Trao đổi: Vi phạm và một số biện pháp tăng cường chất lượng công tác Thực hành quyền công tố trong kiểm sát việc định giá tài sản đối với các vụ việc, vụ án xâm phạm sở hữu

Thứ tư - 02/11/2022 23:30
Định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự là một trong những hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng; đặc biệt là trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc xâm phạm sở hữu. Kết quả giải quyết các vụ án, vụ việc xâm phạm sở hữu của cơ quan tiến hành tố tụng (chuyển xử lý hành chính hoặc khởi tố, truy tố, xét xử theo điều, khoản nào?) có chính xác, đúng quy định của pháp luật hay không đều phụ thuộc cơ bản vào kết quả định giá tài sản. Qua thực tiễn công tác tại Viện kiểm sát cấp huyện, nhận thấy việc định giá tài sản trong các vụ, việc xâm phạm sở hữu còn rất nhiều bất cập, tồn tại - Trong phạm vi bài viết này tác giả xin trao đổi về một số vi phạm đã nhận diện được và biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc định giá tài sản trong hoạt động Tố tụng Hình sự. Rất mong được sự trao đổi, góp ý của bạn đọc.

1. Những vi phạm phổ biến đã nhận diện được qua công tác kiểm sát việc định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự.

a, Vi phạm chủ yếu của Cơ quan điều tra khi yêu cầu định giá tài sản:

    - Nêu thông tin về tài sản cần giám định còn sơ sài, không rõ đặc điểm, chủng loại; tài sản còn hay không còn; tài sản đã qua sử dụng hay chưa; Các tài liệu liên quan gửi Hội đồng định giá ghi đầy đủ thông tin theo quy định tại các điểm c,d khoản 2 Điều 215 Bộ luật Tố tụng Hình sự và Điều 4, Thông tư số 30/2020/TT-BTC, ngày 17/4/2020 của Bộ Tài chính quy định về cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu định giá tài sản bao gồm: Các hợp đồng mua, bán; hoá đơn mua, bán; tờ khai hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu; những tài liệu khác thể hiện tính pháp lý, đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của tài sản, nguồn gốc xuất xứ, năm sản xuất, năm đưa vào sử dụng; Chứng cứ thu thập được (vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử và các tài liệu, đồ vật khác) có liên quan, phục vụ cho việc định giá tài sản; Các hồ sơ tài liệu khác liên quan đến yêu cầu định giá tài sản ...

   - Không nêu thời hạn định giá theo quy định tại điểm e khoản 2, Điều 215 BLTTHS;

   - Xác định thời điểm để tính giá trị thiệt hại của tài sản không chính xác (không đúng thời điểm tài sản bị chiếm đoạt, hư, hỏng…).

 b,Vi phạm của Hội đồng định giá tài sản

   -Thành phần Hội đồng định giá tài sản không đúng quy định: Số người tham gia hội đồng không phải là số lẻ; người tham gia định giá không có tên trong quyết định thành lập hội đồng...

   - Biên bản phiên họp định giá không ghi rõ ràng, chi tiết từng bộ phận tài sản bị hủy hoại hoặc hư hỏng và xác định cụ thể giá trị của từng bộ phận bị hủy hoại hoặc hư hỏng đó, mà chỉ xác định tổng giá trị thiệt hại của các bộ phận…

   - Một số vụ việc Hội đồng định giá tài sản từ chối định giá với lý do không thu giữ được tài sản.

1.2 Một số biện pháp Kiểm sát viên cần lưu ý thực hiện khi kiểm sát việc định giá tài sản

    - Đối với Cơ quan điều tra:

   + Khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm hoặc thông tin về vụ việc mà phải định giá tài sản để làm căn cứ xác định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự…vv… do Cơ quan điều tra chuyển đến, thì Kiểm sát viên được phân công kiểm sát phải chủ động đưa ra yêu cầu điều tra, trong đó đặc biệt chú ý: Yêu cầu cơ quan điều tra thu giữ đầy đủ và bảo quản các tang vật là tài sản cần định giá theo đúng quy định của pháp luật; thu thập đầy đủ các tài liệu, giấy tờ liên quan đến tài sản cần định giá, như: Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu; giấy tờ mua-bán tài sản; kiểm định; thế chấp; Biên bản xem xét hiện trạng tài sản, phương tiện…Đồng thời nhanh chóng ban hành văn bản yêu cầu định giá tài sản để làm căn cứ xử lý vụ việc.

   + Văn bản yêu cầu định giá tài sản phải đảm bảo đầy đủ các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 215 BLTTHS, lưu ý các nội dung yêu cầu định giá phải cụ thể, rõ ràng, chi tiết đối với từng loại tài sản, từng bộ phận của tài sản bị hư, hỏng, mất mát..vv…, trên cơ sở đó mới yêu cầu xác định tổng giá trị của tài sản cần định giá, tránh nêu chung chung. Đồng thời, phải đảm bảo nội dung yêu cầu định giá phù hợp với khả năng chuyên môn của Hội đồng định giá ở địa phương. Đặc biệt lưu ý khi gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản phải cung cấp kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu định giá tài sản bao gồm: Các hợp đồng mua, bán; hoá đơn mua, bán; tờ khai hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu; những tài liệu khác thể hiện tính pháp lý, đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của tài sản, nguồn gốc xuất xứ, năm sản xuất, năm đưa vào sử dụng; Chứng cứ thu thập được (vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử và các tài liệu, đồ vật khác) có liên quan, phục vụ cho việc định giá tài sản; Các hồ sơ tài liệu khác liên quan đến yêu cầu định giá tài sản ... quy định tại Điều 4, Thông tư số 30/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính. Việc giao nhận các tài liệu, tài sản phải đảm bảo thực hiện đúng quy định

   + Xác định thời điểm cần định giá của tài sản, theo đúng nguyên tắc: Giá trị tài sản định giá là giá trị tại thời điểm tài sản đó bị chiếm đoạt, bị xâm hại.

   + Trong trường hợp cần thiết (ví dụ: tài sản định giá có giá trị lớn; có nhiều loại tài sản cần định giá; tài sản là hàng cấm; hàng hóa không phổ biến trên thị trường, không quy định trong bảng giá của Nhà nước; việc xác định chất lượng còn lại của tài sản gặp khó khăn; tài sản định giá không còn hoặc bị thất lạc…vv…), thì tùy từng trường hợp Kiểm sát viên cần phối hợp với Điều tra viên để cùng tham dự phiên họp định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản và đưa ra ý kiến, theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 1 Điều 217 BLTTHS.

   - Đối với Hội đồng định giá tài sản:

  + Kiểm sát chặt chẽ thành phần Hội đồng định giá tài sản, đảm bảo tất cả các thành viên của Hội đồng định giá phải không thuộc các trường hợp không được tham gia định giá tài sản theo quy định tại khoản 5 Điều 69 BLTTHS và Điều 13 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 03 năm 2018 của Chính phủ.

  + Trong trường hợp Hội đồng định giá tài sản từ chối định giá, thì phải kiểm tra kỹ các lý do từ chối có đúng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 69 BLTTHS và điểm c khoản 1, Điều 10 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP hay không? (Nếu đúng, thì yêu cầu Cơ quan điều tra thay đổi thời gian, bổ sung tài liệu hoặc trưng cầu Hội đồng định giá khác; nếu không đúng thì yêu cầu Cơ quan điều tra ban hành văn bản để trao đổi hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng đối với Hội đồng định giá theo vụ việc, yêu cầu Hội đồng định giá thực hiện việc định giá tài sản theo quy định của pháp luật).

  + Khi cần tham dự phiên họp định giá tài sản, thì Kiểm sát viên, Điều tra viên phải thông báo trước cho Hội đồng định giá tài sản biết. Khi tham dự có quyền đưa ra ý kiến, nhưng phải được sự đồng ý của Hội đồng định giá tài sản và không được quyền biểu quyết về giá của tài sản (khoản 1 Điều 217 BLTTHS; khoản 5 Điều 18 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP).

  Để thực hiện được điều này, Kiểm sát viên yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập trong hồ sơ vụ án quyết định thành lập Hội đồng định giá. Các biên bản họp, phiếu khảo sát, kết luận định giá có trong hồ sơ vụ án. Xem xét thành phần hội đồng định giá có đúng hay không? Có thuộc trường hợp phải từ chối định giá không? Xem xét các căn cứ về việc tiếp nhận và triển khai yêu cầu định giá, kiểm sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá, Tổ giúp việc Hội đồng định giá; căn cứ định giá tài sản; khảo sát, thu thập các thông tin liên quan đến tài sản cần định giá đúng theo quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8, 10 của Thông tư số 30/2020/TT-BTC, ngày 14/7/2020 của Bộ tài chính.

  - Đối với kết luận của Hội đồng định giá tài sản

   Khoản 4 Điều 101 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản vi phạm quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án”. Vì vậy, khi kiểm sát Kết luận định giá tài sản, cần lưu ý:

   + Việc kết luận định giá tài sản phải được thực hiện theo các quy định tại Điều 101 và Điều 221 BLTTHS. Căn cứ kết quả biểu quyết theo đa số về giá của tài sản cần định giá tại Biên bản phiên họp định giá tài sản quy định tại Điều 19 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, Hội đồng định giá lập Kết luận định giá tài sản bằng văn bản. Kết luận về giá tài sản được tính bằng đồng Việt Nam.

   + Kết luận định giá được gửi cơ quan yêu cầu định giá tài sản trong thời hạn 24 giờ kể từ khi Hội đồng định giá tài sản lập kết luận định giá tài sản (Điều 20 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP).

   + Kết luận định giá phải đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP.

   Kiểm sát viên phải đối chiếu nội dung Kết luận định giá với nội dung các yêu cầu giám định của Cơ quan điều tra trong bản yêu cầu định giá. Nếu kết luận chưa đầy đủ, thì yêu cầu định giá bổ sung; nếu kết luận chưa rõ ràng thì yêu cầu Hội đồng định giá giải thích kết luận định giá, trường hợp qua giải thích mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu, thì ban hành văn bản yêu cầu định giá lại theo quy định tại Điều 218 BLTTHS. Mọi trường hợp không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do bằng văn bản.

    - Đảm bảo quyền của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác đối với kết luận định giá tài sản (Điều 222 BLTTHS), theo đó:

    + Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị định giá tài sản của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra văn bản yêu cầu định giá tài sản.

    + Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được kết luận định giá tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo kết luận định giá tài sản cho bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có liên quan.

    + Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại. Trường hợp họ trình bày trực tiếp thì Cơ quan tiến hành tố tụng phải lập biên bản. Nếu không chấp nhận đề nghị của những người này thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do./.

Tác giả: Lương Văn Dũng

Nguồn tin: Viện KSND huyện Trùng Khánh

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 672 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1296 | lượt tải:326

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 735 | lượt tải:107
Liên kết website
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm10
  • Hôm nay6,963
  • Tháng hiện tại246,858
  • Tổng lượt truy cập2,494,696



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây