Một số lưu ý nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Thứ hai - 28/10/2019 23:05
(kiemsat.vn)Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử hình sự là một cuộc điều tra công khai ngay tại phiên tòa để đánh giá lại toàn bộ các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra, làm rõ các tình tiết và sự thật khách quan của vụ án.

Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Xuân chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên toà hình sự sơ thẩm 

Trong hoạt động tranh tụng vai trò của Kiểm sát viên là rất quan trọng nhằm bảo vệ cáo trạng và giúp tòa án có được những nhận định đúng đắn để ra một phán quyết theo ý kiến đề nghị của mình. Nói cách khác, mục đích của tranh tụng của Kiểm sát viên với những người tham gia tố tụng khác là nhằm bảo vệ tính có căn cứ, hợp pháp của quan điểm truy tố.

Bên cạnh đó thông qua tranh tụng, Kiểm sát viên có thể phát hiện ra những nội dung bất hợp lý, thiếu căn cứ hoặc không phù hợp pháp luật của quan điểm truy tố. Nếu đủ cơ sở, Kiểm sát viên sẽ xử lý các tình huống phát sinh nói trên theo quy định của pháp luật Tố tụng hình sự như: đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung; rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố; chuyển tội danh nhẹ hơn hoặc thay đổi khung khoản truy tố phù hợp với thẩm quyền xét xử của Hội đồng xét xử.

Từ ý nghĩ quan trọng trên của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử hình sự, Kiểm sát viên tham gia xét xử phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, nắm chắc các tình tiết, nội dung vụ án, các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; xây dựng đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội; chuẩn bị tốt phương án tranh luận, đối đáp tại phiên tòa. Tránh tình trạng lúng túng, thiếu chủ động trong tranh tụng.

Để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử hình sự cần phải có sự chuẩn bị một cách tỉ mỉ, toàn diện từ khâu chuẩn bị tham dự phiên tòa, Thực hành quyền công tố tại phiên tòa cho đến khi kết thúc việc tranh luận, đối đáp tại phiên tòa.

Kiểm sát viên báo cáo án lãnh đạo Viện 

Giai đoạn chuẩn bị tranh tụng tại phiên tòa

Các hoạt động nghiệp vụ mang tính chuẩn bị cho tranh tụng tại phiên tòa xét xử hình sự của Kiểm sát viên gồm: nghiên cứu hồ sơ vụ án, xây dựng hồ sơ kiểm sát, xây dựng cáo trạng, chuẩn bị bản luận tội, xây dựng đề cương xét hỏi… Việc thực hiện những nội dung trên nhằm đảo bảo thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế nghiệp vụ của ngành bên cạnh đó sẽ giúp cho chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được tốt hơn.

Nghiên cứu hồ sơ vụ án:

Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự nhằm giúp cho Kiểm sát viên nắm vững nội dung vụ án, để từ đó có hướng giải quyết vụ án một cách đúng đắn và chính xác nhất, trong đó Kiểm sát viên phải xác định được: Có cần phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không; Có căn cứ để áp dụng, thay đổi biện pháp ngăn chặn hay không; Có căn cứ để ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án hay không?

Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự cũng là cơ sở để Kiểm sát viên xây dựng cáo trạng, chuẩn bị bản luận tội, lên kế hoạch xét hỏi, lập phương án tranh luận tại phiên tòa một cách chủ động nhất, chủ động giải quyết các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa.

Trong hoạt động tố tụng hình sự các tình tiết trong vụ án luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì vậy, để nắm được nội dung vụ án một cách chắc chắn cũng như chủ động trong quá trình xét xử đòi hỏi Kiểm sát viên phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có hệ thống và khoa học nhất bộ các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra. Trước hết, Kiểm sát viên cần nghiên cứu từng tài liệu riêng lẻ kết hợp so sánh chúng với các tài liệu, chứng cứ khác để tìm ra mối liên hệ giữa chúng. Từ đó, tổng hợp lại để phát hiện sự hợp lý hoặc những điểm mâu thuẫn giữa các tài liệu, chứng cứ nhằm đánh giá sự tin cậy của các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập. Đây chính là cơ sở để Kiểm sát viên có thể ra một trong các quyết định được quy định tại Điều 245, Điều 247, Điều 248 BLTTHS như: trả hồ sơ để điều tra bổ sung; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

Việc nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự phải làm sáng tỏ những vấn đề sau: Các thủ tục trong điều tra đã đảm bảo đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật hay không?; Có cần thiết áp dụng, thay đổi, hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo hay không?; Hành vi của bị cáo có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm không, áp dụng tội danh và điều khoản nào của Bộ luật Hình sự cho phù hợp?; Có cần xử lý vật chứng hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm việc bồi thường thiệt hại trước khi xét xử không?;Có căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án không?

Khi nhận hồ sơ vụ án hình sự từ Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên được phân công Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử vụ án hình sự cần phải kiểm tra xem hồ sơ đã đảm bảo về thủ tục tố tụng và đủ số lượng bút lục theo danh mục thống kê tài liệu có trong hồ sơ không, nếu phát hiện thiếu tài liệu nào thì phải kiểm tra để giải quyết ngay.

Khi nghiên cứu bất cứ tài liệu, chứng cứ nào có trong hồ sơ cũng phải kiểm tra để đánh giá về tính hợp pháp, tính khách quan và tính liên quan của chúng. Việc đánh giá tổng hợp các chứng cứ về vụ án chỉ được tiến hành sau khi đã nghiên cứu toàn bộ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ. Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải chú ý để phát hiện có thiếu sót trong quá trình điều tra vụ án hay không, những mâu thuẫn trong lời khai, các vi phạm trong thủ tục tố tụng để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Qua nghiên cứu hồ sơ, Kiểm sát viên nếu thấy cần phải rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa thì phải báo cáo lãnh đạo để xem xét quyết định việc có rút hay không.

Xây dựng hồ sơ kiểm sát:

Việc xây dựng hồ sơ kiểm sát phục vụ cho công tác Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử án hình sự của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Việc lập hồ sơ kiểm sát tốt thể hiện trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ ngoài ra giúp nâng cao chất lượng thực hiện chức năng kiểm sát.

Hồ sơ kiểm sát phải thể hiện rõ trình tự thủ tục tố tụng; nội dung và kết quả giải quyết vụ án ở từng giai đoạn tố tụng; phản ánh rõ các hoạt động của Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ và việc chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát đối với việc giải quyết vụ án.

Hồ sơ kiểm sát cần có các loại tài liệu sau: Các văn bản về thủ tục tố tụng; Văn bản, tài liệu chứng cứ như: lời khai của người bị hại, bị can, người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vật chứng dùng để chứng minh tội phạm, các loại biên bản khám nghiệm, kết quả giám định...

Các tài liệu trong hồ sơ cần được đánh số bút lục có bản thống kê bút lục kèm theo và được đóng trong bìa hồ sơ in theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành.

Theo đó, hồ sơ kiểm sát sẽ thể hiện các nội dung sau: Thủ tục tố tụng giải quyết vụ án; Nội dung vụ án, tội danh và điều luật áp dụng; Lời khai của từng bị cáo, người làm chứng... phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án và tóm tắt diễn biến của vụ án, được sử dụng như là những chứng cứ buộc tội có các bút lục cụ thể, dùng để đấu tranh kịp thời với bị cáo tại phiên tòa, có thể dùng ngay lời khai của bị cáo này để đấu tranh với các bị cáo khác, nếu vì lý do nào đó mà bị cáo chối bỏ lời khai của mình như đã trình bày tại cơ quan điều tra. Các bút lục chứa đựng các chứng cứ buộc tội như biên bản giám định, giấy chứng thương, sổ sách, chứng từ…Các bút lục ghi lời khai của người bị hại, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bao gồm cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội.

Xây dựng cáo trạng:

Khi kết thúc giai đoạn điều tra vụ án hình sự, Kiểm sát viên cần nghiên cứu hồ sơ một cách toàn diện để đánh giá, phân tích các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Nếu thấy có đầy đủ chứng cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo thì Kiểm sát viên phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát để xem xét ra Quyết định truy tố bị can.

Quyết định truy tố bị can được thể hiện bằng bản cáo trạng hoặc Quyết định truy tố trong trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn. Cáo trạng là văn bản pháp lý thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát để xử lý tội phạm và người phạm tôi. Cáo trạng cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử và cũng là căn cứ để Tòa án xác định giới hạn xét xử.

Cáo trạng phải được xây dựng theo mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành gồm 04 phần: Phần nêu căn cứ pháp lý xác định việc truy tố của Viện kiểm sát; Phần trình bày hành vi phạm tội của bị can; Phần kết luận; Phần quyết định.

Xây dựng đề cương xét hỏi:

Khi xây dựng đề cương xét hỏi, Kiểm sát viên thông qua quá trình nghiên cứu hồ sơ, phải phân loại các bị cáo và cần lưu ý các tình huống có thể xảy ra, kể cả trong trường hợp hồ sơ thể hiện các bị cáo khai rất thành khẩn, cần xác định các tình huống, diễn biến có thể xảy ra tại phiên tòa như: Khả năng phản cung của bị cáo, tại cơ quan điều tra các bị cáo đã khai báo thành khẩn nhưng ra tới phiên tòa do nhiều lý do khác nhau mà các bị cáo chối bỏ lời khai của mình nên các bị cáo khác cũng theo đó mà chối bỏ lời khai của mình. Cũng có trường hợp bị cáo đổ lỗi cho các đồng phạm khác hoặc chỉ nhận một phần hành vi phạm tội của mình; Kiểm sát viên cần phân loại và đánh giá xem bị cáo nào khi ra Tòa sẽ thành khẩn khai báo thì hỏi trước, đôi khi không nên hỏi bị cáo đầu vụ mà có kế hoạch hỏi tất cả các bị cáo có vai trò thứ yếu trước rồi mới có kế hoạch xét hỏi bị cáo đầu vụ sau; Cần phải có những câu hỏi trọng tâm, gợi mở, ngắn gọn, rõ ràng để bị cáo tự khai ra những hành vi phạm tội của mình. Ngoài ra, Kiểm sát viên cũng cần lường trước khả năng những người tham gia tố tụng khác như: người bị hại, người làm chứng... vì bị đe dọa, sợ bị trả thù mà thay đổi lời khai tại phiên tòa; Khi đặt câu hỏi cũng cần có kế hoạch đưa ra các tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo nếu bị cáo cố tình ngoan cố không chịu khai báo thành khẩn.

Xây dựng luận tội:

Luận tội là lời buộc tội của Viện kiểm sát đối với bị cáo, là thủ tục bắt buộc quy định tại Điều 321 BLTTHS mở đầu cho phần tranh luận tại phiên tòa; là cơ sở để bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng khác phát biểu ý kiến bào chữa; là căn cứ để Hội đồng xét xử xác định giới hạn xét xử và trực tiếp giúp HĐXX ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thực chất, đây chính là việc bảo vệ quyết định truy tố của Viện kiểm sát, nhằm buộc tội bị cáo theo tội danh mà BLHS quy định, đề xuất quan điểm của VKS về việc áp dụng hình phạt đối với bị cáo.

Thông qua luận tội, các nguyên nhân, điều kiện phạm tội được phân tích làm sáng tỏ giúp cho HĐXX đưa ra quyết định đúng đắn, đồng thời có tác dụng trong việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Ngoài ra, thông qua luận tội giúp cho những người tham dự phiên tòa hiểu biết thêm về pháp luật từ đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm hơn trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm.

Từ ý nghĩa đó, luận tội cần phải đảm bảo được những yêu cầu sau: Luận tội phải có căn cứ, chính xác, khách quan và cụ thể. Đây là yêu cầu cơ bản đầu tiên của luận tội. Trong luận tội, các kết luận về hành vi phạm tội của bị cáo phải được viện dẫn chứng cứ để chứng minh. Việc đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, vai trò, mức độ, trách nhiệm của từng bị cáo, điều khoản áp dụng phải đảm bảo chính xác. Phần đề xuất đường lối giải quyết vụ án Kiểm sát viên phải nêu cụ thể về hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các biện pháp tư pháp cần áp dụng; việc xử lý vật chứng, bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Kiểm sát viên phải viện dẫn điều luật được áp dụng làm căn cứ; Luận tội phải có tính thuyết phục, giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Tính thuyết phục thể hiện ở việc thuyết phục HĐXX rằng những luận cứ buộc tội của Viện kiểm sát là có cơ sở, đúng quy định của pháp luật; với người bào chữa, bị cáo những người tham dự phiên tòa cảm thấy tâm phục quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát.

Qua việc phân tích các điều luật mà hành vi của bị cáo phạm phải, luận tội góp phần tuyên truyền giáo dục pháp luật không chỉ với bị cáo mà với cả người tham dự phiên tòa hiểu rõ những hành vi bị pháp luật ngăn cấm để từ đó họ tự điều chỉnh hành vi của mình theo quy định của pháp luật.

Tính phòng ngừa thể hiện thông qua việc phân tích làm rõ các nguyên nhân, điều kiện phạm tội từ đó kiến nghị các biện pháp khắc phục, hạn chế các nguyên nhân đó để hành vi phạm tội không có điều kiện xảy ra; Về văn phong, ngôn ngữ: Luận tội phải được viết với văn phong mạch lạc, dễ hiểu, bố cục chặt chẽ, có tính logic, từ ngữ chính xác. Phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, tránh sử dụng từ địa phương.

Lập phương án tranh luận tại phiên tòa:

Khi Kiểm sát viên lập phương án tranh luận tại phiên tòa phải đặt ra các tình huống có thể xảy ra. Thông thường sẽ có hai tình huống có thể xảy ra: luật sư, bị cáo và người liên quan khác trong vụ án đồng tình với luận tội của Kiểm sát viên và ngược lại những người này đưa ra quan điểm, nhận định của mình để phản bác lại quan điểm luận tội của Kiểm sát viên.

Đối với trường hợp những người tham gia tố tụng đồng tình với luận tội của Kiểm sát viên thì đối đáp theo hướng thể hiện quan điểm giữ nguyên như nội dung luận tội đã đề cập tại phiên tòa này.

Đối với trường hợp luật sư, bị cáo có ý kiến khác với nội dung luận tội của Kiểm sát viên. Trong tình huống này đòi hỏi Kiểm sát viên phải nắm chắc nội dung vụ án và các quy định của pháp luật để chủ động trong việc đối đáp đưa ra những lập luận của mình đối với các ý kiến, đối đáp đầy đủ, không né tránh.

Thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm

Tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, Kiểm sát viên có nhiệm vụ rất nặng nề. Vụ án có được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực và trách nhiệm của Kiểm sát viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Kiểm sát viên cần nắm vững những kỹ năng nghiệp vụ cơ bản sau.

Công bố cáo trạng:

Trước khi tiến hành xét hỏi, Kiểm sát viên đọc bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung, nếu có (Điều 306 BLTTHS). Khi đọc bản cáo trạng Kiểm sát viên phải đứng thẳng hướng về Hội đồng xét xử và những người tham dự phiên tòa nói lời dẫn: “Thưa Hội đồng xét xử, tôi là … đại diện Viên kiểm sát nhân dân … công bố cáo trạng”.

Bản cáo trạng thể hiện quan điểm truy tố của Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát ký, Kiểm sát viên là người được phân công tham gia phiên tòa để bảo vệ cáo trạng. Vì vậy, Kiểm sát viên phải đọc nguyên văn cáo trạng, không được tự ý sửa chữa lời văn, từ ngữ trong cáo trạng.

Khi đọc cáo trạng Kiểm sát viên phải đọc to, rõ ràng, mạch lạc, chính xác. Phải sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt phổ thông, tránh sử dụng từ địa phương, miền núi. Không được đọc ngọng, sai lỗi chính tả.

Sau khi công bố cáo trạng, Kiểm sát viên có thể trình bày ý kiến bổ sung để làm rõ hơn nội dung của bản cáo trạng. Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Tham gia xét hỏi:

Khoản 2 Điều 307 BLTTHS trình tự xét hỏi bắt đầu từ  “chủ tọa hỏi trước sau đó quết định để Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện việc hỏi”. Thông qua việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên có thể kiểm tra lại các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để khẳng định kết quả điều tra vụ án. Bên cạnh đó, việc xét hỏi cũng làm rõ những tình tiết mới, chứng cứ mới mà những người tham gia tố tụng bổ sung tại phiên tòa. Thông qua việc xét hỏi để chứng minh tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ được thu thập trong quá trình điều tra và là căn cứ để bảo vệ quan điểm truy tố được thể hiện trong cáo trạng.

Quá trình tham gia xét hỏi tại phiên tòa phải được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tại phiên tòa, trên cơ sở đề cương xét hỏi mà Kiểm sát viên đã xây dựng trước khi tham gia phiên tòa Kiểm sát viên phải lắng nghe, ghi chép đầy đủ những câu hỏi mà Hội đồng xét xử đã đặt ra để đối triếu với đề cương xét hỏi của mình để tránh việc hỏi trùng lặp. Nếu câu hỏi đã được trả lời đầy đủ, rõ ràng thì thôi không hỏi lại nữa. Nếu các câu hỏi của Hội đồng xét xử trùng lặp với câu hỏi của mình nhưng bị cáo trả lời chưa đầy đủ, chưa rõ ràng thì Kiểm sát viên có thể hỏi lại để làm rõ thêm.

Khi xét hỏi, thái độ của Kiểm sát viên phải bình tĩnh; tránh việc lúng túng khi bị cáo phản cung không thừa nhận hành vi phạm tội như đã khai nhận tại Cơ quan điều tra, người bị hại, người làm chứng… có lời khai khác với những lời khai trong quá trình điều tra. Cần linh hoạt, chủ động khi xét hỏi cho phù hợp với diễn biến tại phiên tòa; tránh việc thụ động phụ thuộc hoàn toàn vào đề cương xét hỏi.

Kiểm sát viên cần đặt câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm để làm rõ những tình tiết của vụ án.

Kiểm sát viên chỉ xét hỏi khi được sự đồng ý của Hội đồng xét xử hoặc được Hội đồng xét xử yêu cầu hỏi. Trong quá trình xét hỏi, Kiểm sát viên có thể đưa ra các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo. Trường hợp người tham dự phiên tòa đưa ra tài liệu, chứng cứ mới thì Kiểm sát viên phải hỏi kiểm tra rõ nguồn gốc, nội dung của chứng cứ để kết luận tính hợp pháp và tính có căn cứ của các tài liệu, chứng cứ mới đó. Nếu những tài liệu, chứng cứ mới có khả năng thay đổi nội dung của vụ án thì Kiểm sát viên có thể đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để xác minh.

Trình bày luận tội:

Sau khi kết thúc việc xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội. Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. (Điều 321 BLTTHS).

Như vậy, Kiểm sát viên phải trình bày lời luận tội của mình sau khi kết thúc phần xét hỏi. Kiểm sát viên đã chuẩn bị lời luận tội từ trước dựa vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình điều tra chỉ có giá trị chứng minh khi đã được kiểm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa. Bên cạnh đó, tại phiên tòa có thể sẽ có những tài liệu, chứng cứ mới được đưa ra có thể làm thay đổi nội dung vụ án. Chính vì vậy, tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần kịp thời bổ sung lời luận tội cho phù hợp với kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa chứ không được dựa hoàn toàn vào dự thỏa luận tội đã viết sẵn.

Luận tội của Kiểm sát viên phải đảm bảo các yêu cầu sau: Phân tích đánh giá các tài liệu, chứng cứ để buộc tội bị cáo; phân tích động cơ, mục đích phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, vai trò của các đồng phạm trong các vụ án có nhiều người phạm tội; quan điểm áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án.

Khi trình bày luận tội, Kiểm sát viên cần nói to, rõ ràng, mạch lạc, sử dụng tiếng Việt phổ thông, tránh nói ngọng hoặc sai lỗi chính tả. Tác phong phải nghiêm túc, thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật qua từng lời nói trong khi phát biểu luận tội.

Tranh luận, đối đáp:

Việc tranh luận đối đáp tại phiên tòa được thực hiện theo quy định tại Điều 322, Điều 323 BLTTHS. Trong quá trình tranh luận, đối đáp Kiểm sát viên phải có trách nhiệm bảo vệ lời luận tội của mình và bảo vệ cáo trạng của Viện kiểm sát. Để đảm bảo sự chủ động trong phần tranh luận tại phiên tòa Kiểm sát viên được phân công Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử hình sự cần phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án để chuẩn bị đề cương tranh luận, đối đáp, dự kiến những tình huống mà luật sư, bị cáo và những người liên quan đặt ra đề nghị Kiểm sát viên đối đáp. Việc ghi chép đầy đủ các câu hỏi mà Hội đồng xét xử hỏi bị cáo, những người tham gia tố tụng khác, các câu hỏi của luật sư, người bào chữa và câu trả lời của từng người bị xét hỏi để nắm được cơ sở lập luận của từng người để chuẩn bị tốt cho phần tranh luận.

Trong quá trình tranh luận, Kiểm sát viên phải chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ các ý kiến, quan điểm của người bào chữa, bị cáo, người bị hại, người liên quan. Trường hợp họ trình bày quan điểm chưa rõ ràng thì Kiểm sát viên yêu cầu họ trình bày rõ thêm để nắm được quan điểm, luận điểm của họ. Nếu vụ án có nhiều người bào chữa thì phải ghi chép đầy đủ ý kiến của từng người rồi tổng hợp lại để phản biện lại. Kiểm sát viên cần phải phân tích các vấn đề được ghi chép và xác định nhanh nội dung cần đối đáp. Kiểm sát viên cần lưu ý để đề nghị Hội đồng xét xử cắt những ý kiến của các bên đưa ra mà không liên quan đến nội dung vụ án. Trong trường hợp có các tài liệu, chứng cứ mới được đưa ra thì cũng phải liên quan đến nội dung vụ án và được kiểm tra nguồn gốc, tính hợp pháp của tài liệu đó để có lập luận đối đáp hợp lý.

Kiểm sát viên cần đúc rút kinh nghiệm qua từng vụ án để nâng cao trình độ chuyên môn, phản ứng nhanh nhạy, quyết đoán, sâu sát với những diễn biến thực tế tại phiên tòa. Khi tranh luận, người bào chữa, bị cáo, người bị hại thường tập trung vào những vấn đề như: Không thừa nhận hành vi phạm tội; đề nghị đổi tội danh khác có mức hình phạt nhẹ hơn; đề nghị thay đổi điều khoản nhẹ hơn; đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung; đối với người bị hại thì tâm lý luôn muốn bị cáo phải bị xử phạt nặng hơn hoặc đề nghị mức bồi thường cao hơn… Trong những trường hợp như vậy, Kiểm sát viên cần phân tích lý luận về cấu thành tội phạm, đánh giá hành vi khách quan, động cơ, mục đích phạm tội, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, đánh giá mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra để lập luận và phản bác ý kiến của họ.

Kiểm sát viên cần phát hiện những mâu thuẫn trong tranh luận của người bào chữa và những người bào chữa với nhau, giữa người bào chữa với người bảo vệ quyền lợi của các đương sự để làm căn cứ phản bác lại những ý kiến tranh luận. Việc đối đáp cần đi thẳng vào trọng tâm, nội dung của vụ án, tránh dài dòng, lan man.

Trong quá trình tranh luận, đối đáp, Kiểm sát viên cần bình tĩnh, linh hoạt, văn phong, ngôn ngữ dễ hiểu, chính xác, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, lập luận, phản bác phải có tính thuyết phục có lý, có tình trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan; giúp cho bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình đã gây nguy hiểm cho xã hội nên việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bị cáo là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Kiểm sát viên cần tôn trọn quyền bào chữa của bị cáo và tôn trọng quyền lợi của những người tham gia tố tụng khác.                                          

Nguồn tin: Kiemsat.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 207 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 231 | lượt tải:61

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 207 | lượt tải:36
Liên kết website
Lịch năm 2024
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập18
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay5,577
  • Tháng hiện tại154,684
  • Tổng lượt truy cập694,836



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây