1. Về việc không quy định số lượng vũ khí tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự
Khoản 1 Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự quy định:
“… 1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 07 năm”.
Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định:
… “2. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:
a) Súng cầm tay...;
b) Vũ khí hạng nhẹ ...
c) Vũ khí hạng nặng bao gồm....
d) ... đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này”.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, theo quy định trên thì đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này là vũ khí quân dụng. Do khoản 1 Điều 304 BLHS năm 2015 không quy định số lượng vũ khí tối thiểu để làm căn cứ xác định hành vi phạm tội, nên nếu tàng trữ 01 viên đạn quân dụng cũng bị xử lý về Tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, theo Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì:
“… 5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao;
b) Chiếm đoạt vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao; …”
Như vậy, hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng cũng bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, cần quy định với mức bao nhiêu thì không cấu thành tội phạm và xử phạt hành chính như quy định trên. Trường hợp này cần vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07/01/1995 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng Điều 95, 96 BLHS năm 1985, theo đó hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ xử phạt hành chính.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, hành vi tàng trữ 01 viên đạn quân dụng chưa đến mức để truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ nên bị xử phạt hành chính. Khi xử lý về hình sự phải đảm bảo hành vi nguy hiểm cho xã hội đến mức đáng kể theo khoản 2 Điều 8 BLHS năm 2015; vụ án hình sự có tính nguy hiểm cho xã hội cao, đáng bị trừng trị nhằm phát huy hiệu quả răn đe, phòng ngừa, tránh việc xử lý hình sự tràn lan.
2. Việc xác định số lượng vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp để định khung hình phạt
Theo khoản 2 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì:
“Vũ khí quân dụng bao gồm:
.....
b) Vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quy định tại điểm a khoản này, không được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác quy định tại Điều 18 của Luật này để thi hành công vụ”.
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 hướng dẫn áp dụng các điều 304, 305, 306, 307 và 308 của BLHS về các tội liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật (Nghị quyết số 03/2022):
“Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn” quy định tại điểm g khoản 2 Điều 304 BLHS năm 2015:
a) Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên: từ 03 đến 10 khẩu;
...
đ) Súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu: từ 01 đến 05 khẩu;
e) Súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân: từ 01 đến 02 khẩu;
...”
Như vậy, đối với vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp chưa được hướng dẫn số lượng bao nhiêu khẩu thì vi phạm các khoản 1, 2 Điều 304 BLHS năm 2015.
Ví dụ: Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 đến ngày 12/7/2022, tại nhà riêng ở tỉnh H, Bùi Văn M đã tự mua các nguyên liệu gồm nòng súng, báng súng, ốp tay cầm và củ cò, sau đó đem về dùng máy cắt, máy hàn và các dụng cụ làm cơ khí lắp ráp, chế tạo thành 10 khẩu súng và cất giấu tại nhà của mình để bán kiếm lời.
Tại Bản kết luận giám định ngày 15/7/2022 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: 10 khẩu súng gửi giám định thuộc vũ khí quân dụng, hiện còn sử dụng để bắn được. Trường hợp trên còn các quan điểm, nhận thức khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, Bùi Văn M có hành vi chế tạo, tàng trữ 10 khẩu súng tự chế tạo, sản xuất thủ công, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp..., được giám định là thuộc vũ khí quân dụng, thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Nghị quyết số 03/2022 không quy định cụ thể số lượng bao nhiêu thì vi phạm các khoản 2, 3 Điều 304 BLHS năm 2015 nên hành vi của M chỉ cấu thành Tội chế tạo, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng theo khoản 1 điều này.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Nghị quyết số 03/2022 không quy định cụ thể số lượng bao nhiêu thì vi phạm các khoản 2, 3 Điều 304 BLHS năm 2015 nên cần áp dụng quy định về vật phạm pháp có số lượng lớn tương tự như các loại vũ khí quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. M có hành vi tàng trữ 10 khẩu súng thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022 và cấu thành Tội chế tạo, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 304 BLHS năm 2015.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, hành vi của M chỉ cấu thành Tội chế tạo, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 304 BLHS năm 2015. Luật không quy định số lượng để định khung hình phạt nên hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt đối với vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp thì với số lượng bao nhiêu cũng chỉ bị xử lý theo khoản 1 Điều 304 BLHS năm 2015.
3. Việc xác định hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có bị xử lý hình sự không
Theo mục 1 Chương XIII Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo (TTLT số 06/2008) thì:
“1. Về tội danh
a) Người nào sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ quy định tại Điều 232 BLHS…”
Điều 232 BLHS năm 1999 được thay bằng Điều 305 BLHS năm 2015 về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ chỉ quy định:
“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Thuốc nổ các loại từ 10 kilôgam đến dưới 30 kilôgam;
c) Các loại phụ kiện nổ có số lượng lớn;…”
Theo khoản 7 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:
a) Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;
b) Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.
Vật liệu nổ gồm thuốc nổ và phụ kiện nổ, quy định này phù hợp với quy định tại các tình tiết định khung của khoản 2 Điều 305 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, TTLT số 06/2008 hướng dẫn BLHS năm 1999, tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn thay thế nên cần phải tiếp tục áp dụng để xử lý. Đồng thời, thuốc pháo nổ thỏa mãn đặc tính là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, nên thoả mãn định nghĩa về thuốc nổ, do đó, nó là vật liệu nổ. Cần xử lý các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc pháo về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 BLHS năm 2015 theo số lượng hướng dẫn tại TTLT số 06/2008.
Quan điểm thứ hai cho rằng, TTLT số 06/2008 hướng dẫn BLHS năm 1999 nên hiện nay không còn hiệu lực. Vì vậy, chưa có hướng dẫn trường hợp người có hành vi sản xuất hoặc chiếm đoạt pháo nổ; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt thuốc pháo có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ theo Điều 305 BLHS năm 2015 hay không. Để xác định thuốc pháo có là vật liệu nổ không thì cần phải trưng cầu giám định để có kết luận giám định.
Trong thực tế, kết luận giám định của các tổ chức giám định thường không thống nhất về vấn đề này (có tổ chức giám định kết luận thuốc pháo là vật liệu nổ, có tổ chức giám định xác định thuốc pháo không phải là vật liệu nổ) dẫn đến cùng hành vi tương tự nhau nhưng có trường hợp xử lý hình sự (khi kết luận giám định thuốc pháo là vật liệu nổ), trường hợp lại không xử lý hình sự (khi kết luận giám định thuốc pháo không là vật liệu nổ).
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, cần vận dụng TTLT số 06/2008 để xử lý đối với trường hợp mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép thuốc pháo nổ. Thuốc pháo thỏa mãn đặc tính của thuốc nổ nên cần xác định là vật liệu nổ mà không cần phải giám định là vật liệu nổ hay không.
4. Kiến nghị, đề xuất
Một là, liên ngành tư pháp trung ương cần có hướng dẫn đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo phù hợp với BLHS năm 2015, thay thế TTLT số 06/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo. Cần thống nhất xác định thuốc pháo nổ là vật liệu nổ.
Hai là, cần có quy định mức tối thiểu vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự để xác định hành vi vi phạm Điều 304 BLHS năm 2015.
Ba là, cần có hướng dẫn số lượng cụ thể vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp để truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như để định khung hình phạt theo Điều 304 BLHS năm 2015.
Nguồn tin: Kiemsat.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 570 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1072 | lượt tải:264QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 671 | lượt tải:91