Thực hiện Chỉ thị số: 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, trong những năm qua nhiều biện pháp đã được Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh Cao Bằng nghiên cứu, triển khai thực hiện đồng bộ như: Xây dựng các chương trình, kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị (các phòng nghiệp vụ và các đơn vị VKS huyện, thành phố) thực hiện; Tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên về tác hại của ma túy từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm trong cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn ma túy; Đẩy mạnh việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo, đánh giá thường xuyên kết quả thực hiện công tác phòng, chống ma túy trong các cuộc giao ban hàng quý, trong các cuộc kiểm tra (thường kỳ hoặc bất thường) tại đơn vị; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát Tỉnh đối với các đơn vị cấp huyện trong quá trình giải quyết án ma túy; Xây dựng, bảo đảm mối quan hệ phối hợp với các cơ quan tư pháp trên địa bàn trong quá trình giải quyết án ma túy…
Qua hơn 5 năm thực hiện, những kết quả đạt được rất đáng khích lệ như: Toàn ngành đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đối với 858 vụ/1256 bị can; truy tố 836 vụ/1125 bị can. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 857 vụ/1148 bị cáo. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm 34 vụ/41 bị cáo… 100% các vụ án đã xét xử đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên vô tội; Các bản án đã tuyên đối với tội phạm ma túy đều thể hiện được sự nghiêm khắc của pháp luật, được dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Về đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trong ngành: Từ năm 2008 đến nay trong toàn ngành không có cán bộ, đảng viên nào vi phạm pháp luật về ma túy; không có cán bộ, đảng viên nào bị xử lý kỷ luật do liên đới để người thân trong gia đình nghiện ma túy hoặc vi phạm, phạm tội về ma túy.
Một số đối tượng trong đường dây mua bán ma túy đã bị triệt phá.
Qua hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21 của Bộ chính trị, VKSND tỉnh Cao Bằng rút ra một số kinh nghiệm như sau:
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề và thực hiện thường xuyên việc thông báo rút kinh nghiệm;quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản liên quan đến công tác phòng, chống ma túy:
Lãnh đạo VKSND Tỉnh đã giao cho Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử án an ninh- ma túy (P2) xây dựng Chuyên đề về những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án ma túy, tập trung vào các nội dung như: Kỹ năng nắm và xử lý tin báo tội phạm về ma túy; kỹ năng xử lý các vụ án truy xét về ma túy; kỹ năng THQCT, kiểm sát điều tra và KSXX các vụ án về ma túy chống thông cung, lọt người, lọt tội... sau khi chuyên đề hoàn thành đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các đơn vị và được đưa vào áp dụng trong quá trình thao tác nghiệp vụ chuyên môn.
Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử án an ninh- ma túy (P2) đã thường xuyên tổng hợp, ra thông báo rút kinh nghiệm về công tác giải quyết án ma túy hàng tháng, hàng quý trong toàn ngành. Thông qua đó, chất lượng hồ sơ kiểm sát, kỹ năng thao tác nghiệp vụ của kiểm sát viên ngày càng có nhiều tiến bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác đấu tranh với loại tội phạm về ma túy.
Ngoài ra, các văn bản quan trọng trong công tác phòng, chống ma túy như: Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới;Thông tư liên tịch số 17 về hướng dẫn áp dụng một số qui định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS; Kế hoạch số 46/KH-VKSTC-V1C ngày 02/7/2008; Kế hoạch 371/KH-UBND ngày 26/2/2013 của UBND tỉnh Cao Bằng về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy năm 2013… đều được Ban cán sự Đảng VKSND Tỉnh triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên trong ngành bảo đảm nắm chắc và thực hiện đúng.
- Quan tâm tổ chức bộ máy, lực lượng phòng, chống ma túy:
Ban cán sự Đảng đã chỉ đạo các đơn vị bố trí cán bộ có bản lĩnh chính trị, có kinh nghiệm và vững về chuyên môn nghiệp vụ… đảm nhiệm công tác giải quyết án ma túy đi đôi với việc đào tạo đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên trẻ bảo đảm sự kế thừa. Đồng thời, trong phạm vi nguồn kinh phí được cấp đã tiết kiệm, tăng cường đầu tư, mua sắm các trang, thiết bị cần thiết ( Máy ghi âm, máy quay phim, máy ảnh, máy vi tính) cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên. Đến nay, 100% kiểm sát viên tại các đơn vị đã được trang bị máy vi tính đặt bàn, kiểm sát viên tham gia kiểm sát xét xử được trang bị thêm máy vi tính xách tay để phục vụ ghi chép, truy cập dữ liệu tại tòa. Các vụ án xét xử lưu động đều được bố trí xe ô tô đưa, đón; các vụ án ma túy lớn, phức tạp đều có kế hoạch bảo vệ an toàn cho Kiểm sát viên tham gia…
- Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy:
Với đặc thù công việc của ngành Kiểm sát, trong những năm qua việc truyên truyền của VKSND tỉnh Cao Bằng chủ yếu thông qua việc kết hợp với Tòa án đưa các vụ án ma túy đi xét xử lưu động tại các địa bàn nhạy cảm về ma túy (290 vụ án). Ngoài ra, ở một số đơn vị Viện kiểm sát huyện, thành phố Chi đoàn thanh niên của đơn vị đã kết hợp với các Chi đoàn thanh niên sở tại tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về ma túy trong các buổi sinh hoạt đoàn thanh niên; tham gia các tiểu ban xóa bỏ cây có chứa ma túy…
- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế:
Cao Bằng có 09 huyện giápTrung Quốc với 322 km đường biên giới, địa hình núi non hiểm trở, đường giao thông khó khăn cho đi lại. Với điều kiện vị trí địa lý, tự nhiên như vậy tỉnh Cao Bằng là một trong những điểm trung chuyển ma túy sang Trung Quốc và ngược lại. Nhằm đấu tranh với loại tội phạm này, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cao Bằng và Cơ quan phòng, chống ma túy Công an tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã có kế hoạch hàng năm giao ban một lần về công tác phối hợp, phòng THQCT kiểm sát điều tra, KSXX sơ thẩm án an ninh- ma túy VKSND tỉnh Cao Bằng cũng đã có ý kiến với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Cao Bằng những nội dung cần thiết (như việc xác minh các đối tượng người Việt Nam phạm tội trốn bên nước bạn; xác minh các đối tượng người Trung Quốc tham gia phạm tội tại Việt Nam…), để cùng phối hợp với nước bạn cùng đấu tranh đối với loại tội phạm này.
Một số khó khăn trong quá trình thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống và kiểm soát ma túy:
- Hệ thống văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật hình sự, trong quá trình thực hiện đến nay đã có nhiều bất cập, không còn phù hợp; Công tác hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm ma tuý (đặc biệt là tương trợ tư pháp) vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn (như công tác xác minh nhân thân, lý lịch bị can, phiên dịch, truy bắt đối tượng phạm tội là người nước bạn...), với Trung Quốc chưa thực hiện được.
- Việc trồng và tái trồng cây thuộc phiện, cây có chứa chất ma túy vẫn xảy ra do nhận thức của một số ít người dân còn hạn chế, với lý do trồng để làm thuốc, hoặc phục vụ nhu cầu nghiện của bản thân… Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ma túy chưa được thường xuyên kịp thời, chưa thực sự đi vào chiều sâu; kỹ năng thao tác nghiệp vụ, kỹ năng truyền đạt kiến thức pháp luật đến cộng đồng dân cư còn nhiều bất cập. Việc xây dựng phong trào tố giác tội phạm về ma túy và tệ nạn ma túy của quần chúng nhân dân chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn.
- Lực lượng đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm về ma túy, tệ nạn ma túy còn thiếu về con người; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ một số cán bộ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó số lượng các đối tượng sử dụng ma tuý nhiều, sức tiêu thụ lớn, phân bố đồng đều ở tất cả các địa bàn, từ thị trấn, thị xã đến các vùng sâu, vùng xa. Các đối tượng nghiện chất ma túy, sau khi được cai nghiện đã phần lớn tái nghiện trở lại (chiếm 60 đến 70%) do không công ăn, việc làm, không làm chủ được bản thân... trong khi đó việc theo dõi, quản lý của các cấp chính quyền cũng chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của đại bộ phận quần chúng nhân dân vẫn coi người nghiện ma túy là tội phạm nguy hiểm, có những cử chỉ hành động, lời nói miệt thị, xa lánh họ, kể cả người thân trong gia đình, do vậy việc tái hòa nhập cộng đồng của người nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn.
Đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế vi phạm, tội phạm và tệ nạn ma túy:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan khác trong hệ thống chính trị về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Cụ thể: Cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện việc xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy (Thay cho Thông tư số 17 ngày 24/12/2007) từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các vụ án ma túy ở địa phương.
- Các cơ quan tư pháp trung ương cần quan tâm tổ chức các lớp đào tạo và đào tạo lại để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán hoặc các giám định viên...), chủ động xây dựng, nghiên cứu các biện pháp bảo đảm phòng ngừa và đấu tranh hiệu quả đối với loại tội phạm này.
- Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) ở cả trung ương và địa phương trong công tác điều tra, truy tố, xét xử hình sự nói chung; công tác điều tra, truy tố, xét xử án ma túy nói riêng. Đồng thời, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần coi trọng hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật về ma túy. Quan tâm nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác cai nghiện ma túy (Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các Trung tâm cai nghiện; đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; có chính sách hỗ trợ cho của đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện...) cũng như tạo các điều kiện để người đã qua cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền