Những điểm mới về khiếu nại, tố cáo theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Thứ hai - 06/11/2017 04:57
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 được Quốc hội Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015, theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018. Theo đó nội dung khiếu nại, tố cáo; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quy định từ Điều 469 đến Điều 483 tại Chương XXXIII được sửa đổi, bổ sung mới so với BLTTHS năm 2003. Xin trao đổi với cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành cùng nhận thức, áp dụng trong lĩnh vực công tác.
1. Những điểm mới về khiếu nại, tố cáo theo BLTTHS năm 2015

     1.1. Mở rộng chủ thể được quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng

        Ngoài chủ thể đã được quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng như trong Bộ luật TTHS năm 2003 đã quy định thì Bộ luật TTHS đã mở rộng thêm các chủ thể là: Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người chứng kiến; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 57,58,67,70,83,84 BLTTHS).

    1.2.  Bổ sung thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Phó Viện trưởng VKS

        Khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát có những nhiệm vụ, quyền hạn: giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKS. Ngoại trừ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định của chính mình (Điều 41).

     1.3. Phân định phạm vi công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự theo chương XXXIII của BLTTHS 

      Đối với khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn không được giải quyết theo chương XXXIII cho nên khi giải quyết không phải ban hành quyết định giải quyết, mà chỉ ban hành văn bản trả lời dạng công văn. Tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng đang thực hiện để xem xét trả lời và hướng dẫn người khiếu nại; nếu vụ án đã xét xử thì VKS hướng dẫn người khiếu nại làm đơn kháng cáo (bản án chưa có hiệu lực pháp luật) hoặc làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm (bản án đã có hiệu lực pháp luật); việc trả lời và hướng dẫn chỉ thực hiện một lần. Đơn vị thụ lý giải quyết vụ án có trách nhiệm chủ trì phối hợp với đơn vị Kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tham mưu tới lãnh đạo VKS giải quyết khiếu nại trên (Điều 469).  

      1.4. Quy định rõ hơn về chủ thể ban hành quyết định tố tụng và chủ thể có hành vi tố tụng có thể bị khiếu nại

       Chủ thể của quyết định tố tụng là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra; chủ thể của hành vi tố tụng là Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Thẩm tra viên, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (có 3 chủ thể mới là: Cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên (Điều 470).

      1.5. Đối với khiếu nại việc bắt, tạm giữ, tạm giam

       Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn quy định thẩm quyền giải quyết của VKS đối với khiếu nại việc bắt, tạm giữ, tạm giam và bổ sung thêm thẩm quyền của VKS giải quyết khiếu nại việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 đã chỉ rõ việc giải quyết các khiếu nại trên chỉ trong giai đoạn điều tra, truy tố (Điều 474). Ngoài việc các lệnh, quyết định trong tạm giữ, tạm giam có thể bị khiếu nại thì các hành vi thực hiện các lệnh, quyết định đó cũng có thể bị khiếu nại; đồng thời pháp luật cũng quy định cơ quan, người có thẩm quyền trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam phải chuyển ngay cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án, vụ việc khiếu nại của người bị giữ, người bị bắt, người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được khiếu nại để đảm bảo quyền lợi cho người khiếu nại và thời hạn giải quyết của VKS tối đa là 3 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại (Điều 474).

      1.6. Quy định thời hạn khiếu nại lần 2

        Để tránh tình trạng người khiếu nại khi không đồng ý kết quả giải quyết lần 1, có thể khiếu nại lên cấp trên bất cứ lúc nào vì Bộ luật TTHS 2003 không quy định thời hạn khiếu nại lần 2. Bộ luật TTHS 2015 đã quy định rõ nếu người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết (Điều 474).

      1.7. Thẩm quyền giải quyết đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

      Bộ luật TTHS năm 2003 không quy định cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra được quyền giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Bộ luật TTHS năm 2015 đã quy định cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của cấp phó, cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trừ việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của cấp trưởng thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra (Điều 475).

      1.8. Quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại của VKSND cấp cao

          Cùng với việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, pháp luật TTHS năm 2015 quy định thẩm quyền giải quyết của VKSND cấp cao đối với quyết định, hành vi tố tụng; kết quả giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh trong thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử (điểm b khoản 3 Điều 476).

      1.9. Về tố cáo

        Quy định của Bộ luật TTHS năm 2015 không khác nhiều so với BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên có một số điểm mới là: chủ thể tố cáo được mở rộng hơn "Cá nhân "có quyền tố cáo với cơ quan, người có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân". Trước đây chỉ có công dân mới có quyền tố cáo. Với quy định của BLTTHS năm 2015 thì kể cả người nước ngoài cũng có quyền tố cáo. Một điểm khác nữa là người tố cáo và người bị tố cáo có quyền được nhận quyết định giải quyết tố cáo. Như vậy, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải ban hành quyết định giải quyết tố cáo (Điều 479, 480).

2. Một số lưu ý trong công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến quy định mới:

   Khi phân loại, chuyển đơn, hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo hoặc thụ lý giải quyết đơn cần xác định đúng chủ thể, đối tượng khiếu nại, tố cáo; cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong việc giải quyết đơn thuộc thẩm quyền phải nắm vững và thực hiện đúng trình tự , thủ tục, nội dung giải quyết theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngành. Theo quy định cấp trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo dưới quyền, đây là quy định mới. Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo, các đơn vị Viện kiểm sát cần chủ động phối hợp với các bên liên quan trong việc thông tin kết quả thụ lý, giải quyết khiếu nại tố cáo.
 

Tác giả: Nguyễn Văn Chánh

Nguồn tin: Trưởng phòng kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp - Viện KSND tỉnh

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 618 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1200 | lượt tải:296

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 700 | lượt tải:96
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập204
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm203
  • Hôm nay5,558
  • Tháng hiện tại144,138
  • Tổng lượt truy cập2,177,738



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây