Việc chăm lo, bảo vệ người chưa thành niên luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, thể hiện qua việc ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người dưới 18 tuổi như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Luật Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nhất là trong các trường hợp cha mẹ ly hôn, có con chưa thành niên được giao cho cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Khi đó, theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 có quy định tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng tại Điều 186.
Việc cấp dưỡng nuôi con không chỉ có giá trị vật chất mà còn có ý nghĩa tinh thần, là tình cảm của người vì lý do nào đó không trực tiếp nuôi con được nhưng vẫn yêu thương, chăm sóc con mình, nên có ý nghĩa nhân văn tích cực cần khuyến khích thực hiện.
Theo quy định tại Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Thực tế giải quyết tại TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, trong năm 2017 đã cho ly hôn và không công nhận hôn nhân 671 trường hợp, trong đó có 577 trường hợp giao con chưa thành niên cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng. Trong số này có 97 trường hợp, chiếm tỷ lệ 16,81 %, Tòa án có giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con và có 480 trường hợp, chiếm tỷ lệ 83,19 %, Tòa án không giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con do người trực tiếp nuôi con không có yêu cầu giải quyết theo quy định tại Điều 5 BLTTDS năm 2015 về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Số liệu này nếu tính trên cả nước thì tương đối lớn.
Có thể vì nhiều lý do khác nhau nên người trực tiếp nuôi con đã không yêu cầu Tòa án giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con, đây là quyền tự định đoạt của họ nên Tòa án phải tôn trọng. Tuy nhiên, việc cấp dưỡng nuôi con là vì lợi ích của con và khi có cấp dưỡng thì tốt hơn không có.
Cấp dưỡng là để nuôi con, chứ không phải cho người trực tiếp nuôi con, nên việc tự định đoạt không yêu cầu Tòa án giải quyết của người trực tiếp nuôi con là chưa phù hợp, trong một số trường hợp ảnh hưởng đến quyền lợi của người con.
Nếu bên trực tiếp nuôi con có điều kiện kinh tế khá giả, có thể lo cho con đầy đủ về vật chất thì việc họ không yêu cầu Tòa án giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con cũng cần phải được xem xét, bởi vì nhu cầu của con người là không có giới hạn và tiền cấp dưỡng nếu không cần sử dụng ngay thì có thể để dành cho người con sử dụng khi cần thiết. Mặt khác, như đã trình bài ở phần trên, việc cấp dưỡng không chỉ có giá trị vật chất mà còn là tình cảm của người không trực tiếp nuôi dưỡng dành cho con của mình để duy trì, nuôi dưỡng tình cảm giữa họ tốt hơn, đây là điều tích cực cần phát huy. Đương nhiên cũng loại trừ số ít những trường hợp người không trực tiếp nuôi con có điều kiện kinh tế khó khăn, không thể cấp dưỡng nuôi con được thì tạm hoãn cho họ đến khi có điều kiện.
Để khắc phục hạn chế trên, nhằm đảm bảo những người con chưa thành niên đều được mẹ hoặc cha không trực tiếp nuôi cấp dưỡng, cần thực hiện các việc sau:
Khi giải quyết các vụ, việc có giao con chưa thành niên cho một bên cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, Tòa án, Viện kiểm sát (đối với những vụ có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa) cần hướng dẫn, giải thích để người trực tiếp nuôi con có yêu cầu và Tòa án giải quyết việc cấp dưỡng. Tránh trường hợp vì muốn giải quyết nhanh vụ án nên giải thích, hướng dẫn cho người trực tiếp nuôi con không yêu cầu để khỏi phải giải quyết.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và khoản 3 Điều 208 BLTTDS năm 2015 thì khi giải quyết về tranh chấp nuôi con, Thẩm phán phải xem xét nguyện vọng của con chưa thành niên từ bảy tuổi trở lên. Đối với việc cấp dưỡng nuôi con, theo qui định tại khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì người được cấp dưỡng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc cấp dưỡng.
Từ các lý do trên, thiết nghĩ Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần xem xét hướng dẫn khi người trực tiếp nuôi con không có yêu cầu Tòa án giải quyết việc cấp dưỡng nuôi con, thì Tòa án phải xem xét nguyên vọng của con chưa thành niên từ bảy tuổi trở lên, nếu người con có yêu cầu thì Tòa án phải giải quyết. Trong một số trường hợp cần thiết, vì lợi ích của người con chưa thành niên, nếu không có ai yêu cầu, nhưng người không trực tiếp nuôi con tự nguyện cấp dưỡng thì Tòa án nên ghi nhận sự tự nguyện này.
Khi cha, mẹ ly hôn, con chưa thành niên phải chịu nhiều thiệt thòi, thiếu tình cảm, vì chỉ được một bên cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Người không trực tiếp nuôi con cần thực hiện tốt nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con để bù đắp phần nào thiệt thòi cho con mình. Do đó, việc giải quyết cho những người con chưa thành niên trong các vụ, việc ly hôn được cấp dưỡng càng nhiều càng tốt, để cuộc sống của họ được tốt hơn trong sự tiến bộ chung của xã hội chúng ta.
Tác giả: Đoàn Thanh Toàn - VKSND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 570 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1074 | lượt tải:265QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 671 | lượt tải:91