Vui buồn thầy giáo mầm non

Thứ hai - 25/11/2013 02:33

Vui buồn thầy giáo mầm non

Giữa một lớp học đông đúc, nhỏ có, lớn có, một nam thanh niên đứng giữa lớp dạy các em ca hát, tập múa. Lớp học mầm non này đặc biệt bởi các giáo viên là nam chứ không phải là nữ như thông thường người ta vẫn nghĩ.

Thầy giáo duy nhất của trường

Đó là Nguyễn Hữu Toàn (sinh năm 1989), nam giáo viên duy nhất của trường mầm non Bé Ngoan (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM). Toàn tốt nghiệp năm 2011 và chuyển về trường mầm non Bé Ngoan mới hơn 1 năm. Chia sẻ về nghiệp dạy học của mình, Toàn nói, “thật sự là nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề, bởi ước mơ của mình là làm hướng dẫn viên du lịch hoặc phi công chứ chưa bao giờ nghĩ đến sẽ đi theo nghiệp sư phạm”.

Thế rồi, trong một lần tâm sự với bạn lớp phó, bạn này nói “Toàn nên đi theo ngành Sư phạm đi, mình thấy Toàn có năng khiếu ca hát, múa cũng đẹp nữa nên chắc sẽ hợp hơn”. “Nghĩ đi nghĩ lại cũng đúng, với lại bản thân cũng yêu thích trẻ con nên nghe theo lời bạn, rồi chọn ngành Sư phạm mầm non”, Toàn nói.

Cả lớp cùng nhau vui chơi bên thầy giáo mầm non Nguyễn Hữu Toàn.
Cả lớp cùng nhau vui chơi bên thầy giáo mầm non Nguyễn Hữu Toàn.

Thi đậu vào trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM, bất ngờ đầu tiên đến với Toàn khi năm đó, toàn trường có 360 chỉ tiêu nhưng chỉ có một mình Toàn là con trai. Từ đó cho đến khi ra trường, Toàn là nam sinh duy nhất của trường nên rất được bạn bè và thầy cô yêu mến. Toàn chia sẻ, “nhiều lúc đi thi, mình còn được các bạn nữ cho xem bài, rồi dạy cho tập múa, tập hát nữa, chứ mình là con trai nên nhiều lúc khô cứng lắm”.

Ra trường, Toàn xin về dạy một trường mầm non ở quận Phú Nhuận, sau đó chuyển về trường mầm non Bé Ngoan dạy cho đến bây giờ. Kỷ niệm lần đầu về với trường là một thử thách khá thú vị của cô hiệu trưởng khi giao Toàn làm biên đạo múa cho một tiết mục để cô dự thi văn nghệ ở Phòng giáo dục thành phố. Nắm chắc đây là cơ hội để thể hiện khả năng của mình, Toàn biên đạo bài Chiều lên Bản thượng với nhiều nét mới lạ so với các tiết mục người ta thường diễn. Và chính nét lạ đó đã giúp cô hiệu trưởng giành giải nhất cuộc thi.

Cô Lâm Kim Hoàng, hiệu trưởng trường mầm non Bé Ngoan cho biết: “Một nam giáo viên mầm non sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các cô khi chăm sóc bé, nhưng bù lại, các thầy có sức trẻ, năng nổ và nhiệt tình ý thức trách nhiệm cao, đây là điểm vượt trội so với các giáo viên nữ”.

Về khó khăn đối với một nam giáo viên mầm non theo Toàn thì nhiều lắm. Bởi mới đầu vào nghề, nhiều phụ huynh không tin tưởng giao con cho mình vì con họ là con gái, hay như mỗi lần cho ăn, các em thường hay nhõng nhẽo, làm nũng… rồi khi tập múa, tập hát các em thường đùa giỡn nhau. Đặc biệt, nhiều em rất nghịch ngợm, đánh bạn, nói không nghe lời nên phải tìm đủ mọi cách để dỗ ngọt hoặc khen thưởng để dạy em ngày một ngoan hơn…

Còn bây giờ Toàn rất tự tin về khả năng chăm sóc trẻ của mình, nhiều trẻ giờ xem Toàn là ba nuôi, còn phụ huynh thì gọi Toàn với cái tên hấp dẫn “thầy giáo đặc biệt”.

Thầy Nguyễn Hữu Toàn đang buộc tóc cho một bé trong lớp.
Thầy Nguyễn Hữu Toàn đang buộc tóc cho một bé trong lớp.

Thầy giáo mầm non khóc trong ngày đầu tiên đứng lớp

Là một trong những nam giáo viên mầm non hiếm hoi đang dạy tại Trường mầm non Sơn Ca (quận 5, TPHCM), Âu Dương Anh Khoa vừa được Thành đoàn TPHCM vinh danh và trao giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2013.

Âu Dương Anh Khoa (
Âu Dương Anh Khoa (thứ 2 từ phải qua) trong lần tuyên dương giáo viên trẻ tiêu biểu năm 2013.

Với dáng to cao, khuôn mặt tròn trịa cộng với tính hài hước, thầy giáo mầm non Anh Khoa đã nhanh chóng lấy được cảm tình của hàng trăm bạn trẻ và giáo viên ở hội trường Nhà văn hóa Thanh niên qua câu chuyện dạy trẻ của mình. Khoa kể, cơ duyên đưa mình đến với nghiệp dạy học mầm non cũng rất tình cờ. Năm học lớp 12, Khoa bỗng nhiên yêu thích con nít nên nảy sinh ý định chọn nghề Sư phạm mầm non. Thế là năm đó, Khoa nộp một lúc 3 bộ hồ sơ thi vào ngành mầm non, cứ trường nào có tuyển ngành giáo dục mầm non là Khoa nộp đơn ứng tuyển ngay.

Quá trình học ở trường, Khoa nghĩ cơ bản chăm sóc, nuôi dạy trẻ cũng đơn giản, vì nó cũng giống như mình chăm sóc mấy đứa cháu ở nhà. Tuy nhiên, mọi chuyện hoàn toàn khác. Ngày đầu đi dạy đối với Khoa là một kỷ niệm không bao giờ quên bởi chính hôm đó Khoa ngồi khóc gần 15 phút.

Khoa kể: “Lúc đó trong lớp mình có hơn 40 cháu, nhưng sau một hồi chăm sóc thì cả lớp gần 40 cháu cùng khóc. Dỗ mãi không được, cũng không biết làm gì hay kêu ai nên mình cũng ngồi khóc theo các cháu suốt gần 15 phút. Đang khóc giữa chừng thì một cháu bé chạy đến hỏi “Thầy ơi, sao thầy khóc vậy, nín đi thầy ơi! Bất ngờ trước hành động của cậu học trò nhỏ phải dỗ ngược thầy, mình đứng dậy và cố gắng hết sức để vui đùa, nịnh nọt mấy cháu còn lại để các cháu không còn khóc nữa”.

Rồi một kỷ niệm khác là lúc thi văn nghệ ở trường, các lớp khác có giáo viên là nữ, trong khi Khoa là nam nên phải nói là khó khăn hơn rất nhiều. Lúc đó, lớp Khoa lên kế hoạch múa tiết mục A-li-ba-ba nên mình phải chạy vạy khắp nơi để mua đĩa, chuẩn bị trang phục rồi tập cho các em xòe từng cánh tay, bước từng bước chân… Tuy không đạt giải gì, nhưng được cùng các bé tập múa, tập hát, mình thấy ấm áp và hạnh phúc.

Giờ đây, sau 5 năm đứng lớp, Khoa tự tin chia sẻ: “Nếu có bạn nam nào yêu thích dạy mầm non hãy mạnh dạn đăng ký vì cô giáo mầm non làm được thì thầy giáo mầm non cũng sẽ làm được”.

Khó nhất là dạy trẻ mầm non

Khác với Toàn và Khoa, Nguyễn Thanh Bảo (sinh năm 1987), không học ngành Sư phạm mầm non nhưng lại theo nghiệp giáo dục mầm non. Hiện Bảo đang là giáo viên trường mầm non Việt Mỹ, quận Gò Vấp.

Một ngày làm việc của Bảo bắt đầu từ 6 giờ sáng. Lúc đó, Bảo cùng với các cô giáo khác ra trước cổng để đón các bé vào trường. Tiếp đó là tập thể dục theo lớp, Bảo một mình cho các bé xếp hàng, tập theo từng động tác của mình. Đến giờ học, các bé vào lớp, mỗi bé lấy một quyển vở để tập vẽ, tập tô màu… Trưa đến, các em bắt đầu ngồi vào bàn ăn, đây là lúc vất vả nhất bởi với nhiều em nhỏ, Bảo phải tự tay bón thức ăn, rồi vừa ăn, vừa dỗ, trong khi bên cạnh mấy bé khác đang vọc cơm… Loay hoay, ngược xuôi như đánh trận.

Sau giờ ăn, là giờ cho các bé đi ngủ. Bảo lại tiếp tục công việc dỗ các bé ngủ bằng cách hát hoặc kể chuyện… Tiếp đó buổi chiều, Bảo lại cho mấy bé ăn giữa buổi. Một ngày làm việc của Bảo tựu trung xoay quanh việc đón, chăm sóc, dỗ ăn, dỗ ngủ… khép kín.
 

Bảo tâm sự, “dù mình đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc dạy học ở 2 trường gồm tiểu học và trung học cơ sở nhưng phải nói rằng, dạy mầm non khó và vất vả hơn rất nhiều, bởi trẻ trong một lớp mình chủ nhiệm có nhiều lứa tuổi, bọn trẻ lại rất hiếu động và nghịch ngợm nữa.

Tuy nhiên, làm lâu cũng thành quen, giờ đây mình đã có nhiều chiêu mới để giúp các bé ngoan hơn, bằng các phương pháp sư phạm. Bí quyết đơn giản là nắm chắc tâm lý lứa tuổi, mến trẻ, yêu nghề chỉ thế!”.

Bảo chia sẻ thêm, “nhắc đến niềm vui thì nhiều lắm, nhất là buổi sáng được đón các bé vào trường. Vừa thấy thầy là các bé chạy tới ôm ngay, quấn quýt lôi đi chơi cho bằng được. Buổi chiều thì có bé còn không chịu về, cứ bắt thầy ngồi lại vẽ tranh, tô màu”.

Theo Nguyễn Dũng

Tiền Phong

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 556 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1035 | lượt tải:254

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 659 | lượt tải:90
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập66
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm61
  • Hôm nay4,822
  • Tháng hiện tại81,293
  • Tổng lượt truy cập1,923,322



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây