Một là, trên cơ sở khối lượng công việc thực tế, lãnh đạo chủ động phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm hướng dẫn cho các Kiểm sát viên mới, Kiểm tra viên, chuyên viên trong đơn vị cũng như cán bộ được biệt phái từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đến thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị trong mọi khâu công tác. Khi được phân công giúp việc, người được hướng dẫn sẽ được trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, ghi chép biên bản lấy lời khai cùng Kiểm sát viên, dự thảo báo cáo đề xuất, cáo trạng, luận tội, dự thảo bài phát biểu, tham gia các cuộc kiểm sát trực tiếp và báo cáo kết quả với người hướng dẫn. Qua đó, người được hướng dẫn sẽ tự rút ra được kinh nghiệm cho bản thân trong việc nghiên cứu hồ sơ, đề xuất hướng giải quyết, chủ động hơn khi được bổ nhiệm vào các chức danh mới hoặc được điều động đến công tác tại các đơn vị khác.
Tập thể đơn vị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Bằng chúc mừng
các đồng chí được bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp năm 2022
Hai là, lãnh đạo đơn vị chủ động lựa chọn những vụ việc có tính chất phức tạp, có vướng mặc hoặc nhiều quan điểm khác nhau để đưa ra thảo luận trong các cuộc họp cơ quan. Quá trình thảo luận, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên đều được phát biểu quan điểm về vấn đề định tội danh cũng như hướng tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc. Thông qua hình thức đào tạo này cán bộ, Kiểm sát viên sẽ nâng cao nhận thức về việc tiếp cận, phương pháp giải quyết một vấn đề để đạt hiệu quả cao nhất với sự tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến của nhiều người, từ đó phát huy được trí tuệ tập thể, khắc phục hạn chế trong tư duy, nhận thức trong quá trình áp dụng pháp luật, tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Bằng thảo luận, tháo gỡ vướng mắc
trong quá trình giải quyết các vụ việc
Ba là, trong đơn vị phân chia thành các bộ phận chuyên môn do Viện trưởng và Phó Viện trưởng phụ trách nhằm đảm bảo tính chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Hàng năm, lãnh đạo sẽ xem xét số lượng cán bộ, Kiểm sát viên so với khối lượng công việc trong từng bộ phận để có sự điều chỉnh hợp lý bằng cách luân chuyển Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và chuyên viên giữa các bộ phận với nhau. Đây là phương pháp đào tạo tại chỗ giúp cho người được đào tạo có những kiến thức và kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hướng tới mục tiêu “
mỗi cán bộ kiểm sát biết nhiều việc, giỏi một việc”.
Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn, chủ động phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm có công bố chứng cứ dữ liệu điện tử và số hóa hồ sơ trình bày bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa đối với những vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
Kiểm sát viên Viện KSND thành phố Cao Bằng tại phiên toà xét xử
Do thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, trong thời gian qua chất lượng cán bộ trong đơn vị được nâng lên rõ rệt. Mỗi cán bộ, Kiểm sát viên đều chủ động trong việc nghiên cứu, giải quyết công việc, không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm, các chỉ tiêu công tác đều đạt tỷ lệ cao, trong đó có một số chỉ tiêu vượt mức đề ra như chỉ tiêu ban hành kiến nghị phòng ngừa, phiên tòa rút kinh nghiệm,…
Bên cạnh việc đào tạo bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, hàng năm VKSND thành phố Cao Bằng còn tiếp nhận và hướng dẫn cho các học viên lớp Nghiệp vụ kiểm sát, sinh viên Trường Đại học kiểm sát Hà Nội và nhiều cơ sở đào tạo Luật khác đến thực tập. Tính từ năm 2020 đến năm 2022, đơn vị đã tiếp nhận và hướng dẫn cho hơn 40 học viên, sinh viên. Trong quá trình thực tập các học viên được tiếp cận với hồ sơ vụ việc, được tiếp cận kiến thức qua công tác thực tiễn và học việc các Kiểm sát viên trong các hoạt động kiểm sát. Kết thúc kỳ thực tập, các học viên đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và được nhà trường đánh giá cao.
Sinh viên thực tập của Trường Đại học kiểm sát tham gia khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông
cùng các Kiểm sát viên Viện KSND thành phố Cao Bằng
Với những hiệu quả mang lại, trong thời gian tới đơn vị Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Bằng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng tại chỗ gắn với tình hình thực tiễn tại đơn vị, đảm bảo phát triển năng lực toàn diện cho cán bộ, Kiểm sát viên. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.