừa là người cầm lái, vừa là người chủ động tổ chức chuyến đi nên anh đọc được từng niềm mong đợi của cánh nhà báo chúng tôi. Vì thế khi xe vừa lướt ngang qua khu hồ nuôi cá hồi là anh cho xe chầm chậm lại và dừng mươi phút để chúng tôi ghi vài ô hình, vài kiểu ảnh về cảnh quan điểm kinh tế có tính chất đột phá vào vùng đất giàu tiềm năng này. Tiếp tục lên xe chúng tôi theo hướng Nhà Đỏ - nhà nghỉ dưỡng từ thời thuộc Pháp. Tôi hỏi Giám đốc Ngọc: “Sao không thẳng lên trang trại mà lại rẽ vào đây?”. “Phải vào đền trước anh ạ. Trong này có đền "Vọng tiên cung" thiêng lắm!”.

Vượt Nhà Đỏ một quãng, chênh chếch bên trên đường là một ngôi đền nhỏ ẩn hiện dưới tán rừng già. Leo lên hơn mươi bậc tam cấp, một ngôi đền trầm tư, tươi nguyên những nét hoa văn trạm trổ hiện ra trước mặt. Thật không ngờ ở chốn "Sơn cùng thủy tận" hoang sơ, hiu hắt này lại có một ngôi đền thiêng tọa lạc ở một địa thế đắc địa, hữu tình đến thế. Ngôi đền tựa lưng vào khu rừng nguyên sinh trùng trùng, điệp điệp, bốn mùa rì rào gió và rộn rã tiếng chim. Cửa đền hướng xuống một thung lũng rộng với những thửa ruộng bậc thang nối tiếp từ thấp lên cao bên dòng suối mát, đêm ngày rì rào giữa đại ngàn. Và xa xa là ngọn núi Phja Oắc đỉnh chạm trời. Nếu ngày quang mây có thể nhìn thấy tháp antena phát sóng phát thanh truyền hình quốc gia Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ẩn hiện trong sương, gợi nhớ, gợi thương về một niềm ký ức ảo huyền, mộng mơ! Được biết rằng đây là một ngôi đền thờ một nữ thần có nhiều công lao trong việc coi sóc, chở che cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng từ thuở xa xưa, được bà con lập lại từ năm 1939. Song do sự biến thiên của lịch sử và sự bào mòn của nắng gió, thời gian, ngôi đền chỉ còn sót lại vài mảnh ván mục nát và lọ hương cũ kỹ, rêu phong. Động lòng trắc ẩn với ngôi đền thiêng, Giám đốc Hoàng Mạnh Ngọc xin phép các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền sửa sang, tôn tạo lại. Cuối cùng ngôi đền được trả lại thần uy và linh thiêng của nó. Từ hơn một năm nay, cứ đến ngày mùng Một và ngày Rằm hằng tháng là nhân dân quanh vùng cũng như du khách gần xa lại về đây dâng lễ, dâng hương, tăng thêm vẻ ấm áp, thiêng liêng của một vùng non nước hữu tình.

 

Trung tâm xóm Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình). Ảnh Lý Thắng

Tạm biệt ngôi đền, ngược trở lại chợ Phja Đén, chúng tôi bắt gặp những dòng người rực rỡ váy áo đủ sắc, đủ màu của các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Nùng..., đều đổ về Phja Đén để bán mua, để tâm tình, trao duyên và để cùng nhau ngắm những nương chè Ô long đang nhú mầm uốn lượn theo đường đồng mức từ chân đồi lên đỉnh đồi rồi lại từ đỉnh đồi xuống lòng thung, cứ thế đồi tiếp đồi, bãi tiếp bãi tạo thành một "cao nguyên" vời vợi xanh giữa miền rừng Phja Đén. Tôi biết để có những nương chè lý tưởng như hôm nay không phải là điều giản đơn.

Sau một hồi vòng vèo theo đường nội vùng mỏi mệt, khi vừa ngồi vào bàn trà tại "Lầu Nghinh Phong", vừa nhấp một ngụm trà, Giám đốc Ngọc thủng thẳng: Anh biết không, sau nhiều lần nghiên cứu, khảo sát, năm 2006 Viện Khoa học nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc lên đến đây vận động nông dân hợp tác trồng thử giống chè Ô long nhưng hầu như bà con đều "quay lưng" lại. Vì tập quán trồng lúa, ngô và dong riềng đã ăn sâu vào tiềm thức của họ, nên khi nói đưa cây chè vào trồng thử là họ lắc đầu. May mà thuyết phục mãi có 2 hộ đồng ý trồng thử 2.000 m2. Sau hơn 2 năm diện tích trồng chè này thu về gần 200 triệu đồng, tăng gấp rất nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Từ đó cây chè mới "đứng được" ở đây. Nhưng chỉ trồng ở vùng đất thấp chứ chưa ai dám đưa lên đồi. Cũng may là được sự động viên, giúp đỡ về kỹ thuật của anh Hoàng Thái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên em mới mạnh dạn đưa cây chè lên vùng đồi có độ cao trên 1.500 m này. Sau 2 năm trồng thử, cho thấy toàn bộ 16 ha đều phát triển tốt. Dẫu đang trong thời kỳ tạo tán nhưng năm 2013 vừa rồi khi chế biến thử cho thấy chất lượng chè rất cao, nước vừa xanh vừa có vị thơm ngon đặc biệt. Khách hàng trong tỉnh cũng như nhiều tỉnh bạn cho là hơn hẳn chè nhiều vùng khác. Đặc biệt khi mang đi chào hàng trên thị trường, bạn hàng Đài Loan rất ưng ý và họ tỏ rõ quyết tâm hỗ trợ thêm về kỹ thuật, nhất là khâu chế biến và lo bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường trong nước. Từ niềm phấn khích ấy, năm vừa rồi, Công ty đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhà nghỉ dưỡng và khu chăn nuôi với tổng diện tích 2 ha, trong đó có cả "Lầu Nghinh Phong" hình bát giác này để khách vừa thưởng thức trà thơm vừa chiêm ngưỡng miền sơn cước hữu tình Phja Đén. Những ngày gần đây, được sự hỗ trợ của phía đối tác, Công ty đầu tư thêm hệ thống dây chuyền chế biến chè để bảo đảm chè đạt chỉ tiêu chất lượng cao nhất, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

 Giám đốc Ngọc còn cho chúng tôi biết thêm nhiều chuyện về kỹ thuật làm chè, từ khâu chọn giống, chọn đất, thiết kế đồi chè đến việc chăm sóc, thu hái và chế biến. Tất cả các công đoạn này, nhất là khâu trồng và chăm sóc được phổ biến một cách cặn kẽ đến mọi người dân trong vùng. Cũng nhờ đó mà thời gian qua, các gia đình nơi đây thật sự hăng hái với việc trồng chè. Hiện nay, tổng diện tích toàn vùng lên tới gần 30 ha, thực sự mở ra một hướng làm ăn mới cho xã Thành Công và cho cả huyện Nguyên Bình. Với đà này, đến năm 2020 diện tích chè của cả vùng chắc chắn sẽ lên tới gần 200 ha, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của vùng Phja Đén, lúc đó cả vùng này sẽ ngợp một màu xanh của chè Ô long, ngày đêm rộn rã tiếng hát, tiếng cười của người làm chè, để ai đã từng qua đây sẽ ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu của miền rừng Phja Đén. Đối với cây chè Ô long trong các khâu kỹ thuật thì ngặt nghèo nhất là khâu làm đất và chăm bón. Muốn hương vị chè có đặc trưng riêng, không lẫn với bất cứ chè nơi nào khác, đòi hỏi khi vỡ đất phải bằng máy, phải lật hết tầng đất màu thì rễ chè mới đâm sâu được xuống lòng đất, mới hút nhiều khoáng chất, kết hợp khi bón phân phải bón 100% phân chuồng với mỗi ha phải đạt 20 tấn/năm và chia thành 5 lần bón. Đặc biệt tuyệt đối không được trừ sâu, diệt cỏ bằng các loại thuốc hóa học. Qua đây tôi mới thấm cái sự lắm công phu của nghề làm chè. Tôi đâu có biết để có một chén trà thơm ngon, tinh thiết, người làm chè đã phải năm nắng, mười sương như thế nào; nhà doanh nghiệp phải trăn trở, lo toan từng khâu kỹ thuật như thế nào!

Rời Nguyên Bình về, tôi thầm cầu chúc giám đốc Hoàng Mạnh Ngọc xây dựng thành công thương hiệu chè Phja Đén, để bà con các dân tộc trong vùng có cơ hội vươn lên xóa đói, giảm nghèo, từng bước tham gia vào nền sản xuất hàng hóa, hội nhập nền kinh tế thị trường, vươn tới giàu có, văn minh để trong một tương lai gần bạn bè có dịp đến đây sẽ thêm ngỡ ngàng cùng Phja Đén.

 

Tác giả: Chu Sỹ Liên

Nguồn tin: Báo Cao Bằng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 574 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1099 | lượt tải:270

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 674 | lượt tải:93
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm43
  • Hôm nay4,408
  • Tháng hiện tại151,813
  • Tổng lượt truy cập1,993,842



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây