Văn bản của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Bằng có nêu: Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm trên địa bàn thành phố Cao Bằng, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Bằng nhận thấy trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Cao Bằng xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến hành vi bạo lực trong gia đình. Chỉ tính riêng trong tháng 6/2023 đã xảy ra 03 vụ việc điển hình giữa các đôi vợ chồng tại tổ 9, phường Ngọc Xuân; xóm 8, xã Vĩnh Quang và tổ 6, phường Hòa Chung.
Viện kiểm sát sát nhân dân thành phố nhận thấy tình trạng bạo lực gia đình xuất hiện trên địa bàn thành phố Cao Bằng như 03 vụ việc điển hình nêu trên đã xâm phạm đến quyền con người, đến danh dự nhân phẩm và tính mạng của người phụ nữ trong gia đình. Hành vi đó không chỉ gây tổn hại đến tâm lí, sức khỏe, tính mạng của người bị bạo hành mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ tương lai. Ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý và sức khỏe của những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh người lớn giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói, bằng hành động sai trái; ảnh hưởng lớn đến sự phát triển nhân cách của trẻ thơ, làm cho các em mất niềm tin vào gia đình từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp luật. Những hành vi bạo lực gia đình đó đã làm xói mòn về đạo đức, mất tính dân chủ xã hội, thể hiện lối sống thiếu trách nhiệm, ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình và đi ngược với giá trị chuẩn mực về đạo đức, văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam cùng việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội và tiến bộ xã hội của Đảng và Nhà nước.
Để hạn chế những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cao Bằng kiến nghị đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Bằng quan tâm tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt một số biện pháp như:
Tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội để định hình nhận thức và nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mỗi người trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.
Tuyên truyền phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của họ hàng, dòng họ; Đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; Quan tâm xây dựng gia đình văn hóa, làng xóm văn hóa trong đó tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy … để công nhận gia đình văn hóa.
Xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình theo đúng quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành; Cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và gắn trách nhiệm chỉ đạo cụ thể, trách nhiệm quản lý của lãnh đạo các cấp, ngành.