Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, có một đồng chí cán bộ trung đoàn thường hay quát mắng, đôi khi còn bợp tai chiến sĩ. Đồng chí này từng là giao thông, bảo vệ Bác đi ra nước ngoài trước Cách mạng Tháng Tám.
Được tin nhân dân “dư luận” về đồng chí này, một hôm, Bác cho gọi lên Việt Bắc, Bác dặn trạm đón tiếp khu ATK, dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.
Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng ngọ, “đồng chí cán bộ” vã cả mồ hôi, người như bốc lửa. Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước nguội.
Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:
- Chú uống đi.
Đồng chí cán bộ kêu lên:
- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.
Bác mỉm cười:
- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội mát không?
- Dạ, có ạ.
Bác nghiêm nét mặt nói:
- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.
Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa…
Nguồn: Câu chuyện “Nước nóng, nước nguội” được kể lại theo lời kể của đồng chí Nguyễn Việt Hồng in trong cuốn: “Một số lời dạy và mẫu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Bài học về cách ứng xử:
Qua câu chuyện này chúng ta thấy được sự quan tâm của Bác đến cách quản lý con người, một bài học về tâm lý và cách ứng xử sâu sắc, khôn khéo trong mọi tình huống. Chúng ta khi giận dữ dễ bị mất kiểm soát bản thân mình hoặc đưa ra một số quyết định không sáng suốt, nói ra những điều không nên để thỏa mãn sự nóng giận, tồi tệ hơn vì cơn giận chúng ta có thể cư xử vô tình làm tổn thương đến những người xung quanh, lưu lại một ấn tượng, hình ảnh không tốt đẹp, làm xấu đi mối quan hệ, nhất là tại cơ quan, đơn vị, trong xử trí công việc. Vì vậy trong mọi trường hợp hãy thật bình tĩnh, xem xét, xử lý khéo léo, phân tích tình huống cái được, cái mất để có cách ứng nhân xử thế hợp lý, nhã nhặn, hài hòa nhất.
Đây cũng là bài học lớn, có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành Kiểm sát nhân dân. Là cán bộ, Kiểm sát viên khoác trên mình màu áo xanh công lý, ngoài việc luôn phải tu dưỡng, trau dồi đạo đức, tích cực rèn luyện học tập, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn. Còn phải luôn rèn giũa tâm lý, thái độ, thực sự bình tĩnh, tự tin để xử lý mọi tình huống, thực hiện đúng theo Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên trong quá trình thi hành nhiệm vụ, công vụ. Trước tội phạm phải cương quyết và quyết liệt nhưng không nóng nảy, cư xử thiếu kiểm soát, thiếu kiềm chế. Đặc biệt đối với người Lãnh đạo quản lý phải có tâm, tầm nhìn và phương pháp điều hành chủ động, dứt khoát, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cư xử và phân công nhiệm vụ với cấp dưới thật thấu tình, đạt lý, xây dựng mối đoàn kết thống nhất, tôn trọng và tin tưởng trong công việc tại đơn vị. Mỗi cán bộ Kiểm sát phải thật sự có trách nhiệm, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn với Ngành “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ quyền con người, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa xứng đáng với niềm tin của Đảng, của nhân dân./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền