Hướng dẫn Kiểm sát viên tham gia, tham dự phiên tòa dân sự, hành chính rút kinh nghiệm

Thứ tư - 20/02/2019 21:15
(kiemsat.vn) Phiên tòa dân sự, hành chính sơ thẩm, phúc thẩm rút kinh nghiệm nhằm tăng cường cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức ngành Kiểm sát nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình; các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động.
Trong những năm qua, phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động rút kinh nghiệm (gọi tắt là phiên tòa dân sự, hành chính rút kinh nghiệm) được coi là một trong những giải pháp căn cơ, có hiệu quả để VKSND các cấp thực hiện nhiệm vụ hàng năm theo Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát nhân dân. Vì trên cơ sở kết quả sơ kết thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm, VKSND các cấp đã tạo điều kiện cho nhiều Kiểm sát viện tiếp cận thực tế, nâng cao kỹ năng tham gia phiên tòa, tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm. 
 

Để thống nhất về nhận thức, cách thức việc tham gia, tham dự phiên tòa dân sự, hành chính rút kinh nghiệm, trong ngành Kiểm sát nhân dân khi thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính (BLTTDS, LTTHC) năm 2015, VKSND tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 về việc tham gia, tham dự phiên tòa dân sự hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động rút kinh nghiệm.

Theo đó, VKSND tối cao hướng dẫn Kiểm sát viên và những người tham gia, tham dự phiên tòa dân sự, hành chính rút kinh nghiệm như sau:

Công tác chuẩn bị của Kiểm sát viên tham gia, tham dự phiên tòa

Cũng như những phiên tòa khác việc lập hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, tham gia phiên tòa rút kinh nghiệm được thực hiện theo quy định tại mục 2, 3 Chương II Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng VKSNDTC và Quy chế công tác kiểm sát các vụ án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 282/QĐ-VKSTC ngày 01/8/2017 của Viện trưởng VKSNDTC (Sau đây gọi tắt là Quy chế 364 và Quy chế 282), cần chú ý những nội dung sau:

Nghiên cứu hồ sơ vụ án

Thứ nhất, Kiểm sát viên phải nghiên cứu toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án để xác định vụ án có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án hay không, nguyên đơn, người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết những nội dung gì; tính chất và nội dung tranh chấp như thế nào… Trên cơ sở đó xem xét Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp có đúng không?; Tòa án xác định tư cách của nguyên đơn, người khởi kiện, bị đơn, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án có đúng không; các yêu cầu của nguyên đơn, người khởi kiện, ý kiến của bị đơn, người bị kiện và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; các tình tiết khác liên quan đến vụ án như thế nào…Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố thì phải xác định đó có phải là yêu cầu phản tố hay không hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hay không, nếu có yêu cầu thì họ đã thực hiện nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí hay chưa?Các bên xuất trình được những tài liệu gì liên quan đến nội dung tranh chấp...

Thứ hai, làm rõ việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, người tham gia tố tụng.

Để làm rõ vấn đề này, Kiểm sát viên phải nghiên cứu từng văn bản tố tụng, như: Thông báo thụ lý, giấy triệu tập người tham gia tố tụng, quyết định áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ của Tòa án, biên bản lấy lời khai, biên bản tiến hành hòa giải, biên bản đối thoại, biên bản thẩm định; quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (nếu có)… Kiểm sát viên phải nghiên cứu hình thức văn bản có phù hợp với mẫu (nếu có) và ngày, tháng, năm ban hành; thẩm quyền ban hành, con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền. Đồng thời đối chiếu với quy định của pháp luật xem văn bản đó có phù hợp với pháp luật không. Các vấn đề tố tụng như thời hạn, thời hiệu, trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ; áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời…phải được kiểm tra, kết luận có vi phạm hay không.

Thứ ba, về chứng cứ.

Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án Kiểm sát viên phải trả lời được câu hỏi những tài liệu nào là chứng cứ trong hồ sơ vụ án, những tình tiết sự kiện nào không phải chứng minh… Trong hồ sơ đã đầy đủ tài liệu, chứng cứ để làm căn cứ giải quyết vụ án chưa.

Tiêu chuẩn để xác định chứng cứ đã đầy đủ là những chứng cứ đó đã làm sáng tỏ được đầy đủ các vấn đề cần phải chứng minh; chứng cứ đó đã đủ cơ sở bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng như thế nào?

Chứng cứ hợp pháp là những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án dân sự, vụ án hành chính được thu thập theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 94 BLTTDS và Điều 80 Luật TTHC. Để xác định tài liệu đó là chứng cứ hay không Kiểm sát viên phải căn cứ vào Điều 95 BLTTDS và Điều 82 Luật TTHC.

Thứ tư, khi nghiên cứu hồ sơ cần phải chú ý phân tích các tài liệu để trả lời cho câu hỏi: Khi tham gia vụ án các bên có quyền và nghĩa vụ gì; các quyền và nghĩa vụ đó được pháp luật bảo vệ như thế nào; các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình như thế nào trong thực tế; bên nào thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ, bên nào vi phạm nghĩa vụ; nguyên nhân vi phạm là gì; việc vi phạm đó ảnh hưởng như thế nào đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị vi phạm; nếu bị vi phạm có thiệt hại thì thiệt hại là bao nhiêu; thiệt hại đó có phải do hành vi vi phạm của bên vi phạm gây ra không… Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ mới định hướng đường lối giải quyết vụ án và những văn bản pháp luật cần áp dụng.

Đối với phiên tòa rút kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu hồ sơ án được thể hiện qua Báo cáo kết quả nghiên cứu (hoặc tờ trình), ngoài nội dung như báo cáo những vụ án thông thường như lời khai của nguyên đơn, người khởi kiện, lời khai của bị đơn, người bị kiện, lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, lời khai nhân chứng, nội dung các tài liệu giải thích, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, nội dung quá trình xác minh thu thập chứng cứ (kết quả xem xét thẩm định, định giá….), biện pháp khẩn cấp tạm thời…. Quá trình giải quyết vụ án của Tòa án trước đó, án hủy để xét xử lại (nếu có) nhận xét và quan điểm của cán bộ nghiên cứu đồng thời nêu lý do lựa chọn vụ án đó để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Chuyển hồ sơ, tài liệu cho những người tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa rút kinh nghiệm sau khi chuẩn bị xong hồ sơ (kiểm sát) vụ án (sau đây gọi là hồ sơ kiểm sát vụ án), trước khi mở phiên tòa ít nhất 02 ngày làm việc phải chuyển cho những người tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm quy định tại tiểu mục 3.2, mục 3, phần II Hướng dẫn này (trừ những người được mời tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm) những tài liệu sau:

b1. Báo cáo kết quả nghiên cứu vụ án (tờ trình) chưa có quan điểm (kết luận) của Lãnh đạo Viện (cấp huyện), Lãnh đạo Phòng, Lãnh đạo Viện (cấp tỉnh), Lãnh đạo Viện nghiệp vụ, Lãnh đạo Viện (Viện kiểm sát cấp cao).

b2. Dự kiến câu hỏi của Kiểm sát viên tại Tòa.

b3. Dự thảo bài phát biểu của Kiểm sát viên tại Tòa.

Lập dự kiến diễn biến tại phiên Tòa

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa lập dự kiến diễn biến tại phiên tòa, những tình huống có thể xảy ra trong quá trình xét xử, như việc yêu cầu thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên; về sự vắng mặt của đương sự; luật sư và những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người giám định; bổ sung người tham gia tố tụng; xuất hiện chứng cứ mới hoặc lý do khác dẫn đến tạm hoãn phiên tòa, ngừng phiên tòa, đình chỉ xét xử...Kiểm sát viên phải nắm vững các căn cứ pháp luật áp dụng giải quyết các tình huống xảy ra; những vấn đề có thể Hội đồng xét xử hỏi ý kiến Kiểm sát viên trước khi quyết định, phương án giải quyết của Viện kiểm sát.

Báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát về việc nghiên cứu hồ sơ chuẩn bị tham gia phiên tòa

Kiểm sát viên báo cáo kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án với Lãnh đạo Viện theo quy định tại Điều 20 của Quy chế 282, Điều 31 Quy chế 364 trong đó cần chú ý nhận xét về quá trình giao nộp tài liệu, chứng cứ của đương sự có đúng quy định không; thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án có vi phạm tố tụng không, nếu có thì tài liệu nào không đúng quy định của BLTTDS và Luật TTHC. Phân tích đánh giá đầy đủ những tài liệu, chứng cứ một cách toàn diện khách quan, căn cứ điều luật để đưa ra đề xuất việc giải quyết vụ án; quan điểm về kháng cáo của đương sự; những lý lẽ cần làm rõ thêm để bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát.

Công tác chuẩn bị của người tham dự phiên Tòa

Những người tham dự phiên tòa cùng lĩnh vực chuyên môn trong đơn vị phải nghiên cứu kỹ những tài liệu do Kiểm sát viên tham gia phiên tòa chuyển đến, ghi chép lại những nội dung cho rằng còn thiếu, chưa đủ căn cứ, mâu thuẫn… (nếu có) để trao đổi lại với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa trước khi tổ chức phiên tòa hoặc tổng hợp lại để theo dõi tại phiên tòa những nội dung đó đã được giải quyết chưa, qua đó tham gia đóng góp tại phiên họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa.

Ảnh minh họa (Internet)

Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm

Một là, kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa

Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử(HĐXX), Thẩm phán, Thư ký tòa án, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng khác, chú ý những vấn đề sau đây:

+ Kiểm sát viên phải kiểm tra về số lượng, điều kiện tham gia HĐXX của mỗi thành viên HĐXX; đối chiếu danh sách HĐXX tại phiên tòa với với danh sách HĐXX được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử; kiểm tra tư cách pháp lý của Thư ký Tòa án. Trường hợp phát hiện trong danh sách thành phần HĐXX có Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân, Thư ký tòa án thuộc trường hợp phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi thì Kiểm sát viên phải đề nghị thay Thẩm phán hoặc Hội thẩm nhân dân hoặc Thư ký Tòa án và đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.

Nếu có đương sự đề nghị thay đổi thành viên HĐXX hoặc Thư ký tòa án và HĐXX đề nghị Viện kiểm sát cho biết quan điểm thì Kiểm sát viên phải viện dẫn các quy định pháp luật liên quan để chấp nhận hay không chấp nhận.

Thông qua việc Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa tiến hành các thủ tục kiểm tra lại sự có mặt của đương sự và của những người tham gia tố tụng khác, Kiểm sát viên kiểm sát việc chấp hành pháp luật của những đối tượng này.

Trường hợp phát hiện người giám định, người phiên dịch thuộc trường hợp phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi, Kiểm sát viên phải yêu cầu HĐXX thay người giám định, người phiên dịch theo quy định.

Trường hợp HĐXX không chấp nhận yêu cầu của Kiểm sát viên về thay đổi thành viên HĐXX, Thư ký phiên tòa, người giám định, người phiên dịch… mà vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật của HĐXX.

+ Kiểm sát viên có trách nhiệm kiểm sát đối với trường hợp HĐXX hoãn phiên tòa, tạm ngừng phiên tòa theo quy định của Pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.

Trong các trường hợp Kiểm sát viên đề nghị hoãn, tạm ngừng phiên tòa có căn cứ nhưng HĐXX không chấp nhận và vẫn tiếp tục xét xử thì Kiểm sát viên phải tham gia phiên tòa và phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật của HĐXX.

Những trường hợp người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng có ý kiến đề nghị HĐXX hoãn, tạm ngừng phiên tòa và hỏi ý kiến Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên phải vận dụng các căn cứ hoãn, tạm ngừng phiên tòa được quy định trong BLTTDS, Luật TTHC để có quan điểm nhất trí hoặc không nhất trí việc hoãn, tạm ngừng phiên tòa.

+ Kiểm sát viên phải kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng tại phiên tòa của HĐXX, Thư ký Tòa án và những người tham gia tố tụng từ khi khai mạc đến khi kết thúc phiên tòa, bao gồm các thủ tục bắt đầu phiên tòa, thủ tục hỏi, tranh luận, thủ tục nghị án theo Khoản 4 Điều 264, Điều 307 BLTTDS, Khoản 5 Điều 191, Khoản 1 Điều 233 Luật TTHC và tuyên án, bảo đảm việc xét xử tại phiên tòa được tiến hành công minh, đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng. Nếu phát hiện có vi phạm về thủ tục tố tụng thì Kiểm sát viên yêu cầu HĐXX khắc phục kịp thời. Trường hợp có vi phạm tố tụng sau nghị án và khi tuyên án, Kiểm sát viên tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Viện kiến nghị, kháng nghị cho phù hợp.

+ Kiểm sát chặt chẽ việc hỏi tại phiên tòa có đúng thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên tòa theo quy định tại Điều 249 BLTTDS và Điều 177 Luật TTHC không. Nếu việc hỏi không đúng thứ tự và nguyên tắc thì Kiểm sát viên phải yêu cầu chủ tọa điều hành hỏi đúng quy định của pháp luật. Theo dõi việc tranh luận tại phiên tòa; lắng nghe các câu hỏi và nội dung trả lời, phân tích thông tin trong câu hỏi và câu trả lời để xem các vấn đề của vụ án đã được hỏi làm rõ hay chưa ? có chứng cứ mới phát sinh không ? Qua việc hỏi, nếu phát hiện HĐXX hỏi thiên lệch theo định kiến một cách cố ý hoặc vô ý; hỏi phiến diện hoặc không triệt để…Kiểm sát viên tổng hợp lại để làm cơ sở tham gia hỏi nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án.

Hai là, Kiểm sát viên tham gia hỏi

Theo quy định của BLTTDS và Luật TTHC, Kiểm sát viên là người hỏi sau cùng. Do đó, trong quá trình hỏi trước đó, Kiểm sát viên phải ghi chép đầy đủ, nắm chắc nội dung câu hỏi, nội dung trả lời, chỉ hỏi những nội dung chưa được hỏi hoặc đã hỏi mà trả lời chưa rõ, chưa đầy đủ, mâu thuẫn…với những lời khai trước đó. Việc hỏi của Kiểm sát viên không chỉ giới hạn trong phạm vi pháp luật tố tụng mà hỏi cả những vấn đề liên quan đến nội dung vụ án nhằm làm rõ các tình tiết, các căn cứ, giúp cho việc đánh giá, áp dụng pháp luật nội dung cũng như pháp luật tố tụng được đúng đắn; làm cơ sở cho việc phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa cũng như các hoạt động tiếp theo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc kháng nghị, kiến nghị theo thẩm quyền.

Câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, câu hỏi không được mang tính gợi ý trả lời. Khi hỏi, Kiểm sát viên phải tập trung lắng nghe câu trả lời, so sánh, đối chiếu giữa câu hỏi và nội dung trả lời xem trả lời đã đáp ứng yêu cầu hay chưa. Nếu câu trả lời không đúng, khó hiểu thì Kiểm sát viên phải nhắc lại câu hỏi và yêu cầu trả lời đúng trọng tâm; nếu câu trả lời chưa đầy đủ, Kiểm sát viên có thể hỏi bổ sung.

Sau khi hỏi xong, Kiểm sát viên phải đánh giá tổng thể kết quả hỏi để phát hiện có nội dung, tình tiết nào mới so với tài liệu chứng cứ đã có trong hồ sơ vụ án không; các mâu thuẫn với chứng cứ có trong hồ sơ đã được giải quyết chưa; có vấn đề mới nào khác với định hướng về việc giải quyết vụ án của Viện kiểm sát trước khi tham gia phiên tòa không; những thay đổi đó có cần báo cáo lãnh đạo Viện hay Kiểm sát viên tự quyết định.

Thứ ba, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa Kiểm sát viên phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, HĐXX, thư ký phiên Tòa và những người tham gia tố tụng khác, kể từ khi thụ lý đến trước khi HĐXX nghị án. Phát biểu của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án phải phù hợp với kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án và quá trình xét xử tại phiên Tòa. Trường hợp tại phiên tòa xuất hiện những tình tiết làm rõ hơn, đầy đủ hơn về nội dung vụ án hoặc những tình tiết mới rõ ràng, có căn cứ làm thay đổi một phần hoặc toàn bộ dự thảo bản phát biểu thì Kiểm sát viên chỉnh sửa, bổ sung để phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án cho phù hợp. Nếu tại phiên Tòa xuất hiện những tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi nội dung vụ án hoặc những tài liệu, chứng cứ mới đó chưa đầy đủ cơ sở vững chắc để giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Khoản 2 Điều 21 Quy chế 282 và Quy chế 364.

Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm

Các bước chuẩn bị và hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm về cơ bản thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên cần chú ý một số nội dung sau:

Nghiên cứu nắm chắc nội dung vụ án; kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm để xem xét Tòa án cấp sơ thẩm có vi phạm về tố tụng không (có đưa đầy đủ các đương sự và người tham gia tố tụng khác tham gia tố tụng không, xác định tư cách của các đương sự có đúng không…), xác định quan hệ pháp luật tranh chấp, việc thu thập tài liệu, chứng cứ đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật…để giải quyết tại bản án, quyết định sơ thẩm có phản ánh đầy đủ, đúng, khách quan, toàn diện những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không, việc áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết có đúng không….

Căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nhận định, quyết định của bản án, quyết định sơ thẩm; nội dung kháng cáo của đương sự; diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu về việc chấp hành pháp luật tố tụng ở giai đoạn phúc thẩm và căn cứ về việc chấp nhận, chấp nhận một phần hay không chấp nhận kháng cáo của đương sự.

Trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị, trước phiên tòa Kiểm sát viên phải dự báo được những tình huống tại phiên tòa HĐXX, các đương sự, người tham gia tố tụng khác có thể hỏi, tranh luận thậm chí phản bác về những nội dung trong kháng nghị. Kiểm sát viên phải có đầy đủ lý lẽ sắc bén, hợp lý, hợp tình để bảo vệ kháng nghị. Tùy từng trường hợp cụ thể Kiểm sát viên có thể đề nghị ngừng phiên tòa hoặc giữ nguyên, bổ sung, rút một phần hoặc rút toàn bộ kháng nghị cho phù hợp.

Theo dõi diễn biến phiên tòa, tuyên án của HĐXX và báo cáo kết quả xét xử

- Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải theo dõi và ghi chép đầy đủ diễn biến tại phiên tòa, từ khi khai mạc đến khi kết thúc phiên tòa để làm căn cứ cho việc chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo phát biểu tại phiên tòa cho phù hợp, đồng thời làm căn cứ để kiểm tra biên bản phiên tòa; đối chiếu, so sánh với nội dung tuyên án của HĐXX, kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án. Việc ghi chép đầy đủ tại phiên tòa để Kiểm sát viên có cơ sở báo cáo tại phiên họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa.

- Kiểm sát việc tuyên án của HĐXX có đúng quy định hay không.

- Sau phiên tòa, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải kiểm tra biên bản phiên tòa, báo cáo ngay kết quả xét xử với Lãnh đạo đơn vị về quá trình, diễn biến tại phiên tòa, những vấn đề mới phát sinh tại phiên tòa mà Kiểm sát viên đã kết luận (trong trường hợp chưa tổ chức rút kinh nghiệm ngay sau phiên tòa).

Hoạt động của những người tham dự phiên tòa

Những người tham dự phiên tòa cùng lĩnh vực chuyên môn trong đơn vị phải mang theo những tài liệu do Kiểm sát viên tham gia phiên tòa chuyển đến trước khi mở phiên tòa và kết quả nghiên cứu về vụ án. Tại phiên tòa phải ghi chép đầy đủ diễn biến của phiên tòa, qua đó phát hiện những vi phạm của HĐXX, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng khác. Căn cứ vào diễn biến tại phiên tòa, kết quả nghiên cứu tài liệu về vụ án để phát hiện những hạn chế thiếu sót, mâu thuẫn (khác quan điểm) giữa đề xuất của Kiểm sát viên với quyết định của HĐXX về giải quyết vụ án để làm cơ sở phát biểu, nhận xét trong phiên họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa.

Ngoài ra, Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC còn hướng dẫn cụ thể việc xác định tiêu chí lựa chọn các vụ án để tổ chức phiên tòa dân sự, hành chính rút kinh nghiệm; việc phối hợp tổ chức phiên tòa dân sự, hành chính rút kinh nghiệm; hình thức tổ chức và thành phần tham dự phiên tòa dân sự, hành chính rút kinh nghiệm; những vấn đề cần rút kinh nghiệm; đánh giá Kiểm sát viên tham gia phiên Tòa rút kinh nghiệm...

Xem toàn bộ Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC tại đây

Nguồn tin: Kiemsat.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 621 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1220 | lượt tải:299

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 703 | lượt tải:98
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay11,774
  • Tháng hiện tại167,329
  • Tổng lượt truy cập2,200,929



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây