Hình ảnh minh họa |
Đối với những vụ án có kháng nghị do bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng đòi hỏi Kiểm sát viên phải tập trung nghiên cứu sâu và chuẩn bị kỹ những quy định của tố tụng hình sự; Thông tư liên ngành; Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng các điều của Bộ luật tố tụng hình sự; ... để đề ra nội dung và phương pháp xét hỏi tại phiên tòa cho phù hợp và có hiệu quả. Do tính chất đa dạng và phức tạp của những vụ án này, Kiểm sát viên phải xét hỏi với nội dung và phạm vi khá rộng và toàn diện, trong đó phải đặc biệt chú ý tới nội dung và vi phạm nêu trong kháng nghị khi chuẩn bị đề cương xét hỏi cũng như khi tiến hành xét hỏi tại phiên tòa. Phương pháp và nội dung xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm áp dụng đối với những loại vụ án có kháng nghị cụ thể như sau:
Trên cơ sở đó đánh giá mức độ vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà cơ quan và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng nhằm bảo vệ kháng nghị.
Đối với những vụ án có kháng nghị theo hướng có tội (do Tòa cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội), đặc điểm của các vụ án này là bị cáo không nhận tội và HĐXX cấp sơ thẩm thường xét hỏi một chiều, không toàn diện, chỉ tập trung vào những vi phạm tố tụng, những chứng cứ gỡ tội, từ đó vận dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo để phủ nhận các tài liệu, chứng cứ Viện kiểm sát dùng buộc tội bị cáo, mặc dù những tài liệu, chứng cứ đó phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án.
Khi xét hỏi những vụ án loại này, Kiểm sát viên cần xét hỏi người làm chứng, người bị hại hay người giám định trước, nếu lời khai của họ được Kiểm sát viên sử dụng làm chứng cứ buộc tội, sau đó mới hỏi bị cáo. Nội dung xét hỏi phải tập trung làm rõ không chỉ những chứng cứ buộc tội mà còn phải làm rõ cả những vi phạm của HĐXX khi không xét hỏi, không sử dụng, đánh giá chứng cứ toàn diện, khách quan dẫn đến tuyên bị cáo không phạm tội; xét hỏi để làm rõ những căn cứ nêu trong kháng nghị mà Viện kiểm sát sử dụng để kết luận bị cáo có tội; nội dung xét hỏi phải toàn diện và đặt trong mối liên hệvới những tình tiết vụ án, những quy định của pháp luật về các dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội phạm; về chứng cứ,... để làm sáng tỏ vụ án, từ đó có quan điểm giải quyết đúng đắn vụ án.
Đối với những vụ án có kháng nghị theo hướng sửa tội danh, sửa điều luật, sửa khung hình phạt áp dụng, hình phạt áp dụng đối với bị cáo,... Kiểm sát viên phải tập trung xét hỏi làm rõ chứng cứ vụ án liên quan đến các yếu tố cấu thành tội phạm, dấu hiệu định tội, tình tiết định khung hình phạt; xét hỏi làm rõ tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân bị cáo. Qua xét hỏi, phải xác định cho được những vi phạm của bản án sơ thẩm về áp dụng tội danh, điều luật; về áp dụng khung, khoản trong điều luật, về trách nhiệm dân sự,... để từ đó có lập luận bảo vệ kháng nghị. Đồng thời Kiểm sát viên cũng phải dự kiến những tình huống mới, chứng cứ mới phát sinh có thể xảy ra tại phiên tòa, liên quan đến kháng nghị để có phương án xử lý thích hợp không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Kỹ năng và kinh nghiệm xét hỏi những vụ án có kháng nghị được thể hiện qua hai vụ án cụ thể sau:
Vụ án Lê Thị Phương, Hoàng Trọng Hiếu phạm tội “Hủy hoại rừng” xảy ra tại tỉnh Đắk Nông. Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm vì phát hiện các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong hoạt động khám nghiệm hiện trường, thu giữ tài liệu vật chứng vụ án nên.
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã tập trung xét hỏi trọng tâm chuyên sâu về khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, hỏi xác định tính chính xác về địa điểm lập biên bản, việc ký xác nhận của người tiến hành tố tụng khi tham gia khám nghiệm hiện trường. Qua xét hỏi cho thấy có vi phạm các quy định tại các Điều 65, 77, 150 BLTTHS năm 2003, cụ thể: việc lập biên bản khám nghiệm hiện trường tại địa điểm cách xa hiện trường hơn 100 km, nhiều tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án là bản photocopy không có giá trị pháp lý, không hội đủ thuộc tính của chứng cứ nhưng cấp sơ thẩm vẫn sử dụng những tài liệu này làm chứng cứ kết tội các bị cáo không đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở xét hỏi, Kiểm sát viên kết luận đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại và được HĐXX chấp nhận.
Vụ án Nguyễn Văn Đồng phạm tội “Giết người” xảy ra tại tỉnh Bình Phước. Đây là vụ án rất phức tạp về cả chứng cứ và tố tụng, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Nguyễn Văn Đồng không phạm tội. Sau khi xét xử sơ thẩm VKSND tỉnh Bình Phước kháng nghị phúc thẩm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng tuyên bị cáo phạm tội.
Tại phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên đã tích cực, chủ động trong việc xét hỏi, tổng hợp, ghi chép, lược bỏ những câu hỏi trùng với nội dung HĐXX đã hỏi; các câu hỏi của KSV ngắn gọn, dễ hiểu vì người làm chứng là người dân tộc, có người là trẻ em, văn hóa thấp. Phương pháp xét hỏi là xét hỏi người làm chứng trước. Nội dung xét hỏi tập trung vào việc làm rõ các chứng cứ buộc tội, làm rõ tài liệu liên quan có giá trị chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo mà cấp sơ thẩm chưa tập trung làm rõ, đặc biệt là những lời khai khách quan của người làm chứng và dấu vết, vật chứng thu được tại hiện trường và trên người bị cáo.
Hoạt động xét hỏi của Kiểm sát viên tại phiên tòa đã làm rõ hai vấn đề quan trọng của vụ án:
Một là: Làm rõ những chứng cứ buộc tội, những thuộc tính khách quan, liên quan và hợp pháp của các chứng cứ này; làm rõ vì sao vật chứng thu giữ là chiếc đồng hồ của bị cáo có dính dấu vết máu của bị hại? làm rõ lời khai người làm chứng đã trực tiếp nhìn thấy bị cáo đánh bị hại rồi xô xuống giếng; làm rõ thời gian tiêu thụ của bị cáo trong thời điểm xảy ra vụ án để loại trừ tình tiết ngoại phạm mà bị cáo đưa ra;...
Hai là: Thông qua hoạt động xét hỏi, Kiểm sát viên làm rõ việc xét hỏi của HĐXX cấp sơ thẩm thể hiện sự phiến diện, một chiều, chỉ tập trung vào những thiếu sót, vi phạm tố tụng trong việc thu giữ vật chứng (chiếc đồng hồ dính máu); lập biên bản ghi lời khai nhân chứng; xác định người giám hộ,... nâng những sai sót này lên thành bản chất để phủ nhận toàn bộ những chứng cứ có giá trị buộc tội đã được thu thập khách quan ở giai đoạn điều tra, dẫn đến việc nhận định và quyết định không phù hợp với tài liệu, chứng cứ khách quan của vụ án, tuyên bị cáo không phạm tội một cách thiếu căn cứ. Qua kết quả xét hỏi và tranh luận, Kiểm sát viên đã đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm: Hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo hướng tuyên bị cáo phạm tội. Quan điểm của Viện kiểm sát được Tòa án chấp nhận.
Sau khi điều tra, truy tố lại, vụ án này được đưa ra xét xử lần hai, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo phạm tội “Giết người” và quyết định xử phạt bị cáo tù chung thân. Bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lần hai không chấp nhận kháng cáo, tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 570 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1074 | lượt tải:265QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 671 | lượt tải:91