Đây là một trong những điểm mới được bổ sung trong BLTTHS năm 2015 để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra
Theo đó, Cơ quan điều tra (CQĐT) phải chuyển đầy đủ, kịp thời đúng hạn các biên bản, tài liệu cho Viện kiểm sát (VKS) để kiểm sát chặt chẽ hoạt động và nắm chắc tiến độ điều tra; chấn chỉnh nghiêm khắc biểu hiện thụ động, chờ CQĐT chuyển đến mới tiếp cận hồ sơ; phối hợp chặt chẽ với CQĐT ngay từ đầu để xác lập hướng điều tra, kế hoạch điều tra, thống nhất quan điểm trong việc đánh giá chứng cứ, xác định tội phạm, chỉ ra những thiếu sót tố tụng để khắc phục kịp thời, tránh việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, thực tế khi đi vào áp dụng quy định này đã nảy sinh một số vướng mắc như sau:
Cơ quan điều tra phải chuyển cho Viện kiểm sát những loại tài liệu nào để kiểm sát?
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức VKSND năm 2014 thì VKSND là cơ quan thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát hoạt động tư pháp. Vì vậy, tất cả các tài liệu được CQĐT trực tiếp ban hành hoặc thu thập trong quá trình điều tra đưa vào hồ sơ vụ án đều phải được VKS kiểm tra tính có căn cứ, tuân thủ về trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định pháp luật tố tụng hình sự; từ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét… cho đến các tài liệu, chứng cứ do CQĐT tiến hành thu thập đưa vào hồ sơ vụ án phục vụ cho việc chứng minh tội phạm như biên bản hỏi cung bị can, biên bản lấy lời khai, biên bản thu giữ vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra,... Tuy nhiên, trong nội dung khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 quy định: "Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này…".
Quy định này đã có hai cách hiểu khác nhau về tài liệu phải chuyển cho VKS.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: CQĐT phải gửi cho VKS tất cả các loại tài liệu liên quan đến hoạt động tố tụng được lập biên bản của CQĐT mà không có mặt Kiểm sát viên để kiểm sát trực tiếp (như nội dung đã nêu phần trên), Ví dụ: biên bản thu giữ vật chứng, biên bản hỏi cung, biên bản lấy lời khai, biên bản khám xét…
Quan điểm thứ hai cho rằng: CQĐT chỉ phải chuyển cho VKS các tài liệu mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của BLTTHS hiện hành; cụ thể, BLTTHS năm 2015 quy định 07 trường hợp Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia kiểm sát là: Đối chất (Điều 189), Nhận dạng (Điều 190), Nhận biết giọng nói (Điều 191), các trường hợp khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, tài liệu, đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử (Điều 192, 193), Khám nghiệm hiện trường (Điều 201), Khám nghiệm tử thi (Điều 202) và Thực nghiệm điều tra (Điều 204); trong 07 trường hợp này có 02 trường hợp Kiểm sát viên bắt buộc phải có mặt là khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, còn lại 05 trường hợp Kiểm sát viên "có thể vắng mặt" nhưng phải nghi rõ vào biên bản là đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, các trường hợp khám xét, thực nghiệm điều tra; quan điểm này xác định chỉ 05 trường hợp Kiểm sát viên phải tham gia nhưng vắng mặt không kiểm sát trực tiếp (như vừa nêu) thì CQĐT mới gửi biên bản, tài liệu cho VKS để kiểm sát, còn các biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, tiếp nhận được tài liệu khác CQĐT có tiến hành thực hiện nhưng không phải đối tượng áp dụng của khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015, CQĐT không phải gửi cho VKS mà chỉ chuyển cùng hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra, khi phục vụ phê chuẩn các lệnh, quyết định hoặc Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Điều tra viên để thực hiện hoạt động kiểm sát.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ: trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân phải "Bảo đảm mọi tội phạm đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, không làm oan nhưng không bỏ lọi tội phạm"; và xác định về nguồn chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 87 BLTTHS năm 2015 là "Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự"; muốn thực hiện tốt nội dung này VKS phải luôn chủ động nắm chắc được tiến độ điều tra của vụ án, các tài liệu chứng cứ được CQĐT thu thập trong từng giai đoạn điều tra, kịp thời kiểm sát tính căn cứ và hợp pháp của các tài liệu này. Như vậy, CQĐT phải gửi cho VKS tất cả các loại tài liệu liên quan đến vụ án mà Điều tra viên tiến hành trong các hoạt động điều tra, thu thập hoặc tiếp nhận được mà không có Kiểm sát viên tham gia kiểm sát trực tiếp để thực hiện hoạt động kiểm sát.
Vị trí đóng dấu bút lục? đánh số thứ tự bút lục kiểm sát trong mỗi lần nhận biên bản, tài liệu?
Theo quy định trong thời hạn 03 ngày, VKS đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát. Đến thời điểm này, chưa có hướng dẫn nào về vị trí đóng dấu bút lục của VKS.
Thực tế cho thấy các địa phương đang rất lúng túng trong việc thực hiện quy định này. Từ trước đến nay góc bên phải của tài liệu đang được CQĐT sử dụng để đóng dấu bút lục của hồ sơ vụ án, như vậy chỉ còn góc bên trái, lề hoặc các vị trí trống khác. Như vậy cần có sự hướng dẫn cụ thể về vị trí đóng dấu bút lục để thực hiện cho thống nhất, thuận lợi, dễ nhìn, dễ thấy và đảm bảo về thẩm mỹ nhưng cũng không được chèn nên các nội dung thông tin của tài liệu đó. Bên cạnh đó là cách đánh số bút lục, theo triển khai chung của VKSND tối cao các đơn vị thuộc VKSND tối cao và các VKSND địa phương đều đã thực hiện khắc dấu bút lục thể hiện các thông tin về tên đơn vị kiểm sát, ngày tiếp nhận tài liệu và số bút lục; tuy nhiên trong quá trình điều tra một vụ án sẽ có nhiều lần CQĐT chuyển biên bản, tài liệu đến VKS để kiểm sát, như vậy việc đánh số bút lục sẽ được đánh theo tuần tự, kế tiếp liên tục hay mỗi lần nhận biên bản, tài liệu sẽ đánh số bút lục lại từ đầu? mặt khác, đối với những tài liệu có nhiều tờ thì có phải đóng dấu vào tất cả các tờ hay chỉ thực hiện đóng dấu vào tờ đầu tiên. Ví dụ: Biên bản đối chất có 06 tờ thì thực hiện đóng dấu bút lục vào cả 06 tờ hay chỉ đóng dấu bút lục vào tờ đầu tiên của biên bản và ghi số lượng bút lục? trong thực tiễn trong một số vụ án kinh tế lớn có tài liệu dài hàng nghìn trang thì việc đóng dấu bút lục vào từng trang tài liệu sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Khó khăn trong chuyển biên bản, tài liệu đối với các cơ quan tố tụng ở Trung ương.
Với quy định về chuyển giao biên bản, tài liệu theo quy định tại khoản 5 Điều 88 BLTTHS, các cơ quan tố tụng ở cấp tỉnh và cấp huyện sẽ không gặp nhiều khó khăn vì khoảng cách giữa các cơ quan tố tụng ở gần nhau, trong cùng một địa phương. Tuy nhiên, đối với các cơ quan tố tụng ở Trung ương thì lại là một trở ngại lớn vì khoảng địa lý rất xa. Ví dụ: Hiện nay Vụ THQCT và KSĐT án ma túy (Vụ 4) VKSND tối cao thực hiện kiểm sát điều tra các vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) – Bộ Công an tiến hành điều tra, nhưng C47 lại tổ chức một bộ phận tại phía Nam (C47B), tiến hành thụ lý điều tra các vụ án xảy ra tại phía Nam; đối với các biên bản, tài liệu do CQĐT (C47B) thu thập muốn chuyển ra cho Vụ 4 Điều tra viên phải trực tiếp mang ra bằng đường hàng không thì mới đảm bảo về thời hạn theo quy định của BLTTHS, nếu thực hiện như vậy thì đối với một vụ án thì Điều tra viên phải liên tục di chuyển và mặt khác sau khi thực hiện Kiểm sát xong Kiểm sát viên cũng phải thực hiện bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đã kiểm sát có đóng dấu bút lục cho CQĐT. Hiện nay cũng có ý kiến cho rằng việc bàn giao tài liệu, biên bản về hoạt động tố tụng có thể thực hiện thông qua đường bưu chính bằng hình thức chuyển phát nhanh có đảm bảo; tuy nhiên biện pháp này có đảm bảo an toàn, không bị thất lạc hay không? Nếu có xảy ra rủi ro thất lạc hoặc mất tài liệu thì sẽ giải quyết thế nào và trách nhiệm thuộc về ai? Trong khi tài liệu chuyển giao theo quy định này đều là các bản chính và chắc chắn một điều có những tài liệu chỉ có một nếu mất đi thì không thể khôi phục lại được và có tài liệu mang ý nghĩa quan trọng quyết định đến việc giải quyết vụ án, nếu mất đi thì không thể xử lý được đối với vụ án.
Từ những nội dung vướng mắc nêu trên đề nghị liên ngành Trung ương cần có sự thống nhất và hướng dẫn cụ thể tháo gỡ những nội dung vướng mắc nêu trên để các cơ quan tiến hành tố tụng khi thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 được thuận lợi và thống nhất trong toàn quốc.
Tác giả: Ths. KSVCC Nguyễn Đức Giang - Vụ 4, VKSND tối cao
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 573 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1097 | lượt tải:267QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 673 | lượt tải:93