Vướng mắc trong áp dụng, viện dẫn Bộ luật Hình sự

Chủ nhật - 25/02/2018 22:21
(kiemsat.vn) Việc áp dụng BLHS đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018 và phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử sau ngày 01/01/2018 mà có tội danh, khung hình phạt... có tính chất ngang bằng nhau đang có vướng mắc cần được hướng dẫn.

Ảnh minh họa
 
Sau gần 2 tháng Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015 có hiệu lực và được triển khai vào thực tiễn, những quy định mới của BLHS năm 2015 đã tháo gỡ được nhiều vấn đề mà BLHS năm 1999 còn khó khăn trong quá trình giải quyết, như: Việc quy định cụ thể Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành” (khoản 4 Điều 17 BLHS năm 2015); quy định rõ ràng hơn những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 2, 3 Điều 29 BLHS năm 2015); hay việc sửa đổi lại tình tiết “phạm tội nhiều lần” bằng quy định cụ thể hơn là “Phạm tội 02 lần trở lên”…
 

Bên cạnh những kết quả đạt được của BLHS năm 2015 đem lại như nêu trên trong thời gian vừa qua, vẫn còn tồn tại một số vướng mắc khi áp dụng quy định của BLHS năm 2015, trong đó nổi lên là vấn đề vướng mắc về áp dụng, viện dẫn điều luật giữa hai BLHS năm 1999 và năm 2015.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 (gọi tắt là Nghị quyết số 41) và Công văn số 04/TANDTC-PC ngày 09/01/2018 của TAND tối cao về việc hướng dẫn áp dụng BLHS năm 2015 và Nghị quyết số 41 (gọi tắt là công văn số 04) đều khẳng định: trừ những trường hợp có lợi thì áp dụng ngay quy định của BLHS năm 2015, còn lại thì “Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018”.

Với hướng dẫn này, việc áp dụng, viện dẫn điều luật đối với các trường hợp có lợi cho người phạm tội thì tương đối thuận lợi, không gặp vướng mắc gì (do đó trong bài viết này không đề cập đến việc áp dụng, viện dẫn các quy định có lợi cho người phạm tội). Tuy nhiên, hiện nay một số địa phương đang vướng mắc việc áp dụng, viện dẫn điều luật đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018 và phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử sau ngày 01/01/2018 mà có tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ có tính chất ngang bằng nhau giữa BLHS năm 2015 với BLHS năm 1999. Tổng hợp lại các dạng vướng mắc về áp dụng, viện dẫn điều luật thì chủ yếu có ba hình thức vướng mắc như sau:

Thứ nhất:  Vướng mắc trong việc áp dụng, viện dẫn điều luật đối với hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018 nhưng phát hiện, khởi tố sau ngày 01/01/2018 và hành vi phạm tội này có khung hình phạt ngang nhau giữa hai BLHS năm 1999 và năm 2015. Trường hợp này, các cơ quan tố tụng còn chưa thống nhất về việc áp dụng điều luật của BLHS năm 1999 hay điều luật của BLHS năm 2015.

Ví dụ 1: Ngày 30/12/2017 Nguyễn Văn D phạm tội Giết người thuộc trường hợp “Có tính chất côn đồ”. Vậy, ngày 08/01/2018 Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố Nguyễn Văn D thì áp dụng điểm n, khoản 1 Điều 93 của BLHS năm 1999 hay áp dụng điểm n, khoản 1 Điều 123 của BLHS năm 2015?

Thứ hai: Vướng mắc trong việc viện dẫn điều luật đối với hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 01/01/2018 và đã bị khởi tố theo BLHS năm 1999, nhưng sau ngày 01/01/2018 mới kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.

Ví dụ 2: Ngày 01/10/2017, A bị khởi tố về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, theo Điều 95 BLHS năm 1999. Ngày 25/01/2018, Viện kiểm sát ban hành Cáo trạng truy tố A về tội Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Vậy, Viện kiểm sát sẽ viện dẫn Điều 95 của BLHS năm 1999 hay Điều 125 của BLHS năm 2015?

Thứ ba: Vướng mắc khi áp dụng tội danh và điều luật của BLHS năm 1999 nhưng lại áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hình phạt (có cùng tính chất) của BLHS năm 2015.

Ví dụ 3: Nguyễn Văn B bị Hội đồng xét xử tuyên phạt tội Vận chuyển hàng cấm theo khoản 1, Điều 155 BLHS năm 1999, nhưng khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” và hình phạt tù thì vẫn áp dụng điểm s, khoản 1 Điều 51, Điều 38 BLHS năm 2015 để tuyên án mà không áp dụng điểm p, khoản 1, Điều 46 và Điều 33 BLHS năm 1999. Như vậy, cùng một bản án nhưng áp dụng quy định của hai BLHS mà không phải là quy định có lợi cho bị cáo (vì tình tiết giảm nhẹ “thành khẩn khai báo” thì cả BLHS năm 2015 và BLHS năm 1999 đều có quy định này), dẫn đến sự không đồng nhất về việc áp dụng pháp luật.

Trong ba dạng vướng mắc nêu trên, mặc dù khác nhau về hình thức, nhưng bản chất lại giống nhau, đó là: chưa có sự thống nhất về việc áp dụng BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018. Do đó, giải quyết được mấu chốt này thì sẽ giải quyết được cả ba dạng vướng mắc trên.

Để giải quyết chung về những vướng mắc này, hiện nay có hai quan điểm trái ngược nhau:

* Quan điểm thứ nhất cho rằng: BLHS năm 2015 là bộ luật đang có hiệu lực thi hành, còn BLHS năm 1999 đã hết hiệu lực, nên kể từ 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018, phải áp dụng tất cả các quy định của BLHS năm 2015 để giải quyết các vụ án hình sự xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018 (nhưng sau ngày 01/01/2018 mới phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử), chỉ trừ những trường hợp mà BLHS năm 1999 quy định có lợi hơn thì mới áp dụng BLHS năm 1999. Những người theo quan điểm này đưa ra căn cứ pháp lý quy định tại mục 4, Thông tư liên tịch số 02/2000/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA ngày 05/7/2000 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn thi hành Điều 7 BLHS năm 1999  và Mục 2 Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999 của Quốc hội (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 02): “4. Đối với những tội phạm đã được quy định trong một điều luật của Bộ luật hình sự năm 1985, nay theo cách so sánh tại các điểm từ điểm b1 đến điểm b6 Mục 2 và tại các điểm từ d1 đến điểm d6 Mục 3 Thông tư này mà vẫn giữ nguyên trong điều luật tương ứng của Bộ luật hình sự năm 1999, thì áp dụng điều luật của Bộ luật hình sự năm 1999 để truy cứu trách nhiệm hình sự…”.

* Quan điểm thứ hai  cho rằng: Các cơ quan tố tụng cần hiểu đúng tinh thần của pháp luật hình sự, đó là: Phải áp dụng điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện, không được áp dụng điều luật mà sau khi hành vi phạm tội được thực hiện mới có hiệu lực (trừ trường hợp quy định có lợi cho người phạm tội). Cụ thể trong các trường hợp nêu trên, các hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018 thì phải áp dụng quy định của BLHS năm 1999 và khi đã áp dụng quy định của BLHS năm 1999 thì cần thống nhất áp dụng xuyên suốt cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án đó, tránh tình trạng giai đoạn điều tra áp dụng điều luật của BLHS năm 1999, còn giai đoạn truy tố, xét xử lại áp dụng điều luật của BLHS năm 2015; hoặc áp dụng một số quy định của BLHS năm 1999 và một số quy định của BLHS năm 2015 để tuyên trong một bản án…

Những người theo quan điểm thứ hai đưa ra căn cứ và lập luận như sau:

Một là, tại khoản 1, Điều 7 BLHS năm 2015 quy định: 1. Điều luật được áp dụng đối với một hành vi phạm tội là điều luật đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”. Quy định này đã nêu rất rõ về việc áp dụng điều luật đối với một hành vi phạm tội phải là điều luật “đang có hiệu lực thi hành tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện”. Như vậy, hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018 thì phải áp dụng điều luật của BLHS năm 1999 vì thời điểm này BLHS năm 1999 đang có hiệu lực thi hành (trừ những trường hợp có lợi mà BLHS năm 2015 quy định).

Hai là, tại điểm a, khoản 1, Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 đã quy định rõ: “1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:

a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018”.

Ba là, để khẳng định lại một lần nữa việc áp dụng điều luật của BLHS năm 2015 đối với những hành vi xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018, TAND tối cao đã tiếp tục nhắc lại quy định này tại điểm a, mục 1 Công văn số 04: 1. K từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành), khi xét xử sơ thm, xét xử phúc thm, xét xử giám đốc thm và thi hành án hình sự cần áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

a) Tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng đ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018

Như vậy, hiện nay có 3 văn bản pháp lý đang có hiệu lực thi hành (BLHS, Nghị quyết của Quốc hội, Công văn hướng dẫn của TAND tối cao) đều quy định và khẳng định về việc áp dụng quy định của BLHS năm 2015 đối với các hành vi phạm tội xảy ra từ 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018. Vậy nhưng vẫn có cơ quan tố tụng áp dụng, viện dẫn điều luật không đúng với quy định của 3 văn bản trên. Việc áp dụng Thông tư liên tịch số 02 trong thời điểm hiện nay là không còn phù hợp. Thậm chí, nếu thấy Thông tư liên tịch số 02 hướng dẫn không hợp lý thì các cơ quan tố tụng cũng có thể mạnh dạn đề xuất sửa đổi, không thực hiện theo; không vì cứng nhắc hoặc thói quen mà làm không đúng với tinh thần của pháp luật.

Bên cạnh đó, để phản biện lại ý kiến cho rằng BLHS năm 1999 đã hết hiệu lực thi hành, những người theo quan điểm thứ hai cho rằng: BLHS năm 1999 chỉ hết hiệu lực đối với những hành vi phạm tội xảy ra sau 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018, còn những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018 thì BLHS năm 1999 vẫn còn hiệu lực. Bởi thực tế trong tương lai, các cơ quan tố tụng sẽ còn tiếp tục phải áp dụng BLHS năm 1999 đối với các trường hợp phục hồi điều tra hoặc các trường hợp tội phạm xảy ra trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018, nhưng sau 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018 mới phát hiện…

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi kiến nghị liên ngành Tư pháp Trung ương sớm có hướng dẫn địa phương việc áp dụng, viện dẫn quy định của BLHS đối với những tội phạm thực hiện trước 0 giờ, 00 phút ngày 01/01/2018, nhằm đảm bảo sự chính xác, thống nhất, xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án và đúng với tinh thần của pháp luật hình sự./.

Tác giả: Mạnh Hà - Thương Huyền (VKSND Tp. Hà Nội)

Nguồn tin: Kiemsat.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 573 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1097 | lượt tải:267

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 673 | lượt tải:93
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay2,625
  • Tháng hiện tại147,393
  • Tổng lượt truy cập1,989,422



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây