Tính từ đầu năm 2011 đến tháng 6/2017, cả nước xảy ra 2.748 vụ mua bán người, liên quan đến 4.110 đối tượng, lừa bán 5.984 nạn nhân (trung bình một năm có trên 900 người là nạn nhân của tội phạm mua bán người). Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Mua bán người được che giấu bởi các hình thức như: Tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, tổ chức kết hôn thông qua môi giới… Nạn nhân của các vụ mua bán người thường chủ yếu làm nô lệ tình dục, lao động cưỡng bức, lấy nội tạng, bào thai, đẻ thuê... Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em như những năm trước đây mà đối tượng của loại tội phạm này hướng tới còn là cả những nam giới và trẻ sơ sinh.
Đối tượng phạm tội mua bán người ở hầu hết các độ tuổi, số đối tượng có độ tuổi trên 30 tuổi chiếm tỉ lệ cao. Nhìn chung các đối tượng phạm tội mua bán người có trình độ văn hóa thấp, có nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau. Hầu hết là những đối tượng có kiến thức xã hội, am hiểu xã hội và thường là người thông thuộc các khu vực biên giới, cửa khẩu, đường tiểu ngạch, đồng thời am hiểu phong tục…; đối tượng hoạt động băng nhóm, có tiền án, tiền sự. Trong một số trường hợp, đối tượng phạm tội mua bán người chính là nạn nhân của vụ mua bán người trước đó. Lợi dụng đặc điểm khó khăn kinh tế, thiếu việc làm ở nhiều địa phương; chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh; sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân… các đối tượng mua bán người đã hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài bán vào các động mại dâm, cưỡng ép kết hôn hoặc lao động cưỡng bức, trong đó trên 80% các vụ mua bán người ra nước ngoài.
Một số khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong thực tiễn áp dụng pháp luật về Tội mua bán người
Bên cạnh những quy định được sửa đổi, bổ sung mới, tiến bộ góp phần hoàn thiện pháp luật về Tội mua bán người; thực tiễn việc áp dụng pháp luật trong các vụ án mua bán người còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Thứ nhất, khó khăn trong việc xác định, sử dụng chứng cứ chứng minh trong việc giải quyết các vụ án về tội mua bán người
Thực tiễn xét xử cho thấy, tội phạm mua bán người thường mang tính truy xét, rất ít trường hợp bị bắt quả tang. Do vậy, đối với các vụ án không thuộc trường hợp phạm tội quả tang, chỉ khi người bị hại trốn được về địa phương và có đơn tố cáo thì đối tượng phạm tội mới bị phát hiện, nên khi điều tra, việc thu thập chứng cứ chỉ dựa vào lời khai của người bị hại cũng như lời khai nhận tội của đối tượng phạm tội; nếu người bị hại khai bản thân mình và nhiều người khác bị lừa bán chứ không phải chỉ một mình người bị hại đã tố giác, thì rất khó chứng minh nếu đối tượng phạm tội không thừa nhận. Chính vì vậy dễ dẫn đến việc xử lý oan cho người phạm tội hoặc bỏ lọt hành vi phạm tội.
Trong trường hợp xác định được người phạm tội, xác định được chứng cứ chứng minh người phạm tội thực hiện hành vi mua bán người nhưng không xác định được người bị hại do người bị hại vẫn đang ở nước ngoài, trường hợp này khi Viện kiểm sát chuyển hồ sơ sang Tòa án thì các Tòa án có cách giải quyết không thống nhất; có Tòa án thụ lý vụ án tiến hành xét xử vắng mặt người bị hại theo thủ tục chung, nhưng cũng có Tòa án cho rằng việc chưa xác định được người bị hại dẫn đến chưa làm rõ được hành vi phạm tội nên áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can Tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung yêu cầu xác định và đưa người bị hại vào tham gia tố tụng; việc này là không thể thực hiện được nên các vụ án thường bị tạm đình chỉ kéo dài.
Đối với các vụ án truy xét rất khó xác định tình tiết định khung tăng nặng hình phạt tại khoản 3 Điều 150 BLHS năm 2015 “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” vì trong trường hợp này, chúng ta chỉ xác định được trong trường hợp nạn nhân trở về và tố cáo với cơ quan Công an thì mới xác định được còn trong trường hợp có đủ chứng cứ đề chứng minh đối tượng phạm tội có hành vi mua bán nhiều người nhưng có những người chưa trở về, chưa xác định được địa chỉ họ đang ở đâu nếu họ đã bị lấy đi bộ phận cơ thể nào đó thì xử lý thế nào? Tương tự như vậy, tình tiết làm nạn nhân tự sát cũng rất khó xác định trong trường hợp không xác định được người bị hại đang ở đâu nếu họ tự sát do bị làm nhục thì cũng không có căn cứ để xử lý đối với người phạm tội.
Việc xác định thiệt hại, giá trị vụ lợi là rất khó khăn trong thực tiễn, bởi việc mua bán được thỏa thuận thực hiện giữa người mua và người bán mà người bị hại có thể biết hoặc không thể biết được giá trị mua bán của bản thân mình dẫn đến việc không thể xác định được giá trị của vụ lợi; đặc biệt trong trường hợp người mua ở nước ngoài thì Cơ quan điều tra chỉ có thể căn cứ vào lời khai của người phạm tội để xác định, việc chỉ dựa vào lời khai của người phạm tội có giá trị chứng minh thấp và không khách quan.
Thứ hai, quy định về Tội mua bán người trong Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng
Một là, hiện nay, BLHS năm 2015 quy định nhiều tội phạm mới có tình tiết định tội tương tự hay sử dụng tình tiết định khung hình phạt của Tội mua bán người là tình tiết định tội riêng biệt. Kể từ ngày 01/01/2018, khi BLHS năm 2015 có hiệu lực, việc áp dụng các Điều luật này để xử lý các hành vi phạm tội được dự báo rất khó khăn, nhiều ý kiến trái chiều không thống nhất trong việc định tội danh đối với các tội tương tự như Tội mua bán người như:
- Tội mua bán người (Điều 150 BLHS năm 2015): “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
…
b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…” với tội cưỡng bức lao động (Điều 297 BLHS): “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động…”;
- Tội mua bán người với tình tiết “đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” (điểm b khoản 3 Điều 150 BLHS) và Tội giết người (điểm h khoản 1 Điều 123 BLHS).
Ví dụ: Người phạm tội mua bán người nhằm mục đích lấy đi bộ phận là “quả tim” của nạn nhân. Như vậy, trường hợp này người phạm tội biết rõ “quả tim” là bộ phận không thể thiếu trong việc duy trì sự sống của con người, nếu không có quả tim thì nạn nhân sẽ chết; người phạm tội vẫn thực hiện dẫn đến nạn nhân chết thì việc định tội danh trong trường hợp này hiện có rất nhiều ý kiến trái chiều:
Ý kiến thứ nhất cho rằng, trong trường hợp trên chỉ được truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người với 02 tình tiết tăng nặng là đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân và làm nạn nhân chết (điểm b, d khoản 2 Điều 150 BLHS). Bởi người phạm tội trên thực hiện hành vi phạm tội với mục đích lấy quả tim nên dấu hiệu định tội về Tội mua bán người được thể hiện rõ ràng xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện hành vi phạm tội, khi xử lý hình sự về Tội mua bán người với 02 tình tiết định khung tăng nặng đã làm rõ đầy đủ hành vi phạm tội của người phạm tội.
Ý kiến thứ hai cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội là Tội giết người và Tội mua bán người. Đối với Tội mua bán người thì áp dụng tình tiết “đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân” còn Tội giết người thì không áp dụng tình tiết “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”.
Ý kiến thứ ba cho rằng, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội là Tội giết người và Tội mua bán người tương tự như ý kiến thứ hai nhưng đối với Tội giết người thì áp dụng tình tiết “để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân” còn Tội mua bán người thì không áp dụng tình tiết “đã lấy đi bộ phận cơ thể của nạn nhân”. Chúng tôi đồng ý với ý kiến thứ ba.
Một số tình tiết trong cấu thành cơ bản rất dễ nhầm lẫn đối với các tội khác như:
- Tội mua bán người với Tội chứa mại dâm (Điều 327), thực tế hiện nay trong các vụ án chứa mại dâm cũng có những trường hợp họ tự nguyện làm người bán dâm nhưng cũng có những trường hợp họ bị bắt rồi đem bán vào các ổ mại dâm và bị ép bán dâm nhưng chúng ta không chứng minh được hành vi mua bán người nên chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chứa mại dâm.
- Tội mua bán người với Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154). Trong hành vi chiếm đoạt bộ phận cơ thể người thì người phạm tội có thể có hành vi trộm cắp, lừa đảo và cũng có thể có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để thực hiện hành vi chiếm đoạt bộ phận cơ thể người thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật nào (Điều 150, 151 hay Điều 154?).
Hai là, BLHS năm 2015 quy định hậu quả của hành vi mua bán người là “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” là một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt mới trong nhiều tội trong đó có tội phạm mua bán người. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 không hề giải thích hay định nghĩa “gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân” được hiểu như thế nào khiến việc vận dụng trong thực tiễn là khó khăn và thiếu thống nhất.
Ba là, quy định tại điểm c khoản 1 Điều 150 BLHS hiện nay cũng có nhiều cách hiểu khác nhau:
Cách hiểu thứ nhất, nội hàm điểm a, b khoản 1 Điều 150 BLHS quy định 02 nội dung chính là mô tả hành vi “Chuyển giao hoặc tiếp nhận người” và mục đích người phạm tội “để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác; để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác”. Như vậy, theo điểm c khoản 1 Điều 150, hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện chuyển giao hoặc tiếp nhận người là đã thỏa mãn cấu thành Tội mua bán người.
Cách hiểu thứ hai, hành vi tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác phải nhằm chuyển giao hoặc tiếp nhận người để thực hiện các mục đích giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác hoặc để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác khi có đầy đủ các dấu hiệu trên mới thỏa mãn cấu thành Tội mua bán người.
Bốn là, Điều 150 BLHS năm 2015 mô tả hành vi “đe dọa dùng vũ lực” là tình tiết định tội trong cấu thành cơ bản của Tội mua bán người. Liên hệ các tội được quy định trong BLHS thì tình tiết đe dọa dùng vũ lực được sử dụng đặc trưng trong Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS) và Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS) thể hiện rõ bản chất và mức độ nguy hiểm của hành vi này. Đối với Tội cướp tài sản, hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc được thể hiện dưới các dạng như bằng lời đe dọa không vũ lực (mày không nghe tao, tao sẽ giết...); bằng hành động (dí dao vào cổ, dùng tay bóp cổ); và dạng phổ biến nhất trong thực tiễn hiện nay là kết hợp giữa đe dọa và hành động (dí súng vào đầu và đe dọa mày không nghe tao tao bắn chết ngay) bằng các hành động quyết liệt trên người phạm tội đã khống chế được ý chí và làm tê liệt ý chí kháng cự lại của nạn nhân. Người phạm tội sẵn sàng thực hiện các hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng nạn nhân một cách ngay tức khắc. Đối với tội cưỡng đoạt tài sản, hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực đã thể hiện rõ được việc đe dọa không quyết liệt gay gắt như Tội cướp tài sản và hành vi sử dụng vũ lực có thể sẽ được thực hiện ngay hoặc sau một khoảng thời gian nhất định, hậu quả của hành vi này làm nạn nhân lo sợ nhưng chưa đến mức tê liệt hoàn toàn ý chí kháng cự, phản kháng. Như vậy, hành vi đe dọa dùng vũ lực nêu trên với ý định chiếm đoạt tài sản đã diễn tả được mức độ nguy hiểm của hành vi này trong các tội xâm phạm sở hữu. Vấn đề đặt ra trong Tội mua bán người thì hành vi đe dọa dùng vũ lực được thực hiện như thế nào? Mức độ nguy hiểm ra sao? Có phải là ngay tức khắc hay kéo dài cả quá trình vận chuyển nạn nhân? Mà khiến nạn nhân phải nghe theo dẫn đến hậu quả có thể bị xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của chính bản thân nạn nhân.
* Tình tiết định tội trong cấu thành cơ bản “lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân”. Đây là quy định rất khó xác định, vì như đã nêu ở trên không thể xác định được ý định của người khác và không đối tượng phạm tội nào thừa nhận việc mua bán người nhằm lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; việc quy định trên là mang tính phòng ngừa nhưng lại khó áp dụng vì rất khó có chứng cứ để chứng minh làm rõ ý định của đối tượng phạm tội; nếu chỉ dựa vào lời khai nhận tội của người phạm tội thì trái với nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự là nguyên tắc suy đoán vô tội.
* Điểm a khoản 1 Điều 150 BLHS năm 2015 quy định: “a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác”. Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản” trong khái niệm tài sản đã bao gồm tiền; tiền là một loại thuộc tài sản. Việc BLHS quy định “nhận tiền, tài sản” là không cần thiết, gây trùng lặp bởi trong nội hàm tài sản đã bao gồm tiền.
Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết vụ án mua bán người; để việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm mua bán người, chúng tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về các vướng mắc nêu trên để các cơ quan tiến hành tố tụng không bị lúng túng trong việc áp dụng pháp luật khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người, góp phần đẩy lùi loại tội phạm này nói riêng và các loại tội phạm nói chung.
(Trích bài viết: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm mua bán người” của Tiến sĩ Phạm Minh Tuyên, Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh, Tạp chí Kiểm sát số 03/2018).
Nguồn tin: Kiemsat.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 556 | lượt tải:0HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 1035 | lượt tải:254QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022
Thời gian đăng: 09/01/2024
lượt xem: 659 | lượt tải:90