Toàn cảnh Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị: Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 13, Vụ 14 của VKSND tối cao; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Tạp chí Kiểm sát; đại biểu từ VKSND, Cơ quan điều tra của 31 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và một số đại biểu khách mời.
Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tiến sĩ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá: Luật tương trợ tư pháp năm 2007 đã tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho việc giải quyết các vụ án hình sự nói chung và những vụ án có tương trợ tư pháp (TTTP) nói riêng. Tuy nhiên, qua thực tiễn 10 năm thực hiện, Luật TTTP năm 2007 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, nhiều loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công dân nước ngoài với Việt Nam và công dân Việt Nam với nước ngoài, cùng những yêu cầu đặt ra của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì việc thực hiện tốt hoạt động TTTP về hình sự sẽ góp phần quan trọng trong giải quyết các vụ án hình sự.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá việc triển khai thi hành Luật TTTP năm 2007, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi Luật theo hướng tách, xây dựng thành các luật riêng biệt về TTTP về hình sự, TTTP về dân sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Đồng chí đề nghị các tham luận được trình bày tại hội nghị và các ý kiến góp ý, trao đổi cần tập trung nêu rõ những kết quả qua hơn 10 năm triển khai thi hành Luật TTTP năm 2007, chỉ ra những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn, đóng góp ý kiến thực hiện Kế hoạch sửa đổi Luật Tương trợ tư pháp 2007 và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật TTTP về hình sự sắp tới.
Sửa đổi Luật TTTP phải xuất phát từ thực tiễn thi hành Luật
Các ý kiến tham luận tại Hội nghị về “Kế hoạch sửa đổi Luật TTTP năm 2007 và lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật TTTP về hình sự” (Tiến sĩ Hoàng Anh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ 14) và “Thực tiễn hoạt động về hình sự của VKSND tối cao với vai trò là cơ quan trung ương về TTTP về hình sự của Việt Nam” (Thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13) đã cho thấy vị trí, vai trò của VKSND tối cao - Cơ quan trung ương về TTTP về hình sự theo yêu cầu của pháp luật cũng như thực tiễn hoạt động, kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế của hoạt động TTTP về hình sự qua 10 năm thi hành Luật.
Theo đó, Luật TTTP năm 2007 điều chỉnh cả 04 lĩnh vực là tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Những lĩnh vực này mang tính chuyên ngành cao, nhưng lại quy định trong cùng một văn bản luật là chưa hợp lý. Các quy định về TTTP về hình sự phân tán ở các chương khác nhau của Luật; nhiều nội dung còn chưa đầy đủ, hợp lý, thiếu thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật trong cùng lĩnh vực, nhất là với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Bên cạnh đó, thực tiễn thi hành Luật TTTP năm 2007 cũng có một số tồn tại như việc thực hiện các yêu cầu TTTP của nước ngoài thường kéo dài, kết quả không đáp ứng được yêu cầu nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án; việc thực hiện một số yêu cầu TTTP về hình sự như: Triệu tập người làm chứng, người giám định; cho phép người tiến hành tố tụng sang nước được yêu cầu để tham gia vào quá trình thực hiện TTTP; thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử; lấy lời khai nhân chứng… còn gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý về TTTP về hình sự
Thực tiễn thi hành luật cho thấy việc hoàn thiện khung pháp lý về TTTP về hình sự là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia. Trên cơ sở thống nhất ý kiến với VKSND tối cao và các cơ quan khác có liên quan, Bộ Tư pháp đã có báo cáo, kiến nghị về việc sửa đổi Luật TTTP năm 2007; ngày 30/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất về việc sửa đổi Luật TTTP năm 2007 theo hướng tách, xây dựng thành luật riêng biệt về TTTP về hình sự và đề nghị VKSND tối cao chủ trì, lập đề nghị xây dựng Luật. Đến nay, VKSND tối cao đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật TTTP về hình sự để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Các đại biểu dự Hội nghị |
Cũng tại hội nghị, ông Matsuo Nobuhiro, Công tố viên Nhật Bản, chuyên gia pháp lý dài hạn Dự án JICA chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản thông qua tham luận “Thực tiễn tương trợ tư pháp hình sự của Nhật Bản trong những vụ án hình sự xuyên quốc gia. Đề xuất nội luật hóa để khắc phục vướng mắc” và so sánh các quy định của TTTP của Nhật Bản và của Việt Nam, từ đó làm rõ thực tế tố tụng và những vấn đề quan trọng trong TTTP về hình sự như: Việc thu thập, bảo quản chứng cứ; việc thu giữ hoặc khám xét bắt buộc… và vấn đề xây dựng pháp luật ở Nhật Bản để tuân theo các Hiệp ước quốc tế hoặc bắt kịp các xu hướng chủ đạo trên thế giới.
Ông Matsuo Nobuhiro, Công tố viên Nhật Bản, chuyên gia pháp lý Dự án JICA chia sẻ những kinh nghiệm của Nhật Bản về TTTP về hình sự |
Trong chiều nay, các đại biểu tiếp tục nghe đồng chí Nguyễn Xuân Quyển, Phó trưởng Phòng, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an trình bày tham luận về thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự của hệ thống cơ quan điều tra trong Công an nhân dân và tập huấn công tác TTTP về hình sự năm 2019 trong ngành Kiểm sát nhân dân./.
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 556 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1035 | lượt tải:254QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 659 | lượt tải:90