Bàn về lỗi cố ý gián tiếp hay lỗi vô ý vì quá tự tin dưới góc độ tâm lý tội phạm

Thứ tư - 01/01/2020 21:40

Bàn về lỗi cố ý gián tiếp hay lỗi vô ý vì quá tự tin dưới góc độ tâm lý tội phạm

Thực tiễn cho thấy việc đánh giá để phân biệt lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý vì quá tự tin là một quá trình phân tích phức tạp do phải chứng minh yếu tố chủ quan trong ý thức của người phạm tội.
Theo quy định của BLHS năm 2015 (sửa đổi 2017):

Lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (Khoản 2 Điều 10). Còn lỗi vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (Khoản 1 Điều 11).

Những trường hợp thường xảy ra nhầm lẫn trong phân biệt lỗi để định tội danh trong hoạt động tố tụng như tội Giết người (với lỗi cố ý gián tiếp) với tội Vô ý làm chết người; tội Giết người với tội Cố ý gây thương tích (trường hợp dẫn đến chết người); tội Giết người với tội Cản trở giao thông đường bộ (hành vi rải đinh, đặt vật cản trên đường bộ dẫn đến hậu quả chết người), giữa việc định tội danh về xâm phạm sở hữu và tội giết người hay chỉ định tội về tội xâm phạm sở hữu với tình tiết định khung “làm chết người”?…

Điểm khác biệt lớn nhất và qua đó có thể phân biệt được nằm ở lý trí của người phạm tội thông qua việc trả lời câu hỏi người phạm tội “bỏ mặc, chấp nhận hậu quả nếu nó xảy ra” hay chỉ là “tin rằng hậu quả không xảy ra”. Chính bởi yếu tố quyết định để có thể nhận định lại nằm trong ý thức chủ quan nên cách phân biệt chính xác nhất không chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội trong quá trình tố tụng, vào các biểu hiện khách quan như vị trí bị tấn công trên cơ thể người bị hại, mức độ của hành vi tấn công… mà còn phải kiểm chứng thông qua các biểu hiện ra bên ngoài (biểu hiện tâm lý) của người phạm tội.

Dưới góc độ tâm lý, chúng ta có thể thấy diễn biến trong ý thức của người phạm tội trong suốt quá trình thực hiện tội phạm như sau:

Trường hợp 1: Vô ý vì quá tự tin

Trong trường hợp này, trước khi bắt tay vào thực hiện tội phạm, người phạm tội hình dung được cả hai khả năng, đó là (1) khả năng sẽ không xảy ra hậu quả và (2) khả năng xảy ra hậu quả nguy hiểm. Tuy nhiên, điểm mấu chốt ở chỗ, thời điểm chính thức thực hiện hành vi, người phạm tội đã tự loại trừ khả năng xảy ra hậu quả (khả năng 2), và trong ý thức chủ quan lúc này chỉ còn lại khả năng sẽ không để lại hậu quả (khả năng 1), việc loại trừ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có thể về chủ quan do người phạm tội tin tưởng vào khả năng, kinh nghiệm của mình, cũng có thể do đánh giá các yếu tố khách quan như thời gian, địa điểm, thời tiết, thậm chí tin tưởng vào chính “xử sự” của nạn nhân… Chính bởi sự loại trừ này nên người đó mới quyết định thực hiện hành vi nguy hiểm. Vì vậy, về biểu hiện tâm lý, nếu hậu quả thực tế xảy ra thật thì người phạm tội sẽ bị bất ngờ do nằm ngoài tính toán của mình.

Trường hợp 2: Cố ý gián tiếp

Trong trường hợp này, trước khi bắt tay vào thực hiện tội phạm, người phạm tội cũng hình dung được cả hai khả năng, đó là (1) khả năng sẽ không xảy ra hậu quả và (2) khả năng xảy ra hậu quả  nguy hiểm. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với vô ý vì quá tự tin ở chỗ, thời điểm chính thức thực hiện hành vi và kể cả sau đó, người phạm tội vẫn hình dung trong ý thức của mình cả hai khả năng đều có thể xảy ra và sẵn sàng chấp nhận cả hai khả năng nếu thực tế nó xảy ra. Do đó về biểu hiện tâm lý, nếu hậu quả thực tế xảy ra thật thì cũng đã nằm trong tính toán và người phạm tội hoàn toàn không bị bất ngờ.

Do vậy, việc phân biệt chính xác được hai loại lỗi này có ý nghĩa rất lớn trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, là cơ sở để xác định tội danh đúng và qua đó đảm bảo việc quyết định hình phạt có căn cứ và đúng quy định của pháp luật./.

Nguồn tin: Ths. Trần Đình Hải (Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 570 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1075 | lượt tải:265

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 671 | lượt tải:91
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập77
  • Hôm nay6,376
  • Tháng hiện tại133,233
  • Tổng lượt truy cập1,975,262



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây