Trao đổi bài viết: “Hoàng Đinh L phạm tội gì’’ của tác giả Nguyễn Thiện Doanh VKSND thành phố Cao Bằng, tôi có quan điểm như sau:
Đối với các tội phạm trong nhóm tội xâm phạm sở hữu đều có điểm chung mục đích là chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác, tuy nhiên trong nhóm tội phạm này cách thức để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản lại khác nhau nên trong bộ luật hình sự quy định nhiều tội danh trong nhóm tội phạm này. Ví dụ Tội trộm cắp tài sản phải có hành vi lén lút với chủ sở hữu tài sản, Tội lừa đảo phải có hành vi gian dối, Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không cần có hành vi lén lút, Tội cướp giật tài sản thể hiện công khai ngay trước mặt có thể giành lấy, giật lấy tài sản của người khác và nhanh chóng tẩu thoát,...từ đó Bộ luật Hình sự quy định hình phạt khác nhau trong mỗi tội danh để Tòa án căn cứ vào đó phán quyết một người chịu hình phạt tương ứng với với tội danh theo cách thức thực hiện hành vi phạm tội của người đó. Để định tội danh chính xác ngoài mặt khách quan, chủ quan của tội phạm trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, chúng ta phải phân biệt được thời điểm hoàn thành tội phạm được quy định của mỗi tội danh. Ví dụ: thời điểm hoàn thành của Tội trộm cắp tài sản phải thỏa mãn dấu hiệu tội phạm dịch chuyển tài sản thoát ra khỏi sự quản lý của chủ sở hữu hay người quản lý tài sản, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tội phạm hoàn thành khi chủ sở hữu tài sản chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người phạm tội, Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hoàn thành khi tội phạm dịch chuyển tài sản một cách công khai trong khi người quản lý tài sản vẫn trong phạm vi quản lý của mình nhưng không có điều kiện để ngăn chặn hoặc lấy lại được tài sản,..
Trong tình huống mà tác giả Nông Thiện Doanh, VKSND thành phố Cao Bằng đăng trên báo điện tử VKSND tỉnh Cao Bằng ngày 07/07/2014 về trường hợp Hoàng Đình L phạm tội gì, thì theo quan điểm của tôi: Hoàng Đình L phạm Tội trộm cắp tài sản; bởi vì:
- Thứ nhất tài sản là chiếc điện thoại Sam Sung chị T cho L cầm xem là việc diễn ra bình thường trong một cửa hàng bán điện thoại. Khi L yêu cầu đổi chiếc điện thoại Nokia bằng giá trị để lấy chiếc điện thoại này, thì chị T không đồng ý, do đó có thể nói chị T không chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho L, vì vậy hành vi của L không cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Thứ hai, L cầm chiếc điện thoại này đến chỗ anh Q là nhân viên kỹ thuật cửa hàng để yêu cầu đổi nhưng anh Q không đồng ý, lúc đó vẫn ở trong phạm vi cửa hàng quản lý và chị T có yêu cầu L đặt chiếc điện thoại đó vào chỗ tủ trưng bày, L đã không làm theo yêu cầu của chị T mà nhét vào túi quần, nói “ không cầm” và chỉ tay về phía anh Q ở quầy kỹ thuật để cho chị T sang đó hỏi, lúc đó L đã tẩu thoát cùng với chiếc điện thoại Sam Sung. Như vậy, hành vi của L nhét điện thoại Sam Sung của cửa hàng cho vào túi quần thì chị T không hề biết, nếu biết thì không bao giờ chị T sang hỏi anh Q nữa, do đó không thể coi đó là hành cấu thành Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
- Thứ ba, đây cũng không phải là hành vi cướp giật tài sản, bởi vì mặt khách quan của tội này phải diễn ra ngay trước mặt bị hại, tuy rằng bị hại biết hay không biết, nhưng phải có tính táo bạo, bất ngờ thì mới cấu thành tội danh này. L chiếm đoạt được tài sản bằng cách nhét điện thoại vào túi trong lúc chị T không hề biết, không diễn ra một cách công khai, tức là không có tính bất ngờ ở đây. Vì vậy không thể cấu thành Tội cướp giật tài sản.
- Qua phân tích như trên theo quan điểm của tôi, với hành vi đó thì Hoàng Đình L phạm Tội trộm cắp tài sản (nếu trị giá chiếc điện thoại di động đó có giá trị từ đủ 2 triệu đồng trở lên). Bởi vì, lợi dụng sự sơ hở quản lý tài sản của chị T, L đã lén lút nhét chiếc điện thoại đó vào túi quần nên cấu thành tội trộm và tội phạm hoàn thành từ lúc L cho điện thoại vào túi quần, thoát khỏi sự quản lý tài sản của chị T./.
Lục Văn Cù
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền