Ảnh minh họa (internet)
Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự
Những trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS 2015), cụ thể như sau:
- Người che giấu tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội che giấu tội phạm, trừ trường hợp che giấu các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của BLHS năm 2015 (Khoản 2 Điều 18 BLHS năm 2015).
- Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của BLHS năm 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (Khoản 2 Điều 19 BLHS năm 2015).
- Người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm, trừ trường hợp không tố giác các tội quy định tại Chương XIII của BLHS năm 2015 hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.( Khoản 3 Điều 19 BLHS năm 2015).
- Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 20 BLHS năm 2015).
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 21 BLHS năm 2015).
- Người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên ( gọi là phòng vệ chính đáng). Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm nên người phòng vệ chính đáng không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 22 BLHS năm 2015)
- Người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa gọi là tính thế cấp thiết). Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm nên người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Người thực hiện hành vi để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 24 BLHS năm 2015).
- Người thực hiện hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phạm tội nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. (Điều 25 BLHS năm 2015).
- Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này. (Điều 26 BLHS năm 2015).
Những trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
- Người thực hiện hành vi phạm tội nhưng thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết (Điều 27 BLHS năm 2015).
- Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của BLHS năm 2015 nhưng bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố (Khoản 1 Điều 155 BLTTHS năm 2015)
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đến tuổi chịu trách nhiêm hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Điều 12 BLHS năm 2015).
- Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố (bao gồm bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết) rút yêu cầu thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 226 của BLHS năm 2015 thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức. Điều này có nghĩa người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 155 của BLTTHS năm 2015).
- Trường hợp đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm (Điểm b khoản 1 Điều 230 BLTTHS năm 2015).
Tác giả: Dương Tấn Thanh – TAND TX Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 618 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1200 | lượt tải:296QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 700 | lượt tải:96