Bình luận Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

Thứ tư - 09/05/2018 05:54
(kiemsat.vn) Trong 7 tội danh quy định tại Mục 2 Chương XXIII, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy xảy ra nhiều nhất là Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo quy định của khoản 1 Điều 360 BLHS năm 2015: Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, mà không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 179 (Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp), Điều 308 (Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng) và Điều 376 (Tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:



 

Ảnh minh họa

Điều 360 BLHS năm 2015 sau khi tạm lùi hiệu lực thi hành đã cấu tạo lại Điều 360 thành 4 khoản, trong đó khoản 1, khoản 2, khoản 3 là quy định các trường hợp phạm tội cụ thể còn khoản 4 là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội.

Liên quan đến hoạt động tư pháp, nếu trừ ba tội quy định tại các điều 179, 308 và 376 ra thì hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng chỉ có thể là hành vi của Điều tra viên (ĐTV), Kiểm sát viên (KSV), Thẩm phán trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vì đã thiếu trách nhiệm mà gây hậu quả nghiêm trọng.

Thực tiễn cho thấy, hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động tư pháp của ĐTV, KSV, Thẩm phán không phải không xảy ra nhưng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này còn hạn chế. Có lẽ dư luận, cũng như người dân chưa hài lòng khi có những cán bộ trong các cơ quan tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thiệt hại cho xã hội nhưng không được xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, các cấp lãnh đạo trong các cơ quan tiến hành tố tụng không phải muốn xử lý nhưng việc xử lý lại rất khó vì để chứng minh hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ là người tiến hành tố tụng không đơn giản. Nhiều ý kiến cho rằng, vì họ là người am hiểu pháp luật nên biết cách “lách luật”. Mặt khác bệnh thành tích, cục bộ vẫn còn nặng nề nên việc xử lý lại càng gặp khó khăn hơn.

Khi xác định hành vi phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” có lẽ hiểu như thế nào về dấu hiệu “vì thiếu trách nhiệm  không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” là quan trọng nhất.

Nếu theo cách hành văn của điều luật thì dấu hiệu “vì thiếu trách nhiệm” và dấu hiệu “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” là hai hành vi khác nhau chứ không phải là một. Vậy, ngoài dấu hiệu “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao”  thì còn có dấu hiệu nào nữa? Lẽ ra, điều luật phải viết: “Người nào có chức vụ, quyền hạn mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao…” thì ai cũng hiểu dấu hiệu “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” chính là hành vi thiếu trách nhiệm, chứ không còn hành vi nào khác. Với tinh thần tiếp cận khái niệm “thiếu trách nhiệm” như vậy mới phù hợp. Đây cũng là vấn đề về kỹ thuật lập pháp còn nhiều bất cập, nếu mổ xẻ khái niệm thì rất khó cho việc hiểu và áp dụng. Bởi vì theo từ điển tiếng Việt thì từ “mà” nhà làm luật dùng trong trường hợp này là “kết từ” chứ không phải là “khẩu ngữ”. Khi đã là “kết từ” thì dấu hiệu “không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao” chỉ là bổ sung cho dấu hiệu “thiếu trách nhiệm”.

Không thực hiện là không làm gì cả (không hành động) nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Sau khi nhận hồ sơ vụ án bị huỷ để điều tra lại từ Viện kiểm sát nhưng cho vào tủ, không tiến hành các bước tiếp theo và để quên đến khi nhớ ra thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết, buộc phải đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, tiến hành xin lỗi và bồi thường cho người được đình chỉ.

Thực hiện không đúng là có làm nhưng lại làm không đến nơi đến chốn, làm sai với nhiệm vụ được giao nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt người bị tình nghi phạm tội về tạm giữ, nhưng sau khi bắt người giữ trong nhà tạm giữ đã không kiểm tra nên để ĐTV có hành vi dùng nhục hình đối với người bị bắt dẫn đến hậu quả thương tích có tỷ lệ tổn thương cơ thể 61%.

Từ phân tích trên, có thể kết luận, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng.

Về tư cách chủ thể, chắc không có gì khó khăn để xác định, vì thiếu trách nhiệm trong hoạt động tư pháp thì chỉ có những cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp tuy là cán bộ trong các cơ quan tiến hành tố tụng nhưng lại không có nhiệm vụ trực tiếp hoặc tham gia giải quyết các vụ án mà họ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng không phải là tội phạm liên quan đến hoạt động tư pháp. Ví dụ: Một thủ quỹ của một Tòa án tỉnh vì đã quên không khoá két nên để mất toàn bộ số tiền trong két sắt có tổng giá trị là 450.000.000 đồng. Tuy nhiên, BLHS chỉ quy định những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp của nhà nước chứ không quy định đối với những người trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài quốc doanh như đối với tội tham ô tài sản hay tội nhận hối lộ. Việc không quy định những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài quốc doanh không phải là chủ thể của tội phạm này rõ ràng là không phù hợp. Vì đối với những người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có nhiều trường hợp vì thiếu trách nhiệm nên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đặc biệt nghiêm trọng.

Về ý thức chủ quan, người phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” thực hiện hành vi là do vô ý, có thể là vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả.

Về hậu quả của tội phạm này đã được lượng hoá thế nào là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Dễ áp dụng hơn so với quy định về tội phạm này quy định tại Điều 285 BLHS năm 1999 chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng nên thực tiễn rất khó xác định, mặc dù các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương có thông tư liên tịch hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng chỉ mới hướng dẫn các tội xâm phạm sở hữu còn đối với với tội thiếu trách nhiệm chưa hướng dẫn nên khi có vụ việc xảy ra, các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó xác định thế nào là hậu quả nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Tuy nhiên, Điều 360 đã lượng hoá hậu quả đối với tội phạm này, nhưng đó chỉ là những hậu quả vật chất, còn hậu quả phi vật chất thì lại không quy định. Do đó, khi áp dụng Điều 360 BLHS các cơ quan tiến hành tố tụng không được tự xác định những hậu quả không phải là hậu quả vật chất mà điều luật đã quy định như: Uy tín, an ninh chính trị, xã hội, lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là điểm mới cần chú ý khi khởi tố, truy tố, lập cáo trạng, trình bày lời luận tội hay viết bản án.

Đối với hình phạt bổ sung là hình phạt bắt buộc đối với người phạm tội, nên Tòa án nhất thiết phải áp dụng. Tuy nhiên, đối với hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, thì cấm đảm nhiệm chức vụ gì; cấm hành nghề thì cấm hành nghề gì; làm công việc nhất định là cấm làm công việc gì chứ không được tuyên chung chung như điều luật quy định. Thời gian cấm là từ 01 năm đến 05 năm.

(Trích bài viết: "Bình luận về các tội phạm khác về chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của tác giả Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa hình sự TAND tối cao, TCKS số 23/2017).

Tác giả: TCKS số 23/2017

Nguồn tin: Kiemsat.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 574 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1099 | lượt tải:269

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 674 | lượt tải:93
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay4,408
  • Tháng hiện tại150,554
  • Tổng lượt truy cập1,992,583



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây