Quy định mới về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Thứ hai - 05/01/2015 22:20

Phiên họp xét lại Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc bị khiếu nại của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng.

Phiên họp xét lại Quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc bị khiếu nại của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Luật xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013) quy định “Biện pháp xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
          Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 quy định trình tự, thủ tục, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đều do cơ quan hành chính thực hiện. Cơ quan Công an có trách nhiệm giúp Chủ tịch UBND cùng cấp trong việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ. Sau khi thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ, cơ quan Công an gửi hồ sơ đến các thành viên của Hội đồng tư vấn để tham mưu cho Chủ tịch UBND xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Do vậy Hội đồng tư vấn không có thông tin đa chiều, không được nghe nội dung bào chữa, biện hộ từ phía đối tượng, không có các thông tin đa dạng ngoài hồ sơ. Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do cơ quan Công an thực hiện, khi hồ sơ được xem xét tại Hội đồng tư vấn thì lãnh đạo cơ quan Công an là Chủ tịch hội đồng (khoản 1 Điều 85). Chủ tịch UBND - Người có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền tự do của đối tượng vi phạm, không tham gia trực tiếp vào cuộc họp của Hội đồng tư vấn để xem xét công bằng và công khai quyết định hay không quyết định áp dụng biện pháp đối với đối tượng vi phạm... Những bất cập, hạn chế nêu trên về thủ tục xét duyệt hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực thi pháp luật. Do vậy tiếp tục kế thừa có đổi mới, Luật xử lý vi phạm hành chính quy định Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp: Đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 91), đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 93), đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 95).
         Ngày 20/01/2014 Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, trong đó:
          - Quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
          - Quy định việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại;
          - Quy định về trình tự, thủ tục khiếu nại, kiến nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án, hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
          Như vậy, sự tồn tại và phát triển của các quy định về áp dụng biện pháp xử lý hành chính qua các giai đoạn đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của chế tài pháp lý này trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật nói chung và phòng, chống vi phạm hành chính nói riêng. Đây là chế tài pháp lý vừa mang tính cưỡng chế vừa thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta. Mục đích áp dụng các biện pháp này xuất phát từ lợi ích của người có hành vi vi phạm pháp luật, cách ly ra khỏi môi trường xã hội trong một thời gian nhất định để quản lý, giáo dục và tạo dựng môi trường mới, giúp người có hành vi vi phạm sửa chữa những sai phạm của mình và có điều kiện học văn hoá, giáo dục pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề, sinh hoạt lành mạnh. Tuy nhiên xét về bản chất thì các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án xem xét, quyết định áp dụng là những biện pháp mang tính cưỡng chế nhà nước, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền của người chưa thành niên. Người bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính này ít nhiều bị hạn chế tự do và một số quyền lợi khác. Do vậy các quy định về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại TAND được xây dựng tương tự như thủ tục tụng tố tụng của Tòa án, theo trình tự, thủ tục chặt chẽ, dân chủ, công khai, bảo đảm khách quan, chính xác, theo đúng tinh thần “các cơ quan tư pháp phải thật sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người” đã được khẳng định tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Tuy nhiên các quy định về thời hạn trong quá trình Tòa án thụ lý, xem xét và quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo Pháp lệnh ngắn hơn so với các quy định về thời hạn trong tố tụng, góp phần bảo đảm cho việc đưa ra quyết định của Tòa án phù hợp với tính chất đặc thù “nhanh gọn, kịp thời, chính xác và hiệu quả” của việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
          Theo đó, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được thực hiện thông qua phiên họp do một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công thực hiện; phiên họp có sự tham gia của cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên để họ có cơ hội được trình bày ý kiến, cung cấp tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án.
          Thẩm phán trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ đề nghị của người có thẩm quyền, kết hợp với xem xét ý kiến của người đề nghị, người bị đề nghị tại phiên họp và căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, tình trạng sức khỏe, nhân thân của người vi phạm, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Đối với trường hợp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng thì cân nhắc, đánh giá về độ tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức, hoàn cảnh sống và học tập của người chưa thành niên để áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Ngoài ra Pháp lệnh còn quy định Thẩm phán được phân công giải quyết hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học và đại diện UBND cấp xã nơi người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính cư trú để làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập của họ nhằm bảo đảm việc đưa ra quyết định của Tòa án chính xác, đúng đối tượng và hiệu quả. Đồng thời đó cũng là cơ sở pháp lý để Tòa án phối hợp tốt hơn với các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm hành chính, đặc biệt là các vi phạm hành chính do người chưa thành niên thực hiện.
          Viện kiểm sát nhân dân thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật và tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính (Điều 4). Pháp lệnh quy định Viện kiểm sát tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Thẩm phán, việc chấp hành pháp luật của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, kể từ khi Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị cho đến trước thời điểm Thẩm phán kết luận phiên họp đảm bảo cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp mà không ảnh hưởng đến nguyên tắc “Khi xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.          
          Đối với quy định về trình tự, thủ tục cho hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải được thực hiện bằng một phiên họp có sự tham gia của đại diện cơ quan đã gửi hồ sơ đề nghị và đại diện Viện kiểm sát cùng cấp; quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thể bị khiếu nại hoặc kiến nghị sẽ bảo đảm việc cho hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được tiến hành chặt chẽ, nghiêm minh, đúng pháp luật, đồng thời cũng bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
          Về  trình tự, thủ tục giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc cho miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại, do người có thẩm quyền đề nghị trong trường hợp này là Hiệu trưởng Trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc và Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định là Tòa án nơi có trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tòa án thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp. Pháp lệnh quy định cụ thể các tài liệu mà người có thẩm quyền đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc cho miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại phải gửi cho Tòa án khi đề nghị Tòa án xem xét, như vậy trình tự, thủ tục giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc cho miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại vẫn bảo đảm chặt chẽ, nghiêm minh, bảo đảm quyền của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bảo đảm việc thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát.
          Đối với quy định về trình tự, thủ tục khiếu nại, kiến nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án, hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã bảo đảm quyền khiếu nại, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Do các quyết định của Tòa án có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế tự do của người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính được đưa ra trên cơ sở tiến hành các thủ tục giống như thủ tục sơ thẩm giải quyết các việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án nên trình tự, thủ tục khiếu nại, kiến nghị; giải quyết khiếu nại, kiến nghị đối với các quyết định của Tòa án được quy định tương tự như thủ tục phúc thẩm nhằm bảo đảm cho việc xem xét khách quan, đúng pháp luật; người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án.
           Như vậy có thể thấy để các biện pháp xử lý vi phạm hành chính góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước và nâng cao hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hội nhập. Luật xử lý vi phạm hành chính đã giao cho Tòa án xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Đây là một trong những điểm mới quan trọng của Luật xử lý vi phạm hành chính, mang tính đột phá trong pháp luật Việt Nam. Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm việc xem xét, quyết định của Tòa án được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, dân chủ, công bằng, minh bạch, bảo đảm khách quan, chính xác; bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, quyền con người, trong đó có quyền của người chưa thành niên; đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam./.  

Tác giả: Thúy Loan

Nguồn tin: VKSND tỉnh Cao Bằng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 618 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 1200 | lượt tải:296

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 700 | lượt tải:96
Liên kết website
Lịch năm 2024
Fanpage
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay3,221
  • Tháng hiện tại141,801
  • Tổng lượt truy cập2,175,401



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây