Rồi chẳng biết từ bao giờ câu chuyện về các vụ án cuốn hút tôi, tôi yêu và thích cái nghề của bác tôi lúc nào không hay. Cuối năm lớp 12, tôi đăng ký thi vào khoa văn - Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn - Hà Nội để thực hiện ước mơ thời thơ ấu của mình nhưng cũng đồng thời làm hồ sơ xét tuyển vào trường cao đẳng kiểm sát - Hà Nội vì tôi thuộc diện được tuyển thẳng vào 1 trong các trường cao đẳng khối C. Ngày tôi nhận được giấy báo đỗ đại học cũng là ngày tôi nhận được giấy báo được tuyển thẳng vào trường cao đẳng kiểm sát. Bố mẹ tôi cho tôi tự quyết định tương lai của mình. Tôi suy nghĩ rất nhiều nhưng vẫn chưa thể quyết định dứt khoát vì việc học trường nào, ngành nào liên quan rất nhiều đến công việc và tương lai sau này của bản thân. Tôi hỏi ý kiến bác tôi thì bác nói với tôi: "Cháu cứ suy nghĩ kỹ đi. Làm nghề của bác thì rất vất vả, lương lại thấp, áp lực công việc nhiều. Liệu cháu có theo được không?". Tôi cứ suy nghĩ mãi về những gì bác nói. Tôi nhớ ngày đó tôi đã có nhiều đêm không ngủ, tự đấu tranh tư tưởng để tìm con đường đi cho mình.
Đứng trước hai sự lựa chọn, tôi vừa thấy vui nhưng cũng thấy mệt mỏi vì mọi quyết định phải đưa ra đều rất khó khăn. Nghĩ, ... nghĩ, ... và nghĩ, ... Tôi quyết định xin bố mẹ cho nhập học Trường nhân văn trước để xem môi trường học tập ra sao và 1 tháng sau trường kiểm sát mới nhập học, tôi sẽ có quyết định cuối cùng. Một tháng học ở trường nhân văn, quen thầy, quen bạn, quen môi trường học tập, tôi thấy điều kiện học tập ở đây rất tốt. Nhưng tôi vẫn không ngừng đấu tranh tư tưởng với mình và sau đó tôi đã quyết định chuyển sang Trường Cao đẳng kiểm sát Hà Nội học, xác định sau này mình sẽ theo nghề của bác, để trở thành một cán bộ kiểm sát. Ngày tôi có quyết định cuối cùng đó đã đánh dấu bước ngoặt đáng kể trong cuộc đời tôi. Từ một cô bé lãng mạn, hay mơ mộng, tôi theo học cái ngành nghề khô khan toàn điều luật, tội phạm, hình phạt mà những người từng biết tôi cho rằng nó không phù hợp với tôi. Đôi khi tôi cũng thấy mình "già" đi thật! Tôi không còn làm thơ, tôi không thể viết truyện và con mắt nhìn "xã hội" cũng không còn toàn màu hồng như xưa. Đôi khi cũng tự hỏi: "Mình theo học trường này có phải là một quyết định đúng đắn?".
Cho đến khi tôi về Viện kiểm sát nhân dân huyện Từ Sơn (cũ), nay là thị xã Từ Sơn thực tập, bước đầu làm quen với công việc mà mình đã chọn, tôi đã hiểu ra nhiều điều. Hồi đó, tôi có được tham dự một số phiên tòa hình sự do các kiểm sát viên Viện kiểm sát Từ Sơn thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử, nhìn các anh chị khi "ngồi tòa" thật oai. Có những bị cáo phản cung tại tòa nhưng kiểm sát viên bằng những lý lẽ sắc bén đã khiến bị cáo phải cúi đầu nhận tội và hình phạt cho những bị cáo này thường là rất nghiêm khắc. Tôi thầm ước giá mình được ngồi vào chiếc ghế đó… Nhưng cũng có những vụ án, khi nghe kiểm sát viên đọc luận tội, phân tích những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hết sức có tình, có lý, bị cáo đã khóc và tôi cũng không ngăn nổi dòng nước mắt thương cho những con người đã không vượt lên được số phận để rồi phải trả giá. Tôi đánh giá những người phạm tội biết khóc là những người thực sự biết ăn năn, hối cải và những người như thế, sau khi trả giá cho những sai lầm của mình có thể trở thành người có ích. Đôi khi tại phiên tòa, nhìn thấy con của những bị cáo, đôi mắt trong veo mân mê chiếc còng số 8, ôm cổ bố mà hôn, rồi chạy loăng quăng khắp phòng xử trong giờ giải lao, tôi thực sự thấy thương bọn trẻ. Chúng chưa đủ lớn để hiểu rằng phải rất lâu sau chúng mới được gặp bố, mới được bố dỗ dành, ôm vào lòng như lúc này... Và cũng từ đây, tôi đã khẳng định được rằng: Mình không "già" vì học trường kiểm sát mà trong mình vẫn là một "trái tim nóng" biết căm phẫn với những kẻ phạm tội liều lĩnh, ngoan cố nhưng cũng biết thương cảm với những mảnh đời lầm lỗi. Theo nghề này, tôi thực hiện được ước mơ theo cách riêng của tôi, góp phần nhỏ bé của mình làm cho con người và xã hội "đẹp hơn, sạch hơn và đáng sống hơn". Và từ đó, tôi thêm yêu con đường mình đã chọn dù biết con đường đó không hề bằng phẳng mà có rất nhiều trông gai, sóng gió, đòi hỏi bản lĩnh cao. Nhưng tôi tự nhủ rằng khi mình đã chọn thì phải tin tưởng và hết lòng với lựa chọn đó, có trách nhiệm học hỏi, rèn luyện bản thân, bản lĩnh để làm tốt công việc của mình, xứng đáng với 10 chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng cho ngành kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Cho đến bây giờ, sau gần 10 năm công tác tại Viện kiểm sát nhân dân thị xã Từ Sơn, tôi ngẫm lại thấy lời của bác tôi ngày nào quả không sai. Làm cán bộ kiểm sát, lương không cao, công việc thì vất vả, bất cứ ngày hay đêm, khi có nhiệm vụ là phải đi ra đường, không quản mưa gió, rét mướt, nguy hiểm rình rập. Hơn nữa, áp lực về nghề rất lớn. Trong lòng mỗi kiểm sát viên khi được phân án lúc nào cũng canh cánh một niềm là phải làm sao cho đúng, để không oan, không sai và càng ít mắc sai lầm càng tốt, để không ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo, của ngành. Nhưng cũng từng đó thời gian, tôi thấy yêu màu áo xanh của mình và tự nhủ lòng cố gắng nhiều hơn để không phụ lòng tin yêu của lãnh đạo, của những thế hệ áo xanh đi trước và góp phần nhỏ bé của mình trong việc khẳng định vị thế ngành kiểm sát nhân dân.
Tôi không hối hận vì con đường mình đã chọn và luôn tự hào vì mình là một cán bộ kiểm sát!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 618 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1200 | lượt tải:296QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 700 | lượt tải:96