Ngày 27/05/2014 Tác giả Thúy Loan có đăng bài viết "Vướng mắc trong giải quyết ly hôn với người được tuyên bố mất tích" và có nêu ra hai quan điểm để trao đổi.
" Quan điểm thứ nhất: Tòa án đã vi phạm Điều 146, 149, 155 và Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung năm 2011.
Điều 146 BLTTDS quy định Tòa án có nghĩa vụ cấp tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự như: Thông báo thụ lý (Điều 174), thông báo về phiên hòa giải (Điều 183), Quyết định đưa vụ án ra xét xử (Điều 195). Điều 149 BLTTDS quy định các phương thức cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng: 1 - Cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp, qua bưu điện, người thứ ba được ủy quyền; 2 - Niêm yết công khai; 3 - Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.Điều 155 BLTTDS quy định: Việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không đảm bảo người được cấp, tống đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Điều 199 BLTTDS quy định: Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, bị đơn vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai bị đơn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt.
Trong vụ án xin ly hôn trên, TAND huyện HL biết rõ bị đơn là chị Dịu đang mất tích. Việc chị Dịu mất tích là căn cứ xác định nếu Tòa án có tống đạt các quyết định cho người nhà bị đơn hay niêm yết công khai cũng không đảm bảo là chị Dịu nhận được, biết được. Do vậy theo quy định tại Điều 155 nêu trên, bắt buộc Tòa án phải làm thủ tục thông báo thời gian mở phiên toà trên các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy việc Tòa án không tiến hành gửi thông báo, không làm thủ tục thông báo thời gian mở phiên toà trên các phương tiện thông tin đại chúng là triệu tập không hợp lệ. Đồng thời căn cứ Điều 199 Bộ luật Tô tụng dân sự thì chị Dịu vắng mặt lần đầu tại phiên tòa phải hoãn để xét xử vào lần tiếp theo chứ không thể xét xử ngay như Tòa án huyện đã tiến hành.
Quan điểm thứ hai: Trước khi tuyên bố chị Dịu mất tích, Tòa án huyện đã thông báo trên Đài tiếng nói Việt Nam và đăng nhắn tin ba số liên tiếp trên báo Công lý (Cơ quan ngôn luận của TAND Tối cao) nhưng chị Dịu không trở về nên khi là bị đơn trong vụ án xin ly hôn tiếp theo, không cần thiết phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng lần nữa. Khi giải quyết vụ án trên, Tòa án sơ thẩm căn cứ quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn và ly hôn theo yêu cầu của một bên (khoản 1 Điều 85 và Điều 91 Luật HNGĐ) “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn”, “Khi một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hoà giải tại Toà án không thành thì Toà án xem xét, giải quyết việc ly hôn” để giải quyết việc ly hôn. Hội đồng xét xử không cần hoãn phiên tòa khi bị đơn không có mặt lần thứ nhất theo quyết định đưa vụ án ra xét xử mà vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục chung như Tòa án huyện đã giải quyết là đúng.".
Tác giả bài viết cho rằng với quan điểm thứ nhất là có cơ sở với lập luận rằng "Bởi BLTTDS hiện hành không quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục tố tụng trong trường hợp ly hôn với một người mất tích nên việc cấp, tống đạt và xét xử phải tuân theo quy định trong BLTTDS".
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng Tòa án nhân dân huyện HL giải quyết vụ án xin ly hôn giữa nguyên đơn Mã Văn Dương và Mã Thị Dịu là đúng pháp luật bởi những lý do sau:
Thứ nhất, như ở quan điểm thứ hai mà tác giả Thúy Loan đã phân tích;
Thứ hai, căn cứ theo khoản 2 Điều 89 Luật hôn nhân và gia đình cũng đã quy định rõ "Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn";
Thứ ba, khoản 2 điều 78 Bộ luật dân sự cũng có quy định "Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn".
Mặt khác khi các nhà làm luật đặt ra khoản 2 Điều 78 Bộ luật dân sự cũng đã tính đến sự liên quan chặt chẽ của nó với quy định tại khoản 1 Điều 78; khi đó một người khi đã bị tuyên bố mất tích thực tế đã không còn khả năng liên hệ với người đó và tất nhiên là người mất tích không thể tham gia hòa giải. Tòa án có thể áp dụng khoản 2 Điều 182 Bộ luật tố tụng dân sự để không tổ chức hòa giải được vì có lý do chính đáng. Đối với việc ly hôn với người bị Tòa án tuyên bố mất tích thì Tòa án cũng không cần thiết phải niêm yết các văn bản tố tụng tại nơi trước đây người mất tích cư trú (Theo tôi chỉ cần sao lục các tài liệu có trong vụ án tuyên bố mất tích đưa vào hồ sơ vụ án xin ly hôn là được). Do vậy, việc tiến hành lại các "thủ tục" như quan điểm thứ nhất là không cần thiết, không còn ý nghĩa vì các "thủ tục" này đã được tiến hành đã được giải quyết trong việc tuyên bố mất tích trước đó. Với lại mục đích của việc đương sự đề nghị tuyên bố mất tích là nhằm để giải quyết các quan hệ pháp luật khác được thuận lợi, phù hợp với các quy định của pháp luật (trong trường hợp này nhằm để xin ly hôn). Như tôi đã nêu ở trên khoản 2 Điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình và khoản 2 Điều 78 Bộ luật dân sự đã quy định khi vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho hôn; tức là khi đương sự đã xin ly hôn thì kết quả tất yếu phải xảy ra là Tòa cho ly hôn chứ không có một kết quả nào khác.
Nguyễn Văn Quyến
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền