Đây là quy định mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999 và cũng là quy định có lợi cho người phạm tội, được áp dụng ngay không cần phải chờ đến sau 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018. Có thể nói đây là một “nguyên tắc hoà giải trong luật hình sự” nhằm giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Ảnh minh họa: Internet
Tuy nhiên, việc hoà giải giữa người phạm tội với người bị hại chỉ đối với hai loại tội phạm, đó là tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý” hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, còn đối với các tội phạm khác (tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) thì không được hoà giải để người bị hại đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, nếu người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội mà cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy không thể miễn được thì cũng nên coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, đồng thời giải thích cho người bị hại biết vì sao không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội được.
Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì, tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm. Ví dụ: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124); Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thuộc trường hợp quy định tại (khoản 1 Điều 125); Tội huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản (khoản 1 Điều 178).v.v.
Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng do vô ý, chứ không áp dụng đụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý.
Do kỹ thuật lập pháp nên có nhiều điều luật quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 cần phải có trình độ hiểu biết hoặc giải thích khoa học thì mới hiểu được, nhưng đối với khoản 3 Điều 29 thì có lẽ không cần phải giải thích nhiều thì mọi người đều hiểu rằng, nhà làm luật quy định áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) và tội phạm nghiêm trọng do vô ý, chứ không phải chỉ đối với tội phạm do vô ý. Điều luật quy định rất rõ “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý”, chứ không quy định “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng, (phẩy) tội phạm nghiêm trọng do vô ý” hoặc “người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng do vô ý.
Theo logic hình thức thì từ hoặc là “tuyển mạnh”, tức là hoặc A hay là B, chứ không thể cả A và B.
Tương tự như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều điều luật nhà làm luật dùng kết từ “hoặc”. Ví dụ: Điều 41 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.
Khi nhà làm luật đã dùng kết từ “hoặc” là từ biểu thị quan hệ giữa nhiều (thường là hai) khả năng khác nhau, không khả năng này thì khả năng kia, ít nhất có một khả năng được thực hiện. Ví dụ: Chiều nay hoặc mai sẽ có. Hoặc anh hoặc tôi, một người phải ở lại. Tài liệu tiếng Nga, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp (Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng 1997, tr.436).
Quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng phù hợp với một số trường hợp phạm tội do cố ý nhưng phải có đơn yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết, thì mới khởi tố như: khoản 1 Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); khoản 1 Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh); khoản 1 Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội); khoản 1 Điều 141 (Tội hiếp dâm); khoản 1 Điều 143 (Tội cưỡng dâm); khoản 1 Điều 155 (Tội làm nhục người khác); khoản 1 Điều 156 (Tội vu khống) và khoản 1 Điều 226 (Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Các tội phạm này đều là tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý.
Vì vậy, không thể hiểu chỉ người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do vô ý mới thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Còn việc cơ quan tiến hành tố tụng có miễn trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ người phạm tội không thuộc trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.
Tác giả: Đinh Văn Quế Nguyên Chánh tòa Hình sự, TAND tối cao. TCKS số 16/2017
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 570 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1074 | lượt tải:265QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 671 | lượt tải:91