VKSND tỉnh Thái Bình rút kinh nghiệm một số vụ án dân sự có vi phạm bị cấp phúc thẩm hủy án, sửa án.
Vu thứ nhất: ''Yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng đất ở vô hiệu'', giữa: nguyên đơn: Ông Nguyễn Tiến Khải, sinh năm 1938, Bà Trần Thị Tuơi, sinh năm 1958, trú tại: Số nhà 03, ngõ 77, đường Lê Hồng Phong, phường Điện Biên, quận Ba Đinh, thành phố Hà Nội. Bị đơn: Ông Phạm Đức Thiện, sinh năm 1954, Bà Nguyễn Thị Nguyên, sinh năm 1957, trú tại: Thôn Phúc Tiền, xã Thái Phúc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị Khắng, sinh năm 1947 (chị ruột của ông Khải), trú tại: Thôn Đồng Đại 1, xã Đồng Thanh Thanh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình; Bà Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1950(em ruột của ông Khải), trú tại: Thôn Hồng Tiến, xã Quyết Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
Nội dung vụ án: Bố mẹ ông Khải là cụ Nguyễn Cát Khánh (chết năm 1950) và cụ Phạm Thị Tý (chết năm 2008) có thổ đất ở diện tích 220 m2 tại thôn Phúc Tiền, xã Thái Phúc (thừa đất số 296, bản đồ 299 tờ số 03 mang tên cụ Tý). Năm 1975 sau khi cưới bà Tươi, ông Khải và bà Tươi xây dựng 04 gian nhà cấp bốn và xây bếp, sân gạch trên thổ đất. Năm 1985 bà Tươi tham gia quân đội lên Hà Nội ở với chồng nên ông Khải giao đất ruộng và vườn cho gia đình ông Thiện, bà Nguyên là cháu họ ở liền kề canh tác và thu hoạch lo giúp việc hương khói và trông nom cụ Tý. Những năm cuối đời bà Tý lên ở với bà Khắng, và mất năm 2008, nhà đất ở quê giao cho gia đình ông Thiện quản lý. Hàng năm ông Khải vẫn về hương khói. Tháng 9/2012 nhà xuống cấp và bị sập mái, ông bà về chuẩn bị xây lại thì bị gia đình ông Thiện cản trở và đưa ra tờ giấy bán nhà đất do cụ Tý nhờ người khác viết hộ với nội dung: Cụ Tý bán toàn bộ nhà ở và đất cho ông Thiện, bà Nguyên với giá 1,8 triệu đồng, đã giao trước l,5 triệu đồng, còn 300.000 đồng khi nào cụ Tý chết sẽ giao nốt để lo tang lễ. Ông Khải, bà Tươi cho rằng giao dịch bán nhà đất của cụ Tý với gia đình bà Nguyên là không hợp pháp nên sau khi được bà Khắng và bà Thanh uỷ quyền ông Khải đã khởi kiện yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng bị vô hiệu và buộc ông Thiện, bà Nguyên phải hoàn trả lại toàn bộ nhà, đất ở cho gia đình ông bà.
Ông Thiện, bà Nguyên khẳng định năm 1990 cụ Tý có bán nhà và đất ở cho gia đình ông với giá 1,8 triệu đồng, đã giao đủ tiền. Khoảng l tháng sau cụ nhờ người viết hộ giấy bán nhà đất và đưa lại cho gia đình ông 300.000 đồng, trong giấy viết rõ là bán thổ đất ở 345 m2 cả ao và 4 gian nhà ngói với giá tiền là 1,8 triệu đồng, đã nhận số tiền là 1,5 triệu đồng, còn lại 300.000 đồng đến khi nào cụ qua đời thì thanh toán nốt cho gia đình để lo tang lễ. Khi mua bán nhà các con cụ không có mặt nhưng sau đó ông Khải là con của cụ có biết, cụ thể là tháng 01/2009 ông Khải có viết đơn gửi chính quyền giao cho ông Thiện quản lý phần đất vườn và ao trước cửa nhà nhưng không được bán và giữ lại nhà, sân để làm nơi thờ cúng, đồng thời có nhắc tới việc đã nhận số tiền 1,5 triệu đồng còn 300.000 đồng bằng 1/6 giá trị thì để lại chưa nhận. Việc mua bán nhà, đất là sự thật nên ông Thiện, bà Nguyên không nhất trí việc kiện đòi lại nhà đất của ông Khải, ông bà yêu cầu gia đình ông Khải phải ra chính quyền để làm thủ tục sang tên nhà và đất cho gia đình ông.
Bản án số 01/2013/DSST ngày 04/4/2012 của Toà án nhân dân huyện T căn cứ các Điều 128, 136, 137, 289, 290 và Điều 305 Bộ luật dân sự. Khoản l Điều 131Bộ luật tố tụng dân sự, Khoản 2 Điều 27 pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án:Tuyên bố hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở lập ngày 07/10/1990 giữa cụ Phạm Thị Tý với bà Nguyễn Thị Nguyên bị vô hiệu. Buộc ông Phạm Đức Thiện và bà Nguyễn Thị Nguyên phải trả lại nhà và diện tích đất 220 m2(đất mang tên cụ Tý tại thửa 296, tờ sớ 03 bản dỗ 299). Giao cho ông Nguyễn Tiến Khải và bà Trần Thị Tươi được quyền tạm quản lý trong thời gian chờ hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất. Buộc ông Khải và bà Tươi phái hoàn trả lại cho ông Thiện bà Nguyên số tiền 1.500.000 đồng và bồi thường thiệt hại 43.100.000 đồng, tổng số tiền phải thanh toán là 44,6 triệu đồng. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Vụ án trên có Kiểm sát viên tham gia phiên toà, qua nghiên cứu bản án không phát hiện vi phạm, ngày 12/4/2013 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhận bản án do Viện kiểm sát nhân dân huyện chuyển không phát hiện vi phạm.
Ngày 15/4/2013 ông Thiện kháng cáo không nhất trí với bản án sơ thẩm.
Ngày 12/6/2013 Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình đã xét xử phúc thẩm vụ án trên có sự tham gia của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình. Bàn án của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã nhận định: Theo Pháp lệnh nhà ở ngày 26/3/1991 quy định: Hợp đồng mua bán nhà ở được ký kết giữa bên mua và bên bán. Đất có nhà ở không phải là đối tượng của hợp đồng mua bán nhà ở. Người được chuyển quyền sở hữu nhà ở được quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Chủ sỡ hữu nhà mới có quyền bán nhà ở. Nhà đất mang tên cụ Tý (tức Khánh) Nhà nước không cấm bán nhà, nhà nằm trên đất được phép chuyển nhượng, cho nên giao dịch mua bán nhà đất giữa cụ Tý với vợ chồng ông Thiện, bà Nguyên không vi phạm pháp luật vì đây không mua bán đất.
Tại phiên tòa sơ thẩm bà Tươi xác định có sự mua bán nhưng vợ chồng bà không biết và xác định mẹ chồng bà có nhận tiền của ông Thiện bà Nguyên như trong giấy tờ ghi là giá mua toàn bộ ngôi nhà đất là 1,8 triệu đồng, đã trả l,5 triệu đồng, còn lại 300.000 đồng chưa thanh toán cho mẹ chồng bà. Trong đơn đề nghị gửi chính quyền của ông Khải ngày 09/01/2009 viết: Gia đình ông Khải giữ lại nguyên trạng ngôi nhà và sân để cho mẹ ở đến khi nào chết mới giải quyết và để giữ lại ngôi nhà gia đình ông Khải để lại 1/6 số tiền không nhận từ vợ chồng cháu Thiện, tương đương với giá trị ngôi nhà và sân lúc bấy giờ (cụ thể là để lại 300.000đ/1.800.000đ chưa nhận tiền). Như vậy gia đình ông Khải biết giao dịch mua bán nhà đất giữa cụ Tý với vợ chồng ông Thiện từ khi cụ Tý chưa chết. Theo quy định về thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật dân sự ''Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập''. Giao dịch giữa cụ Phạm Thị Tý với vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyên, ông Phạm Đức Thiện ngày 07/10/1990 thì đã hết thời hiệu yêu cầu Toà án Tuyên bố hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở lập ngày 07/10/1990 giữa cụ Tý với bà Nguyên vô hiệu,
Về đường lối giải quyết vụ án thì đây là giao dịch mua bán nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1990 (ngày Pháp lệnh nhà ở và Pháp lệnh hợp đồng dân sự eó hiệu lực) phải được xem xét giải quyết theo Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 24/8/1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991. Cụ thể:
“ Điều 5: Mua bán nhà ở giữa cá nhân với cá nhân.
1. Trong trường hợp không có tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn tất, thì bên mua phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
2. Trong trường hợp có tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở và thủ tục chuyển quyền sở hữu chưa hoàn tất, thì giải quyết như sau:
a) Nếu hình thức của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng, thì hợp đồng được công nhận, các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và phải làm thủ tục chuyền quyền sở hữu;
b) Nếu hình thức của hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng thì giải quyết như sau:
- Nếu các bên chưa thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, thì hợp đồng bị huỷ bỏ;
- Nếu bên mua đã trả đủ hoặc một phần tiền mua nhà mà bên bán chưa giao nhà hoặc bên mua đã giao toàn bộ hoặc một phần nhà mà bên mua chưa trả đủ tiền, thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng và phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu. Nếu bên mua chưa trả đủ tiền, thì phải trả cho bên bán khoản tiền còn thiếu tính theo giá trị của nhà ở đó theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà có lỗi và gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.
3. Trong trường hợp thủ tục chuyển quyền sở hữu để thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở đã được hoàn tất, nhưng bên bán chưa giao nhà hoặc bên mua chưa trả đủ tiền, thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác, nếu bên mua chưa trả đủ tiền thì phải trả cho bên bán khoản tiền còn thiếu tính theo giá trị của nhà ở đó theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng mà có lỗi và gây thiệt hại, thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Toà án nhân dân huyện T đã không áp dụng Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH 10 ngày 24/8/1998 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 để giải quyết là vận dụng không đúng quy định của pháp luật để giải quyết vụ án là sai lầm nghiêm trọng về đường lối.
Với nhận định nêu trên, Tòa án nhân đần tỉnh Thái Bình đã căn cứ khoản 3 Điều 275: Điều 277 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung tuyên hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Thái Thuỵ để xét xử lại theo quy định của pháp luật. Quan điểm của viện kiểm sát tỉnh phù hợp với quan điểm của Tòa án tỉnh.
Vụ thứ hai: ''Kiện đòi tài sản'' giữa: nguyên đơn: Phạm Văn Chiến, Sinh năm 1968; Bị đơn: Phạm Văn Thắng, Sinh năm 1970; đều trú tại: Thôn Nội Lang Bắc, xã Nam Hải, huyện Tiền Hải, Tỉnh Thái Bình.
Nội dung: Anh Chiến có vào phường do anh Lân làm chủ phường, đến ngày 09/7/2011 anh được lấy phường, do anh đi làm ăn xa nên đã ủy quyền cho em trai là Phạm Văn Thắng ở nhà lấy hộ được số tiền là 69.000.000đ, cùng với số tiền lãi khác được 1.000.000đ, tổng cộng là 70.000.000đ. Sau khi lấy được tiền phường anh Thắng có thông báo cho anh Chiến biết và anh Chiến có điện thoại nhờ anh Thắng gửi toàn bộ số tiền vào quỹ tín dụng cho anh, đến Tết về anh lấy. Khi Tết anh về hỏi thì anh Thắng nói là đã gửi anh Phạm Xuân Hải là Giám đốc quỹ tín dụng xã Nam Hải, nay anh Hải đã chết nên không có để trả lại cho anh. Sau đó anh có đề nghị Ủy ban nhân dân xã Nam Hải giải quyết thì anh Thắng có trả cho anh số tiền 5.750.000đ mà anh Thắng nói là tiền gửi anh Hải trong thời gian 4 tháng với lãi suất 2%/tháng. Nay anh không chấp nhận việc anh Thắng gửi tiền anh Hải, vì anh nhờ gửi quỹ tín dụng Nhà nước chứ không gửi cá nhân. Nay anh yêu cầu anh Thắng phải thanh toán cho anh số tiền là 70.000.000đ, không tính lãi suất.
Anh Thắng công nhận là có lấy giúp anh Chiến số tiền phường là 69.000.000đ, cùng với số tiền lãi của anh Chiến cho vay khác được 1.000.000đ, tổng cộng là 70.000.000đ, sau đó anh Chiến có điện thoại nhờ anh gửi tiết kiệm, anh có nói với anh Chiến là gửi Quỹ tín dụng lãi suất thấp để anh gửi chỗ bạn anh đảm bảo mà lãi cao. Anh Chiến đã nhất trí nên anh đã gửi anh Phạm Xuân Hải với lãi 2%/tháng (có giấy biên nhận giữa anh Hải và anh), nhưng được 4 tháng thì anh Hải tự tử chết. Số lãi lấy được anh đã giao cho anh Chiến tại Ủy ban nhân dân xã Nam Hải. Đến nay anh Chiến đòi anh số tiền trên anh không chịu trách nhiệm vì anh chỉ 1à người cho vay hộ và anh Chiến là người nhận tiền lãi, thì anh Chiến phải chịu rủi ro trong làm ăn.
Bản án dân sự của của Tòa án nhân dân huyện T quyết định: áp dụng các Điều 25, 131 Bộ luật Tố tụng dân sự và các Điều 305, 559, 560, 561, 562, 564, 566 Bộ luật Dân sự: Xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Văn Chiến. Buộc anh Phạm Văn Thắng phải trả cho anh Phạm Văn Chiến số tài sản nhận giữ hộ là 70 triệu đồng, đã trả 5.750.000đ, còn phải trả tiếp 64.250.000đ. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm anh Thắng có đơn kháng cáo trong hạn luật định: không nhất trí với bản án sơ thẩm. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kháng nghị đề nghị sửa bản án trên với các nội dung:
Về tố tụng. Lời khai của anh Thắng thể hiện: Tháng 7, 8, 9 năm 2011 anh đã lấy tiền lãi của anh Trần Xuân Hải (do anh Chiến nhờ anh cho anh Hải vay với lãi suất 2%/tháng của số tiền 70.000.000đ là 1.400.000đ) để đóng tiếp phường cho anh (hiện do anh Nguyễn Đức Lân làm chủ phường. Nhưng cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ việc anh Lân có thu tiền phường của anh Chiến do anh Thắng đóng hộ hay không để làm căn cứ giải quyết vụ án là chưa thu thập chứng cứ đầy đủ, vi phạm Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung.
Về nội dung: Sau khi anh Thắng nhận tiền phường từ anh Lân, anh Chiến bảo anh Thắng gửi tiền vào Quỹ tín dụng nhưng anh Thắng thông báo cho anh Chiến là lãi suất quỹ tín dụng thấp nên cho anh Hải vay ngoài với lãi suất 2%/tháng và được anh Chiến đồng ý thể hiện bằng việc anh Thắng đã lấy tiền lãi của số tiền 70.000.000 đồng cho anh Hải vay từ tháng 7 đến tháng 9 năm 2011 và số tiền lãi của anh để đóng ba tháng phường hộ anh chiến cho anh Lân, mỗitháng 3.600.000 đồng. Ngày 31/01/2012 anh Chiến và anh Thắng thanh toán số tiền lãi còn lại của tháng 10 và tháng 11 năm 2011 là 5.750.000đ. Điều đó khẳng định có sự đồng ý của anh Chiến đề việc anh Thắng cho anh Hải vay lãi suất 2%/tháng. Như vậy anh Thắng chỉ là người giúp anh Chiến cho anh Hải vay 70.000.000 đồng, lãi anh Chiến lấy, anh Thắng không được hưởng lợi gì nên anh Chiến phải chịu rủi ro. Toà án cấp sơ thẩm buộc anh Thắng trả cho anh Chiến 70.000.000 đồng là đánh giá chứng cứ không đúng. Viện kiểm sát tỉnh đã kháng nghị, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm.
Ngày 10/5/2013 Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình đã đưa vụ án ra xét xử, Tại phiên toà, Anh Chiến và anh Thắng đã thừa thuận số tiền 70.000.000 đồng anh Chiến và anh Thắng mỗi người chịu một nửa, anh Thắng phải anh Chiến 35.000.000 đồng.
Như vậy thông qua việc kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát, tại phiên toà phúc thẩm hai bên đương sự đã thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Với nhận định nêu trên, Tòa án dân tỉnh Thái Bình đã căn cứ khoản 2 Điều 275; Điều 270 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung xử: sửa Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Thái Bình. Quan điểm của Viện kiểm sát phù hợp với quan điểm của Tòa án tỉnh.
Qua hai vụ án trên các đơn vị cần lưu ý: Theo quy định của Ngành thì trách nhiệm nghiên cứu, kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm trước hết thuộc về Viện kiểm sát cấp sơ thẩm. Đối với những vụ án có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa thì trước khi tham gia Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tra cứu, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật có liên quan để ngoài việc chuẩn bị phát biểu về tố tụng còn phải dự liệu cả đường lối xử lý vụ án và đôn đốc Tòa án chuyển bản án đúng hạn để nghiên cứu, kiểm sát. Nếu phát hiện vi phạm phải đề xuất Lãnh đạo Viện kháng nghị, trước khi ban hành kháng nghị phải báo cáo Viện kiểm sát tỉnh để nắm được nội dung vụ án, vi phạm đã được phát hiện và bảo vệ kháng nghị. Đồng thời bên cạnh đó phải chú ý kiểm sát chặt chẽ cả những bản án không có Kiểm sát viên tham gia để phát hiện vi phạm thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị kịp thời, không để xảy ra việc hủy án do có lỗi của Kiểm sát viên ở cấp sơ thẩm hoặc đã kiểm sát nhưng không phát hiện được vi phạm để Viện kiểm sát cấp phúc thẩm kháng nghị.
Nguồn tin: Kiemsatcaobang.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 618 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1200 | lượt tải:296QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 700 | lượt tải:96