Kỹ năng báo cáo đề xuất giải quyết vụ án hình sự

Thứ hai - 26/10/2020 21:47
Tóm tắt nội dung bài viết: Báo cáo đề xuất là một trong những hoạt động thể hiện kỹ năng cơ bản và quan trọng nhất của Kiểm sát viên trong quá trình được phân công thụ lý kiểm sát giải quyết vụ án hình sự. Nâng cao kỹ năng báo cáo đề xuất là một trong những yêu cầu thiết thực đối với từng Kiểm sát viên, góp phần giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật các vụ án hình sự. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích về kỹ năng của Kiểm sát viên khi tiến hành hoạt động báo cáo đề xuất trước lãnh đạo Viện cả về mặt nội dung và hình thức.
    Báo cáo đề xuất giải quyết vụ án hình sự (sau đây gọi chung là báo cáo đề xuất) là một trong nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và của ngành Kiểm sát do Kiểm sát viên thực hiện đối với lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Viện, lãnh đạo Viện kiểm sát cấp trên (sau đây gọi chung là lãnh đạo Viện) khi được phân công THQCT, KSĐT, KSXX vụ án hình sự. Mỗi vụ án hình sự đều có những đặc thù riêng, do vậy việc báo cáo đề xuất trong quá trình giải quyết vụ án hình sự không thể được thực hiện máy móc, chung chung mà cần phải có những kỹ năng báo cáo đề xuất phù hợp để đáp ứng được yêu cầu của quá trình giải quyết vụ án. Trên thực tế kỹ năng báo cáo đề xuất là văn hóa ứng xử, giao tiếp, khả năng vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình công tác để trình bày với lãnh đạo Viện xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ. Kỹ năng báo cáo đề xuất chính là phương tiện, cách thức để thể hiện năng lực, trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, hiệu quả công tác của Kiểm sát viên cần phải có trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

    Kỹ năng báo cáo đề xuất được thể hiện thông qua việc ứng xử của Kiểm sát viên bằng các hành vi, cử chỉ, phong thái, sắc thái, ngôn ngữ khi giao tiếp với lãnh đạo Viện. Thực tế kỹ năng báo cáo đề xuất không phải Kiểm sát viên nào cũng sẵn có, mà nó được hình thành và tích lũy thông qua quá trình công tác, rèn luyện trên nền tảng kiến thức cơ bản về nghiệp vụ, đạo đức công vụ và bản lĩnh nghề nghiệp. Trong lĩnh vực tố tụng hình sự, kỹ năng báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên phải là sự tư duy mạch lạc, chặt chẽ, logic, nhanh nhạy giải quyết các tình huống phát sinh cũng như khả năng phán đoán, nhận biết chính xác diễn biến tâm lý bên trong và biểu hiện bên ngoài của lãnh đạo Viện khi báo cáo đề xuất. Do đó, để hoạt động báo cáo đề xuất thành công, đạt được hiệu quả, chất lượng về nội dung, nhanh chóng, kịp thời về mặt thời gian thông thường kỹ năng báo cáo đề xuất được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị; Giai đoạn báo cáo đề xuất và Giai đoạn kết thúc việc báo cáo đề xuất.

    1. Giai đoạn chuẩn bị báo cáo đề xuất

    Trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án hình sự, Kiểm sát viên cần phải thực hiện một số báo cáo đề xuất như báo cáo đề xuất phê chuẩn (phê chuẩn khởi tố bị can, phê chuẩn biện pháp ngăn chặn, phê chuẩn các biện pháp điều tra...); báo cáo đề xuất quan điểm xử lý, giải quyết một hoặc một số vấn đề của vụ án (gia hạn thời hạn tố tụng; thay đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định tố tụng; tạm đình chỉ; xử lý vật chứng...). Với mỗi nội dung báo cáo đề xuất và tùy thuộc vào giai đoạn thực hiện mà Kiểm sát viên phải có những kỹ năng báo cáo đề xuất khác nhau và đảm bảo phù hợp với yêu cầu của quá trình tố tụng vụ án. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc xây dựng và báo cáo đề xuất, Kiểm sát viên cần lưu ý một số vấn đề sau:

    Thứ nhất, Kiểm sát viên cần tiến hành công tác lập, quản lý hồ sơ theo đúng quy định của Quyết định số 190/QĐ-VKSTC ngày 06/4/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ ngành kiểm sát nhân dân, hồ sơ kiểm sát phải bao gồm đầy đủ các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập bắt đầu từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. Nội dung các tài liệu, chứng cứ cần được trích cứu thành bản tổng hợp chung và được lưu trong hồ sơ kiểm sát. Việc lập, quản lý tốt hồ sơ kiểm sát sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, sử dụng trong quá trình báo cáo đề xuất.

    Thứ hai, nghiên cứu kỹ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và hệ thống được đầy đủ nội dung các văn bản có liên quan đến nội dung cần báo cáo để nắm vững các tình tiết, nội dung vụ án, những mâu thuẫn, thiếu sót, vi phạm của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và các quy định của pháp luật để từ đó tổng hợp, lựa chọn, đánh giá những nội dung cần thiết phải báo cáo đề xuất. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Kiểm sát viên phải xác định được mục đích, yêu cầu, tính cấp thiết về những nội dung sẽ tiến hành báo cáo đề xuất, từ đó sẽ đề ra được những định hướng cơ bản và lựa chọn được hình thức báo cáo đề xuất (bằng lời nói, bằng văn bản) phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.

    Thứ ba, tiến hành xây dựng báo cáo đề xuất. Như đã phân tích, với mỗi trường hợp thì hình thức báo cáo đề xuất được lựa chọn sẽ khác nhau, về cơ bản trong quá trình THQCT, KSĐT các vụ án hình sự, các Kiểm sát viên chủ yếu thực hiện việc báo cáo đề xuất bằng văn bản. Do đó khi tiến hành xây dựng báo cáo đề xuất, Kiểm sát viên phải sử dụng mẫu văn bản báo cáo thống nhất của ngành Kiểm sát được ban hành kèm theo các quy chế nghiệp vụ. Các nội dung trong báo cáo đề xuất phải đầy đủ, chính xác, rõ ràng, logic và phải được diễn đạt bằng văn phong pháp lý trong sáng. Trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ và kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Kiểm sát viên cần chỉ ra được những nội dung đề xuất cụ thể, rõ ràng và phải được viện dẫn đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, các quy định của pháp luật có liên quan còn hiệu lực hoặc các quan điểm của cấp ủy, liên ngành tư pháp địa phương, tư tưởng pháp lý khác đã được thừa nhận rộng rãi phù hợp với nội dung cần báo cáo. Kiểm sát viên cần tránh đưa ra những đề xuất mang tính chung chung hoặc đưa ra quá nhiều đề xuất mà căn cứ nhận định, đánh giá còn thiếu hoặc không rõ ràng. Bản báo cáo đề xuất phải được Kiểm sát viên ký, ghi rõ họ tên trước khi tiến hành báo cáo đề xuất trước lãnh đạo Viện.

    Thứ tư, báo cáo đề xuất phải nêu được những nhận định, ý kiến, quan điểm về nội dung cần báo cáo đề xuất. Đó phải là quan điểm cá nhân được tổng hợp, đúc kết trên cơ sở những nội dung đã được thu thập trong hồ sơ vụ án, quy định của pháp luật liên quan cũng như sự tham khảo từ các chuyên gia, nhà khoa học và đồng nghiệp. Không được sao chép lại y nguyên quan điểm của người khác hoặc quan điểm tương tự từ những vụ việc khác để biến thành quan điểm của mình. Kiểm sát viên có thể dự kiến thêm các tình huống, nội dung có thể phát sinh khi báo cáo đề xuất để không rơi vào tình trạng bị động khi được lãnh đạo Viện hỏi hoặc không bảo vệ được quan điểm của mình. Với các yêu cầu này, Kiểm sát viên cần phải chủ động, tích cực trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ việc và các nội dung khác có liên quan để đưa ra được những quan điểm hợp lý, sát nhất, chính xác nhất và hiệu quả nhất.

    Thứ năm, Kiểm sát viên cần chuẩn bị các văn bản, lệnh, quyết định tố tụng có liên quan đến nội dung báo cáo đề xuất để phục vụ cho việc ký ban hành khi Lãnh đạo Viện đồng ý với quan điểm của Kiểm sát viên về nội dung báo cáo đề xuất.

    Thứ sáu, ngoài những nội dung trên, trong giai đoạn chuẩn bị báo cáo đề xuất, Kiểm sát viên cần chú ý đến một số thao tác, kỹ năng ngoài nghiệp vụ như chuẩn bị cặp, giấy, bút, máy tính xách tay hoặc các trang thiết bị khác để phục vụ cho việc báo cáo đề xuất trước lãnh đạo Viện. Lựa chọn thời gian, địa điểm báo cáo đề xuất thích hợp, có thể trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, hoặc thông qua Văn phòng để đăng ký lịch làm việc với Lãnh đạo Viện. Trường hợp cần thiết có thể đề xuất trước với Lãnh đạo Viện về việc bổ sung thành phần tham gia báo cáo đề xuất đối với những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều quan điểm khác nhau về đường lối xử lý.

    2. Giai đoạn báo cáo đề xuất

    Báo cáo đề xuất giải quyết vụ án hình sự là một hoạt động chuyên môn đặc thù của Kiểm sát viên khi được phân công thụ lý giải quyết. Để công tác giải quyết vụ án hình sự được thực hiện khách quan, nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật rất cần những Kiểm sát viên không chỉ giỏi về kiến thức nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật mà cần phải rèn luyện, nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp, trong đó có kỹ năng báo cáo đề xuất giải quyết vụ án hình sự. Để hoạt động báo cáo đề xuất giải quyết vụ án hình sự của Kiểm sát viên được nâng cao về chất lượng, tăng cường thêm những kỹ năng mới, sáng tạo và có hiệu quả cần lưu ý một số vấn đề sau trong giai đoạn báo cáo đề xuất trước lãnh đạo Viện.

    Một là, Khi báo cáo đề xuất các vấn đề thuộc công tác kiểm sát với lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên cần phải báo cáo đầy đủ, trung thực, đúng nội dung vụ việc và có quan điểm cá nhân rõ ràng về nội dung báo cáo cũng như những đề xuất đối với lãnh đạo Viện.

    Hai là, Việc báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên trước lãnh đạo Viện phải được thực hiện trước khi tiến hành các nội dung cần báo cáo trong khoảng thời gian phù hợp và phải do Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết vụ việc trực tiếp báo cáo. Tuyệt đối không được nhờ người khác báo cáo thay hoặc thực hiện nội dung báo cáo xong mới tiến hành báo cáo đề xuất để hợp thức hóa thủ tục.
 
    Ba là, Trong quá trình báo các đề xuất, nếu có ý kiến, quan điểm khác nhau giữa Kiểm sát viên thụ lý với lãnh đạo Viện thì Kiểm sát viên phải chấp hành quan điểm chỉ đạo và có quyền giữ nguyên quan điểm cá nhân. Các quan điểm khác nhau về đường lối giải quyết giữa lãnh đạo Viện và Kiểm sát viên phải được ghi đầy đủ, chính xác, rõ ràng vào báo cáo đề xuất và lưu trong hồ sơ kiểm sát.

    Bốn là, Sau khi báo cáo đề xuất giải quyết vụ án và nhận được quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Viện thì Kiểm sát viên cần phải ghi đầy đủ, chính xác các ý kiến chỉ đạo vào sổ tay cá nhân và tự mình hoặc đề nghị lãnh đạo Viện ghi nội dung ý kiến chỉ đạo về vụ việc vào báo cáo đề xuất để lưu hồ sơ kiểm sát. Tuyệt đối không được tẩy xóa, sửa chữa hoặc thêm bớt các nội dung, ý kiến, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Viện về các vấn đề đã báo cáo đề xuất. Sau khi ghi chép đầy đủ quan điểm của lãnh đạo Viện thì Kiểm sát viên cần kiểm tra, rà soát lại nội dung trước khi trình lãnh đạo Viện ký xác nhận vào báo cáo đề xuất và trình lãnh đạo Viện các văn bản, quyết định tố tụng để ký ban hành.

    Năm là, bên cạnh những yêu cầu kỹ năng về việc báo cáo nội dung vụ việc thì trước và trong quá trình báo cáo đề xuất, Kiểm sát viên cần phải thực hiện tốt hoạt động xã giao như chào hỏi; hỏi thăm về tình hình công việc, sức khỏe…tạo tâm lý thoải mái, gần gũi, thuận lợi cho việc giải quyết công việc tiếp theo. Trên cơ sở kinh nghiệm công tác, quá trình giao tiếp hoặc thông qua các kênh chính thống khác, Kiểm sát viên cần tìm hiểu trạng thái tâm lý, tinh thần, thái độ, trình độ năng lực... của lãnh đạo Viện. Cần đặt vị trí của bản thân vào vị trí của lãnh đạo Viện để tạo thế chủ động khi thực thi nhiệm vụ (đây là nghệ thuật biết mình, biết người). Mỗi Kiểm sát viên phải định hình và chuẩn bị kỹ về hình thức bên ngoài, tâm lý, tác phong, cử chỉ, hành động (như bình tĩnh, tự tin, sử dụng trang phục đúng quy định của ngành, đầu tóc gọn gàng…) quan trọng nhất là thái độ và ngôn ngữ sử dụng chuẩn mực, đúng văn phong pháp lý tránh việc mất bình tĩnh, hay lo ngại báo cáo đề xuất không đạt hiệu quả, nhất là đối với những Kiểm sát viên trẻ, mới được bổ nhiệm hoặc những Kiểm sát viên nghiệp vụ còn hạn chế về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hay nghiên cứu hồ sơ không kỹ, sơ sài… Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cần nhanh nhạy quan sát, nhận biết các biểu hiện về yếu tố bên ngoài của lãnh đạo Viện như: Nét mặt, sắc thái, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ. (Như lời nói vui vẻ hay cáu bẳn, cử chỉ khoan thai hay bức xúc…). Việc này là vô cùng cần thiết, là yếu tố quan trọng trong kỹ năng giao tiếp, nhận định, đánh giá tình hình cũng như tính bao quát của Kiểm sát viên với lãnh đạo Viện khi tiến hành báo cáo, là cơ sở quyết định một phần lớn sự thành công hay không của việc báo cáo đề xuất. Thông qua sự nhận biết về các biểu hiện bên ngoài, Kiểm sát viên phán đoán những diễn biến trạng thái tâm lý bên trong của lãnh đạo Viện. Việc này đòi hỏi Kiểm sát viên phải có kinh nghiệm, năng lực và sự tinh tế mới nhận biết được, từ đó tự điều chỉnh phương pháp báo cáo phù hợp, khoa học để tạo ra sự hứng thú, thoải mái, thu hút, quan tâm của lãnh đạo Viện về nội dung báo cáo nhằm đạt được nội dung, mục đích, yêu cầu của việc báo cáo đề xuất mà ban đầu Kiểm sát viên đã đưa ra.

    3. Giai đoạn kết thúc việc báo cáo đề xuất

    Sau khi kết thúc việc báo cáo đề xuất, Kiểm sát viên cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến, quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo đối với nội dung báo cáo và chọn thời gian thích hợp để đề nghị kết thúc cuộc báo cáo để cho Lãnh đạo không bị hụt hẫng hoặc mệt mỏi. Kiểm sát viên phải nhanh chóng, khẩn trương tiến hành các nội dung đã báo cáo mà lãnh đạo Viện đã cho ý kiến chỉ đạo như hoàn thiện các văn bản, quyết định tố tụng để ban hành; gửi và trao đổi với cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung báo cáo đề xuất để triển khai các nội dung công việc có liên quan như tổ chức bắt bị can để tạm giam, tiến hành việc khám xét...; vào sổ thụ lý, phần mềm quản lý án các lệnh, quyết định tố tụng theo giai đoạn báo cáo đề xuất; chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo...

    Có thể nói, kết quả của hoạt động báo cáo đề xuất hiệu quả đến đâu rất cần sự chỉn chu, khoa học, trách nhiệm của từng Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án. Do đó, với các nội dung, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên cần tuân thủ tuyệt đối chế độ thông tin, bảo mật, không được phép tiết lộ cho người không có nhiệm vụ, thẩm quyền sử dụng thông tin hoặc tự ý sử dụng các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Viện vào mục đích cá nhân bất kỳ trường hợp nào. Tất cả các văn bản tố tụng, các báo cáo đề xuất, quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Viện phải được lưu vào hồ sơ kiểm sát và được bảo quản theo đúng chế độ của ngành./.

Tác giả: Thiều Văn Thịnh

Nguồn tin: Phòng 2, Viện KSND tỉnh Cao Bằng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 212 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 239 | lượt tải:62

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 214 | lượt tải:37
Liên kết website
Lịch năm 2024
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập20
  • Máy chủ tìm kiếm5
  • Khách viếng thăm15
  • Hôm nay6,658
  • Tháng hiện tại170,588
  • Tổng lượt truy cập710,740



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây