Theo đó, hoãn chấp hành án phạt tù trong các trường hợp sau: Hoãn chấp hành án phạt tù vì lý do sức khỏe; hoãn chấp hành án phạt tù đối với đối tượng là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và hoãn chấp hành án phạt tù trong trường hợp là lao động chính trong gia đình. Quy định như vậy là đầy đủ các trường hợp và trong thực tiễn việc hoãn thi hành án phạt tù đối với các trường hợp nêu trên được các Tòa án thực hiện một cách nghiêm túc và ít khi có kiến nghị hay khiếu nại gì.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của pháp luật về hoãn chấp hành án phạt tù trong một số trường hợp chúng tôi nhận thấy các quy định, hướng dẫn hiện hành còn có một số điểm vướng mắc bất cập gây lúng túng cho các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án khi thực hiện, cụ thể là:
Thứ nhất, đối với trường hợp hoãn chấp hành hành hình phạt tù vì lý do sức khỏe: Theo hướng dẫn tại mục 7.3 của Nghị quyết số 01/2007 thì “người bị xử phạt tù bị bệnh nặng được hoãn chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục” nhưng lại không có văn bản hướng dẫn như thế nào là “sức khỏe được hồi phục”. Cơ quan nào kết luận đánh giá? Trên thực tế xảy ra trường hợp là người chấp hành án chết, hoặc sức khỏe hồi phục sau đó trốn khỏi địa phương hoặc người chấp hành án mặc dù sức khỏe đã được hồi phục nhưng cố tình chây ỳ không đi chấp hành án, làm cho bản án của Tòa án không được tôn trọng và thực thi. Do đó, theo chúng tôi trong trường hợp này cần có hướng dẫn theo hướng cho hoãn theo từng khoảng thời gian từng năm một và sau khi hết thời hạn trên phải có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền kết luận về tình trạng sức khỏe trong trường hợp sức khỏe được hồi phục.
Thứ hai, hiện nay quy định đối với trường hợp hoãn chấp hành án vì lý do sức khỏe phải có bệnh án của tuyến tỉnh trở lên, trong thực tiễn có những trường hợp người bị kết án phạt tù đang trong thời gian chờ thi hành án thì bị tai nạn giao thông nằm một chỗ không đi chấp hành án được nên họ đã nhờ người thân viết đơn đề nghị Tòa án đã ra bản án hoãn thi hành, trong khi hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, vợ thì bỏ đi còn gia đình chỉ có bố mẹ già, không có điều kiện để đi bệnh viện tuyến tỉnh và việc xin sổ bệnh án đối với người dân gần như là không thể, do không có bệnh án tuyến tỉnh nên không có đủ điều kiện để hoãn chấp hành án được, theo chúng tôi thì đây cũng là một vấn đề cần có sự linh hoạt trong khi áp dụng các quy định hướng dẫn có liên quan.
Thứ ba, đối với trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù đối với đối tượng là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Quy định này xuất phát từ chính sách nhân đạo của Nhà nước ưu tiên bảo vệ đối tượng là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Theo Công văn số 99/2003/KHXX ngày 05/8/2003 của TANDTC hướng dẫn về việc hoãn chấp hành hình phạt tù trường hợp này như sau: “Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự, nếu người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”. Như vậy, theo quy định thì họ có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù, chứ không phải đương nhiên được hoãn chấp hành hình phạt tù. Để việc quyết định cho đối tượng này được hoãn chấp hành hình phạt tù hay không cần phân biệt như sau: “Nếu là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi bị xử phạt tù lần đầu (có thể kể cả mức án cao) và sau khi bị xử phạt tù không thực hiện bất kỳ hành vi vi phạm phát luật nghiêm trọng nào thì tinh thần chung là cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Nếu là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, sau khi bị xử phạt tù, chưa chấp hành hình phạt tù lại tiếp tục phạm tội, cho dù chưa được hoãn chấp hành hình phạt tù lần nào nhưng tinh thần chung là không cho họ hoãn chấp hành hình phạt tù…”.
Trong thực tiễn, việc áp dụng căn cứ này để cho hoãn chấp hành hình phạt tù đối với trường hợp trên còn chưa thống nhất giữa các địa phương. Có nơi, Tòa án cho người bị kết án hoãn chấp hành hình phạt tù từ thời điểm người bị kết án bắt đầu có thai đến khi con họ tròn 36 tháng tuổi. Có nơi tách ra hai giai đoạn, giai đoạn 1 cho hoãn chấp hành hình phạt tù trong thời gian mang thai; giai đoạn hai cho hoãn từ thời điểm người bị kết án sinh con cho đến khi con họ tròn 36 tháng tuổi, có nơi lại cho hoãn chấp hành án phạt tù từng năm một cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. Việc cho hoãn chấp hành án như trên mặc dù không ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng là phụ nữ có thai và đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, song sẽ rất khó khăn trong công tác theo dõi thi hành án.
Theo chúng tôi, trường hợp người bị kết án được hoãn chấp hành án phạt tù đối với đối tượng là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi nên có sự hướng dẫn thống nhất và theo hướng: Nên tách ra hai giai đoạn: hoãn chấp hành án phạt tù đối với phụ nữ có thai và hoãn trong trường hợp phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Việc tách ra như vậy để nhằm mục đích để thực hiện việc quản lý, theo dõi người bị kết án nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người bị kết án theo chính sách của Nhà nước.Tránh tình trạng căn cứ cho hoãn không còn (người được hoãn, tạm đình chỉ sảy thai, con của họ chết) nhưng họ không báo cáo chính quyền địa phương nên Tòa cũng không có căn cứ để chấm dứt việc cho hoãn chấp hành án.
Thứ tư, trước đây theo quy định tại khoản 2 Điều 261 BLTTHS 2003 thì: “Chậm nhất là bảy ngày trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù, Chánh án Toà án đã cho hoãn chấp hành hình phạt tù phải ra quyết định thi hành án và phải gửi ngay quyết định thi hành án cùng bản án, quyết định phạt tù đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan Công an cùng cấp và người bị kết án trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù”. Nhưng tại khoản 6 Điều 24 Luật THAHS lại quy định "Chậm nhất là 07 ngày trước khi hết thời hạn hoãn chấp hành án phạt tù, Chánh án Toà án đã quyết định hoãn chấp hành án phạt tù phải thông báo bằng văn bản và gửi ngay thông báo đó cho người chấp hành án, cơ quan được quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này." Như vậy, giữa BLTTHS và Luật THAHS có quy định khác nhau đối với nội dung trên dẫn đến việc Tòa án lúng túng không biết cần ra thông báo hay ra quyết định thi hành án. Thì nay Bộ luật TTHS 2015 đã không quy định vấn đề này nữa do đó, khi hết thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù, Chánh án tòa án đã cho hoãn chấp hành hình phạt tù phải ra thông báo bằng văn bản cho người chấp hành án.
Thứ năm, trường hợp trong thời gian được hoãn chấp hành án phạt tù mà bị án có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ bỏ trốn thì theo quy định tại khoản 2 Điều 263 BLTTHS 2003 trước đây thì:“Chánh án Tòa án đã cho hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù hủy bỏ quyết định đó và ra quyết định thi hành án để bắt họ đi chấp hành hình phạt tù”, BLTTHS năm 2015 đã bỏ quy định này vì vậy theo quy định tại khoản 4 Điều 24, Luật THAHS: Đối với những trường hợp này, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị Chánh án Toà án đã ra quyết định hoãn hủy bỏ quyết định hoãn mà không quy định là Tòa án đã ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ phải ra quyết định thi hành án để bắt họ đi chấp hành hình phạt nữa.
Tác giả: Hồ Nguyễn Quân - TAQS khu vực 1, QK4
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 647 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1263 | lượt tải:311QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 722 | lượt tải:102