Tầm quan trọng của công tác xem xét thẩm định tại chỗ và kỹ năng kiểm sát của Kiểm sát viên đối với những vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất

Thứ hai - 05/07/2021 04:59
    Thực tiễn hiện nay, số lượng các vụ án tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai luôn có chiều hướng gia tăng với tính chất phức tạp. Nhiều vụ án phải kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử để Toà án thu thập chứng cứ, có những vụ án phải xét xử qua nhiều cấp, nhiều lần do Tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

     Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2021, đơn vị phòng 9 - Viện KSND tỉnh Cao Bằng có số lượng án hủy là 3 vụ trên tổng số thụ lý 46 vụ (án dân sự phúc thẩm: 33 vụ; hành chính: 13 vụ sơ thẩm).

    Trong số các vụ việc bị Tòa án cấp trên tuyên hủy bản án sơ thẩm, phần lớn nguyên nhân đều do Thẩm phán cấp huyện đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Một điều đáng nói là thực trạng hiện nay việc xem xét thẩm định tại chỗ trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự đặc biệt những vụ án có liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất chưa được chú trọng.

     Việc xem xét thẩm định tại chỗ là một trong những biện pháp xác minh thu thập chứng cứ do Tòa án thực hiện, có thành lập Hội đồng xem xét thẩm định gồm các cơ quan chuyên môn như: Phòng tài nguyên môi trường, công chức địa chính, Văn phòng đăng ký đất đai, cán bộ trung tâm kĩ thuật đo đạc thuộc Sở tài nguyên môi trường, có sự tham gia chứng kiến của đại diện Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức quản lý và đương sự, nhằm giúp cho cơ quan tố tụng xác định chính xác diện tích, hình thể thửa đất có tranh chấp, làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật.

    Điều đáng lưu ý mỗi khi tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đất có tranh chấp, Thẩm phán cần phải xác minh làm rõ được nguồn gốc đất tranh chấp được hình thành từ thời điểm nào và trong điều kiện hoàn cảnh nào.  

    Quá trình xem xét thẩm định tại chỗ cần phải xác định hiện trạng sử dụng đất do ai đang quản lý; Vị trí, kích thước, hình thể thửa đất tranh chấp (mô tả tứ cận), tình trạng thửa đất (đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa, đã đăng ký địa chính hay chưa, trên đất tranh chấp có những tài sản gì, nếu là tranh chấp nhà gắn liền với đất thì xác định cụ thể các tài sản gắn liền với nhà, việc đầu tư cơi nới, sửa chữa so với ban đầu, nguồn gốc hình thành những tài sản này, để làm cơ sở chấp nhận hay không chấp nhận đơn khởi kiện.

   Tuy nhiên ở hầu hết một số Toà án, các Thẩm phán thường không chú trọng đến những vấn đề này nên kết quả thẩm định tại chỗ thường bộc lộ nhiều thiếu sót nhất định. Qua công tác thống kê, phân tích số liệu cùng với xem xét toàn bộ các vụ án đã xét xử bị cấp phúc thẩm hủy án, đơn vị phòng 9 - Viện KSND tỉnh Cao Bằng nhận thấy nổi lên một số vi phạm như:

    -Thứ nhất, Thẩm định không chi tiết, không phản ánh đầy đủ thực trạng đất đang được sử dụng. Khi thi hành án đã phát sinh tài sản trên đất thuộc sở hữu của người khác chưa được giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu.

    -Thứ hai, Số liệu thẩm định không đúng với số liệu đo đạc thực tế nên không thể thi hành khi bản án có hiệu lực pháp luật.

    -Thứ ba, Có thẩm định nhưng tiến hành qua loa, biên bản thẩm định không nêu chi tiết không so sánh số liệu đo đạc địa chính do cơ quan có thẩm quyền quản lý, nên khó thi hành án sau này.

   Do đó trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ kiểm sát, đặc biệt là đối với những vụ án có liên quan đến tranh chấp đất đai, quá trình xem xét thẩm định càng phải được Kiểm sát viên đặc biệt chú trọng.

   Đối với Kiểm sát viên kiểm sát việc thụ lý và giải quyết các vụ án trong giai đoạn sơ thẩm cần chú ý:

    - Ra văn bản yêu cầu Tòa án sơ thẩm xác minh thu thập chứng cứ: tiến hành xem xét thẩm định nếu Tòa án chưa thực hiện việc xem xét thẩm định.

    - Trường hợp đã thẩm định tại chỗ, cần đối chiếu nội dung đương sự khởi kiện với diện tích đất tranh chấp được xác định trong biên bản thẩm định để đảm bảo có sự thống nhất.

   - Kiểm tra toàn bộ Biên bản thẩm định và đối chiếu với chứng cứ khác, đảm bảo phải có sự thống nhất giữa nội dung thẩm định với những tài liệu chứng cứ khác. Nếu không rõ hoặc không thống nhất cần yêu cầu Tòa án tiếp tục xác minh thu thập chứng cứ (trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị tạm ngừng phiên tòa).
Có thể thấy rằng việc yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong thẩm định sẽ giúp cho Tòa án tránh lặp lại những thiếu sót, kịp thời bổ sung những vấn đề còn thiếu, tránh được nguy cơ án bị hủy sau này.

    Chú trọng về khâu xem xét thẩm định tại chỗ giúp cho các Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát án dân sự tăng cường kỹ năng nghiệp vụ, kịp thời yêu cầu Tòa án xác minh thu thập chứng cứ, phục vụ tốt nhất cho công tác thực hiện quyền yêu cầu và quyền kháng nghị của ngành kiểm sát. 

    Đối với Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, do chỉ kiểm sát bản án không trực tiếp nghiên cứu  hồ sơ vụ án nên khi kiểm sát bản án, thấy vướng mắc cần trao đổi với Kiểm sát viên cấp huyện, nhanh chóng sao chụp hồ sơ gửi vào hòm thư điện tử hoặc trực tiếp báo cáo Phòng 9, để phòng nghiệp vụ cùng nghiên cứu, đối chiếu và so sánh. Trường hợp đất tranh chấp đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có các Hợp đồng chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp ... cũng phải thu thập đầy đủ để nghiên cứu.

    Tập trung nghiên cứu tỷ mỷ về trình tự, thủ tục thẩm định, đối chiếu giữa nội dung Biên bản thẩm định với nội dung bản án nhận định và quyết định, đối chiếu với sơ đồ kèm theo (nếu có) để tìm ra những bất cập, những vi phạm trong bản án, cần tập trung làm rõ kết quả thẩm định có được coi là nguồn chứng cứ để bác bỏ hay chấp nhận đơn khởi kiện không. Do đó cần phải kiểm sát chặt chẽ về thành phần tiến hành, quyền tham gia của đương sự, nội dung biên bản thẩm định với sơ đồ phải phù hợp với nhau và phản ánh đúng hiện trạng đất tranh chấp, phù hợp với các tài liệu thu thập khác trong hồ sơ. Trong mọi trường hợp, khi sử dụng kết quả thẩm định, Kiểm sát viên phải xác định được đất tranh chấp được hình thành trong điều kiện hoàn cảnh nào, do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hay được công nhận quyền sử dụng đất; nếu đất do người sử dụng khai hoang, lấn chiếm thì phải xem xét đối chiếu với quy định của Luật đất đai qua từng thời kỳ để xem xét có đủ điều kiện được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hay không...để làm cơ sở xác lập quyền sở hữu hợp pháp cho đương sự. Đồng thời phải xem xét kết quả thẩm định làm rõ trên đất có tài sản gì, của ai, do ai tạo dựng, để làm cơ sở cho việc xác lập, hay chấm dứt một quan hệ sở hữu.

    Nếu kết quả thẩm định không đủ điều kiện để xác định là chứng cứ thì việc Toà án căn cứ vào kết quả này để giao đất cho một bên đương sự là vi phạm tố tụng, cần phải kháng nghị phúc thẩm.

    Nếu kết quả thẩm định, định giá đủ điều kiện xác định là chứng cứ thì phải xem xét, đối chiếu bản án đã phù hợp với kết quả này hay chưa? Về nguyên tắc bản án tuyên phải căn cứ vào kết quả thẩm định, định giá đúng quy định của pháp luật, các số liệu trong Biên bản cũng phải trùng khớp với số liệu trong thẩm định, định giá. Nếu chỉ 1 số liệu không chính xác sẽ dẫn đến nội dung án tuyên không chính xác, nên cần phải kháng nghị đối với bản án này.

    Một điều đáng chú ý nữa là qua nghiên cứu kết quả thẩm định, Kiểm sát viên cần xem xét đến khả năng thi hành của bản án trên thực tế. Nếu trên đất có tài sản thì cần nghiên cứu để xác định: Quyền sở hữu tài sản này thuộc về ai, do ai đang quản lý, giá trị tài sản này bao nhiêu, nằm vị trí nào trên đất có tranh chấp. Từ đó, bản án sơ thẩm phải giải quyết triệt để để bản án có khả năng thi hành, tránh tình trạng đất giao cho một bên nhưng tài sản trên đất vẫn thuộc quyền sở hữu của một hoặc nhiều người khác, nên bản án không thể thi hành được khi án phát sinh hiệu lực pháp luật.

    Có thể thấy rằng công tác kiểm sát án dân sự, hôn nhân và gia đình luôn luôn là một trong những khâu công tác quan trọng của ngành kiểm sát. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thẩm định giúp các Kiểm sát viên áp dụng trong thực tiễn quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành, nhằm tăng cường các quyền yêu cầu, quyền kháng nghị và giảm thiếu thấp nhất các vụ án bị hủy, sửa.

Tác giả: Lan Anh - Phòng 9

Nguồn tin: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://kiemsatcaobang.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

3028/VKSTC-V14

"V/v quán triệt, triển khai thực hiện nội dung các đạo luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5"

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 204 | lượt tải:0

14/HDLN-BCA-VKSNDTC

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC PHỐI HỢP TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM SỬ DỤNG MẠNG MÁY TÍNH, MẠNG VIỄN THÔNG, PHƯƠNG TIỆN ĐIỆN TỬ THỰC HIỆN HÀNH VI CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 226 | lượt tải:59

766/2022/QĐ-CTN

QUYẾT ĐỊNH VỀ ĐẶC XÁ NĂM 2022

Thời gian đăng: 09/01/2024

lượt xem: 200 | lượt tải:35
Liên kết website
Lịch năm 2024
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập24
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay9,523
  • Tháng hiện tại137,167
  • Tổng lượt truy cập677,319



TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
- Chịu trách nhiệm chính: Ông Đàm Nghĩa Quân - Viện trưởng
- Trụ sở: Số 015, phố Bế Văn Đàn, phường Hợp Giang, Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng
- Điện thoại: 0263.852.436 – Fax: 0263.852.082
- Thư điện tử liên hệ gmail: trangtinvkscaobang@gmail.com
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng giữ bản quyền. Mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây